Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Sàigòn - mùa đông nóng


- Saigon cô nương

Sàigòn đang có một mùa đông nóng.
Thật ra Sàigòn chẳng có mùa đông. Nhưng thường như mọi năm, hết mùa mưa, vào tháng 12 tây, gió mùa Đông Bắc về mang chút gió heo heo mát mẻ. Ra phố, ai nấy áo gió, áo dài tay. Cũng coi như Saigon mùa đông.
Nhưng năm nay Sàigòn đang có một mùa đông nóng.

Thời gian cuối năm, ngày có ngắn đi một chút nhưng vẫn nóng quá. Mới hơn bảy giờ sáng, ra khỏi nhà mà nắng đã chang chang như muốn cháy da. Đến tận giữa đêm vẫn nóng.Tuy vậy, đa số các thiếu nữ Saigon vẫn có nước da trắng trẻo vì trang bị chống nắng đến tận răng. Nào khẩu trang che kín mặt và cổ, găng tay dài đến vai, vớ chân, nếu mặc váy thì thêm khăn choàng che chân
Nhiều cửa hàng trang hoàng cảnh mùa đông ôn đới. Có cây thông treo quả châu, có màu trắng tuyết rơi lác đác sơn trên cửa kính quán cà phê, hình ông già Noel giơ tay mời khách hàng bước vào tiệm… Nhìn mát mắt một chút giữa thời tiết thành phố quá nóng bức.
Chắc tại người ta miệt mài chặt cây, băm nát rừng để đốn gỗ lậu, xây nhà máy thủy điện… Ngoài sông biển thì dùng kích điện, lưới cào mắt nhỏ như kim tận diệt tôm cá. Rừng vàng biển bạc cạn kiệt ô nhiễm, rồi hiệu ứng nhà kính… khiến khí hậu thay đổi, trái đất ấm dần lên…
Đó là chuyện xa. Còn chuyện gần thì đã sang mùa khô, không mưa gió bão lụt nhưng chỉ cần thủy triều lên đủ làm nhiều khu vực ngập nặng. Ao hồ kênh lạch đều bị chiếm đất cho nhà cửa mọc lên. Khu vực quận 7 vốn là vùng trũng thoát nước cho thành phố bị san bằng để phân nền, xây chung cư. Một khu đô thị mọc lên, đổi lại thành phố ngập triền miên. Trời mưa ngập, không mưa cũng ngập. Gặp lúc vừa mưa vừa thủy triều lên thì lụt to. Cho nên sống ở thành phố mà cứ nghe tin bể bờ bao hoài như là sống giữa Đồng Tháp Mười sông nước.
Đó là khí hậu, về mặt kinh tế, xã hội nóng không kém.
Thời gian qua, do trại giam quá tải, tù nhân được thả nhiều nên tội phạm gia tăng mạnh. Cướp giật trắng trợn, đâm chém dã man và già nửa số tội phạm này đều dính dáng đến ma túy.
Nóng bỏng là kinh tế suy giảm, đời sống người dân ngày càng quá khó khăn. Sàn chứng khoán đìu hiu, bất động sản đóng băng, vàng tăng hơn giá thế giới, chủ doanh nghiệp ngoại quốc nợ lương công nhân lặng lẽ chuồn về nước bỏ của chạy lấy người… là những tin nóng cuối năm.
Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tết ai nấy nháo nhác vì lương lậu. Nhiều hãng xưởng công nhân nóng ruột như lửa đốt. Không dám mong đợi gì khoản lương thưởng tết nữa, chỉ cầu mong đòi được phần lương nợ mấy tháng chưa trả là may lắm rồi.
Đâu đó có tin lương thưởng tết cả vài chục, vài trăm triệu nhưng chỉ là cá biệt một vài doanh nghiệp, có vốn đầu tư nước ngoài hoặc công ty sản xuất độc quyền của nhà nước như điện, nước… hay là giám đốc, lãnh đạo chứ hầu hết người đi làm lãnh lương ba cọc ba đồng thì mặt méo xẹo.
Đồng thời công ty Điện lực công bố năm nay không thưởng tết cho nhân viên mà chỉ ứng lương. Cách đây hai năm, lương bình quân của ngành điện đã hơn chục triệu mỗi tháng trong lúc công nhân khu công nghiệp chỉ lãnh ba triệu tròn trịa. Nhà giàu như vậy mà bây giờ không có tiền tết thì công nhân hạng bét còn biết trông chờ vào đâu.
Tuy nhiên anh nhân viên đi thu tiền điện của công ty Điện lực bỏ nhỏ:
-Cỡ tui được khoảng hơn 20 triệu tiền ăn tết.
Thấy người hỏi tỏ vẻ ngạc nhiên vì nghi anh “nổ”, anh này nói ngay:
-Thiệt mà, khoản nào bí mật mới dấu chứ cái vụ này công ty cho công khai trong… nội bộ mà.
Nghành điện phân bua đó là khoảng ngắt ra từ tiền lương mỗi tháng, gộp lại cuối năm đưa thành tiền tết chứ không phải họ chơi trội đâu.
Các ngành từng “hot” như nhà đất, chứng khoán, ngân hàng… coi bộ việc chi tiền thưởng tết im lìm.
Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) – là người ngoại quốc- gửi “tâm thư” cho toàn thể nhân viên nhấn mạnh 2012 là một năm thực sự khó khăn cho ngân hàng nên chỉ có lương tháng thứ 13 chứ không có tiền thưởng tết. Dùng chữ nghĩa khác để tránh né chữ khen thưởng, thưởng tết… kẻo mọi người nghe lại ganh tỵ.
Cô Dương- nhân viên của một ngân hàng- điện thoại cho người thân:
-Mấy chị giúp em với. Chị nào có tiền dư thì qua gửi ngân hàng em. Ông sếp ra tiêu chuẩn thi đua phải có định mức tiền gửi tiết kiệm một tỷ thì mới có tiền thưởng tết! Ông còn hăm giảm biên chế nữa.
Vì thế nhân viên ngân hàng hớt hải đi kêu gọi bà con, bạn bè làm ơn gửi tiền vào ngân hàng để lấy điểm.
Không chỉ người đi làm mà học sinh năm cuối cũng lên cơn sốt mùa đông.
Ty học lớp 12 đang bù đầu học thi học kỳ I. Như đa số bạn cùng trang lứa, Ty đặt kế hoạch thi đại học vào ngành Quản trị kinh doanh để sau này ra làm… giám đốc. Nhưng vừa qua, bộ Giáo dục ra thông báo từ kỳ thi tới- 2013- sẽ ngừng tuyển sinh đại học vào các ngành ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh vì những ngành này đã thừa… văn bằng, thừa trường. Sau thời gian dài khiến thiên hạ đổ xô học ngành ngân hàng thì nay ngành này mới bày ra chuyện lỗ lã khiến nhân viên chới với. Có vẻ thời hoàng kim của ngân hàng đã qua.
Không làm giám đốc cũng không ngồi nhàn nhã đếm tiền trong quầy thì học ngành gì bây giờ? Học ngành kỹ thuật thì cực thân, dang nắng… Ai cũng khoái có bằng kỹ sư, cử nhân lận lưng chưa kể phong trào “thạc sĩ” tràn lan, nên mới có tình trạng “thừa thày, thiếu thợ”. Hè sang năm mới là mùa thi đại học nhưng giờ này nhiều trường đã hoàn tất sớm chương trình để lao vào luyện thi đại học. Lũ học sinh năm cuối trung học náo loạn hỏi nhau vậy chứ không học ngân hàng, quản trị kinh doanh… thì biết học cái gì bây giờ? Chọn một nghành đang “hot”, tới khi ra trường thì nguội. Ai mà tiên đoán nổi bốn năm sau thế nào.
Trước tình cảnh khó khăn, nhà nước cũng giảm bớt chi tiêu.
Mọi năm Sàigòn có hai đợt trang hoàng “phố tỏa sáng” nghĩa là giăng đèn kết hoa vài con đường trung tâm: Nguyễn Huệ, Lê Lợi... Nghèo thì nghèo, mấy con đường đó là bộ mặt thành phố, người ta trông vào nên Tết Tây thì kết nơ đỏ, giăng đèn hình hoa tuyết. Được vài ngày hết tết tây thì gỡ hoa tuyết xuống, căng hoa mai, hoa đào đón tết ta. Năm nay trong “tinh thần tiết kiệm”, nhà nước chăng hoa màu hồng tím, lá chuối xanh từ cuối tháng 12 trước tết tây qua tháng 1 tết ta. Trang trí một lần để đón cả hai cái tết chứ làm hai lần tốn kém quá.
Ai cũng lo, còn hơn tháng rưỡi nữa là tết. Bao nhiêu thứ trông vào tết. Đã có thông báo thịt heo, thịt gà… tăng giá. Vé xe đò tăng thêm từ 20 đến 30%. Một anh người Hà Nam bán xe bắp xào cho biết:
-Mọi năm tôi bán đến cận tết mới nghỉ. Năm nay người ta tiết kiệm quá, quà vặt chẳng ai ăn. Tôi sửa soạn về quê vì ở lại cũng chẳng bán được mà về muộn quá thì vé xe tăng giá từng ngày.
Tình trạng buôn bán ế ẩm thấy rõ khắp nơi. Từ cuối tháng 12 trở đến tết ta là cao điểm mùa mua sắm. Thế nhưng năm nay xem chừng tình hình im ắng. Các cửa hàng điện máy, hàng gia dụng, nhất là y phục thời trang đều kêu trời. Chưa tới thời gian xả hàng nhưng rất nhiều cửa hàng đều trưng bảng bán xon, đại hạ giá. Nhiều chương trình khuyến mãi đưa ra giảm giá đến 50-60%, mua 2 tặng 1, mua 3 tặng 2…mà khách hàng vẫn không mặn mà. Ai nấy chỉ tập trung vào nhu yếu phẩm mà thôi.
Nhà buôn hy vọng thay vì mua sắm từ Tết tây thì năm nay có thể khách hàng sẽ chuyển tập trung sắm sửa vào tết ta. Tuy nhiên với lương lậu và giá cả như hiện nay thì tình hình chẳng có vẻ gì khả quan.
Mùa đông nóng. Nóng ruột từ người nghèo đến cả người có tiền.
Ông cụ sống nhờ con ở ngoại quốc gửi tiền về cũng than:
-Con tôi làm công nhân, bao nhiêu năm nay chỉ gửi vậy, không hơn. Trong khi vật giá tăng phi mã, riêng “thu nhập” của tôi lại giảm. Năm ngoái giá đô hơn hai mươi hai ngàn mà năm nay chỉ còn hai mươi lẻ tám hai!
Mọi người thắc mắc tại sao giá xăng dầu trên thế giới giảm mà xăng trong nước vẫn nhất định không xuống. Mọi hàng hóa đều dính líu đến xăng dầu nên xăng không giảm thì làm sao hàng hóa giảm được. Ế thì ế hàng tết vẫn rục rịch tăng.
Thêm một cú giáng cho thị trường là thông báo tăng giá điện từ ngày 22 tháng 12, năm nay tăng hai lần cũng như năm ngoái.
Xăng còn có khi lui một bước để tiến ba bước nhưng điện thì chưa bao giờ giảm chút ít cho vui mà lúc nào cũng hùng dũng tiến lên.
Bận lo đến cái tết trước mắt khiến dân chúng tạm thời dẹp mấy chuyện nóng khác qua một bên: Vỡ đập Darkrong 2 do xe vận tải đụng mới phát giác bên trong bê tông là củi mục, động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 và mới đây nhất là đập thủy điện Đak Mek 3. Xây thủy điện mà sơ sài như dựng túp nhà. Một công trình thủy điện có thể khai thác 50 đến 70 năm trong khi chỉ 4 hay 5 năm đã hoàn vốn. Hỏi sao người ta không đua nhau làm thủy điện.
Bao nhiêu thứ cần chi tiêu hằng ngày, trong lúc cả nước có gần một triệu người thất nghiệp và hơn triệu người thiếu việc làm. Sẽ có nhiều tệ nạn xã hội xảy ra. Năm mới xem chừng nóng quá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét