Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Việt Nam nhất định có cách mạng sớm nếu... (Phần 1)



Nguyễn Ngọc Già
I. THỰC TRẠNG:
Nhìn vào bảng thống kê các cuộc đình công của công nhân Việt Nam trong hơn 15 năm qua (1995 - 2010) ta thấy có 2. 697 cuộc đình công gồm:
Giai đoạn 1995 – 1999 xảy ra 307 cuộc,
Giai đoạn 2000 – 2004 xảy ra 525 cuộc,
Giai đoạn 2005 – 2009 xảy ra 1.865 cuộc.
Số cuộc đình công giai đoạn 2005 - 2009 tăng gấp 6,07 lần so với giai đoạn 1995 – 1999 và gấp 3,55 lần so với giai đoạn 2000 – 2004.
Trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có trên 200 cuộc đình công, lưu ý rằng, theo thống kê cho thấy, đa số các cuộc đình công diễn ra vào nửa cuối năm đông áp đảo so với nửa đầu năm.
Trong bối cảnh giá cả leo thang, chỉ riêng tại TPHCM, số lượng cuộc đình công đang gia tăng mạnh mẽ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, đã có 21 cuộc đình công nổ ra do chủ sử dụng lao động không tăng lương cho công nhân. Con số này bằng gần 1/3 so với cả năm 2010.
Mức độ xảy ra đình công có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vô cùng khó khăn từ cuối năm ngoái đến nay. Báo Lao Động cho biết, chỉ riêng tỉnh Bình Dương, đã có hơn 20.000 lao động không trở lại làm việc sau tết và hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này cần đến 35.000 - 40.000 công nhân mà vẫn chưa tuyển đủ. Trước đó, vào dịp tết Nguyên đán đã có 50.000 công nhân không đủ tiền về quê ăn tết
Mới nhất, trang RFA cho biết, lúc 9 giờ sáng ngày 01/3/2011 công nhân kéo đến rất đôngtrước cổng công an huyện Trảng Bom - Đồng Nai để biểu tình phản đối phía công quyền đã bắt một số người biểu tình thuộc phe công nhân, tuy chưa có số liệu chính xác nhưng những tấm ảnh cho thấy con số có thể lên đơn vị ngàn người.
Cách đây không lâu, chúng ta cũng không quên Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh phải nhận lãnh tổng cộng 23 năm tù oan khuất vì tội "núp bóng đấu tranh ví quyền công nhân để phá rối an ninh".
Làm sao giải quyết việc làm cho 10.000 lao động tại Lybia trở về trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang vô cùng khó khăn?
Chùm bài 11 kỳ về việc "Nông dân mất đất" đã được các nhà báo kỳ công thực hiện khá lâu để cho thấy nguy cơ bất ổn xã hội trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, đẩy người nông dân vào con đường cùng. Ông Bình, Phó Chủ tịch UBND Huyện Quốc Oai, cho biết diện tích canh tác bình quân của huyện chỉ vào khoảng 12 - 13 thước/khẩu. Toàn huyện có 88.600 người trong độ tuổi lao động, trong số đó số người có việc làm khoảng 42.000, chủ yếu làm việc trong các làng nghề. Còn lại 40.000 lao động thuần nông, thiếu việc làm khi nông nhàn và khoảng 5.000 không có việc làm. Trước thực trạng bị thu hồi đất canh tác, nông dân chưa biết sinh sống bằng cách nào?
Xét tổng thể, Hải Phòng vẫn có khoảng 70% dân số là nông dân, bởi vậy hệ luỵ đó là số lượng nông dân mất đất ngày càng tăng, ước tính mỗi năm khoảng 1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đương 1000 ha gắn với gần 11.000 lao động mất việc làm. Từ đó cũng dẫn đến tình hình đơn thư khiếu kiện năm 2009 tăng nhanh trong đó 80 % là vụ việc liên quan đến đất đai. Tại Hải Phòng, giải quyết số lao động thất nghiệp tiếp tục là câu hỏi bỏ ngỏ...
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, năm 2011, địa phương này cố gắng giải quyết đến 137.000 lao động đang thất nghiệp . Vẫn là câu hỏi: giải quyết làm sao?
Mới đây các trang báo cho biết, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp cũng như tất cả các sinh hoạt khác.
Điện tăng giá. Xăng dầu tăng giá. Lạm phát tăng. Tất cả ảnh hưởng đến từng ngóc ngách mỗi gia đình.
Dự trữ ngoại hối thấp kỷ lục cộng với tình trạng tham nhũng không có dấu hiệu dừng lại mà mới đây, các trang báo tự do lên tiếng ầm ĩ vụ án "tiền Polymer" trong khi đó ĐCSVN vẫn lặng lẽ như tờ.
... tất cả những thực trạng ê chề nói trên có đủ gọi là "biến cố", "vận hội", "thời cơ" cho một cuộc cách mạng?
Cho đến nay chưa có số liệu chính thức số lượng công nhân tham gia các cuộc đình công trên CẢ NƯỚC tính đến 2010, số nông dân mất đất, số lao động thất nghiệp, số sinh viên ra trường không kiếm được việc làm... tuy nhiên nhìn tổng thể ước đoán qua các số liệu cụ thể dẫn ra như trên, có thể nói số lượng công nhân, nông dân, sinh viên, tầng lớp dân nghèo... sẵn sàng đứng lên làm cách mạng có lẽ không dưới 1.000.000 người. Một con số khá ấn tượng cho những ai đăm chiêu, suy nghĩ về "cách mạng".
Cuộc cách mạng tại Tunisia, Ai Cập vừa qua cho thấy, chỉ cần khoảng 200.000 người đồng lòng xuống đường kết hợp với việc quân đội không tiếp tay những kẻ độc tài đàn áp nhân dân là cách mạng chiến thắng với rất ít máu đổ, ngược lại cũng với số người tương đương đó nhưng Lybia đang có nguy cơ rơi vào nội chiến sâu sắc do yếu tố quân đội chia rẽ làm hai phe, mà Liên Hiệp Quốc, Mỹ và các đồng minh có vẻ phản ứng khá chậm trước diễn biến tình hình làm cho người dân cảm thấy các thế lực yêu chuộng tự do dân chủ có vẻ chủ quan? "Nước tới trôn mới nhảy"? Dường như họ cứ ngỡ Lybia có thể nối bước theo Ai Cập để có dân chủ với máu đổ rất ít, nên họ đứng im quan sát để rồi sự thể như ngày hôm nay, Mỹ vẫn còn cân nhắc dù đã đưa quân vào Địa Trung Hải?
II. GIẢI PHÁP:
Vấn đề còn lại đối với Việt Nam, các tổ chức chính trị trong và ngoài nước, cho đến nay chưa cho thấy tổ chức nào sẽ trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào?
Cách đây không lâu, một số người đã đề nghị các tổ chức: Thăng Tiến, Việt Tân, THDCĐN, Đảng Vì Dân, Khối 8406... hãy ngồi lại với nhau trên tinh thần gạt bỏ hết mọi nghi kỵ, hiềm khích (nếu có) để cùng thành lập một mặt trận liên minh làm đối trọng với ĐCSVN, nhưng những ý kiến này vẫn không được các đảng phái quan tâm, có một vài đảng phái viện dẫn lý do chưa thể ngồi lại cùng nhau vì nhiều nguyên nhân nhưng không có nguyên nhân nào thuyết phục.
Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước dường như vẫn loay hoay đi tìm những gì xa xôi hoặc hoạt động theo cái mình nghĩ là phù hợp thay vì đã phải chuẩn bị lực lượng từ rất lâu với các hình thức cụ thể:
- Đưa những thành phần cốt cán, có sức ăn nói, thuyết phục từ nhiều năm qua, tham gia một cách lặng lẽ, ẩn thân chờ thời, cùng ăn cùng ở, cùng chịu đựng những khó khăn với hàng triệu công nhân. Làm cách mạng phải kiên trì, dài lâu, các cá nhân trong đảng phái có đủ sự nhẫn nại, bền chí làm việc này không? Tại sao chúng ta không nhìn thẳng vào một thực tế của 2 chữ "DẤN THÂN"??? Hãy cùng cầm chén cơm lạt, cùng uống ngụm nước lã với công nhân thử xem, từ đó những người dám dân thân sẽ đủ sức thuyết phục từng ngưới công nhân.
- Đối với nông dân mất đất, sao các đảng phái không thử âm thầm mua vài hecta đất (tất nhiên những cá nhân đang hoạt động âm thầm trong nước sẽ đảm trách việc này), nơi mà những người nông dân đang bị chiếm đoạt, lặng lẽ hòa vào trong dòng người thử một lần với đúng nghĩa tư cách dân oan để tìm hiểu, thâm nhập, chia sẻ, hỗ trợ như những nông dân thứ thiệt mất đất? Gợi mở cho người nông dân đó những điều giản dị nhất về một cuộc đổi đời không xa lắm? Đất đối với nông dân như nước đối với cá. Người của các đảng phái nên sắm vai là những nông dân thứ thiệt, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng chung số phận như nông dân để hòa quyện vào với họ làm một.
- Tủa ra, chia nhau, âm thầm, lặng lẽ hòa lẫn vào với vai trò là những công nhân thực thụ, nông dân thứ thiệt, tiểu thương hẳn hòi, giáo sư, bác sĩ, trí thức đúng nghĩa... để đi vào bám sát từng nhóm người, từng con người rồi từ đó lan tỏa dần dần ngày một ngày hai, hơn là ở đâu đó, ấm êm để đưa ra những tư tưởng "từ dưới lên" hay "từ trên xuống". Về lý thuyết nghe khá khoa học, tuy nhiên chúng ta tự hỏi, lý thuyết có vẻ khoa học đó tại sao mãi chưa thành công. Vâng, vì nguyên nhân này, nguyên nhân kia, chưa có đủ sức người sức của, dân ta hèn, dân ta quen chịu đựng, chưa có cá nhân xuất chúng, ĐCSVN còn được ĐCSTQ chống lưng mạnh mẽ v.v... và v.v...
- Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao mỗi năm có cả tỉ đô la Mỹ được người hải ngoại đưa về trong nước, nhưng cả triệu công nhân kể trên khi họ cùng đồng lòng xuống đường đình công để đòi quyền sống thì các tổ chức chính trị ở đâu? Đây có thể nói về thời cơ chưa? Ai chưa nắm thời cơ? Làm gì cũng phải có tiền. Đặc biệt dân ta có câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", người cần được giúp đỡ ngay lúc khó khăn sẽ không bao giờ quên nghĩa tình đó. Dường như các tổ chức chính trị chưa chú ý đến điểm này? Hãy từ "cái miếng đói" đó mà lay động lòng người, giảng giải cho họ hiểu về thân phận nô lệ của người Việt Nam. Đó không hề là việc đóng kịch mà đúng hơn là sự hòa quyện, đồng cam cộng khổ để đi vào lòng dân mà có được chân lý (ai cũng biết): "Được lòng dân là được tất cả".
- Các tổ chức chức chính trị hải ngoại đưa người của mình hòa vào đời sống của nông dân, công nhân, trí thức, tầng lớp lao động nghèo... Hãy giúp đỡ họ ngay bàng những hành động thiết thân, giản dị nhất để từ đó khơi gợi ở họ ý niệm về một cuộc đổi đời. Có vẻ như các tổ chức chính trị hải ngoại rất chịu khó suy nghĩ, nhưng hành động thì chưa đủ thiết thực bởi sự thiếu dấn thân như nói trên. Đừng nghĩ dấn thân là phải hy sinh mạng sống. Không, hãy tự coi mình chính là những công nhân, nông dân, trí thức, thành phần nghèo trong xã hội, đó đã là sự dấn thân rồi.
- Những cá nhân hoạt động kín này phải đủ khôn khéo, thầm lặng, không phô trương, phải bí mật tuyệt đối để giữ thân phận và dần len lõi vào cuộc sống người công nhân, nông dân... nhằm gầy dựng lực lượng.
- Đặt ra kế hoạch trong 5 năm, 8 năm v.v... thì phải có một lực lượng nào đó, ví dụ đảng Việt Tân sau 8 năm có lực lượng 10.000 người, THDCĐN sau 8 năm có lực lượng 10.000 người... và quan trọng không manh động, luôn ghi nhớ sự ẩn thân và bình thản.
- Khi đã tập hợp một cách thầm lặng như thế phải luôn nghĩ đến bảo toàn lực lượng, tiến hành các hoạt động thăm dò, liên kết chặt chẽ và tuyệt đối kín đáo, tìm hiểu tình hình chính trị xã hội chặt chẽ có hệ thống khoa học. Ngay đây xin nói thêm, cứ như thầy Phạm Minh Hoàng (đảng VT) ẩn thân chờ thời khá lâu mà cuối cùng bị lộ quả là khó thuyết phục (như các đảng viên VT trước đó đã từng bị lộ rất sớm). Khi đã lộ là mất tác dụng, chỉ có hoạt động tại hải ngoại (như ông Quân, bà Võ Hồng...)
- Đã dấn thân thì cần nhớ, trong trường hợp xấu nhất là bị lộ thì dẫu có nhận tội hay không nhận tội cũng thế thôi, đó là bài học mà chúng ta thấy rõ trong lịch sử. Đối phương có thể xử nhẹ vài năm tù đi chăng nữa, thì người đó vẫn trở nên vô hiệu quả đối với phong trào cách mạng, như anh Lê Công Định, anh Nguyễn Tiến Trung... Vì khi tự do, các anh ấy vẫn không bao giờ và mãi mãi không bao giờ được đối phương buông tha (trừ phi xuất ngoại). Những tình tiết nhỏ mà lớn này lẽ ra từng đảng phái đã phải xác định kiên trì ngay từ đầu cho những ai tham gia. Tôi không dám nói về "giữ khí tiết" gì cả, thực tế đã chứng minh, những người bị lộ, bị tù, mãi mãi CSVN không bao giờ buông tha. Đó chính là sự hy sinh như Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Nguyên Sang... Làm cách mạng không phải trò chơi, "thích thì tham gia, chán thì đi ra". Lẽ ra các đảng phái phải nhấn mạnh điều này khi ai đó quyết định dấn thân cho Quê hương, cho Dân tộc.
- Dù có 100 người như BS. Nguyễn Đan Quế, TS. Cù Huy Hà Vũ, Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Nhà dân chủ Nguyễn Gia Kiểng... ĐCSVN cũng chẳng e ngại mảy may. Nhưng nếu có 200.000 người dân nghèo ĐỒNG LOẠT đứng lên, họ sẽ lẩy bẩy và chỉ cần một cú hích từ các nước tự do là họ sập ngay lập tức. Cần nhớ, cái dở của CSVN đó chính là "HÈN". Có thể Ben Ali, Mubarak, Gaddafi, Kim Chính Nhật rất độc tài, rất ác nhưng về "cái khoản hèn" họ dường như thua xa các ông CS nhà mình (trừ một số ít sắc máu thôi, còn đa số đều hèn và nhát). Đó là một lợi thế lớn mà các đảng phái chưa chú ý. Tôi nhớ có một phản hồi bên bài "Bạn có muốn nhìn thấy một cuộc cách mạng hoa lài tai Việt Nam" do Dân Luận khởi xướng, có một độc giả tự nhận là nhân viên an ninh (PA 24) cho biết một trong các nguyên tắc đàn áp của CSVN là "mềm nắn, rắn buông, mạnh hòa, yếu hiếp". Sao các đảng phái không quan tâm điều này?
(còn tiếp)
Nguyễn Ngọc Già
_______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét