Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Vỗ mặt đảng Cộng sản Việt Nam!


Nguyễn Ngọc Già


Tôi quyết định giật tựa khiêu khích như thế để đặt vấn đề với các tổ chức chính trị trong và ngoài nước cũng như cả những nhóm trí thức chủ xướng cuộc biểu tình chống bá quyền Trung Quốc 09/12/2012.

I. Thực trạng

1. Những tiếng nói cách đây nhiều năm như: Nguyễn Hộ, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cần v.v... dù người còn, người mất, vẫn được nhắc tới như nhiều người phân tích về sự nửa vời và mang tính tự phát, bức xúc từ cá nhân, có lẽ do họ thiếu vắng hẳn tính tổ chức và đồng lòng với tư cách một lực lượng đối trọng. Dù ít nhiều gây được dư luận, nhưng bất lợi lớn cho những vị này đã không gặp thời - INTERNET. Kết quả họ nhận lãnh, ít nhất là giam lỏng hoặc tị nạn. Điều may mắn hơn, có lẽ nhờ tên tuổi của họ cùng với thời đại thông tin không còn quá hoang dã, mặc dù chưa có internet như sau này, nhưng việc ám sát, thủ tiêu đã không xảy ra như thập niên 40'- 70' thế kỷ trước.
Thế hệ tiếp nối, vẻ như ngày càng rụt rè hơn và hầu như chỉ nói khi sửa soạn "khăn gói" như: Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Dương Trung Quốc, Nguyễn Thị Việt Nhân [1]... họ chưa chứng tỏ tầm cỡ, bản lĩnh như thế hệ trước và họ cũng chưa bao giờ xuất hiện, dù chỉ để quan sát, ghi nhận trước nhiều cuộc biểu tình tại Hà Nội hay Sài Gòn. "Nói" chịu nghe thì tốt, không thì thôi. Họ không chứng tỏ trách nhiệm tới cùng với tư cách đại biểu QH như người dân mong muốn.
2. Lá thư phản đối mới đây của các ông: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận đại diện cho 42 vị trí thức với lời lẽ mạnh mẽ, cương quyết, phẫn nộ để kêu gọi đồng bào đồng loạt lên tiếng trước hành vi đàn áp và vi phạm nặng nề nhân quyền cũng như đi ngược lại mong muốn của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ Tổ Quốc trước bọn bá quyền Trung Quốc, đã trở thành chảo lửa lòng dân trước sự phản động tận cùng của ĐCSVN đối với dân tộc và đất nước.
Dạo qua các diễn đàn, hầu như nơi nào cũng cho thấy tuyệt đại đa số là lời ủng hộ về việc phản đối này, thông qua hàng trăm phản hồi. Đó cho thấy lòng dân vẫn hòa cùng nhịp đập.
Lời phản đối nói trên cũng như phản ứng tố cáo với tư cách cá nhân ông Lê Hiếu Đằng, ông Tương Lai sẽ dừng lại như một viên sỏi ném xuống lòng sông, nếu không có những kế hoạch hành động tiếp nối, dài hơi và bền bỉ. Điều này lại càng trở nên nguy hiểm hơn cho cá nhân những người này, bởi sự quỷ quyệt và nham hiểm của giới cầm quyền là không còn gì để phân vân với những "bước chân âm thầm" cho những mưu mô, thủ đoạn ma mãnh để triệt hạ hết tất cả những tiếng nói yêu nước, thương dân. Những án mạng mờ ám có thể khó xảy ra như ngày xưa, nhưng một hình thức giam lỏng và xách nhiễu tương tự như ông Nguyễn Hộ, Trần Độ có cơ hội trở lại?
Giới cầm quyền Việt Nam nhất định không nhân nhượng là điều hoàn toàn khả tín. Nhắc điều này không thừa, bởi những vị ra tuyên bố đều là người tử tế. "Không sợ đắc tội với người quân tử chỉ sợ đắc tội với kẻ tiểu nhân". Án tù Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải v.v... vẫn còn nóng hổi.
3. Trong các cuộc biểu tình 2 năm qua (2011 - 2012), với tư cách xuống đường trực tiếp để quan sát và thông tin, tôi nhận thấy cuộc biểu tình ngày 05/6/2011 tại Sài Gòn là đông đảo nhất, ước lượng trên 3.000 người tham gia, kéo dài suốt từ đầu Dinh Độc Lập, LSQ Mỹ, LSQ Pháp, LSQ Anh cho tới Đài Truyền Hình Tp. HCM. Đó là cuộc biểu tình ấn tượng nhất mà ngay cả giới cầm quyền cũng hoàn toàn sửng sốt, bất ngờ đến độ ngỡ ngàng và hầu như không có hành vi xấu xí đáng kể nào xảy ra trước lượng người đủ lớn và đồng lòng như thế. Các cuộc biểu tình sau đó vơi dần. Điều này không thể nói người dân thờ ơ trước an nguy Tổ Quốc, mà nguyên nhân chính do đàn áp, bắt bớ, hành hung quá mạnh làm người dân chùng bước, nhưng lời bàn tán vẫn âm ỉ, rì rầm khắp nơi tại Sài Gòn. Có thể gọi hiện tượng đó là "Lửa vẫn còn trong tro", nó đang chờ sự khơi gợi của các lực lượng, các nhóm người uy tín và nổi tiếng.
4. Tác phẩm "Bên Thắng Cuộc" của nhà báo Huy Đức xuất hiện vào thời điểm hiện nay, không thể gọi đó là ngẫu nhiên, mặc dù một ít người chưa đọc, có phần vội vàng nhận định hời hợt trong khi chưa hiểu rõ ý đồ của tác phẩm hiện diện vào thời điểm này. Đó là dấu hỏi không nhỏ về một quá khứ lịch sử bi thương đang được trình bày có hệ thống mà trước Huy Đức chưa ai có đủ điều kiện, đủ can đảm và đủ lòng yêu sự thật để viết ra. Nhiều người ghi nhận, tác phẩm này như một sự trả lại công bằng cho "Bên Thua Cuộc" tựa như việc trả lại danh dự cho cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu về vụ "16 tấn vàng" cách đây hơn chục năm trước. Đồng thời, vẻ như tác phẩm mặc nhiên kêu gọi mọi tầng lớp, mọi phe phái, đặc biệt lớp trẻ trong và ngoài nước hãy chiêm nghiệm về sự tàn khốc của thời hậu chiến 1975 không đáng xảy ra như đã xảy ra, cùng với chiến tranh Việt - Trung 1979 xuất phát từ mâu thuẫn cùng sự lật lọng, gian giảo của những người CS anh em với nhau. Hậu quả cuối cùng, chỉ người Việt giết hại và đày đọa người Việt. Tác phẩm ra đời kịp lúc trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Làm sao để tác phẩm này gây chú ý nhiều hơn nữa từ khắp nơi trên thế giới. Một phiên bản tiếng Anh, tiếng Hoa có vẻ rất cần được tạo ra càng sớm càng tốt?!
Tác phẩm này đạt được độ tin cậy cao, tiếng vang lớn không chỉ bởi tên tuổi Huy Đức, mà nó xuất phát như là chính "Bên Thắng Cuộc" nói thật về "Bên Thắng Cuộc" bằng những tư liệu trung thực được tập hợp ngay cả những người còn sống của các hai phía, trong đó những tên tuổi như: ông Hồ Văn Kỳ Thoại (cháu của ông Hồ Biểu Chánh), nhà văn Phan Nhật Nam, là minh chứng cho sự thật khó lòng nghi ngờ. Tác phẩm này ngẫu nhiên ra đời trùng hợp với "Ý tưởng lập CLB huynh đệ lầm đường lạc lối" [2] từ Nguyễn Chí Đức, bỗng trở thành "cặp đôi hoàn hảo"nó đặc biệt đánh thức lương tri một cách thuyết phục thế hệ trẻ và trung niên vẫn đang phân vân và cố bao biện trước sự suy tàn của ĐCSVN hiện rõ.
5. Dù rất cảm kích và tri ân những đảng viên đảng Vì Dân, Việt Tân và những đảng khác đã chấp nhận tù đày để góp phần khơi nguồn đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, nhưng nhiều người chưa thể hài lòng với trả lời từ ông Nguyễn Công Bằng - người đứng đầu đảng Vì Dân Việt Nam (ĐVD), đặc biệt từ cuộc phỏng vấn ông Lý Thái Hùng - người đứng đầu đảng Việt Tân (ĐVT) với phóng viên Thomas Việt chưa làm thỏa mãn và gây tranh luận quá nhiều, lại theo hướng bất lợi cho chính các đảng này cũng như họ bộc lộ tư tưởng đã khá cũ: không chấp nhận đối thoại với ĐCSVN.
Dường như các chính đảng này hiểu cụm từ "đối thoại" như là việc ngồi vào bàn đàm phán những chuyện của hai hay nhiều quốc gia trong một vấn đề hệ trọng, trong khi (nói thật) họ chưa cho thấy họ có đủ tư thế, đủ khả năng để BUỘC ĐCSVN ngồi vào bàn? Có bao giờ các đảng phái nghĩ về hình ảnh: một cái cười khẩy và một cái nhún vai cùng câu hỏi "các anh là ai mà đòi chúng tôi phải đối thoại với tư cách chiếu dưới?" như là sự trả lời từ phía ĐCSVN?Và bế tắc là chỗ đó, nếu không giành thế chủ động "BUỘC" CSVN ngồi vào bàn đàm phán như đã nói.
ĐCSVN chỉ chịu ngồi vào bàn đàm phán khi và chỉ khi có áp lực đủ lớn như sự hiểm nghèo và nguy nàn hiển hiện, một khi họ không chịu (ngồi vào bàn) để mọi việc được giải quyết rốt ráo.
Ông Lý Thái Hùng dẫn ra những chế tài quyết liệt từ Mỹ đối với Myanmar, có lẽ thiếu công bằng, khi các lực lượng đối lập trong và ngoài Việt Nam đã làm được điều gì gây áp lực thật sự như giới độc tài Myanmar đã phải gánh chịu?
Tưởng cũng nên nhắc lại, thời điểm Mỹ cấm vận Việt Nam, mọi hậu quả tai hại đều trút lên đầu người dân. Thêm vào đó, tài sản, hiện vật, hiện kim của giới cầm quyền Việt Nam (nếu có) vào thời điểm đó như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt v.v..., có lẽ không nằm tại các quốc gia phương Tây, nếu có nằm tại các quốc gia đó thì cũng không đáng kể, như giới cao cấp Myanmar. Không thể nắm tên trọc đầu. Hiện nay, giới cao cấp Việt Nam có thể rút kinh nghiệm lịch sử, cho nên tài sản của họ nếu nằm đâu đó, chắc cũng tại những quốc gia "dễ dãi" hơn như: Thụy Sĩ, Canada v.v... Do đó, không thể lấy chế tài từ Myanmar để xem như là một dẫn chứng áp dụng được. Mặc khác, thời điểm hiện nay chưa đủ độ chín để Mỹ buộc phải áp dụng và kêu gọi các nước áp dụng biện pháp chế tài như mong muốn, trước khi có sự thúc ép khách quan hữu hiệu hơn như Libya hay Ai Cập, Tunisia vừa qua.
Bên cạnh đó, với tư tưởng không chấp nhận đối thoại của các đảng phái, nó có vẻ vô tình bộc lộ tính "ngoa ngoắt", "đành hanh", "cay cú" hơn là tầm suy nghĩ của những người làm việc lớn?!
Dù cho chế độ của Tổng thống al-Assad đang được đếm lùi từng ngày tồn tại [3] vẫn không chắc làm ĐCSVN nao núng, bởi có quá nhiều vấn đề khác nhau từ hai quốc gia Việt Nam, Syria. Do đó, những ai đang trông ngóng vào mặt trận ngoại giao vận động chế tài Việt Nam từ Mỹ sẽ thất vọng rất nhiều, khi điều này không thể xảy ra sớm sủa như nhiều người mong một cái gì đó tựa như lệnh cấm vận Việt Nam đã từng xảy ra sau 1975. Đó chỉ là mong muốn bất khả thi.
6.Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định: "Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo" [4]. Hai chữ "bán nước" nghe thật rợn người, có lẽ lần đầu tiên một người chức vụ cao nhất của ĐCSVN dám đề cập đến, trong khi dư luận vẫn không ngớt ồn ào về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định biên giới phía Bắc 1999. Trong câu nói của ông Sang, lại thiếu chữ "chính phủ" như ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng thiếu khi phát ngôn về vụ Bauxite: đó là "Chủ trương lớn của đảng và nhà nước". Một kiểu chơi chữ, một cách đổ thừa lẫn nhau hay một kiểu ám chỉ tên phản quốc???
Người dân cũng chưa bao giờ thấy ông Sang nói toạc ra những việc cần kíp và hệ trọng như: tự do báo chí, quyền biểu tình, lập hội, trả tự do cho tù nhân lương tâm, bầu cử tự do v.v... như là dấu hiệu của một "Thein Sein Việt Nam"! Đó cũng minh chứng thêm cho "tấm lòng" của ông Sang là như thế nào! Đừng mơ về Trương Tấn Sang và cả Nguyễn Phú Trọng. Lời nhắn này dành cho những ai đang "ngủ nướng".
7. Trước đó, ông Phil Robertson nhận định [5]: "Việc thiếu vắng một nhân vật đối lập có khả năng tập hợp được mọi người như Aung San Suu Kyi đặt các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam vào thế cực kỳ bất lợi...". Đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm của một "dân tộc tính" đáng buồn: ly tán, đố kỵ cũng như nhỏ nhen, ganh ghét và cả hẹp hòi, bẩn chật, bướng bĩnh, trong đó không thiếu sự góp tay của những kẻ "cầm bút... có lông", tất nhiên cũng không thiếu những người "đay đi nghiến lại" nỗi hận thù ngót 40 năm, dù ai cũng hiểu khái niệm "quay đầu là bờ" hay "phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật". Một số người Việt (cả trong và ngoài nước) vẫn thích gặm nhấm vết thương hơn là xoa dịu nó. Tính bao dung có vẻ vẫn cần nhắc lại một lần nữa, khi những vị như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận v.v... đã tỏ rõ quyết tâm vì dân, vì nước.
8. "Con Đường Việt Nam" hình thành trong khó nhọc, đã bị đay nghiến tương tự như sau này các ông Mẫm, Đằng, Nhuận .v.v... bị, không những thế còn có sự phá bĩnh của một số người hời hợt, khoe mẽ, kênh kiệu, góp vào đó là trang "antiptcdvn" chọc ngoáy, bôi nhọ bằng những bài viết vu cáo sống sượng; nó vẫn vững vàng phát động cuộc thi viết, dù không thành công như mong muốn, cũng chẳng ai thất vọng, với bối cảnh xã hội suy tàn hiện nay. Kết quả 43 bài dự thi là một nỗ lực lớn cho cả bên tổ chức và người hưởng ứng.
Tuy nhiên với phương châm "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh", các vị sáng lập có nên đảo chiều một chút cho phù hợp với hoàn cảnh VN hiện nay? Phải chăng nên bắt đầu từ "Dân sinh" song song đó hãy "khai dân trí" và "chấn dân khí"??? Người dân trong nước đang khốn đốn, thất nghiệp đầy dẫy, mất đất tràn lan, nạn giết người vô tội vạ từ phía công an, trộm cướp ngày càng lộng hành và táo tợn trước sự bất lực của công an (vì nhà tù quá tải nên phải thả bớt tội phạm, nhưng mang cái tên mỹ miều - "đặc xá" mà viên Phó GĐ CA Tp. HCM - Phan Anh Minh vừa tự phô bày đầy trên báo) v.v... do đó, phần lớn người dân còn bụng dạ nào mà nghĩ đến "khai trí" trước? Đó là tính thực tế mà thiết nghĩ "Con Đường Việt Nam" nên lưu tâm để tránh rơi vào "bẫy đấu tranh lý thuyết" - xa rời thực tiễn.
9. Chiến dịch "we the people" và "milion hearts one voice" từ người Việt hải ngoại mang lại gần 300.000 chữ ký ủng hộ là một điểm sáng, cho thấy người Việt hải ngoại vẫn hướng về Việt Nam như là nguồn cội không bao giờ quên được. Ngoài ra, việc các địa phương Wesminter, Santa Ana, Garden Grove ra nghị quyết không hoan nghênh giới chức Việt Nam bước vào các nơi đấy, cũng cho thấy Việt kiều đứng về phía người trong nước để tẩy chay nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
10. "Sự chậm trễ của cuộc họp nhân quyền Mỹ - Việt cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang nhạt dần vì Hà Nội đàn áp các nhà đấu tranh" [5], kèm theo điều mọi người đều biết, giới cầm quyền Hoa Kỳ luôn đặt vấn đề nhân quyền song hành cùng việc cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ có vẻ từ bối rối với "mạn sườn" Đông Nam Á "hở hang" để cho Trung Quốc độc diễn, mà chưa biết quốc gia nào có thể thay thế cho Việt Nam trong vai trò này, thì bỗng nhiên nhận được diễm phúc ngoài dự tính từ Miến Điện? Với sự lãnh đạm này, nếu vòng đám phán nhân quyền có diễn ra đi chăng nữa, giới quan sát có thể đồng nhận định là buổi đối thoại tẻ nhạt, chẳng có gì hào hứng cho một Việt Nam bớt thói "chảnh chọe", vì "người đẹp" Aung San Suu Kyi trở nên "hấp dẫn" hơn so với "tài tử điển trai" Nguyễn Tấn Dũng ngày càng diễn xuất quá thô vụng và trơ trẽn? Vì thế chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam từ Mr. Barack Obama như mong đợi có vẻ khó xảy ra, dù ông ta vừa tái đắc cử.
11. Sự đàn áp tôn giáo ngày càng nặng nề với việc kết án 17 thanh niên Công giáo cùng nhiều o ép từ Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành, Thiên Chúa giáo trong suốt nhiều năm qua, càng làm cho những người theo đạo ngày càng gắn bó hơn, cũng là điểm quan trọng hiện nay, không những thế, đó là những nơi có lực lượng đông đảo, có tổ chức và quan trọng là những người luôn hướng thiện.

II. GIẢI PHÁP

Tất cả những giải pháp này đều cần sự hợp lực của nhiều nhóm người nổi tiếng kết hợp, cũng như của các tổ chức chính trị đồng lòng hợp tác mới khả thi.
1. Yêu cầu giới cầm quyền Việt Nam chính thức phát hành bản đồ Việt Nam mới nhất, sau khi ký hiệp định biên giới 1999 và hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở đó, hoàn toàn có thể so sánh bản đồ cũ, lúc đó mọi nghi ngờ, tranh cãi hay biện hộ sẽ hoàn toàn ngã ngũ, không còn phải đôi co. Nếu phía cầm quyền không chịu (không dám) phát hành bản đồ mới, đó trở thành câu trả lời quá rõ về lời phát ngôn của ông Sang "Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo" . Sự thật, ĐCSVN "có bán nước" hay "không bán nước" sẽ phơi ra, không còn đường chối cãi. Đó cũng trở thành chứng cớ sống động để đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc phân xử theo yêu cầu của toàn thể DÂN TỘC VIỆT NAM.
2. Các nhóm trí thức nổi tiếng cần có kế hoạch cụ thể và dài hơi cho những chương trình tiếp theo, không nên dừng lại chỉ tố cáo, đòi hỏi, phản đối rồi bỏ lửng. Vì như thế, sự việc sẽ càng trầm trọng thêm nhiều lần. Đặc biệt, dứt khoát không nghe những lời đẩy đưa, ngọt nhạt, kêu gọi 'tình đồng chí".
Đưa ra những chương trình hành động mới, hữu hiệu hơn:
- Tuyên bố phản đối về sự không minh bạch của các hiệp định biên giới với Trung Quốc;
- Tuyên bố ủng hộ những việc làm của Nguyễn Chí Đức, Bùi Thị Minh Hằng;
- Tổ chức những cuộc biểu tình chủ động đến với dân chúng, xuất phát từ CHỢ, với kịch bản chi tiết cho cuộc xuống đường có tổ chức kỹ lưỡng, chu đáo, có phân công, phối hợp giữa các bộ phận, nhóm người, công cụ phải sẵn sàng (loa cầm tay, hoa, bong bóng bay với các biểu tượng, biểu ngữ, định giờ, lộ trình tuần hành, thời điểm đồng loạt thả bóng bay, cùng các hình thức nghệ thuật như nhảy Gangnam Style v.v...), cần tạo không khí phấn chấn lại vui nhộn, cương quyết nhưng không cực đoan, hồ hỡi nhưng không quá khích.
3. Các tổ chức chính trị nói riêng, người Việt hải ngoại nói chung hãy xem lại Hiến pháp tại:
Điều 75
Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
và Nghị quyết 36 của Bộ chính trị:
I.2 Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam,
để thay đổi nhận thức và tư thế của người Việt hải ngoại nói chung. Xin đừng mang tâm thức: không còn là người Việt Nam, hoặc giả "chuyện Việt Nam" thì người trong nước là chính, người hải ngoại chỉ hỗ trợ, khích lệ và lên tiếng giúp. Xin hãy đặt mình trong khuôn khổ Hiến pháp VN và Nghị quyết 36 để cùng người dân trong nước đòi hỏi giới cầm quyền thực thi điều do chính họ đưa ra. Xin nhớ, đó là những văn bản pháp chế hẳn hòi, không phải lời nói mua vui.
Quý vị đảng phái và người Việt hải ngoại hãy đồng lòng cương quyết đòi Việt Nam thực thi những gì đã tuyên bố bằng văn bản pháp luật bởi người CSVN đã mạnh mẽ xác nhận:
- Việt kiều là "BỘ PHẬN KHÔNG TÁCH RỜI CỦA CÔNG ĐỒNG DÂN TỘC VIỆT NAM"
và:
- cam kết "TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI...GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC" [6].
Mặt khác, có bao giờ các tổ chức chính trị và người Việt hải ngoại đặt câu hỏi:
- Tại sao ĐCSVN đầy tự hào và "ngang nhiên" kết nạp đảng viên, sinh hoạt chi bộ [7] một cách thong dong và "nghênh ngang" ngay trên đất nước mà họ không chắc thiện cảm lắm?
- Tại sao người CSVN có thể tung tăng khắp chốn [8] để tuyên truyền nghị quyết đảng và "lẫm liệt" đứng ngay trên xứ giãy chết để oang oang nói về "thế lực thù địch" thế này không?
Không phải khích tướng, xin hãy nhìn thẳng vào thực tế ê chề đó!
Các tổ chức và cá nhân người Việt hải ngoại!!! xin hãy dành thời gian, thay vì chống nhau, chửi nhau mà ngẫm xem, tại sao người CS có thể gây chia rẽ và xông xáo khắp chốn tự do như chỗ không người như thế, trong khi chính các quý vị mãi lo chống nhau hay chống Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Vân mà quên béng đi rằng, người CS thường xuyên và liên tục len lỏi khắp "hang cùng ngõ hẻm" để tuyên truyền, câu kết, lôi kéo, kích động, chia rẽ, mua chuộc chính từ những chuyến đi như thế này đấy! Trách ai đây?
Tại Mỹ, Canada họ còn tung tẩy và hớn hở đi như thế thì thử hỏi tại Nga, Đức, Ba Lan, Séc v.v... họ còn tràn lan cỡ nào? Sao chẳng thấy một hội đoàn, một cá nhân nào dõi theo những việc làm ngông nghênh như thế này, trong khi lại cứ chĩa mũi dùi vào nhau như thế kia?
Có khi nào các tổ chức, cá nhân nghĩ đến việc đòi Mỹ, Canada yêu cầu giới cầm quyền Việt Nam cũng phải "fair play" với những tổ chức hợp pháp do nhà nước Mỹ, Canada công nhận, các tổ chức Việt Tân, Vì Dân, THTNDC, THDCĐN v.v... cũng có quyền tung tăng khắp Việt Nam để tuyên truyền như tổ chức ĐCSVN cử người "bôn ba" thế này không?
4. Thế giới có ngày nhân quyền 10/12 hàng năm. Rất mong các nhóm trí thức trong, ngoài nước, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân nổi tiếng cùng hợp lực đưa yêu sách lên LHQ để xuất thành lập NGÀY TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM QUỐC TẾ, thay vì hiện nay người Việt hải ngoại chỉ có "Ngày tù nhân lương tâm Việt Nam". Nếu cuộc vận động này trở thành hiện thực, đó là công đầu của người Việt Nam trong và ngoài nước có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, góp phần cho công cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.
5. "Con Đường Việt Nam" được nhiều cá nhân, đoàn thể, các quốc gia yêu tự do quan tâm là một điểm son. Các quý vị sáng lập, có lẽ nên hướng đến những vấn đề thiết thực và cấp bách cho người dân trong nước như:
- Tư vấn miễn phí trình tự, thủ tục về pháp lý cũng như dự đoán các phương án ứng phó cho: những người mất đất, công nhân đình công đòi quyền lợi, những trường hợp khác như: tranh chấp dân dự, lạm dụng tình dục trẻ em, công an giết người vô pháp, cùng nhiều trường hợp lạm dụng pháp luật khác.
- Có những giao lưu trực tuyến giải đáp những vấn đề kinh tế, tổ chức sản xuất kinh doanh hộ sản xuất hay doanh nghiệp nhỏ khởi sự, đàm phán trong kinh doanh, giải đáp tâm lý trầm uất (mà hiện nay 15% dân số có dấu hiệu tâm thần [9] là một con số báo động đỏ).
- Những trường hợp tù nhân lương tâm, các vị sáng lập giúp họ, hoặc thân nhân họ soạn thư hay đơn gửi đến các tổ chức quốc tế, Hội đồng nhân quyền LHQ để đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa đến các trường hợp này bởi đa số những tù nhân lương tâm đều biết ít hay không rành sinh ngữ, do đó nếu thân nhân họ có muốn cũng khó tìm được chỗ thay mặt họ làm việc này.
Tất nhiên, với nhân sự hiện nay của ban sáng lập, rất cần mời thêm những chuyên gia từng lãnh vực làm việc thiện nguyện.
***
Con người có thể thay đổi cuộc đời mình bằng cách thay đổi thái độ của mình.
Human beings can alter their lives by altering their attitudes of mind.
William James
Có phải từng tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng, nhóm bạn, cá nhân trong và ngoài nước hãy cùng góp tay "vỗ mặt" ĐCSVN đang trong cơn say khướt quyền lợi để lay tỉnh họ? Và khi rất nhiều bàn tay đồng loạt vỗ vào mặt mà họ không tỉnh, lúc đó chúng ta đã tập hợp xong lực lượng để làm một cuộc xuống đường vĩ đại như người Bắc Phi - Trung Đông, có lẽ lúc đó giới cầm quyền Việt Nam không còn gì để than trách?!
Nguyễn Ngọc Già
_________________
[7] Kết nạp Đảng tại Harvard (Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét