Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Việt Nam nhất định có cách mạng sớm nếu...(phần 4)


Nguyễn Ngọc Già
Hơn một năm về trước, loạt bài "Việt Nam nhất định có cách mạng sớm nếu..." đã không nhận được sự thu hút bàn luận nhiều từ các độc giả. Tuy vậy, nó không làm người viết ngã lòng để thôi tiếp tục, "Cách mạng" không phải trò chơi cũng như "chiến tranh" không phải trò đùa. Tổ Quốc, Dân Tộc lại là điều mà những ai còn mang nặng trong suy tư buộc phải suy nghĩ.
Trong 3 phần trước, người viết đã nhắc lại lực lượng cách mạng quan trọng tại Việt Nam cho đến nay (với các cứ liệu cụ thể) vẫn phải là lực lượng nông dân, công nhân, tiểu thương và dân nghèo khác. Kể từ "tiếng bom" Đoàn Văn Vươn, để sau đó xuất hiện ngày càng nhiều và quy mô, dữ dội các cuộc đấu tranh đòi đất, giữ đất, kể cả tiểu thương bãi thị đòi quyền lợi chính đáng, càng củng cố luận điểm này???
Nhắc tới lực lượng này dễ làm nhiều người lo lắng (về bạo lực, đổ máu, trả thù) như cái gọi là "cuộc cách mạng trời long đất lở" của mấy mươi năm trước do người CSVN tiến hành. Ngày nay, ai cũng biết, người CS đã lừa dối và phản bội người nông dân, công nhân và dân nghèo sau khi cướp được quyền lực.
Người viết bài tự đặt câu hỏi: Xã hội Việt Nam ngày nay có phải vẫn cần "Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, NHƯNG kết hợp cuộc cách mạng tự do dân chủ?"
Giải phóng dân tộc thoát ách áp bức, bóc lột của CSVN cũng như họa nô lệ Trung Quốc đang hiện rõ? kết hợp với tự do dân chủ (đa đảng, bầu cử tự do hợp pháp, tam quyền phân lập) để không còn nền chính trị độc đảng vô pháp luật. Thử hình dung, nếu tạm loại trừ yếu tố khoa học kỹ thuật tiến bộ (đặc biệt là phát minh internet) để nhìn hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay, có phải người VN gần như đang sống vào đúng thời chị Dậu, anh Pha gần trăm năm trước?, thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều nếu xét thêm yếu tố đạo đức, văn hóa!?
Cần xác định lại một lần nữa bản chất cuộc cách mạng hiện nay như thế để có tư tưởng rõ rệt, để các học thuyết cần chỉnh sửa, các phương pháp tiến hành cách mạng cần thích ứngđễ vẫn lấy thành phần này làm nòng cốt cho cuộc cách mạng???
Thành phần này càng được khẳng định sau hội nghị TƯ 5 vừa qua, vì ĐCSVN vẫn xác quyết đất đai là của họ dưới cái áo "sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện và thống nhất quản lý" - ý nghĩa này cho thấy não trạng của người CS hiện nay vẫn là não trạng của hơn 50 năm về trước. Tư duy họ không theo được tiến hóa xã hội Việt Nam và thế giới, vậy các tổ chức chính trị, các nhà hoạt động dân chủ độc lập có nên suy nghĩ về việc thích ứng để "đồng hành" với người dân trên con đường cách mạng???
Cướp đất, cướp sức lao động (người công nhân với đồng lương không đủ sống) cướp tài nguyên thiên nhiên Quốc gia, bên cạnh vay mượn quốc tế và bán sức lao động người dân ra nước ngoài vẫn tiếp diễn ngày một lan rộng là những điểm tựa chính yếu nhất để chế độ này tiếp tục tồn tại.
Dù chưa có cuộc điều tra xã hội học hiện trạng Việt Nam quy mô và khoa học, tuy nhiên có thể thấy lòng dân chán ngán và oán thán rất nhiều trên mọi lĩnh vực. Lập luận "một nhúm" nhỏ xíu biểu tình hay "loe hoe" vài trăm mống "chống nhà nước" v.v... còn được người Cộng sản lặp đi lặp lại bởi chưa có số liệu chính thức nào. Tuy vậy, nó lộ ra cho người dân thấy, họ quá sợ và chạy trốn cuộc điều tra cần thiết này, bởi họ không đủ tự tin để làm một cách minh bạch, công khai. Nó cũng cho thấy hiện trạng bế tắc của xã hội khi không có số liệu chắc chắn, thuyết phục về "lòng dân".
Cần lắm cuộc điều tra như thế. Hiện nay chỉ có các tổ chức lớn, uy tín mới có thể làm được. Những tổ chức như thế này lại chủ yếu là tổ chức nước ngoài. Đó là môt điểm khó, mong mọi người góp sức giải đáp câu hỏi này.
Chúng ta cũng đã nhắc đến vai trò trọng tâm của trí thức trong cuộc cách mạng, cũng như giới trẻ và lực lượng những người nổi tiếng (1), là thành phần quan trọng cho cuộc cách mạng. Hai năm qua, lực lượng này không làm người dân thất vọng khi ngày càng dấn thân nhiều hơn, quyết liệt hơn.
Nay, tình hình kinh tế tồi tệ trong suốt 3 năm qua đã góp thêm một thành phần khác, đó là thành phần trung lưu đang ngày bị "nghèo hóa" do suy trầm kinh tế mang lại, góp thêm tình trạng đói nghèo tại Việt Nam đang gia tăng nhanh(2) và được TS. Lê Đăng Doanh nhận định là có đủ căn cứ. Đó càng là chứng cớ để tin tưởng cuộc cách mạng đang trong giai đoạn thuận lợi nhất bởi ngoài những yếu tố trên, tình hình an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, tình trạng mất đoàn kết không ngại che giấu cũng như phơi hết "ruột gan" thối rữa của ĐCSVN trong năm qua, càng cho thấy ĐCSVN bế tắc và ý thức hệ tư tưởng theo chủ thuyết Marx - Lenin chỉ còn là chiếc phao cứu sinh thủng lổ chổ.
Một lực lượng quan trọng nữa mà không thể không nhắc tới, đó chính là những đảng viên (hưu trí và cấp thấp) và những người còn tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của ĐCSVN, ngày càng rơi rụng dần và hoang mang. Tâm trạng này không hề bị lung lạc từ "thế lực thù địch" nào cả mà sự thật sống động, chân xác trong xã hội phô ra đến mức họ không thể nào biện minh cho ĐCSVN nữa(*). Lực lượng này cần được chú ý để mau chóng thức tỉnh họ trước vận mệnh đất nước. Đặc biệt, cần lưu tâm tới vấn đề lợi ích của họ còn gắn với chế độ để làm sao chính họ hiểu ra, những lợi ích của họ nhỏ nhoi và không bị cướp sạch như người CS đã làm, cũng như phải làm cho họ tin sẽ không có "tắm máu", trả thù một khi cuộc cách mạng thành công.
Đó cũng là điều khó khăn cho các tổ chức chính trị trong ngòai nước hiện nay. Điều này cũng lý giải, nhược điểm lớn của các tổ chức chính trị lâu nay là chưa truyền tải được niềm tin này đến với họ. Công tác (tạm gọi) PR hình ảnh (nghĩa đen) của các đảng phái hình như chưa được chú trọng trong thời gian qua (**).
Tất nhiên, nhược điểm này đã được ĐCSVN khôn ngoan "biên tập" kỹ lưỡng bằng cách luôn vẽ ra "bộ mặt" các tổ chức chính trị đều là "bọn xấu", "hầm hố", "dữ dằn", "khủng bố", "phá hoại", "cực đoan", "hung hăng", chỉ muốn thay chỗ của ĐCSVN để cướp bóc và đày đọa người dân dưới lớp áo tự do dân chủ v.v... để người dân sợ hãi và càng tránh xa các tổ chức chính trị, hoặc chí ít là e dè, sợ sệt. Do đó, CSVN rất sợ hình ảnh những người dấn thân cho Dân Tộc trở nên thuyết phục quảng đại quần chúng.
Nếu chúng ta để ý, hình ảnh (nghĩa đen) của những người bị bắt như TS. Lê Quốc Quân (râu ria lởm chởm), Lê Công Định (xanh xao vàng vọt) Phạm Thị Phượng (mệt mỏi với đôi mắt sưng vù), Trần Anh Kim (tóc tai bù xù, xanh mướt), Trần Huỳnh Duy Thức (cúi đầu buồn bã) v.v... là những chi tiết nhỏ mà rất quan trọng, nó đánh ngay vào cái nhìn ban đầu thiếu tin tưởng của người dân về những tù nhân này. Cho tới nay, những hình ảnh như: Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đức Giám mục Ngô Quang Kiệt, TS. Cù Huy Hà Vũ là chưa bị "chộp" theo cách bóp méo thâm hiểm như thế (***), tuy nhiên còn ít quá!
Bên cạnh đó, như là một bảo chứng niềm tin vì dân, vì nước, vì dân chủ ôn hòa bất bạo động - giải thưởng danh giá và uy tín trên thế giới - Giải Nobel Hòa Bình, để quảng đại quần chúng trong nước biết đến rõ rệt - vẫn chưa đến tay người Việt Nam.
Cá nhân người viết, đang rất mong thế giới quan tâm đến việc quan trọng này. Dù cho BS. Nguyễn Đan Quế, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, TS Luật Cù Huy Hà Vũ, Blogger Điếu Cày hoặc bất kỳ ai trong số những người hy sinh nổi tiếng được trao giải này, chắc chắn đó là tín hiệu trời rung đất chuyển cho cuộc cách mạng. Có phải chăng, cuộc cách mạng hiện nay vẫn thật cần chất xúc tác đặc biệt quan trọng này???
Chúng ta đều công nhận, để có tiếng nói nặng ký buộc ĐCSVN phải chú ý lắng nghe, nhất định phải xuất phát từ người đoạt giải như thế này, bởi tiếng nói của người đoạt giải không còn là tiếng nói cá nhân, không còn là tiếng nói chỉ riêng Việt Nam, đó là tiếng nói của Hòa Bình mà thế giới trao sứ mạng cho người đó. Sức mạnh tiếng nói chính là như thế.
Khổ tận cam lai. Tôi vẫn hằng tin trong năm nay thế giới sẽ không bỏ quên người Việt Nam nữa.
Tuy nhiên, Giải Nobel Hòa Bình 2012 không phải là yếu tố duy nhất để cách mạng diễn ra và thành công khi xã hội Việt Nam là bản sao của Trung Quốc với Nobel Hòa Bình 2010 Lưu Hiểu Ba còn nguyên đó. Tuy nhiên xét hoàn cảnh cụ thể xã hội Trung Quốc và Việt Nam thì có thể nghĩ rằng, Việt Nam không thể "cương" theo kiểu Trung Quốc làm đối với thế giới, khi xét về nhiều yếu tố trong tình trạng bi đát nhiều mặt hiện nay của Việt Nam. Nhất định, giải Nobel Hòa Bình 2012 nếu về tay người Việt Nam, rất có thể trở thành bước đi mạnh mẽ tiến nhanh hơn cho cuộc cách mạng.
Bên cạnh đó, vẫn cần có tổ chức chính trị hoạt động công khai trong nước. Phải chăng từ người đoạt giải này, có thể góp thêm yêu cầu cho tiếng nói việc chỉnh sửa Hiến pháp đang diễn ra lưu tâm tới "luật thành lập đảng phái"? Đó là điểm bế tắc lớn hiện nay.
Nhìn về Miến Điện, với bà Aun Sang Suu Kyi vừa có thân thế quá nổi tiếng, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên trì suốt mấy chục năm, lại thêm giải Nobel Hòa Bình cộng với đảng của bà vẫn tồn tại nhiều năm mặc dù trong o ép, sự thức tỉnh của nội các Thein Sein v.v... để càng thương hơn các tù nhân chính trị tại Việt Nam. Hầu như trong số họ, ai cũng thiếu một số yếu tố thuận lợi như bà Aun Sang Suu Kyi.
Làm sao giải quyết?
(còn tiếp)
Nguyễn Ngọc Già
_______________
(*)Ví dụ: bản kết tội Điếu Cày, AnhBaSaigon và Tạ Phong Tần lộ hết bản chất đê tiện, trơ trẽn. Việc nông dân mất đất xảy ra cùng khắp, mới đây là 2 mẹ con tại Cái Răng Cần Thơ đã phải lõa thể để giữ đất, tình trạng tham nhũng trắng trợn, bổ nhiệm chức sắc tùy tiện, hình thức "đấu tố kiểu mới" đang nảy nở như nấm độc từ nội bộ gia cang như Nông Đức Mạnh, cho đến Đặng Thị Hoàng Yến v.v..., cả giáo dục, y tế đang hấp hối về đạo đức, y đức v.v...
(**) Nói vui (nhưng có ý nghĩa): ví dụ hình ảnh anh Nguyễn Công Huân mà PR thì hết ý với vẻ điển trai và sáng láng. Cỡ như tôi, ai mà gặp, cái nhìn đầu tiên sẽ cảm thấy khó tin tưởng là...người tốt :(
(***) Vì thế họ quyết không cho TS. Cù Huy Hà Vũ mặc veston, thắt cravate trong lần phúc thẩm, tuy nhiên họ đã thất bại. Vậy, có thể nói, hình thức không phải là cái quyết định nhưng đó là cái bắt đầu thật quan trọng trong mắt người dân trước khi biết rõ về nhân cách người đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét