Innova, biên tập viên Dân Luận
Thầm lặng như những chuyến trở về Việt Nam gần đây của anh, sự ra đi vĩnh viễn của ca sỹ Duy Quang được các tờ báo trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin với một tiêu đề nho nhỏ : "Ca sĩ Duy Quang đã qua đời". Trong bối cảnh vẫn còn đó những tranh cãi về âm nhạc Phạm Duy và tiếng hát Duy Quang, dòng tin chạy trên tất cả các tờ báo trong nước đã nói lên tầm ảnh hưởng của anh.
Trước hết phải nói, ít người miền Bắc và it người Việt trong nước sinh ra từ sau 1980 biết ca sĩ Duy Quang là ai. Khán giả của anh chủ yếu là người miền Nam, sinh ra từ trước 1980 mà trong đó nhiều nhất là thế hệ học sinh, sinh viên trong những năm cuối trước 1975.
Trước 1975
Sự nổi tiếng của Duy Quang trước 1975 gắn liền với một giai đoạn kỳ lạ của miền Nam, khi mà thời cuộc rối ren vì chính biến, nhưng cuộc sống văn hóa và nghệ thuật lại đạt đến một đỉnh cao hiếm gặp. Đó là sự cởi trói của tinh thần người dân sau giai đoạn đô hộ của người Pháp, sự tiếp xúc với người Mỹ, sự giao thoa của người Nam với người Bắc sau những đợt di dân, sự tự do diễn đạt trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng như sự thăng hoa của một lớp trí thức sinh ra và lớn lên từ thời Pháp thuộc...
Duy Quang chỉ là một trong những nghệ sĩ thừa hưởng giai đoạn văn hóa hưng thinh đó và anh có một chỗ đứng của mình trong lòng khán giả miền Nam. Anh thu phục khán giả trẻ bằng những ca khúc tình yêu như Em hiền như ma soeur, Thà như giọt mưa, Chuyện tình buồn, Cây đàn bỏ quên. Tình yêu trong các ca khúc của anh thật trong sáng, tinh khiết và dè dặt, đã trở thành kinh điển đối với một thế hệ thanh niên vào thời kỳ đó bên cạnh những những "Ngày xưa Hoàng Thị", "Con đường tình ta đi", "Trả lại em yêu". Đặc điểm giọng hát Duy Quang là một sự chậm rãi, trầm, hiền lành và buồn, phù hợp với lối kể chuyện trong những ca khúc anh trình bày.
Biến cố 1975 xảy đến làm biến đổi đời sống toàn bộ miền Nam, trong đó có đời sống văn hóa nghệ thuật khi phần lớn các nghệ sĩ rời bỏ đất nước.
Sau 1975
Đối với những người ở lại sau 1975, sự thất vọng mau chóng tràn về dưới chế độ mới. Những nền nếp từ trước bị ép buộc phải thay đổi theo các giá trị Xã Hội chủ nghĩa từ kinh tế, chính trị, giáo dục cho đến lối ăn mặc, đầu tóc, và âm nhạc. Đó là một sự cải tạo lớn lao về mặt ý thức đối với cả một thế hệ miền Nam. Thành phố Sài Gòn vẫn còn đó, nhưng nó như một chiếc áo cũ với kích thước quá lớn đối với dân thành phố. Một mặt, rất nhiều người có trình độ đã vượt biên, mặt khác số ở lại không còn sống một cách tự do như trước.
Trong bối cảnh đó, từ giữa những năm 1980, những băng nhạc từ hải ngoại tuôn ngược về trong nước thực sự là một liều thuốc tinh thần. Những ca khúc cũ xưa với lối hòa âm mới lạ từ studio nước ngoài truyền đi khắp phố phường cho đến các ngõ ngách làng quê. Người ta nghe Duy Quang hát không đơn thuần là âm nhạc, mà lắng nghe quá khứ để hoài niệm về một miền Nam xưa. Tiếng hát, lời nhạc chỉ là phương tiện để người dân hồi tưởng về một ngày xưa thân ái.
Hai album nổi tiếng nhất của Duy Quang vào thời điểm đó là : Thà như giọt mưa và Tình thời chinh chiến. "Thà như giọt mưa" gợi nhắc lại một thời tình yêu trong sáng trong khi "Tình thời chinh chiến" là một tiếng thở dài của người lính miền Nam.
Có nhiều người hát ca khúc về lính, nhưng Duy Quang mang đến một sắc thái lạ. Không quá não nề như Duy Khánh, không quá nhão như Chế Linh, tiếng hát trầm buồn của Duy Quang làm người nghe liên tưởng đến hình ảnh một chàng sinh viên bị thúc ra mặt trận để bảo vệ cho một những điều đơn giản như gia đình, người yêu và bạn bè. Những ca khúc của "Tình thời chinh chiến" không có mùi thuốc súng, không nhiều lời giết chóc, không mang nặng lý tưởng mà chủ yếu xoay quanh hình ảnh quê hương, ruộng đồng, dòng sông, cây cầu, bà mẹ mù lòa, sương trắng miền quê ngoại, đêm dạo thành phố đến lúc trăng tàn, những đêm trốn ngủ đi tìm chim...
"Thà như giọt mưa" và "Tình anh lính chiến" là bức tranh bằng ca khúc được thể hiện với tiếng hát của một "thư sinh" về một thế hệ học sinh, sinh viên miền Nam từng yêu và từng xếp bút nghiêng lên đường.
Sau hai album này, Duy Quang vẫn xuất hiện trong các chương trình âm nhạc hải ngoại nhưng không nổi tiếng như trước, cho đến khi gần đây anh trở về trong nước. Sự chấp nhận "Thà như giọt mưa" cùng với sự loại bỏ "Tình anh lính chiến" thể hiện rõ chính kiến của nhà nước đối với tiếng hát Duy Quang. Người hâm mộ của anh, giờ đây đã qua tuổi 40, 50 vẫn chờ đón anh như ngày xưa, không bằng những cảm xúc ùa về như những năm 1990 mà như chào đón một người thân thương từ xa trở về.
Sự ra đi vĩnh viễn của Duy Quang làm nhiều người tiếc nuối như mất đi một người kể chuyện quê hương, trong một giai đoạn sục sôi của đất nước. Tiếng hát của anh đã trở thành dấu ấn, là hình ảnh của thế hệ học sinh sinh viên thời đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét