Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam (1)

Sa Lực – Mân Lực trong cuốn Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc cho rằng, sự kiện Đoàn cố vấn quân sự gồm 79 người của TQ sang giúp VN đánh Pháp là một trong “chín lần xuất quân lớn” của TQ. Thế nhưng, điều kỳ lạ là cuộc “kháng Mỹ viện Triều” với trên 3 triệu lượt quân TQ sang Triều Tiên đánh Mỹ lại không được coi là một cuộc “xuất quân lớn”? Như vậy, tác giả TQ có ý nhấn mạnh vai trò “to lớn” của Đoàn cố vấn quân sự TQ đối với VN trong cuộc chiến với người Pháp.
Nói cho công bằng, sau 5 năm VN chiến đấu trong vòng vây, việc Đoàn cố vấn quân sự TQ sang giúp VN đánh Pháp cũng có những đóng góp nhất định. Bấy giờ, Liên Xô chưa công nhận VNDCCH và đồng minh duy nhất của VN là TQ vừa mới ra đời. Phải một tuần sau khi đến Mátxcơva, Xtalin mới tiếp Hồ Chí Minh, do Mao đề nghị. Xtalin tỏ ra rất dè dặt với Hồ Chí Minh – người mà ông ta cho là dân tộc chủ nghĩa, sợ là “Titô” thứ hai. Nhưng như lịch sử cho thấy, quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc là hoàn toàn đúng đắn và đi trước thời đại. Tuy vậy, các hiệp định viện trợ mà Hồ Chí Minh muốn ký với Xtalin đều không được chấp nhận, thậm chí Xtalin còn cho người bí mật thu lại tờ họa báo có chữ ký của mình tại nơi ở của Hồ Chí Minh. Xtalin đẩy việc trợ giúp VN đánh Pháp cho TQ. Thế là, Hồ Chí Minh buộc phải đặt lòng tin vào sự giúp đỡ của TQ. Việc cử phái Đoàn cố vấn quân sự TQ sang giúp VN đánh Pháp ra đời trong hoàn cảnh đó.
Tướng TQ đầu tiên sang VN tham gia chiến dịch Biên Giới là Trần Canh, diễn ra vào thu đông năm 1950 nhằm khai thông vùng giải phóng để từ đó VN có thể tiếp nhận viện trợ của TQ và mở đường ra thế giới. Một chiến dịch mà cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều ra trận – Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh chiến dịch, đủ thấy tầm quan trọng đặc biệt của nó. Trần Canh bấy giờ là Phó Tư lệnh dã chiến quân, Ủy viên dự khuyết Trung ương ĐCS TQ. Trần Canh lại là bạn cũ của Hồ Chí Minh. Ông ta gợi ý để Hồ Chí Minh đề nghị TQ cử mình sang VN làm cố vấn quân sự. Song, TQ nói rằng họ đã bố trí công tác cho ông ta rồi, do đó, trong chiến dịch Biên Giới, Trần Canh tham gia với tư cách là khách mời của Hồ Chí Minh.
Đã là khách mời, dĩ nhiên, ông ta hoàn toàn không thể có quyền chỉ huy quân VN được. Thế nhưng, các tác giả TQ cho rằng, Hồ Chí Minh nói với Trần Canh: bộ đội giao cho đồng chí cả rồi, nhưng chỉ cho phép đánh thắng, không cho phép đánh bại! Lại còn khẳng định một cách chắc nịch rằng, Trần Canh là người đề xuất với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp không đánh Cao Bằng trước mà nên đánh Đông Khê trước, được phía VN chấp nhận. Ly kỳ hơn nữa, họ còn cho rằng, vào giờ phút quyết định tiêu diệt hai binh đoàn Lơpagiơ và Sáctông, Võ Nguyên Giáp điện thoại cho Trần Canh nói: “Bộ đội đã đánh liên tiếp ba ngày liền, tương đối mệt nên chăng rút về nghỉ ngơi chỉnh đốn”? Trần Canh: “Một trận như thế này mà không đánh nữa thì không có trận nào nữa đâu”. Võ Nguyên Giáp: “Bộ đội mệt quá tôi thấy khó tiến công…”. Trần Canh: “Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn” (Trích Ghi chép thực về việc Đoàn cố vấn quân sự TQ viện trợ VN chống Pháp – Dương Danh Dy dịch).
Dường như cứ nước cờ quân sự nào hay, đưa đến thành công cho chiến dịch Biên Giới là do Trần Canh đề xuất vậy. Sự thực lịch sử, tất nhiên, không phải như các tác giả TQ trình bày.
Trước hết, chọn điểm đột phá chiến dịch Biên Giới là Cao Bằng hay Đông Khê được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp suy nghĩ rất kỹ, ngay trên đường ra mặt trận. Phân tích toàn bộ vấn đề, ông nhận thấy, mở đầu chiến dịch bằng cách đánh Cao Bằng là không thích hợp. Để lựa chọn điểm đột phá, ngày 5.8.1950, Tổng tư lệnh trực tiếp đi nghiên cứu thực địa Cao Bằng. Sau cuộc đi thực địa, Tổng tư lệnh đã có một quyết định mới về điểm đột phá chiến dịch, đó là Đông Khê. Ngày 15.8.1950, Tổng tư lệnh nhận được điện của Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển hướng chiến dịch sang Đông Khê. Ngày 9.9.1950, Hồ Chí Minh tới mặt trận và ngay sau đó là cuộc trao đổi đặc biệt với Võ Nguyên Giáp.
Võ Nguyên Giáp báo cáo với Hồ Chí Minh: mở đầu bằng tiêu diệt Đông Khê, tiếp theo là diệt quân viện, đánh Thất Khê, cuối cùng là tập trung lực lượng đánh Cao Bằng.
“Người giơ từng ngón tay, nói:
- Một là, đánh Đông Khê. Hai là, đánh quân viện. Ba là, đánh Thất Khê. Bốn là, đánh Cao Bằng. Tất cả là bốn bước.
- Dạ.
- Đông Khê không lớn nhưng rất quan trọng, vì mất Đông Khê thì Cao Bằng hoàn toàn bơ vơ. Địch buộc phải cho quân ứng cứu, bộ đội sẽ có cơ hội đánh vận động.
- Chúng tôi đã có dự kiến.
- Nhưng bộ đội ta chưa quen đánh vận động?
- Thưa Bác, mùa Hè vừa rồi được luyện tập, anh em tiến bộ nhiều. Cao Bằng là địa hình rừng núi, tôi nghĩ sẽ thuận lợi” (Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ).
Cũng là cuộc trao đổi giữa Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp nêu trên được nhà văn Sơn Tùng “tiểu thuyết hóa” – tất nhiên hoàn toàn trên cơ sở hiện thực như sau:
“…Đại tướng trải tiếp ra một tấm bản đồ tác chiến thứ ba với hai chữ Đông Khê nổi bật lên ở giữa. Ông nhìn Bác đầy tin yêu:
- Mời Bác ngồi đỡ mỏi chân.
Bác né người ngồi vào ghế, tựa tay lên bàn, đôi mắt Người chiếu sáng vào hai chữ Đông Khê trên tấm bản đồ. Bác ân cần nhắc Đại tướng:
- Chú cũng quan tâm đến chú nữa chứ. Ta cùng ngồi làm việc, chú cũng mỏi chân chứ đâu chỉ có Bác.
Đại tướng ngồi xuống ghế ở góc bàn tay bên trái của Bác. Bác châm lửa hút tiếp điều thuốc tắt dở dang. Người ung dung với điều thuốc trên tay.
Bác hỏi:
- Chú quyết định đánh vào Đông Khê trước, ý kiến của Bộ chỉ huy chiến dịch thế nào?
- Đều nhất trí và xin ý kiến Bác.
Bác khoan thai:
- Bác tin tưởng các chú từ lúc cách mạng trong bóng tối và đã giao cho chú gánh vác công việc võ trang với hai bàn tay trắng. Ngày nay chúng ta có lực lượng, có khả năng và trình độ để tổ chức chiến dịch lớn. Và một điều vô cùng quan trọng nữa, nếu không muốn nói là quyết định, đó là trình độ điều binh khiển tướng của người chỉ huy. Mà tài điều binh khiển tướng lại quan trọng nhất là nhân hòa. Bởi vì, thiên thời, địa lợi, nhân hòa là cốt tủy trong đạo làm tướng. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa…
Bác vươn người về phía trước, năm ngón tay mở như năm ngọn bút thép cắm xuống căn cứ Đông Khê trên tấm bản đồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng dậy theo”.
Vào buổi tối hôm đó (9.9.1950), Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cùng đi gặp Trần Canh mới sang, nghĩa là mọi quyết định về điểm đột phá mở đầu chiến dịch Biên Giới đã được quyết định rồi. Thật là rõ ràng, không thể và không hề có chuyện Trần Canh đề xuất đánh Đông Khê trước.
Bốn năm sau, lịch sử lặp lại với trận Điện Biên Phủ. Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã được Võ Nguyên Giáp quyết định, sau đó trao đổi với Vi Quốc Thanh – cố vấn quân sự TQ, ông ta buộc phải đồng ý. Hai ngày sau, Quân ủy TQ mới điện trả lời Vi Quốc Thanh đồng ý. Vậy mà, như thường lệ, nước cờ quân sự thiên tài này của Võ Nguyên Giáp cũng bị các tác giả TQ giành về phía mình. Song, đáng tiếc (cho TQ) là lịch sử chỉ có một mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét