Diễn biến của chiến dịch Biên Giới càng cho thấy rõ vai trò của Trần Canh và Đoàn cố vấn quân sự TQ.
Mặc dù chuẩn bị rất kỹ lưỡng và tung ra một lực lượng áp đảo với tỷ lệ 9/1, song trận Đông Khê mở màn chiến dịch Biên Giới ngay từ những giờ đầu đã gặp trục trặc. Quân Pháp dựa vào công sự vững chắc, có sự yểm hộ của máy bay và hỏa lực mạnh, chống trả quyết liệt. Trực tiếp chỉ huy trận Đông Khê là Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn. Hai ông sau này đều là Đại tướng quân đội nhân dân VN.
Khi trận đánh gặp trục trặc, Hồ Chí Minh vẫn bình thản để Tổng tư lệnh giải quyết công việc và ít ai ngờ được vào lúc ấy, trong đầu ông đang nảy ra những tứ thơ:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy !
Còn Trần Canh thì sao? Ông ta nói, không nên để trận đánh kéo dài. Rốt cuộc, trận Đông Khê đã giành toàn thắng sau 52 giờ chiến đấu, số thương vong của quân VN lớn hơn dự kiến.
Phán đoán tiếp theo của Tổng tư lệnh là Pháp sẽ cho viện binh từ Thất Khê lên, phối hợp với quân nhảy dù để chiếm lại Đông Khê. Như vậy, cần bố trí gấp lực lượng để tiêu diệt quân viện. Thế nhưng, cả tuần chờ đợi mà chưa hề thấy động tĩnh của quân Pháp. Một số người lo lắng, nếu thời gian chờ đợi kéo dài, không đủ gạo và muối, sức khỏe của bộ đội sẽ giảm sút.
Trong khi đó, Trần Canh phán đoán là viện binh địch sẽ không lên, quân Pháp ở Thất Khê đã tăng lên 4 tiểu đoàn nên không thể đánh Thất Khê, cũng không thể đánh Cao Bằng. Ông ta chê bộ đội VN đánh công kiên kém. Ông ta kiến nghị với Võ Nguyên Giáp: Hay là thu quân thôi ?
Trái với phán đoán của Trần Canh, Võ Nguyên Giáp phân tích, trận Đông Khê kéo dài là do chọn hướng đột phá chưa đúng, phối hợp kém. “Tôi thấy nên kiên trì chờ viện, đồng thời, chuẩn bị tiêu diệt Thất Khê theo kế hoạch” – Tổng tư lệnh dứt khoát. Ấy thế mà các tác giả TQ lại viết, Trần Canh “kiến nghị với Võ Nguyên Giáp, thuyết phục cán bộ, nhẫn nại kiên trì, bình tĩnh chờ đợi hành động tới của quân địch, nắm bắt thời cơ tiêu diệt địch”.
Quả nhiên, gần hai tuần sau, viện binh Pháp đã xuất hiện trước Đông Khê, chứng minh phán đoán của Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn chính xác. Chiến trường diễn biến rất mau lẹ, đòi hỏi người chỉ huy phải sáng suốt, nhanh nhạy, chủ động. Ở đây, Võ Nguyên Giáp đóng vai trò người chỉ huy tối cao, mọi quyết định quan trọng đều là của ông. Thực tiễn chiến dịch càng chứng tỏ phẩm chất của người thống soái có tài cầm quân kiệt xuất – Võ Nguyên Giáp.
Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Tổng tư lệnh và Hồ Chí Minh, có sự tham gia của Trần Canh và Đoàn cố vấn quân sự TQ, chiến dịch Biên Giới đã giành toàn thắng. Hai binh đoàn Lơpagiơ và Sáctông đều bị tiêu diệt. Quân Pháp tổn thất gần 8 ngàn người.
Tuy nhiên, ở đây, cần tiếp tục bác bỏ một chi tiết được các tác giả TQ trình bày. Họ viết, trong quá trình tiêu diệt quân tiếp viện của Lơpagiơ, bộ đội VN do bị thương vong, mỏi mệt, sức tiến công giảm dần đến mức “Trần Canh lúc đó đang ốm, người rất yếu, nhưng sau khi nhận được thông báo đã dứt khoát kiến nghị với Bộ chỉ huy VN…nếu không chịu nổi thử thách sẽ mất sạch thắng lợi…”. Họ không biết, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ tình thế lúc đó. Hồ Chí Minh nói: “Sao lại nghỉ lúc này. Mình mệt một thì địch mệt mười. Chạy thi gần tới đích sao lại nghỉ ?”. Đại tướng Tổng tư lệnh viết bản nhật lệnh gửi qua đường dây điện thoại: “Đêm qua trời mưa, các đồng chí ướt, nhưng lửa của người chiến sỹ vệ quốc, của người chiến sỹ cách mạng luôn hun nấu tinh thần xung phong của các đồng chí. Quân địch chắc đói rét hơn ta, bị thương và chết rất nhiều, chúng lại chỉ có tinh thần của một lũ bại binh xâm lược, cho nên ta phải cố lên nữa, tiêu diệt cho thật nhiều địch. Mưa, mù càng có lợi cho ta…Các đồng chí tiến lên”.
Sự giúp đỡ của TQ trong chiến dịch Biên Giới là rõ ràng: 1.020 tấn vũ khí, 180 tấn quân trang quân dụng, 2.634 tấn gạo, 20 tấn thuốc, 800 tấn hàng quân giới, 30 ô tô, 120 tấn xăng dầu. Lưu ý rằng số hàng viện trợ đó chỉ chiếm 18,5 % khối lượng vật chất mà bộ đội VN sử dụng trong năm 1950.
Trần Canh điện về Trung ương ĐCS TQ: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ công tác ở VN, năng lực đoàn cố vấn rất mạnh, không cần thiết lưu lại ở đây, xin về Bắc Kinh báo cáo công tác”. Trung ương đồng ý. Trần Canh, sau đó sang chiến trường Triều Tiên, làm Phó Tư lệnh chí nguyện quân TQ.
Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa rộng về mối quan hệ Việt – Trung, có những ứng xử hết sức tinh tế, đã tặng thơ Trần Canh:
Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm, tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.
(Rượu ngọt sâm banh lấp lánh ly
Muốn uống, tì bà thúc ngựa phi
Đừng cười say nghỉ nơi trận mạc
Không tha quân địch một tên về).
Và Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc:
Bách lý tầm quân vi ngộ quân,
Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân.
Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ,
Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân.
(Trăm dặm tìm bạn nhưng không gặp,
(Trăm dặm tìm bạn nhưng không gặp,
vó ngựa dẫm nát mây đỉnh núi.
Quay về tình cờ gặp cây mai rừng,
mỗi đoá hoa vàng một điểm xuân)
Các cố vấn TQ luôn cho rằng VN ít quân quá. Điều này dễ hiểu, vì họ thường muốn tác chiến theo chiến thuật “biển người”. Họ lại rất ngạc nhiên khi bộ đội VN có vẻ trí thức, biết đọc biết viết, tiếp thu kỹ thuật, chiến thuật mới rất nhanh.
Ba chiến dịch liên tục với sự trợ giúp của các cố vấn quân sự TQ: chiến dịch Trung Du, chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chiến dịch Hà Nam Ninh đều không đưa lại kết quả mong muốn. Liệu có phải “năng lực của đoàn cố vấn rất mạnh” như lời Trần Canh? Đờ Lát quả là một đối thủ đáng gờm. Song, điều đáng buồn cho ông ta là người con trai duy nhất của ông ta bị tử trận tại Ninh Bình. Trao quyền chỉ huy cho Xalăng, Đờ Lát rời Hà Nội, đưa thi thể con trai về Pháp.
Tuy vậy, ông Giáp vẫn hoàn toàn chủ động tiến hành những trận đánh do ông lựa chọn. Ông phân tích với các cố vấn TQ, VN đã có khối chủ lực 6 đại đoàn, không thể chỉ đánh nhỏ. Đánh nhỏ ít tiêu hao nhưng không tạo được chuyển biến trong giai đoạn mới. Thế nhưng, các cố vấn TQ cho rằng quân Pháp cơ động nhanh, pháo binh giỏi cả tác chiến ban ngày và ban đêm. Họ khuyên VN nên quay về chiến tranh du kích, trang bị gọn nhẹ để tăng tính cơ động.
Ông Giáp lại suy nghĩ hoàn toàn khác: Nhiệm vụ của mình là phải chứng minh được, quân đội VN có thể chiến thắng trong vận động đánh lớn, cũng như đã từng thắng trong vận động đánh nhỏ, với một kẻ địch mạnh hơn ta.
Đến khi Pháp chủ động đánh ra Hòa Bình thì các cố vấn TQ dường như đã “hết phép”. Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn về TQ chưa trở lại VN. Cố vấn về tham mưu Mai Gia Sinh không tham gia chiến dịch dù có lời mời của Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Họ dự đoán quân đội VN sẽ thất bại nếu cứ lao vào những trận đánh lớn.
Cuộc đối đầu trực tiếp giữa Võ Nguyên Giáp và Đờ Lát lại tiếp tục trong chiến dịch Hòa Bình. Chiến dịch này không hề có cố vấn TQ tham gia và ông Giáp vẫn là Tư lệnh chiến dịch, trực tiếp ra trận. Người giành chiến thắng trong chiến dịch Hòa Bình là Võ Nguyên Giáp, Pháp mất 6 ngàn quân. Dù sao, phải công nhận Đờ Lát là một đối thủ xứng đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét