Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Cưỡi ngựa vào Hà Nội (khoảng năm 1890)

Otto E. Ehlers
Phan Ba trích dịch từ “Im Sattel durch Indochina” ["Đi Qua Đông Dương trên yên ngựa"], tập 2.
Cuộc hành trình về Hà Nội của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do có một cơn giông nổi lên vào buổi chiều, thổi đi trước một đám bụi dầy cho tới mức chúng tôi hầu như không thể nhìn quá mười bước chân.
Cuối cùng, vào lúc bốn giờ, chúng tôi tới trước thành Hà Nội, cái có chu vi độ chừng mười kilômét, giống như thành Sơn Tây, được xây theo hệ thống Vauban vào cuối thế kỷ 17.
Hà Nội khoảng 1890 -1900
Hà Nội khoảng 1890 -1900
Sau khoảng nửa giờ, đường đi của chúng tôi dẫn qua những con lộ rộng rãi của thành phố người bản xứ, có nhà gỗ hay nhà gạch một hay hai tầng ở hai bên, trước khi chúng tôi tới con sông, nơi tôi hy vọng là sẽ tìm thấy chiếc thuyền buồm với hành lý. Thế nhưng tôi không phát hiện ra được nó trong số nhiều trăm chiếc thuyền đang thả neo nằm ở đó.
Vì vậy mà tôi cưỡi ngựa vào khu phố của người Âu, chủ yếu nằm xung quanh một cái hồ đẹp, “Petit Lac”, và được tiếp đón thân thiện trong Hotel du Lac đơn giản, nằm ở vị trí rất đẹp.
Sau khi làm sạch sơ y phục của mình, tôi ngồi vào một bàn của quán cà phê thuộc khách sạn, chiếm cả nửa con đường có lát mặt, châm một điếu thuốc lá và đóng vai một con người văn minh, tốt như có thể được. Ở Bắc Kỳ, người ta hẳn đã quen thuộc với những hình dạng giống Bassermann [diễn viên Albert Bassermann, 1867-1952] cho tới mức tôi, do tôi có cảm giác mình giống như một tên du thủ du thực, không hề gây sự chú ý nào cả.
Với thủ đô của Bắc Kỳ, tôi đã đạt tới điểm đến cuộc hành trình của tôi, tất cả mọi sự lo lắng, thiếu thốn, gian khổ và nguy hiểm đều nằm lại ở phía sau tôi, tôi không cần phải tiếp xúc với những người dắt la Vân Nam cứng đầu cứng cổ, chủ thuyền dơ dáy người An Nam, quân lính lười biếng và sỹ quan đánh hơi thấy gián điệp, không còn cần phải bực dọc bởi những cái gan gà vịt bị Vadiwal ỉm đi, không còn cần phải trả giá mua thực phẩm, thuê người dẫn đường và xuất hiện như là lang băm hay phù thủy. Tôi lại trở về trong luồng nước của cuộc sống văn minh  và bây giờ chỉ cần gọi to “garçon”, để cho mang tới tờ thực đơn và danh sách rượu vang và đưa ra sự lựa chọn của tôi. Thời gian lo âu thiếu thực phẩm đã qua rồi. Không thể phủ nhận được là sau một cuộc sống trong hoang dã bốn tháng rưỡi trời, nền văn minh châu Âu cũng có nét thu hút của nó.
Đầu tiên, tôi gọi nửa chai rượu sâm banh ướp đá và, nằm đó trong sự vô công rồi nghề ngọt ngào, thưởng thức phong cảnh của cái hồ nằm ở trước tôi với hòn đảo nhỏ được làm đẹp bằng một đền thờ, bực tức về một ngôi chùa bị làm xấu đi bởi một bức tượng của nền cộng hòa được đặt lên trên đó, từ những người chủ mới của đất nước này, những người mà ngoài ra thì có một thị hiếu rất tốt, và ngồi vào một chiếc xe tay vào lúc hoàng hôn, để cho một cu li nhanh nhẹn người An Nam kéo đi quanh hồ và qua các con đường chính của thành phố.
Trong khu phố người Âu, tất cả đều mang một dấu ấn đặc trưng của Pháp, những ngôi nhà có những tấm mành che nắng nhiều màu đã được thả xuống của chúng, cửa sổ bày hàng của các tiệm, nhà công sở theo kiểu Phục Hưng, nhưng trước hết là cà phê, nhà hàng và câu lạc bộ với những cái bàn bằng đá hoa cương được bài ra ở trên đường phố, những người phục vụ đi tha thẩn, trẻ bán báo và người bán diêm của chúng, với những người khách đang chơi domino hay chơi cờ của chúng. Hà Nội, một thành phố của tổng cộng khoảng một trăm năm mươi ngàn dân cư, có nhiều nhất là một ngàn người Âu, nhưng trong số đó thì có ít nhất là năm trăm người ngồi mỗi tối trên đường phố trước các nhà hàng, trong khi đại đa số phần còn lại chạy lên chạy xuống trên xe hay xe kéo, cho nên người ta mang ấn tượng là đang ở trong một khu phố lớn hơn rất nhiều của kiều dân Âu châu, so với con số mà Hà Nội thực có. Người ta cũng có khuynh hướng ước đoán quá cao con số người Hoa đang sống ở Hà Nội, vì đi đâu cũng gặp phải các thiên tử. Thật sự thì ở Hà Nội chỉ có từ một ngàn năm trăm tới hai ngàn người Hoa. Vượt trội hơn người An Nam rất nhiều về tính siêng năng, tư duy kinh doanh và tín đáng tin cậy, hầu như toàn bộ việc mua bán nhỏ các sản phẩm Phương Tây đều nằm trong tay của họ. Các công ty châu Âu ở Bắc Kỳ hết thảy đều dùng trung gian người Hoa để tiến hành các dịch vụ kinh doanh với người An Nam, và qua đó mà họ có được tốt hơn rất nhiều khi so với việc họ trực tiếp tiếp xúc với người An Nam.
Cả từ ở những phía khác, tôi cũng nhận được nhiều điều đáng yêu ở Hà Nội, người ta đã an tâm với “tên mật thám”, tiếp đón tôi một cách rất ân cần ở bất cứ nơi nào tôi gõ cửa, và báo chí của nước này dành cho tôi những bài báo đánh giá cao nhất.
Những ngày ở Hà Nội trôi qua rất dễ chịu với những cuộc thăm viếng, hội hè và những chuyến đi vào thành phố và vùng xung quanh.
"Petit Lac" 1930 - 1940
“Petit Lac” 1930 – 1940
Cách thành phố nửa giờ là Vườn Bách thảo rộng mười hécta, nơi người ta trồng trà, cacao, cà phê, bông vải và nhiều thứ khác trên những cánh đồng thử nghiệm. Khi những người làm vườn ở đây tạo được một phát triển vừa phải ở một số cây trồng dưới sự chăm sóc hết sức kỹ lưỡng, người ta thổi kèn quảng cáo ầm ỉ ngay lập tức, và trên tất cả các tờ báo Pháp đều  xuất hiện những bài viết dài cả cột về tương lai tuyệt vời của ngành trồng trà, cà phê hay cacao ở Bắc Kỳ. Vâng! Một vài chục bụi trà tăng trưởng tốt trong Vườn Bách thảo có lẽ đã đủ để cho Paris cân nhắc một cách nghiêm túc việc tăng thêm thuế quan lên trà của Trung Quốc hay Ấn Độ, vì lợi ích của sản phẩm trong thuộc địa riêng của mình.
Không buổi sáng nào mà tôi không đi thăm chợ trong nội thành và đi dạo vài giờ qua đường phố của khu người bản xứ, nhìn chung là cũng được giữ sạch sẽ như trong vài thành phố châu Âu. Toàn bộ đường phố đều có cống rãnh và đèn đường, được thiết kế rộng rãi và thoáng mát, và được gia cố. Ở đây, trong thời gian tương đối ngắn, người Pháp đã làm được việc mà họ có thể hãnh diện vì nó. Tất nhiên là nhiều trận hỏa hoạn đã giúp họ trong công việc điều chỉnh của họ, vì nhà lúc trước hầu như chỉ được xây bằng gỗ và lợp cỏ, nên chúng cháy như bùi nhùi. Hành chính thành phố của Pháp ngay từ đầu đã cấm xây lại nhà gỗ và chỉ cho phép dựng nhà gạch, cho nên khi tôi ở Hà Nội thì nhà gạch đã chiếm đa số rồi. Bây giờ thì chắc hầu như không còn tìm thấy được nhà gỗ nào ở nội thành nữa; vì cho tới cuối năm 1892 chúng cần phải nhường chỗ cho các công trình xây mới.
Cũng như ở tại phần lớn thành phố của Trung Quốc, mỗi một nghề, mỗi một ngành buôn bán ở Hà Nội cũng có một con đường đặc biệt của nó. Sống ở đây là những thợ giày, ở kia là thợ gốm, trên con đường thứ ba là những người buôn bán lụa, trên con đường thứ tư là những người làm nhạc cụ và cứ tiếp tục như thế. Ở chợ, tôi nhìn thấy rau cải và trái cây thượng hạng, rất nhiều loại cá nước mặn, tươi, khô hay được ướp muối, thịt heo, thịt bò, gia cầm và – chuột, được người An Nam xem là món ăn ngon và được bán với giá hai cent tức sáu Pfennig [xu] một con. Không thiếu sự khốn cùng đủ loại, không thiếu người ăn xin và người tàn tật, đó là điều dễ hiểu tại một thành phố Viễn Đông. Nói chung là có thể sống tạm được ở Hà Nội, thế nào đi nữa thì cũng tốt hơn những nơi chốn nào đó trong vùng nhiệt đới. Bắc Kỳ còn có mùa Đông của nó nữa, thỉnh thoảng lạnh cho tới mức người ta cũng phải sử dụng lò sưởi, thường là vật trang trí trong phòng, cho mục đích mà nó được luật lệ quy định, tức làm nơi đốt lửa. Tất nhiên là không có đóng băng ở xứ này, nhưng đôi lúc nhiệt kế cũng tụt xuống tới bảy độ dương, và điều này là đã đủ để cho người Âu, thỉnh thoảng bị thiêu đốt dưới bốn mươi  độ trong mùa Hè, có cảm giác mình như là người Eskimo, và trở nên vui vẻ với cuộc sống của mình như là một người như vậy.
Mới đây, người ta có ý tưởng dẫn nhập đường ống nước và ánh sáng điện vào Hà Nội. Cũng không có điều gì phản đối việc đầu, vì toàn bộ người dân thành phố sẽ hưởng lợi từ đó, khác với ánh sáng điện, nhất là khi vùng tỉnh, nơi mà người dân của nó chẳng được gì khi nhìn thấy thủ đô của họ được chiếu sáng bằng điện, phải đóng góp mười hai ngàn dollar hàng năm. Điều dễ hiểu là người ta không thích điều đó.
Otto E. Ehlers (1855-1895), người con trai của một kiến trúc sư tại Hamburg lúc đầu là một nhà nông ở vùng Holstein và là một chủ trại ở Pommern, trước khi ông gắn kết ý thích đi du lịch với tài viết văn của mình. Ông đi du lịch qua châu Phi, sau đó tới Ấn Độ, Himalaya, Đông Nam Á, Trung Quốc và Nam Thái Bình Dương, phần lớn đều bằng một cách rất phiêu lưu mạo hiểm. Trong một chuyến thám hiểm vùng đất Đông Bắc của New-Guinea, lúc đó còn là đất của Hoàng đế [Đức] Wilhelm, ông bị những người phu khuân vác giết chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét