Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Sài Gòn – quyến rũ ngọt ngào của thời kỳ mới

Benno Kroll
Phan Ba trích dịch từ “ADAC Reisemagazin” (“Tạp chí du lịch ADAC”) số tháng 11/12 /2004
Thời xưa, con đường mua sắm của Sài Gòn có tên là Rue Catinat. Và Sài Gòn, đô thị của Nam Kỳ thuộc Pháp cho tới 1954, là “hòn ngọc của phương Đông”. Ngày nay, con đường dẫn từ ngôi Nhà thờ Đức Bà có hai chiếc tháp cho tới sông Sài Gòn có tên là đường Đồng Khởi (đường Nhân dân Nổi dậy). Và Sài Gòn, từ 1975 có chính quyền cộng sản, là thành phố Hồ Chí Minh. Và mặc dù Việt Nam thời đó đã bị tàn phá trong một cuộc chiến tranh kéo dài, bẩn thỉu, và mặc dù Rue Catinat đã là chặn đường trơ trẽn nhất của cuộc chiến (“con đĩ của Việt Nam”, lính Mỹ đã nhạo báng như vậy), nó bây giờ lại là cái “Petit Boulevard” ["Đại lộ Nhỏ"] mà Belle Epoque [Thời kỳ Tươi đẹp] đã tạo nên. Dưới hàng cây me luôn xanh tươi của nó có một đoàn xe gắn máy vô tận diễu hành vào mỗi cuối tuần, ngang qua những kiến trúc của thời Tân Nghệ thuật thuộc địa: những người cha mặc áo ủi phẳng phiu cầm tay lái, ở phía sau là những người mẹ trẻ, mang dép cao gót, giữa đó là một tới ba người con.
Rue Catinat
Rue Catinat
Trong những năm cuối cùng của thời Pháp cai trị, nhà văn người Anh Graham Greene đã sống ở cạnh con đường này, chính xác hơn: ông ngụ trong khách sạn Continental sang trọng. Ở đó, ông đã viết quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của ông mà nhân vật nữ trong đó là Phượng, một cô gái Việt: “mềm yếu và mỏng manh như một con chim”. Thời đó thường hay có tiếng nổ trên Rue Catinat, nó “có thể xuất phát từ ống xả của một chiếc ô tô hay từ một quả lựu đạn”, Greene viết như vậy.
Nhưng Fowler, người hùng của quyển tiểu thuyết, cũng là một người Anh năm mươi tuổi như người tạo ra ông, đã đánh mất mình trong Sài Gòn vui sống. Ông “không muốn mất hình ảnh các bóng dáng mặc quần lụa, duyên dáng đi lại dưới cái nóng nực ẩm ướt của buổi trưa”. Cả ngày nay vẫn còn có những người Âu nào đó mắc phải một sự phụ thuộc như vậy: có những người khách du lịch đã yêu Sài Gòn nóng nực, hôi hám, lộn xộn ngay từ cái nhìn đầu tiên và không biết tại sao. “Những bóng dáng” của Greene đã từng biến mất nhiều năm trời ra khỏi quang cảnh đường phố. Ngày nay họ lại xuất hiện ở đó: những cô gái yêu kiều trong chiếc áo dài. Chiếc áo váy quyến rũ được may, xẻ ở eo, phủ lên chiếc quần lụa dài tới mắt cá chân (chắc chắn là sự thể hiện đoan trang nhất của tính gợi cảm mà thế giới biết tới) mãi cho tới cuối những năm 1980 vẫn còn bị những người cộng sản cho là không đúng đắn về phương diện chính trị. Những bộ đồng phục kaki cũ, đã giãn phồng ra, là thời trang mà Đảng cho phép. Nhưng rồi khi Việt Nam mở cửa cho nước ngoài thì bộ y phục thoáng mát đó đã tái chiếm miền Nam nóng nực. Ngày nay, áo dài là một việc tất nhiên như ngày xưa: ở tiệc cưới, đám tang, cạnh bàn làm việc trong văn phòng hay – được gắn ngọc trai nhiều màu – trong các cửa hàng thời trang sang trọng, đắt tiền trên đường Đồng Khởi.
Cựu chiến binh của đạo quân thuộc địa Pháp, những người đến đây như là khách du lịch (những ông già gân guốc với dây băng huy chương của lính lê dương ở khuyết áo), có ánh mắt nhìn chăm chăm của déjà-vu, khi họ quay người lại nhìn Miss Saigon trên đại lộ nhiều bóng mát đã từng là của họ. Đối với những người đã về hưu của Grande Nation, không lần mất thuộc địa nào mà lại gây đau đớn thấy rõ như lần mất cái thành phố cảng ở Đông Nam Á này, cái thành phố mà nhờ nước Pháp nó mới có được sự nhận dạng riêng và đặc tính của nó. Vì khi nước Pháp thôn tính Sài Gòn năm 1859 thì nó không có gì nhiều hơn là một pháo đài và một nơi buôn bán tiều tụy dưới ánh nắng mặt trời.
Những người cộng sản Việt Nam khôn ngoan hơn và hẳn là cũng nhân đạo hơn Walter Ulbricht, con người Đức theo Stalin đó, người mà đã cho nổ tung Lâu đài Berlin. Họ không phá hủy các di tích xây dựng của một quyền thế mà họ đã bị tổn thất rất nhiều trong lúc chiến đấu chống lại nó, và cuối cùng cũng đã chiến thắng nó năm 1954. Họ khôi phục lại các biểu tượng của quyền lực thuộc địa trong màu vàng hoàng đế sáng rực: ngôi nhà hát kiểu Cổ điển, tòa thị chính Tân Gotic và – bên cạnh nhiều công trình xây dựng lộng lẫy khác – tòa nhà bưu điện Pháp được xây năm 1891 theo kiểu Tân Nghệ thuật, tòa nhà mà Gustave Eiffel, người xây chiếc tháp được gọi theo tên ông ở Paris, đã đặt một cái mái bằng thủy tinh và sắt lên trên đó.
Người dân Sài Gòn không để cho người ta nhận thấy một sự oán giận nào khi họ bước tới gặp các ông chủ thuộc địa trước đây của họ, dù có là người mang vác va li, doanh nhân hay cảnh sát biên phòng đi chăng nữa. Dẫu sao thì cũng chỉ có những người trên sáu mươi mới có một ký ức về thời thuộc địa, và chỉ ai hơn ba mươi tuổi thì mới trải qua cuộc Chiến tranh Việt Nam, cái có tên là “Cuộc chiến tranh chống Mỹ” trên tờ “Saigon Times”. Mạnh hơn những hình ảnh của kẻ thù và mạnh hơn văn chương sau giờ làm việc của những du kích quân ngày xưa là ý chí muốn sống của những người trẻ hơn, và khao khát hạnh phúc nóng bỏng của họ, cái đã tạo nên bầu không khí khởi đầu trong thành phố sáu hay tám triệu người này (không có con số chính xác).
Đường Tự Do 1961
Đường Tự Do 1961
Ngày nay, Sài Gòn là thiên đường của quốc gia. Không một thành phố Việt Nam nào khác mà lại đưa ra cho người dân của nó nhiều cơ hội tới như vậy: tiền lương ở đây cao gấp ba lần trung bình trên toàn quốc. Các nước của Thế giới thứ Nhất, trong số họ là tất cả các địch thủ chiến tranh ngày xưa (người Pháp, người Nhật, người Mỹ), đã đầu tư vào Sài Gòn và các vùng lân cận – từ cuối những năm 1990 là nhiều tỷ dollar Mỹ. Mới đây, du lịch Sài Gòn đã có thể ghi nhận một tăng trưởng là mười phần trăm. Với tăng trưởng kinh tế bảy phần trăm, nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá đã tự đặt mình lên hàng đầu của những nước châu Á, sau Trung Quốc. Nhưng động cơ của lần tăng trưởng này là cái thành phố hấp tấp, trông có vẻ như không lúc nào ngưng nghỉ, giống như một thành phố của những con kiến này, cái đang đào xới vùng đất bồi ở vùng châu thổ sông Cửu Long.
Hiện nay, quanh con đường Đồng Khởi đô thị quen thuộc đang có những kế hoạch xây dựng cố vượt quá tầng thứ ba mươi ba, tầng mà ngôi nhà chọc trời vừa mới đánh dấu là đỉnh điểm. Và khi ban đêm xích đạo bắt đầu sớm vào lúc khoảng mười tám giờ thì Sài Gòn cũng trở thành “thành phố của ánh sáng” giống như gương mẫu Paris của nó. Ở cạnh những bến tàu của sông Sài Gòn, những con tàu thủy có nhạc, được chiếu sáng cho tới tận ngọn, đang chờ khách nước ngoài của chúng. Quảng cáo bằng đèn neon, được dựng cao lên như một ngôi nhà, đang chiếu sáng từ ở bờ sông bên kia để trở thành những tín hiệu ánh sáng của toàn cầu hóa – sáng nhất là ngôi sao của Daimler-Benz.
Vẫn còn có cái nghèo ở Sài Gòn. Người nước ngoài vẫn còn có cảm giác bị nắm chặt ở tay áo trên đường Đồng Khởi hay trên những bậc thang vào chùa Phật giáo hay đền thờ của người Hoa. Nhưng ai có tình thương nhìn vào đôi mắt của một người ăn xin thì cũng thấy ánh phản chiếu của niềm hy vọng. Sài Gòn, vẫn còn là một nơi chốn của Thế giới thứ Ba, hân hoan trong sự lạc quan hơn tất cả các thành phố nhiệt đới có cùng một mức phát triển tương đương.
Khoảng một phần ba dân số sống “bất hợp pháp” trong thành phố, không có quyền cư trú. Đó là những sỹ quan, nhân viên nhà nước, người hưởng lợi, những người từng cộng tác với chính phủ Nam Việt Nam thân Mỹ trước đây. Sau chiến thắng của cộng sản, họ cùng gia đình bị đày vào trong các trại cải tạo và rồi lại trở về vào một lúc nào đó. Người ta dung tha cho họ, nhưng không cấp giấy phép hành nghề cho họ. Nhưng thành phố đầy những chợ không được cho phép trên đường phố. Trên những con đường rộng rãi để bốc dở hàng hóa ở phía sau ngôi nhà lồng tuyệt vời của chợ Bến Thành, ngôi chợ mà trong đó nhiều người khách của các khách sạn sang trọng nằm xung quanh đó trở thành người săn lùng hàng giá rẻ, có hàng chục người buôn bán bất hợp pháp ngồi đó với hàng hóa của họ trên lề đường. Một bà bán cam nói với tôi, bà sẽ bỏ chạy nếu như cảnh sát tới. Thế nhưng gương mặt nhăn nheo của bà, được che nắng bởi chiếc nón lá có màu vàng, không để cho tôi nhận thấy một sự hoảng sợ. Bà bình thản gắn lá xanh vào cuống những trái cam của bà, vì khách hàng không thích trái cây với lá héo. Việc mà cảnh sát không xuất hiện chắc hẳn là biến thể Sài Gòn của an sinh xã hội, vì thành phố không trợ cấp tài chính.
Cả những người buôn bán thú nhỏ ở cạnh kênh Bến Nghé hôi thối cũng không có giấy phép. Họ bán rắn, rùa, chó, chim. Con đường dọc theo kênh nằm ở rìa của quận Nhất, nhưng hầu như không có người. Ai tìm đến chợ này, người đó cần hồi phục khả năng sinh lý của mình (rắn), cần trợ tim (rùa), muốn làm sống dậy tình yêu thú vật (chó Nhật mảnh khảnh – đắt tiền) hay làm sống dậy khẩu vị đã được chiều chuộng quá mức của mình (chó Đức to béo – rẻ tiền). Tôi làm giống như một Phật tử có tội muốn giải hòa với trời: Với hai mươi ngàn đồng (một euro) tôi mua hai con chim hót bị bắt bằng keo dính và trả tự do cho chúng.
Ở phía bên kia của con kênh đào dơ bẩn, cũng như ở phía bên này kênh thuộc khu phố người Hoa Chợ Lớn, ở đó, nơi những con gà đá đã bị đô thị hóa gáy vang vào lúc gần năm giờ vào mỗi buổi sáng, nhưng cả ở bờ Đông của sông Sài Gòn, có những căn nhà bằng tôn không cửa sổ, đầy phân ở xung quanh, nhô lên khỏi làm nước đen từ những cây cọc xiêu vẹo. Những căn nhà của người nghèo này đã có từ thời Pháp, Graham Greene gọi những người ở trong đó là “cư dân đầm lầy”. Bây giờ, sống lây lất ở đó là những đứa con ghẻ của lịch sử Việt Nam – người từng hưởng lợi từ quân đội Mỹ, đã bị mất chỗ bám, và người vượt biên quay trở về.
Những người được nhắc tới sau đã rời bỏ Sài Gòn thành phố quê hương của họ sau chiến thắng của cộng sản trên những chiếc thuyền bé tí. Nhiều người đã chết trên biển Đông. Nhưng những người này thì tới nơi, ở Hongkong hay Singapore, nơi họ sống trong những trại tỵ nạn. Họ trở về sau nhiều năm. Họ đã chấp nhận nhiều thử thách khó khăn, chất vấn, cấm đoán, giám sát khủng bố, nhưng lại cảm ơn quê hương đã tái nhận họ. Trong bất kỳ một người Việt nào mà tôi trao đổi với họ, dù đó là một dân cư đầm lầy hay một ngôi sao điện ảnh, đều hiện lên một người yêu nước. Trong bất cứ một đất nước nào khác, tôi chưa từng bao giờ nghe được nhiều người nói một cách đáng tin tới như vậy: “Tôi yêu nước tôi.”
Từ đôi môi của cô Đỗ Hải Yến hai mươi tuổi, những lời nói của cô vừa mới chạm vào tôi như sự dịu dàng mỏng manh của một hơi thở, thì tuyên bố đó đến với tiếng chuông trang nghiêm. Trong một chuyển thể Hollywood của quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của Greene, cô đã đóng vai cô gái Việt tên Phượng. Kể từ lúc đó, cô sống trong một căn hộ tiện nghi ở ngoại ô Sài Gòn, nơi mà cô tiếp tôi cho một cuộc phỏng vấn.
Công ty của nhà sản xuất người Mỹ Sydney Pollack là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên được phép quay phim ở Sài Gòn. Hollywood đã từng chuyển thể đề tài của Greene một lần, trong những năm 1950 và trong xưởng phim. Lúc đó, Phượng được một phụ nữ người Ý đóng, người đã không làm tròn được vai diễn này. Lần này thì hãng phim kêu gọi hàng ngàn phụ nữ Việt trẻ tuổi đến để tuyển lựa. Họ tìm thấy Hải Yến, một cô gái mười bảy tuổi, đã học bảy năm tại trường múa ở Hà Nội, và đã vào Sài Gòn cũng như nhiều người trẻ tuổi khác từ miền Bắc để tìm may mắn. Và cô đã “ngất ngây vì hạnh phúc”, cô nói với chúng tôi, khi cô đứng bên cạnh Michael Cain nổi tiếng trước máy quay.
Một cảnh trong phim "Người Mỹ trầm lặng"
Một cảnh trong phim “Người Mỹ trầm lặng”
Phim đó thể hiện sự can thiệp vào thời kỳ đầu của Hoa Kỳ vào số phận của nước Việt, thể hiện sự cố gắng của Mỹ, giữ vững những “colon” [thực dân] Pháp trên yên ngựa và bóp nghẹt cuộc chiến tranh giành độc lập của Hồ Chí Minh với những hành động bất minh. Tất nhiên là Bộ Văn hóa Việt Nam không phản đối kịch bản này.
Nhưng giấy phép quay phim cũng được cấp từ một lý do khác, được Pham Tu, phó ngành du lịch, nêu ra: “Tôi chợt nhận ra là bất cứ người khách du lịch nào cũng có quyển sách của Graham Greene trên tay, và tôi hiểu là văn học sẽ chắp cánh cho du lịch. Nhưng một phim truyện, tôi nghĩ như vậy, sẽ còn lôi cuốn nhiều khách du lịch vào đất nước của chúng tôi hơn là một quyển sách.”
Phim này, được quay với một sự cẩn trọng to lớn về lịch sử và diễn viên chính của nó đã được đề cử cho giải Oscar năm 2002, cũng hẳn là một hành động của lương tâm Mỹ. Mỗi một chuyến đi dạo qua quận Nhất sẽ nhắc cho những người làm phim từ Hoollywood nhớ lại những hành động tàn bạo trong chiến tranh. Vì xin ăn ở đó, trong thành phố của những người hy vọng, là những kẻ tuyệt vọng. Chúng còn là trẻ con, thiếu niên với những đôi chân gầy tới muốn xé nát trái tim mà các em không đi lại với chúng mà lại vắt lên cổ nhưng những cái chân vô dụng. Các em dùng tay đẩy mình tới chỗ khách du lịch, và họ ít khi quay người đi nơi khác. Những đứa bé này được sinh ra rất lâu sau chiến tranh, nhưng vẫn là nạn nhân của cuộc chiến. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em dị dạng được sinh ra đời, vì mẹ của các em thời đó đã hít phải chất độc màu da cam. Khác với các “colon”, quân đội Mỹ chỉ làm biến dạng cái thành phố mà họ đã nắm quyền ở đó nhiều năm trời – những công sự xấu xí bằng bê tông, những khu quân sự mang vẻ đe dọa và những người tàn tật sinh sau trong cái hào nhoáng của quận Nhất, cái thật ra là Sài Gòn và cả trong thành phố Hồ Chí Minh cũng còn có tên là như vậy.
Nhưng không có gì có thể lấy đi nét quyến rũ bí ẩn của thành phố mang đầy vận mạng đó, cái mà đặc biệt là nhiều người Âu đã không thể cưỡng lại được. Nữ nhà báo người Ý nổi tiếng Oriana Fallaci viết năm 1968: “Tôi thường cảm nhận được niềm ao ước nhức nhối, muốn trở lại Sài Gòn … Sài Gòn đâm vào trong cuộc sống của tôi như một con dao.”
Lực hút của Sài Gòn thật khó mà giải mã được. Nó là một sự mật thiết đô thị kỳ lạ, bao trùm lấy con người xa lạ khi đang đi dạo qua thành phố dưới những hàng cây bạch đàn cao gầy. Bất cứ ở đâu, trong quận Nhất hay trong quận Ba, khu biệt thự của giới thượng lưu Pháp, người đó biết rằng đang ở trong một thành phố xa lạ đối với mình, nhưng nó vẫn có vẻ quen thuộc đối với ông ấy. Cả trong quận Năm, Chợ Lớn cũ của người Hoa, khu phố mà những người cộng sản đã tẩy trừ thói xấu của thuốc phiện và của tình yêu được chào mời mua bán ra khỏi đó, trong khi những hàng chữ Hán vẫn còn ở trên các ngôi nhà, ngay ở đó, con người xa lạ vẫn có cảm giác được chấp nhận.
Cái gì quyến rũ tới như vậy? Tôi cho rằng đó là nét duyên dáng Âu-Á của Sài Gòn. Vì khác với ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, những thành phố mà một chính quyền điên cuồng hiện đại hóa đã lấy đi đặc tính của những khu phố cũ thơ mộng quanh co bằng cách giật sập phá bỏ, trong các khu phố của Sài Gòn thì cái xưa cũ được tân trang, và đó là nét thơ mộng thuộc địa Pháp. Vào cuối thế kỷ mười chín, cùng với phương án mặt bằng như bàn cờ của các quận, người Pháp cũng du nhập những cái ban công được rèn bằng sắt vào. Những cái ban công đó hiện giờ đã rỉ sét và xuống cấp nhiều cho tới mức hầu như chúng không thể chịu đựng sức nặng của con người được nữa, như hẳn là có thể mang những cây bonsai của sự kính yêu thiên nhiên Phật giáo.
Ở bên kia của nội thành được quy hoạch rộng rãi, trong những thế giới oi bức của giới bình dân, nhà ở thường không rộng hơn ban công của chúng, những cái ban công mà đã thượng lưu hóa tầng một chật chội thành tầng lầu đẹp. Hiện đại hóa ở Sài Gòn có nghĩa là: tiếp tục xây lên trời, chất tầng này lên tầng khác và thiết kế một sân thượng với mái che có kết cấu cột đỡ, cao lên khỏi láng giềng gần đất, có màu xanh tươi của rừng rậm mọc um tùm, chim hót trong những cái lồng rộng lớn và phơi khô quần của chủ nhà.
Tầng trệt bao giờ cũng là một quán ăn, một cửa hàng hay một gian xưởng. Ở đây có mùi mỡ heo, mùi sả và ớt, và mỡ nóng kêu lèo xèo trong những cái chảo. Đứng trước một sự bận rộn buôn bán không chừa bất cứ một lối vào nào, có những người khách du lịch Phương Tây thỉnh thoảng lại ngờ vực, rằng liệu Sài Gòn có thật sự là một thành phố cộng sản hay không. Vì nó không biểu hiện nó như vậy ở bất cứ nơi nào. Ngoại trừ một cây cờ đỏ ở cạnh ngôi nhà Đảng thì không có gì khiến cho người ta nhớ tới những người cầm quyền.
Cả những người “tốt nghiệp cải tạo” cũng dần có thể đứng vững lại được, ví dụ như ông Nhan. Thật khó mà có thể tưởng tượng được là phòng trưng bày mỹ thuật của ông hoạt động mà không có sự đồng ý của chính quyền, nó nằm trong tầm nhìn từ tòa đô chính. Ông Nhan nói hầu như không ngần ngại về tuổi trẻ của mình trong thời của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông học đại học về mỹ thuật ở Sài Gòn. Nói về thời gian sau đó rõ ràng là khó khăn đối với ông. Tôi chợt hiểu là câu hỏi tò mò của tôi về trại cải tạo đã phạm vào một điều không được phép nói tới. Cuối cùng, ông Nhan nói, và ông mỉm cười trong lúc đó: “Tôi không nhìn lại phía sau. Tôi nhìn tới trước.” Câu nói này, cái mà tôi thường nghe được còn nhiều hơn cả câu nói về tình yêu quê hương, là bài hát ca ngợi của Sài Gòn, tôi có thể nói như vậy.
Benno Kroll (1929 – 2004), con trai của một người Hoa và mẹ người Đức, cộng tác cho các tạp chí stern và GEO, ngoài những báo khác, và cũng là tác giả viết sách. Ông đã được trao tặng giải Egon Erwin Kisch.
Đọc những bài khác về Việt Nam ở trang Quê hương Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét