Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Tiền giấy Việt Nam hiện nay nặng bao nhiêu?

Năm 1990, nhân dịp được sở cho đi tháp tùng phái đoàn chính phủ Pháp về công tác tại Việt Nam, tôi đã nhân cơ hội này đi xe lửa xuôi Nam về thăm gia đình anh chị lớn tôi lúc đó còn cư ngụ ở Cần Thơ. Hôm gặp mặt vui vẻ cả nhà anh chị tôi và bốn người con của anh chị (tức là cháu tôi), dĩ nhiên là ông chú phải có quà. Quà tôi cho gia đình anh chị lớn tôi rất đơn giản, có bao nhiêu tiền Mỹ trong người tôi để lại hết cho anh chị tôi vì gia cảnh anh chị tôi lúc đó vẫn còn rất nghèo túng. Riêng cho các cháu thì tôi cũng cho bằng đô la Mỹ và tôi đã rất cẩn thận làm từng phong bì trên đó có đề tên từng cháu và tôi dán phong bì chu đáo trước khi giao.
Cháu nào chưa có gia đình thì được một tờ 50 đô la Mỹ ăn Tết, còn đứa nào có gia đình thì tôi biếu tờ 100 đô la. Sau khi đưa xong phong bì, cả nhà ăn uống vui vẻ và chia tay. Trước khi tôi ra lên xe đò về lại Sài Gòn, thằng con út của anh tôi vù xe Honda đến bến xe và bảo tôi là phong bì của tôi biếu nó bên trong không có tiền. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhưng tôi cũng vội vàng tự cho là không lẽ cháu mình lại nói dối lừa ông chú lớn tuổi và tự nghĩ là có thể tôi đã quên bỏ tiền vào phong bì thật vì tuổi đã lớn mà đi đường xá xa xôi mệt mỏi, tâm trí mình có thể lúc đó bất an và mình đã quên bỏ tiền vào phong bì. Tôi vội chìa ra một tờ 50 đô la khác và vui vẻ xin lỗi nó vì chú già nên đầu óc không còn minh mẫn. Nó ôm tôi hôn rồi phóng xe đi.
Mười năm sau, tức là năm 2000, tôi lại được sở cho đi công tác nhưng lần này là ở Nam Hàn. Tôi cũng đã “tranh thủ” lấy một tuần lễ nghỉ để về thăm gia đình anh chị tôi. Gia đình anh chị bây giờ đã dọn về gần Sài Gòn và cả nhà đã ăn nên làm ra, khá giả hơn trước gấp bội. Căn nhà hai anh chị xây ở Phú Nhuận có 4 tầng, toàn bằng gạch và bên trong sàn nhà lót đá gạch Bát Tràng rất là khang trang. Và lần này thì tôi không phải ngủ khách sạn, tôi được anh chị “bố ráp” cho một tầng riêng biệt ở thượng tầng căn hộ. Và cũng như lần trước, sau khi ăn uống đoàn tụ cả nhà vui vẻ, lại đến màn lì xì của ông chú từ xa về thăm. Bốn cháu tôi giờ đã lớn, có công ăn việc làm và đều có gia đình cả. Và dĩ nhiên số tiền lì xì của tôi cũng phải lớn hơn xưa. Tôi cho mỗi đứa $250 đô la Mỹ. Nhưng lần này tôi khôn hơn lần trước sau kinh nghiệm quên tiền. Tôi cho chúng nó toàn tiền giấy Việt Nam đựng trong các phong bì dầy cộm và tôi dặn rất kỹ từng đứa phải đếm cho kỹ trước khi chia tay vì chú nay càng lớn tuổi có thể đếm nhầm. Bọn nó cũng rất tế nhị và không muốn làm buồn lòng ông chú, không đứa nào đem tiền ra đếm trước mặt tôi và đứa lớn nhất đã nhanh nhẩu nói “chúng cháu không dám ạ, chú cho bao nhiêu thì chúng cháu được hưởng bấy nhiêu và chúng cháu cám ơn chú muôn vàn”. Sau đó chúng tôi chia tay. Và từ đó mỗi lần có các bạn tôi về thăm Việt Nam và hỏi tôi cách nào hay nhất để biếu tiền cho người nhà, tôi luôn khuyên là nên đổi ra tiền Việt Nam vì như vậy cả người cho lẫn người nhận biết chắc chắn là có một phong bì dầy cộm và nhỡ mình có đếm nhầm, số tiền nhầm cũng bé hơn là nếu mình đếm nhầm tờ 50 hay 100 đô la Mỹ.
Bây giờ mỗi khi nghĩ lại đống bạc giấy nặng chình chịch ấy, tôi lại mỉm cười. Gần đây các bạn tôi từ Việt Nam về cho tôi biết là bây giờ nước ta văn minh lắm, tiền giấy không làm bằng cotton (bông vải) nữa mà toàn bằng polymer. Tiền giấy polymer mỏng, đẹp và nhẹ hơn tiền giấy cotton nhiều.
Vừa qua có vụ xử án tham nhũng lớn ở Việt Nam. Trong một phiên tòa ở thành phố Hà Nội, nhân chứng Dương Chí Dũng, trong vụ xử án em mình là ông Dương Tự Trọng, đã bất thần khai trước tòa là ông đã đem một số tiền 500 ngàn đô la Mỹ và một số tiền 20 tỉ đồng Việt Nam đến giao cho ông Phạm Quý Ngọ (Thượng Tướng CA, hiện là thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam và đã từng là trưởng Ban Chuyên Án điều tra vụ Vinalines của ông Dương Chí Dũng). Theo lời khai của ông Dũng, số tiền“quà cho ông anh” được đem đến giao cho ông anh trong một túi đựng phong bì.
Khi đọc đến đây, với kinh nghiệm bản thân đã từng cho phong bì tiền cho các cháu tôi, tôi tò mò muốn biết cái túi đó nó nặng dường nào. Tôi bèn lên mạng tìm kiếm và tôi tìm được phần lớn mỗi tờ giấy tiền polymer cũng chỉ nặng xấp xỉ một gram thôi (cân của tờ giấy tùy vào số tiền trên mặt giấy, nhưng hầu hết đều thay đổi xung quanh 1 gram). Và tôi làm thử vài con tính đơn giản sau đây để định lượng cân của cả số tiền mà ông Dũng đem đến chỗ gặp ông Ngọ.
Trước tiên tôi bắt đầu với số tiền 500 nghìn đô la Mỹ. Tỉ dụ ông Dũng dùng toàn những tờ giấy polymer 100 đô la, sẽ phải cần đến 5 nghìn tờ. Như vậy 5 nghìn tờ cân nặng xấp xỉ 5000 grams hay 5 kí lô. Năm kí lô thì cũng chỉ xấp xỉ nặng cỡ quyển từ điển Pháp Việt bìa cứng của ông Đào Duy Anh dày khoảng 1960 trang. Đem số tiền nặng vài ký này chắc cũng phải bỏ vào một hộp giấy bìa cứng, hoặc nếu dùng phong bì tốt giấy dầy thì ít nhất cũng phải từ 5 đến 10 phong bì cỡ bự. Nếu ông Dũng dùng số tiền 1000 đô la thay vì 100 đô la, chúng ta chỉ việc chia 5000 grams cho 10 và tìm ra ngay là số cân tổng cộng sẽ nhẹ hẳn đi và lúc đó có thể chỉ cần một phong bì thôi, vừa nhẹ dễ mang lại vừa kín đáo.
Riêng số tiền 20 tỉ VNĐ thì tôi nghĩ sẽ nặng hơn nhiều. Tôi xin tính nhanh theo bảng phân loại dưới đây tính từ số tiền 20 tỉ VNĐ:

Đơn vị tiền giấySố tờ giấyCân nặng (kí lô)
100 nghìn200 nghìn200
200 nghìn100 nghìn100
500 nghìn40 nghìn40

Cho là ông Dũng khôn ngoan đổi toàn tiền lớn cho nhẹ, nhẹ nhất trong trường hợp này là ít nhất 40 kí lô. Cộng thêm vài kí lô tiền USD trong phong bì, số cân cuối cùng của túi bạc ông Dũng mang phải nặng tối thiểu 40 kí lô.
Khi tôi lấy máy bay đi du lịch giữa các nước hiện nay, tôi có quyền đem một va li hành lý nặng 23 kí lô. Chỉ một hành lý không xách tay 23 kí lô mà tôi đã thấy kéo (hành lý có 2 bánh xe), hoặc nhấc lên bậc thang, hoặc khuân để lên cóp xe rất vất vả. Ông Dũng với 40 kí lô chắc phải bỏ vào một túi da chắc chắn và chắc không thể vác lên vai dễ dàng và tôi nghĩ chắc ông phải có cách đặc biệt di chuyển túi tiền nặng chình chịch này mà ông chưa tiện nói ra. Tôi nghĩ nếu quan tòa hỏi vặn tới thì thế nào ông cũng phải trả lời nhưng không hiểu sao không thấy các thẩm phán của tòa án đặt những câu hỏi này.
Với một cái túi nặng 40 kí lô tối thiểu, cả người cho lẫn người nhận không thể nói là mình không biết đến sức nặng của nó khi khênh nó lên. Các cháu tôi lần thứ nhì đã không có đứa nào rượt xe Honda đến tận bến xe lần thứ nhì nói là tôi đã quên không bỏ tiền vào phong bì vì đã có cả nhà làm bằng chứng và ai cũng nhìn thấy tận mắt những phong bì dầy cộm tôi trao.
Trong trường hợp ông Dũng, tôi nghĩ không thể nào với một cái túi tiền nặng và to như vậy, việc kéo hoặc bê khệ nệ túi này từ nhà ông Dũng ra xe rồi từ xe ông Dũng vào nơi chỗ ông Ngọ ở lúc đó mà không có một người khác thấy hoặc biết đến thì quả thật là tài tình. Mặc dù không tin là không có người thứ ba nhìn thấy cái túi to này, tôi rất thán phục cách giao tiền thật “kín đáo và tuyệt chiêu” của ông Dương Chí Dũng.
Nguyễn Duy Vinh
 (Giáo Sư Vật Lý Học về hưu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét