Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Trở về làng cũ

mingdongchen0114

Văn chương, phú, lục, chẳng hay
Trở về làng cũ, học cầy cho xong.
Hai câu thơ lục bát này mô tả sự thất bại của một thầy khóa, thi rớt, vỡ mộng quan trường, trở về với con trâu, cái cầy; cảnh buồn nản của vài thế kỷ trước. Tuy là chuyện ngày xưa, cô vợ quay tơ, dệt lụa, cắc củm dành dụm từng đồng để vài năm một lần thầy khóa có tiền bước ra khỏi lũy tre làng đi tìm sự nghiệp, nhưng ngày nay câu chuyện dễ thương đó cũng vẫn còn, với cái thay đổi duy nhất là các thầy khóa không trẩy kinh dự thí nữa, mà sang Mỹ lập nghiệp.
Vốn liếng hộ thân không còn là văn chương, phú, lục, mà là một cái chảo và vài ngàn lít mồ hôi; nhân vật chính trong câu chuyện đi chui, làm giầu, là anh Lý Duẫn, người di dân lậu sang Mỹ 20 năm trước, giờ này thất bại trở về Tầu, với những mất mát toàn bộ, chỉ còn trơ hai bàn tay trắng như ngày hăm hở rời Phúc Kiến lên tầu sang Mỹ.
Đến Mỹ như một di dân bất hợp pháp, anh ôm giấc mộng 3 chữ “ka, che, dian,”- card, xế, tiệm- giấc mộng chung của mọi người Hoa di dân: card là tấm green card, thẻ thường trú; chỉ sau khi có được tấm thẻ hộ mạng này, họ mới mơ đến chiếc xe để đi làm, đi chơi, và chót hết là mục đích tối thượng mở tiệm để thu góp đồng bạc khách trả cho những dĩa cơm chiên, những chảo gà xào cải. Những đồng bạc dành dụm đầu tiên chưa đi vào số vốn mở tiệm: anh còn phải thanh toán món nợ $80,000 -cái giá đi chui sang Mỹ.
Làm việc mỗi tuần trên 120 giờ, anh trả dứt nợ, rồi dành dụm tiền để cưới vợ, xây dựng mái ấm gia đình. Duẫn còn mua được một căn apartment tại đường 57, căn phố nhỏ được khoanh một khoảnh nho nhỏ cho Chen ở đậu.
Tối 26 tháng Mười 2013, cô Li -vợ anh Duẫn- gọi điện thoại về Phúc Kiến mách bà mẹ chồng là cô thấy Chen dấu một lưỡi dao nhọn trong phòng riêng của anh này. Cô hơi lo vì vài ngày trước Chen gây cãi với đứa con gái lớn của cô.
Cô Li định hôm sau sẽ mách chồng về việc Chen dấu dao trong phòng; nhưng “hôm sau” là thời điểm không bao giờ đến với mẹ con cô nữa. Chen giết cả 5 mẹ con cô trong đêm hôm đó.
Mất mát đổ úp xuống đầu Duẫn -đột ngột và trọn vẹn. Anh đứng chết trân nhìn cô con gái nhỏ thứ nhì của anh bị đưa vào lòng đất, sau cô chị, lớn hơn 2 tuổi; tiếp theo là cậu em, và chót hết là bé Bê Bi, quá nhỏ không thể chôn riêng được, nên nằm chung với mẹ trong cùng một cỗ quan tài.
Anh Duẫn nhìn từng xẻng đất của vùng đất hứa phủ kín hình hài cả 5 người thân yêu nhất trong đời anh, rồi ý thức được là anh không còn lý do gì để sống trên đất Mỹ nữa; anh mua vé máy bay, trở về Phúc Kiến.
Vài tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay hồi hương, Duẫn tâm sự, “Tôi làm việc cực khổ cũng chỉ để thấy con mình thành công hơn mình; giờ này, vợ chết, con chết, mình sống ở đâu cũng buồn, cũng khổ thôi.” Vợ anh, cô Qiaozhen Li, 37, tươi như hoa; bốn đứa con anh, Linda lên 9; Amy lên 7; Kevin, 5; và bé William, mới đầy năm, đứa nào cũng sáng sủa, thông minh.
Chen ở chung với gia đình Duẫn tại một căn trong khu apartment tại Sunset Park, New York City. Bị bắt trong tình trạng quần áo còn vấy máu, lưỡi dao tang vật vứt dưới đất, Chen khai với cảnh sát là cuộc sống đầy đủ, yên bình của gia đình Duẫn làm anh chạnh buồn vì những thất bại của anh.
Họ là người cùng làng, những ngôi làng vây quanh thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến; họ kéo nhau sang Mỹ, cùng chọn Nữu Ước là đất dung thân; ngày ngày họ dùng xe bus di chuyển đến hàng trăm tiệm ăn Tầu rải rác khắp thành phố, lăn vào bếp trong vai trò anh bếp xào (stir cook); mỗi ngày mỗi anh chiên, xào hàng trăm dĩa cơm, dĩa gà xào rau, đậu, và chắt bóp từng đồng gửi về, lo cho thằng em đủ tiền mua một chỗ đi chui sang thiên đàng Hoa Kỳ.
Tuy nhiên trong 100 người thành công bằng mồ hôi, cũng có 1 người thất bại vì không kiên nhẫn đầu tư đủ số lượng mồ hôi đòi hỏi. Chen là một trong những người đó. Dĩ nhiên anh không giết gia đình Duẫn chỉ vì Duẫn thành công hơn anh. Bác sĩ tâm thần đang xét nghiệm để tìm cho anh một lối thoát bản án tử hình.
Duẫn 41, Chen 25; Duẫn nhìn vào cảnh gia đình, vợ đẹp, con ngoan để cố gắng làm việc hầu bảo vệ hạnh phúc; Chen nhìn vào cuộc sống vô lo, hưởng thụ của thanh niên, thiếu nữ Mỹ, rồi chán nản viết lên Qzone -một mạng xã hội của người Hoa- “Áp lực cuộc sống quá nặng; đường đời quá khó; làm sao tôi vượt qua được.”
Hai anh em (bà con) cùng đến Nữu Ước để bưng dọn trong nhà hàng, rồi lên chức wok-cook (thợ xào), suốt ngày vùi đầu vào cái chảo, tương lai mờ mịt trong khói nghi ngút của những dĩa đồ xào nóng hổi, và của những ngọn lửa bếp gaz, cháy dưới chảo và cháy cả bên trong chảo. Duẫn chùi khuôn mặt ướt mồ hôi bằng chiếc khăn dơ, nhưng qua ánh lửa gay gắt anh nhìn thấy hạnh phúc gia đình; Chen chỉ thấy bất công xã hội.
Thiếu cần mẫn, chán công việc, anh chểnh mảng nấu nướng, bị thực khách chê, rồi bị chủ nhà hàng đuổi. Mất job, anh còn hận đời nhiều hơn, giận và ghét cả với cuộc sống kiên nhẫn của Duẫn, rồi đập tan bức ảnh hạnh phúc của bạn trong một cơn điên cuồng vì ghen tị với người anh bà con.
Anh Duẫn vượt và thoát được ra khỏi cuộc sống khó khăn của một nước Tầu vẫn còn kinh niên phong kiến sau nhiều cuộc cách mạng; sang Mỹ anh thành công trong cuộc sống tối tăm của một người đầu bếp, nhưng tìm được hạnh phúc gia đình, và sống vui trong phấn đấu.
Giờ này trở lại Phúc Kiến, Duẫn mất tất cả -kể cả những mục tiêu ngắn hạn, bé nhỏ như “ka, che, dian”, liệu anh có tìm được một triết lý nào khác để vui với cuộc sống mới nữa không.
Anh không có cả đến cái cầy và con trâu làm bầu, làm bạn như anh khóa thi rớt ngày xưa để tạm mua vui.

nguyễn đạt thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét