Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Tưởng nhớ Tướng Bùi Thế Lân

 05- Tuong Bui The Lan hinh chup thang 11 -2013



Tướng Ngô Quang Trưởng, Cao Văn Viên. Bùi Thế Lân và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Quảng Trị 1972
văn quang
Tin Thiếu tướng Bùi Thế Lân từ trần đến với tôi quá đột ngột. Có lẽ cũng như nhiều người quen khác của ông. Bởi mới 3 hôm trước đây, tôi nghe nói ông còn khỏe mạnh và còn đi ăn với gia đình. Hơn một tháng trước, ông gửi cho tôi khoảng 50 bức ảnh về ngày sinh nhật thứ 82 của ông tại nhà riêng ở San Jose. Trông ông rất khỏe mạnh, vui tươi, hạnh phúc cùng bạn bè. Có một bức ảnh ông gửi riêng cho tôi và hỏi đùa là “Trông giống Nhật hoàng không?”. Tôi trả lời: “Giống đến nỗi ông bà đi ngoài đường phố Tokyo, dân bò ra đường chào hết”. Thỉnh thoảng tôi điện thoại sang thăm ông, không có một dấu hiệu nào về bệnh tật của ông cả.
Sáng 15-1-2014, tôi dậy vào lúc 05 giờ, mở e-mail đọc. Người đầu tiên báo tin buồn cho tôi là anh Nguyễn Gia Quyết, một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), hiện ở Houston. Chỉ có một dòng ngắn ngủi: “Anh ơi, Thiếu Tướng Bùi Thế Lân đã từ trần sáng nay 14-1 rồi, anh biết tin chưa”. Sau đó một nguồn tin của anh BMH thông báo một số chi tiết cùng 2 tấm ảnh của ông. Tôi lập tức gọi điện thoại sang cho ông Hùng Sùi, người bạn cùng Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức với tướng Lân và tôi, hiện ông Hùng ở San Jose cùng thành phố với ông Lân. Ông Hùng Sùi xác nhận tin này và cho tôi biết thêm bác sĩ Luyện, cùng khóa với chúng tôi, sau này là bác sĩ tại Mỹ và cũng là bác sĩ của gia đình tướng Lân. Theo vị bác sĩ này, tướng Lân ra đi đột ngột vì bệnh tim mạch. Ông Hùng cũng nói thêm về dự tính của anh em cùng khóa trong tang lễ của tướng Lân là bạn bè trong Khóa 4 dự tính sẽ phủ cờ, nhưng anh em trong binh chủng TQLC nói để binh chủng của anh em đảm nhận việc này. Tôi nghĩ đó cũng là điều hợp lý. Từ đó chúng tôi ôn lại những kỷ niệm xa gần với người bạn cùng khóa này. Điểm lại Đại Đội 3 – Khóa 4 Thủ Đức của chúng tôi có lẽ “sản xuất” ra nhiều vị Tướng nhất trong các khóa Sĩ Quan, kể cả hiện dịch và trừ bị. Từ chuẩn tướng Nguyễn Đình Bảo “người ở lại Charlie” sớm nhất rồi đến tướng Hồ Trung Hậu, Ngô Quang Trưởng, Lê Quang Lưỡng… có lẽ tướng Lân là vị ra đi sau cùng.
Những ngày mới gặp 
Ông Bùi Thế Lân và tôi cùng được động viên vào Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức năm 1953 và ra trường với cấp Thiếu úy vào năm 1954. Ông Lân và tôi cùng các ông Hùng Sùi, Mai Hắc Lào, Ngô Quang Trưởng, Lê Quang Lưỡng… cùng ở chung Đại Đội 3. Lúc đó, đại đội trưởng là một sĩ quan nhảy dù người Pháp – Trung Úy Bardet, đại đội phó là Trung Úy Kỳ Quan Liêm. Trước khi mãn khóa, Đại Đội 3 của tôi từ Thủ Đức được di chuyển bằng tàu thủy Gascogne ra Bãi Cháy – Quảng Ninh học “Stage Commandos”. Một khóa học rất gian khổ. Lúc đó ông Lân đã đeo cặp kính trắng dày cộm nên được anh em tặng cho cái biệt danh là “Lân mù”. Là một sinh viên sĩ quan bình thường như bao nhiêu anh em khác, ông cũng đi cầu khỉ, bơi thuyền, leo núi, tập trận bắn đạn thật và hàng chục bài tập nguy hiểm khác đến mờ người, song lúc nào cũng tươi cười, thân thiện với mọi người. Sau hai tháng chúng tôi về thi cuối khóa và làm lễ mãn khóa ngày 01-6-1954 cùng khóa 10 Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt tại Sài Gòn. Cuộc duyệt binh khá rầm rộ, vác khẩu Garant lệch vai.
Chúng tôi là dân Bắc Kỳ mới vào Nam nên thường thân thiết với nhau hơn, nhất là khi được phép ra Sài Gòn vào những ngày Thứ Bảy – Chủ Nhật. Chúng tôi đi thành nhóm và đôi khi có anh em sống ở miền Nam hướng dẫn đi khắp Sài Gòn, từ Sở Thú đến Chợ Lớn. Năm bảy anh em chỉ dám thuê chung một phòng trong một khách sạn lem nhem trong những con phố hẹp. Nhưng ông Lân thường không hay đi lang thang, không lần mò vào những nơi xa lạ như Kim Chung Đại Thế Giới, Chợ Bến Thành, ông tìm những nơi yên tĩnh nghỉ ngơi. Có lần tôi thấy ông nằm trên ghế đá Thảo Cầm Viên ngủ tỉnh bơ như ở nhà.
Sau khi mãn khóa, tôi về làm huấn luyện viên ở Trường Commnandos Nord Việt Nam từ Bãi Cháy di chuyển vào Đồng Đế – Nha Trang sau Hiệp định Génève. Một thời gian sau, ông Bùi Thế Lân cũng về Nha Trang, đó là thời kỳ Binh Chủng TQLC mới thành lập. Có lẽ vì thế ông là Đại Đội Trưởng Đại Đội 1- Tiểu Đoàn 1 của binh chủng này. Chúng tôi thời còn trẻ, tâm hồn phơi phới lại cùng gặp nhau vui đùa trên bãi biển Nha Trang.

Vị chỉ huy trẻ đầy tài năng

Khi tôi thuyên chuyển về Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Lệnh của TQLC cũng đặt ở một khu doanh trại tại Sài Gòn. Tôi nhớ vào khoảng năm 1970, lúc đó ông là Đại Tá Tham Mưu Trưởng TQLC, có lần tôi hỏi ông có muốn cho nữ xướng ngôn viên Đài Truyền Hình Quân Đội mặc quân phục của TQLC không? Ông gật ngay: “Ừ sang đây, tao cho vải may quân phục”. Rồi ông cười nói: “Nữ xướng ngôn viên thì chỉ thấy nửa thân hình trên màn hình ti vi, chứ đâu có thấy toàn thân nên không cần quần, đúng không?” Tưởng ông nói đùa, tôi sang lấy vải, ông chỉ cho vải đủ may một cái áo thật. Tôi chê ông hà tiện, ông nói “của quân đội đâu phải của chùa”. Từ đó nữ xương ngôn viên Đài Truyền Hình Quân Đội mặc quân phục TQLC và tất nhiên chỉ có cái áo trên màn hình.
Vào thời kỳ ông chỉ huy mặt trận Quảng Trị, ông nổi tiếng là một sĩ quan có kinh nghiệm và biệt tài chỉ huy, đến ngay cả sĩ quan và nhà báo Mỹ cũng ca ngợi tài năng cũng như phẩm chất của ông. Mỗi khi có trận đánh lớn như trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, tôi thường gửi phóng viên chiến trường ra và luôn điện thoại “gửi ông chăm sóc giùm”. Nhờ vậy ông cho phóng viên của Đài Phát Thanh Quân Đội luôn đi theo sát các đơn vị chiến đấu và được chăm sóc cẩn thận. Tôi còn nhớ phóng viên Nhật Lệ đã làm tường thuật truyền thanh ngay tại mặt trận giữa thành phố khi các đơn vị TQLC tiến chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Rất hiếm có phóng viên nào có thể làm được công việc trực tiếp truyền thanh ngay tại mặt trận nếu không được vị tư lệnh chiến trường yểm trợ.
Ông là một vị tướng trẻ, được hầu hết Sĩ Quan và Binh Sĩ dưới quyền kính trọng, nể phục. Tính kỷ luật của ông nổi tiếng trong quân lực, gần giống như tác phong của Tướng Đỗ Cao Trí. Song cả hai vị tướng này cũng là những sĩ quan rất hào hoa. Đôi khi ở chiến trường về đến Sài Gòn, ông đưa cả Bộ Tham Mưu đi ăn đi chơi. Những lúc đó ông rất bình dị và cởi mở với mọi người.
Có lẽ kể về thành tích chiến trận của ông phải là một tập sách dầy, tôi không đủ sức làm công việc ấy, xin dành cho nhà viết quân sử Việt Nam. Sau những ngày gian khổ, chiếm được Cổ Thành Quảng Trị, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có một bức thư ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đơn vị tham gia trận đánh này, đặc biệt là Thiếu tướng Bùi Thế Lân và Sư Đoàn TQLC.
Ở đây tôi chỉ chú trọng đến một vài kỷ niệm riêng tư mà chắc ít người biết.
Vị tướng hào hoa
Khi tôi nói chuyện với ông Hùng Sùi sáng 15-1-2014, ông Hùng còn nhắc lại một kỷ niệm ngày họp Khóa 4 ở Câu Lạc Bộ Công Binh – Phú Thọ. Năm ấy dường như là lần họp thứ tư hay thứ năm gì đó của anh em trong khóa. Ông Lân đã là Đại Tá nhưng khi trình diện trước khóa, chúng tôi vẫn giữ đúng tư thế của thời là Sinh Viên Sĩ Quan. Ông đứng nghiêm, giơ tay chào và trình diện: “EOR (Eleve Officier de Reserve) Bùi Thế Lân, Onzième Brigade, Trosième Compagnie”.
Sau một ngày ở bên nhau với đủ thứ chuyện, buổi tối chúng tôi có chương trình dạ hội. Tất nhiên tôi phải lãnh phần cung cấp ca nhạc sĩ cho dạ hội. Hầu như tất cả các ca sĩ nổi danh của Sài Gòn đều có mặt góp vui. Hôm đó có cả Kiều Chinh và Kim Vui đến với tư cách khách mời. Ông Lân khoái nhảy Mambo Cha Cha Cha, ông “múa” cũng điệu nghệ lắm. Ông Hùng Sùi nhắc lại một chuyện vui với Tướng Lân.
Tối đó bỗng có hai người đẹp lạ mặt đến tìm Đại Tá Lân. Chúng tôi không hề biết hai người đẹp này là ai. Ông Lân ngỏ ý không muốn gặp, ông chỉ ngồi tiếp khách vài phút rồi đứng dậy. Tôi nói Kim Vui ra sàn nhảy với tướng Lân rồi giữa khung cảnh đèn màu chập choạng và piste đông nghẹt, một người bạn khác ra mời Kim Vui nhảy Tango. Ông Lân lịch sự nhường bạn rồi đi theo lối hậu trường sân khấu ra chiếc xe của tôi có tài xế chờ sẵn, đưa thẳng ông về nhà. Hôm sau chúng tôi mới biết đó là hai người đẹp “mê” tiếng “anh hùng hào hoa” của người sĩ quan TQLC nên tìm đến gặp mặt. Ông Lân không muốn dây dưa nên “chuồn” thẳng. Sau này, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi thường ôn lại chuyện vui này.
Lần gặp cuối cùng 
Tôi gặp tướng Lân lần cuối cùng vào những ngày cuối tháng 4-1975, khi ông đưa quân từ Đà Nẵng về Vũng Tàu. Hôm đó ngồi ăn trưa với tướng Lân ở doanh trại Bộ Tư Lệnh TQLC tại bờ biển Vũng Tàu. Bữa ăn trưa đó còn có ông Nguyễn Quang Đan (hiện đang ở Mỹ), là Chánh văn phòng của tướng Lân và cũng là ông chú họ của tôi, cũng biết khá rõ. Trong khi ngồi ăn, có chiếc trực thăng của Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cùng một sĩ quan Mỹ đáp xuống gặp tướng Lân. Tôi lánh mặt vào phòng trong để cuộc nói chuyện của họ tự nhiên hơn. Chừng nửa giờ sau, chiếc trực thăng cất cánh ra biển. Chúng tôi tiếp tục cuộc nói chuyện. Thật ra cuộc gặp này để nói về cuộc đảo chính khi “tình hình đất nước đã lâm nguy”. Ông đồng ý tham gia cuộc đảo chính để “cứu vãn tình hình” và nhận lời chiếm Dinh Độc Lập. Những người chủ trương đảo chánh tin tưởng tướng Lê Quang Lưỡng – Tư lệnh binh chủng Nhảy Dù, đang đi hành quân song cũng hứa nếu về được sẽ giữ vững cửa ngõ Sài Gòn. Ngoài ra còn Tướng Lê Minh Đảo Tư Lệnh Sư Đoàn 18 ở Long Khánh, các binh chủng thiết giáp, pháo binh, các trường huấn luyện xung quanh khu vực Sài Gòn, số quân nhân còn lại trong các đơn vị, sẽ tham gia với tất cả những gì còn lại.
03- Trung T__ng Ngô Quang Tr__ng và Thi_u T__ng Bùi Th_ Lân
Hình: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và Tướng Bùi Thế Lân trong chiến dịch tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị tháng 9-1972
Vì cú lừa ngoạn mục
Biết rằng cuộc đảo chính thì dễ nhưng giữ Sài Gòn mới khó vì quân Mỹ đã rút hết, cả những bom đạn, vũ khí yểm trợ cũng chẳng còn gì. Giữ Sài Gòn, đóng cửa phi trường và mang theo, bảo vệ số gia đình người Mỹ còn sót lại. Sau đó nếu thế ta quá yếu, sẽ rút về Vùng 4, lúc đó tình hình còn rất sáng sủa. Các vị tướng lãnh nổi danh như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng… và toàn thể quân nhân Vùng 4 sẵn sàng chiến đấu tới phút cuối cùng. Như thế tình hình có thể cứu vãn được bằng một cuộc thương thuyết. Nếu có cuộc đảo chánh đó, biết đâu tình hình có thể sẽ khác đi rất nhiều.
Nhưng rồi một ông trung tướng Mỹ của tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn vào thuyết phục người đứng đầu cuộc đảo chính rằng: “Các ông không cần đảo chánh, nếu Tổng Thống Thiệu ra đi, chỉ còn các ông chứ ai nữa. Nếu các ông làm người dân thiệt hại nặng nề, thành phố tan hoang, sẽ mang tội với lịch sử. Chi bằng các ông cứ đợi đó, bất chiến tự nhiên thành”. Cú lừa ngoạn mục này đã khiến người đứng đầu đảo chánh dễ dàng buông tay.
Lúc đó ở Sài Gòn có Trung Tá Lê Mộng Hoan (hiện ở San Jose) đang là phi đoàn trưởng Phi Đoàn Phản Lực Vùng 4 cũng về nằm trong Tân Sơn Nhất chờ làm đảo chánh. Nhưng phút chót, nếu không ôm được chiếc phản lực còn để ở phi trường quân sự bay về Cần Thơ chắc cũng kẹt lại rồi. Ông Lân thường nhờ ông Nguyễn Quang Đan, liên lạc qua điện thoại với tôi cho kín đáo. Nhưng đợi mãi không có tin tức gì khác nên Tướng Lân buộc phải đưa quân xuống tàu di tản. Trước khi đi, ông cũng cho người gọi điện thoại cho tôi nhưng tôi không thể gặp ông được.
Mãi sau này, sau hơn 12 năm ở cái gọi là “trại cải tạo” ra, một thời gian nữa rồi tôi mới liên lạc lại với ông Lân. Nhắc lại chuyện xưa, tướng Lân hỏi tôi có viết hồi ký về cuộc “đảo chánh hụt” đó không. Tôi nói không có ý định gì cả. Ông Lân cũng do dự một chút rồi nói: “Quên đi cũng phải, viết cũng chẳng có lợi gì”. Tuy nhiên ông vẫn nói nói nếu tôi viết lại toàn bộ câu chuyện ông Lân sẽ là một nhân chứng. Nhưng cho đến nay, trước lúc từ biệt người anh hùng TQLC, tôi chỉ nhắc lại một phần chuyện đó để chứng tỏ rằng ông là người sẵn sàng chiến đấu tới phút cuối cùng.
Trước nỗi mất mát lớn lao và rất bất ngờ một vị tướng đáng kính và cũng là niềm hãnh diện của Khóa Cương Quyết. Xin giơ tay kính chào vị anh hùng của chúng tôi lần cuối và xin chia buốn cùng tang quyến. Tôi không dám đại diện cho ai cả, nhưng tôi cho rằng đó cũng là nỗi tiếc thương của toàn thể anh em Khóa 4 Trường Sĩ Quan Thủ Đức và những anh em Thương phế binh của binh chủng TQLC còn ở lại Sài Gòn mà tôi đã từng gặp mặt.
Tiểu sử Thiếu Tướng Bùi Thế Lân
(1932-2014)
Cố Thiếu tướng Bùi Thế Lân sinh Tháng 11, năm 1932, tại Hà Nội.
Ông là học sinh của hai trường trung học Chu Văn An và Dũng Lạc ở Hà Nội.
1953: Động viên vào Khóa 4 Cương Quyết Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, năm 1954 tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy- Sau đó làm Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến.
1960: Trung Úy Tham Mưu Trưởng Liên Đoàn TQLC
1961: 1-6 Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4 TQLC
1963: Bàn giao chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4 TQLC cho Đại Úy Lê Hằng Minh, du học khóa Chỉ Huy và Tham MưuTQLC tại căn cứ TQLC Quantico, Virginia Hoa Kỳ
1964: Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn TQLC thay thế Thiếu Tá Trần Văn Nhật nhậm chức Tùy Viên Quân Sự tại Phi Luật Tân.
- Thăng cấp Thiếu Tá
1965: Ngày 1-11, thăng cấp Trung Tá
1966: Thăng cấp Đại Tá
1971: Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn TQLC
1972: Ngày 4-5 Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến thay thế Trung Tướng Lê Nguyên Khang nhận chức vụ Tổng Thanh Tra QLVNCH.
- Ngày 28-5 Vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức
1973: Vinh thăng Chuẩn Tướng thực thụ
1975: Đầu tháng 4 vinh thăng Thiếu Tướng nhiệm chức
1975: Định cư tại Houston, Texas và San Jose, California
Huy Chương:
- Được ân thưởng nhiều huy chương Quân Sự và Dân Sự cao quý kể cả các huy chương của Đồng Minh.
- Legion of Merit (Degree of Commander)
Văn Quang
16/1/2014 

Vài cảm nghĩ về Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư ĐoànTQLCVN

                                                                                                                                MX Mai văn Tấn.

Trong cuối cuộc đời :

           Chấp nhận lưu vong làm người bại tẩu,
           Lang thang xứ người hưởng chút lòng nhân.
                                                  thơ Phan văn Thuận

Cuộc đời buông trôi với nổi ưu tư và mối hờn vong quốc, nhìn xem diễn tiến tình hình VN không khỏi bùi ngùi đất nước càng ngày đi dến chổ tuyệt vọng,nhân dân lầm than, xã hội bất công, tệ nạn không còn cách giải quyết. Nếu Cộng SảnVN còn cai trị đất nước, không biết tương lai đi về đâu….
Qua 35 năm, nghĩ lại một thời quá khứ gian khổ và nguy hiểm, nhưng cũng không thiếu nét hào hùng trong cuộc chiến xa xưa. Biết bao chiến sĩ đã đổ xương máu, trong cuộc chiến cho tự do,chống lại làn sóng Đỏ. Bao người đã hy sinh một phần thân thể, hiện sống lê lếch ngoài xã hội ở VN. Mặc dầu thất bại trong cuộc chiến chống Cộng, nhưng công lao của các chiến sĩ QLVNCH không phai mờ trong lòng nhân dân VN. Dành một phút suy tư để tưởng nhớ đến những anh hùng vị quốc vong thân. Nhắc đến công lao của Sư Đoàn/TQLC, nhiều bài viết đã nói lên những hào hùng và sự hy sinh của các chiến sĩ TQLC. Nhưng chưa bài viết nào nói đến vị Tư Lệnh,Thiếu Tướng Búi thế Lân.Nhân đọc bài "Ký ức tháng 4, liên quan đến TQLC của Tiến Sĩ Nguyễn tiến Hưng" tôi muốn nhân cơ hội nói lên cảm nghĩ về Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn/TQLCVN.






 Ông nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn sau cùng cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bắt đầu hành quân Lam sơn 719, ông làm Tư Lệnh phó nhưng thường xuyên tại vùng hành quân, trong khi Trung Tướng Lê nguyên Khang đương kiêm Tư Lệnh nhưng ở tại hậu cứ Saigon.Từ dây tôi muốn xác nhận Sư Đoàn/TQLC bắt đầu hành quân cả Sư Đoàn không còn tăng phái từng Tiểu Đoàn hoặc Lữ Đoàn cho các đơn vị Bộ Binh.Trong trận tái chiến chiếm cổ thành Quảng Trị ông chính thức Tư Lệnh Sư Đoàn/TQLC.
  Trận tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, phải nói cuộc hành quân tấn công quy mô cấp Quân đoàn. Cuộc hành quân nầy là cuộc hành quân quan trọng về chính trị lẫn chiến lược trong quân sử VNCH, vĩ đại nhất và cũng thành công nhất trong hơn hai mươi năm chinh chiến chống Cộng Sản. Gồm các đơn vị thiện chiến nhất như Nhảy Dù, Biệt Động Quân,TQLC,Thiết giáp, trong đó Sư ĐoànTQLC là nổ lực chính tấn công vào Cổ thành  .Ngoài ra các phi tuần yểm trợ Chiến lược lẩn Chiến thuật của Không Quân Việt Nam và Hoa Kỳ,Hải Pháo,Pháo Binh….51 ngày đêm thường trực. Các chiến sĩ ngày đêm đối đầu với Địch, tinh thần luôn căng thẳng, gian lao, nguy hiểm giành từng tất đất với Cộng Sản. Bộ tham mưu từ cấp Quân Đoàn, Sư Đoàn, Lữ Đoàn ngày đêm thường trực theo dỏi, phối họp hoả lực yểm trợ…Cuộc chiến với sự hy sinh vô bờ bến để quyết chiến thắng chứ không may mắn, hoặc phép lạ nào. Ngày 15 tháng 9 năm 1972 lá cờ Quốc Gia bay phất phới trên Cổ Thành là ngày đáng vinh danh cho cho tất cả các chiến sĩ QLVNCH, không quên bao chiến sĩ đã hy sinh và đã bị loại ra ngoài vòng chiến.Trong trận chiến gay go, ta không thể phủ nhận công lao của Thiếu Tướng Tư Lệnh, người đã sát cánh với tất cả chiến sĩ Mũ Xanh trong những lúc hiểm nguy cũng như có những quyết định chính xác để có sự chiến thắng vẻ vang.




                       
TĐ3 TQLC



  TĐ6 TQLC


Ghi lại chiến tích, xin kèm hai công điện :

 Tổng thốngVNCH :
 «  Tôi trân trọng yêu cầu Đại Tướng chuyển đến Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC cùng toàn thể đơn vị và chiến sĩ TQLC đã đánh tan Cộng sản xâm lược ra khỏi Thị xã và Cổ Thành Quảng Trị, lời ngợi khen nồng nhiệt nhất, đồng thời lời khâm phục vô biên của Tôi và toàn thể Chính Phủ họp tại dinh Độc Lập sáng hôm nay 16 tháng 9 năm 1972. Bốn ngày trước khi đúc kết chiến dịch ba tháng thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ và sau những tuần lể đầy hy sinh gian khổ, toàn thể các đơn vị thuộc mọi Quân Binh Chủng địa đầu giới tuyến đã ghi thêm những nét vàng son sáng chói vào Quân Sử hào hùng của Dân tộc.
Mưu đồ của bọn Cộng Sản xâm lược muốn biến Quảng Trị thành một Bình Long anh dũng, một Kontum kiêu hủng của chúng, đồng thời bám lấy một địa danh tâm lý và chánh trị để lừa bịp dư luận đã bị toàn thể anh em đánh tan ra mây khói.
Một lần nửa Tôi nhiệt liệt khen ngợi toàn thể anh em đã chiến thắng. Tôi nghiêng mình trước trước những chiến sĩ hy sinh cho đại nghĩa Dân tộc.Tôi sẽ đến thăm anh em
                    Ký Tên
                               Tổng Thống VNCH
                                Nguyễn Văn Thiệu.

Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I & Quân Khu I :
 Gởi Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC
Tôi đã nhìn thấy Quốc kỳ tung bay trên nền trời Quảng trị chỉ ít lâu sau khi những bàn tay kiêu dũng của anh em kéo lên từ trong Cổ Thành hôm 16 tháng 9 năm 1972.Tôi muốn thấy tại chổ chiến thắng của anh em để ngay tại chiến trường, tự cảm thấy hảnh diện được chỉ huy Sư Đoàn TQLC trong một chiến dịch quy mô nhất của Quân Đội.
Từ Bến Hải đến Cà Mau,gót chân người chiến sĩ TQLC đã trải qua bao nhiêu thử thách và chiến thắng.Nhưng phải nói đây là lần đầu tiên Sư Đoàn phải chiến đấu trong hoàn cảnh đặc biệt, đối đầu với nhiều khó khăn nhất, với kẻ thù đông gấp bội. Vì thế chiến thắng Quảng Trị, đánh tan Địch quân, giải phóng thị xã, là chiến thắng lớn nhất, lẩy lừng nhất.
Đấu tháng 5 năm 1972, khi Quảng Trị mất vào tay Địch, Sư Đoàn đã trấn giử được tuyến Mỹ Chánh và đã góp công đầu, cùng với các đơn vị của Sư Đoàn Nhảy Dù và Sư Đoàn I BB trong nhiệm vụ giữ Huế. Hàng trăm ngàn dân Trị Thiên đã phải di tản về Nam trước áp lực của Địch, nhưng tại tuyến Mỹ Chánh anh em đã ngăn được sức tiến của quân thù.
Những cuộc tấn kích hạn chế, sau đó đã được tổ chức trong vùng Hải lăng để dành lại thế chủ động và lủng đoạn các kế hoạch tiếp tục tấn công của giặc. Hành Quân Sóng Thần 5 ngày 13 tháng 5 tại Hải Lăng và Đa Nghi. Hành Quân Sóng Thần 6 ngày 24 tháng 5 tại Mỹ Thủy, Hành Quân Sóng thấn 8 vượt tuyến Mỹ Chánh ngày 8 tháng 6 đã đánh vào địch những đòn nặng và đã chuẩn bị cho cuộc phản công của quân ta ngày 28 tháng 6 năm 1972 là ngày chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu.TQLC và Nhảy Dù đã gây được bất ngờ kỳ thú ngay cho cả Địch cùng với các Quân Binh Chủng khác và với một quân số bạn địch 1/4, anh em đã đẩy lui được Địch, tiêu diệt một phần lớn tiềm năng của chúng,và trận chiến gay go nhất đã khởi diển từ ngày  27 tháng 7 năm 1972 khi Sư Đoàn tiếp nhận thị xã Quảng Trị từ Sư Đoàn Nhảy Dù. Chiến sĩ TQLC sau 51 ngày tiến chiếm từng tất đất, từng ngôi nhà, đã dành lại toàn bộ thị xã Quảng Trị, diệt được trên14.000 tên Địch, thu 4350 vủ khí, huỷ hay thu 71 khẩu pháo, 73 chiến xa tính từ đầu tháng 5/72.
Giặc đã dùng lực lượng của 4 Sư Đoàn chủ lực để giử thị xã Quảng Trị, những Sư Đoàn lừng danh với nhửng chiến thắng ở Bắc,Trung Việt và nhất là ở Điện Biên Phủ 304, 312, 325. Sư Đoàn TQLC đã đương đầu với chúng và nhẩn nại hơn chúng, dũng cảm hơn chúng,và đã chiến thắng chúng « ,những anh hùng Điện Biên một thời »
Chiến thắng đã được xây dựng với nhiều xương máu của các chiến sĩ, với sức chịu đựng vượt mức của anh em. Nhờ sự khéo léo và tài ba của Chuẩn Tướng và các SQ.
Tôi muốn qua thư nầy tỏ lòng khâm phục của Tôi đối với Sư Đoàn/TQLC, với những hy sinh vô bờ bến của các anh em, và lập lại sự hảnh diện chỉ huy các anh em trong cuộc thử thách lớn nhất, trong chiến dịch quy mô nhất của Quân Đội.
Tôi yêu cầu Chuẩn Tướng chuyển lới ngợi khen của tôi đến tất cả SQ, HSQ và BS của Sư Đoàn.
                  Trung Tướng Ngô quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I & Quân Khu I
Một cách khách quan nhìn nhận, lúc phải quyết chiến tấn công dành lại thị xã Quảng Trị, ngoài Sư Đoàn/TQLC không còn đơn vị nào quân số đây đủ, tinh thần sẵn sàng hơn TQLC.Vì chỉ có đơn vị TQLC , đơn vị duy nhất bổ sung quân số nhanh nhất và sẵn sàng nhất. Ngay ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân số khối bổ sung sẵn sàng còn hơn 1000 người để bổ sung khi cần thiết. Điều nầy cũng khó chối bỏ công lao sắp xếp của Tư Lệnh.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi xin ghi lại  biến chuyển ngày cuối cùng:
  Vũng Tàu giúp tránh đại họa:
Một điểm lịch sử quan trọng khác là việc Đại Sứ Martin cực lực phản đối việc Washington có kế hoạch đưa TQLC Mỹ vào Saigon để di tản người Hoa Kỳ. Kế hoạch nầy hết sức nguy hiểm vì Binh Sĩ Mỹ phải đánh nhau với QLVNCH dể tìm lối thoát, dân chúng sẽ bị tai họa không tránh khỏi. Đi S Martin đã vận động với Nhảy Dù và TQLCVN để bảo đảm cửa biển, một lối thoát cho người Mỹ. Ông đã trình bày với Washington ngăn cản một cách quyết liệt, đã có quân thiện chiến của VNCH bảo đảm an ninh  cho cuộc di tản người Mỹ từ Saigon, những đơn vị đồn trú tại Vũng tàu và những điểm cần thiết để tàu cập bến
 Một bức điện văn gởi cho Tướng Scowcroft đề ngày 16 tháng 4 như sau:
Nếu tôi phải mang những người lính Dù và TQLC nầy cùng gia đình họ đi,tôi sẽ làm như vậy và trả lời sau về việc nầy.Tôi chẳng xin phép ông đâu dể khỏi làm phiền đến toà Bạch ốc quá sớm.Và ông cũng không cần nói tới chuyện nầy khi trả lời tôi.Tuy nhiên tôi muốn ông Henry Kissinger và Tổng Thống biết chuyện nầy.Nếu có gì trục trặc thì ông cứ tách rời khỏi tôi và đổ trút cho tôi hành động không có phép nếu ông muốn.Nhưng đây là cách tốt nhất để rút ra khỏi đây mà không phải dùng quân đội Mỹ đánh nhau với quân đội Đồng minh trước đây của chúng ta và sát hại nhân dân VN vô tội.
Vì Đi S Martin liên lạc với Thiếu Tướng Tư Lệnh không qua Tổng Tham Mưu và Quân Đoàn 3 nên mới có nhiều thị phi là Thiếu Tướng ở Vủng Tàu không về Long Bình với TQLC  mọi việc để Tư Lệnh phósẻ bị phạt hoặc bị đưa toà án Quân Sự ….Bây giờ thấy điều đó oan cho ông, nhưng có điều ông giử im lặng cho đến giờ, không tranh cải hay nói cho ai biết để biện minh hành động của mình. Bởi thế ngày ông rời đảo Guam để đi đến trại tỵ nạn US Marine camp Pendleton đã được Đi Tá Mc Cain Tư Lệnh TQLC Mỹ ở Guam đến trạiNavy camp Cunningham  và một toán dàn chào đưa tiển riêng ông mặc dầu trên trại có cả Thủ Tướng Nguyễn lưu Viên và một số Tướng Lãnh khác. Ngày ông rời camp Pendleton để đi định cư, Tướng Tư Lệnh Mỹ ở tại căn cứ US Marine camp Pendleton ở San Diego và một trung đội dàn chào tiển đưa cũng chỉ  độc nhất  Tướng Lân có một số người VN tỵ nạn tham dự. Khi tôi nghe tin nầy thú thật không hiểu vì sao và tại sao vì có nhiểu vị Tướng hơn thâm niên lẫn cấp bậc đối với Tướng Lân, sao không ai đưa tiển. Bây giờ tôi hiểu đấy là sự danh dự trả lại công đạo cho Tư Lệnh TQLCVN. Hơn nửa cuộc chiến dũng cảm ở Xuân Lộc  cho thời gian di tản được thêm 10 ngày quý giá. Cái nghịch lý là QLVNCH không những đã không bắt con tin mà lại giúp những người Đồng Minh của VNCH di tản an toàn (theo lời Đại sứ Martin). Điều nầy làm tôi liên tưởng đến chương trình ra đi của nhửng tù nhân cải tạo được thông qua bởi những công lao nầy một phần
  Những cảm nghĩ của tôi, chắc Thiếu Tướng Tư Lệnh không bằng lòng,nhưng xin phép Thiếu Tướng đó là những gì chân thật của một thuộc cấp suy nghĩ sau khi đọc được ký ức tháng tư của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng.Nhưng chắc chắn tôi không biết nhiều, chỉ kể những điều mình hiểu trong khả năng giới hạn vì tôi không làm việc kề cận bên cạnh Thiếu Tướng, nhưng tôi nghĩ cũng nói lên được suy nghĩ dành cho một cấp chỉ huy có nhiều hàm oan và những tiếng thị phi không đích xác và hy vọng nhỏ nhoi những lời nầy sẽ là một chút gì đó an ủi chuổi ngày còn lại của Tư Lệnh..
  Ngày hôm nay ngồi viết lại những dữ kiện nầy để vinh danh tất cả quân nhân các cấp trong Sư ĐoànTQLC những người đã hy sinh cũng như những người còn sống rải rác mọi nơi cùng những người đã hy sinh một phấn thân thể cho cuộc chiến vừa qua. Riêng Thiếu Tướng Tư Lệnh cả đời đã đem tất cả tâm tư và công sức cho sự lớn mạnh của Sư đoànTQLC. Chúng ta đương nhiên chấp nhận không bàn cải. Mặc dầu trong lúc thi hành nhiệm vụ, không khỏi có những lỗi lầm làm phật lòng một số chiến hữu, nhưng nhân vô thập toàn không ai không có lỗi lầm.
  Đến bây giờ mỗi khi hội ngộ của Sư Đoàn TQLC Ông cũng đến chung vui với anh em trong tình huynh đệ chi binh nếu sức khoẻ cho phép. Mọi gian khổ đã qua.mọi người bây giờ thanh thản, nhớ những nổi khổ cực, nguy hiểm đã qua như một niềm hảnh diện trong đời của một biến cố lịch sử chưa bao giờ xảy ra cho dân tộc VN. Chúng ta tỵ hiềm để làm gì trong những ngày cuối cuộc đời, ai ai cũng phải ra đi vĩnh viễn. Chi bằng gặp nhau vui vẻ, hỏi thăm sức khoẻ nhau, búi ngùi cho những người ra đi sớm, nói những lời đẹp đẻ cho nhau.Thật ra chúng ta cứ cố chấp người đau khổ chính là chúng ta.
                          Mây trắng vẫn là mây trắng củ,
                          Trời xanh đâu khác trời xưa.
                           Giếng sâu ấp ủ lòng thương nhớ.
                           Đôi cánh chim bằng tạt dậu thưa
                                                  thơ Nguyễn sỹ Tế

MX Mai Văn Tấn
Indiana cuối xuân 2010.

ĐỌC THÊM:

Quảng Trị - Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

  • Tái chiếm Quảng Trị : Hành Quân Lam Sơn 72
  • TQLC Tái chiếm cổ thành




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét