Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

FLASH MOB: Một phong trào thịnh hành trong giới trẻ


"... Flash mob, dịch sát nghĩa là một cuộc huy động chớp nhoáng. Trong thuật ngữ tin học, flash mob là hiện tượng của một đám đông bỗng nhiên tập trung tại một nơi công cộng, với những hành động ngộ nghĩnh khác thường. Nhưng các buổi tụ họp đột xuất này có thể phản tác dụng, nếu không được tổ chức kỹ lưỡng... "
 
Phong trào Flash Mob thịnh hành trong giới trẻ
Một cuộc "huy động chớp nhoáng" trên đường phố Paris (DR)
Tuấn Thảo

Qua tin nhắn trên mạng, giới trẻ thường hẹn gặp nhau tại những địa điểm công cộng, họ nhảy múa ca hát, ôm chầm nhau trong những nụ hôn say đắm hoặc đứng yên bất động như những tượng đá trong một thời gian ngắn và sau đó đám đông này lại tan rã. Những hành động thần tốc khác thường tạo cho khách qua đường một cảm giác thích thú bất ngờ. Nhưng đôi khi, các buổi tụ họp này có thể gây ra những hậu quả khó lường, nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bạn là một du khách nước ngoài đang đi mua sắm ở góc phố Shinjuku tại Tokyo. Đột nhiên, bạn nghe tiếng nhạc trổi lên ngay giữa lòng đường phố. Đám đông không biết từ đâu xuất hiện, bất ngờ tập hợp lại, ban đầu chỉ có vài người, rồi càng lúc càng đông hơn. Họ biểu diễn các điệu nhảy solo, rồi theo từng nhóm, nhưng ngoạn mục nhất vẫn là khi toàn bộ đám đông cùng hòa mình với nhau theo một điệu múa đồng bộ, thuần nhất. Hỏi ra mới biết nhóm người này là các fan của Madonna, qua email và tin nhắn trên các mạng xã hội, họ hẹn gặp nhau tại một địa điểm công cộng. Điệu nhảy của họ có vẻ tự bộc phát và đầy ngẫu hứng, nhưng thật ra đã được chuẩn bị từ trước. Điều này cũng khá dễ hiểu vì nếu không có biên đạo và tập dượt thì thử hỏi làm sao đám đông có thể nhảy y hệt như nhau.
Mục đích của các ‘‘diễn viên múa’’ ở đây là để thu hút sự chú ý của đám đông. Bởi vì các hành động đột xuất này thường được thu hình qua điện thoại di động hay máy chụp ảnh quay phim bằng số. Các đoạn phim video sau đó được tải lên internet, tạo được cơn sốt trên mạng khi thu hút hàng triệu lượt người xem. Điều đó dẫn đến một cuộc tranh tài giữa các fan với nhau. Nhiều nhất trên mạng, vẫn là các đoạn phim cho thấy các cuộc huy động của giới hâm mộ thần tượng quá cố Michael Jackson, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á.
Hiện tượng Flash mob được xem là đã ra đời vào năm 2003, theo sáng kiến của Bill Wasik, trưởng ban biên tập của tờ báo Harper’s Magazine. Vào thời đó, các mạng xã hội chưa thịnh hành như bây giờ, và để huy động đám đông, anh đã phát tán một email hướng dẫn cho tất cả những người mà anh quen biết. Hơn 100 người đã đáp lời kêu gọi của anh và đã cùng xuất hiện tại cửa hàng Macy’s ở New York. Họ tụ họp lại một cách bất ngờ, để rồi chớp nhoáng rút lui sau khi đồng loạt vỗ tay reo hò thật lớn.


Vào thời đại cực thịnh của các mạng xã hội như Facebook và Twitter, hiện tượng flash mob ngày càng trở nên công phu. Điển hình là cuộc huy động của giới hâm mộ ban nhạc Black Eyed Peas vào tháng 9 năm 2009. Theo lời mời của nữ hoàng talk show Hoa Kỳ Oprah Winfrey, nhóm này đã trình diễn ngoài trời trên đường Michigan Avenue trong khuôn khổ một chương trình tivi quay tại thành phố Chicago. Điều mà bà Oprah không hề hay biết là các fan của ban nhạc đã được huy động từ cả tháng trước. Những người hâm mộ này đã phân công chia thành nhiều nhóm nhỏ, để dạy cho hơn 20 ngàn fan cùng nhảy một điệu múa. Kết quả là bà Oprah, người dẫn dắt chương trình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hơn 20 năm làm việc cho đài truyền hình, bà thú thật là chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng vui nhộn đến như thế.


Từ Internet chuyển sang quảng cáo 

Từ các mạng xã hội, hiện tượng flash mob đã nhanh chóng bước vào ngành tiếp thị quảng cáo. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số công ty bắt đầu sử dụng các cuộc huy động chớp nhoáng để nâng cao hình ảnh, đánh bóng thương hiệu của mình. Từ các công ty điện thoại di động, truyền thông internet cho đến các hãng thời trang hay sản xuất mắt kính, tất cả đều dùng flash mob bởi vì họ thừa hiểu rằng hình thức quảng cáo này rất hợp với thị hiếu của thanh niên thời nay. Nó không chỉ tác động trực tiếp đến người tham gia và người tận mắt chứng kiến sự kiện mà còn nhắm vào tất cả những ai xem lại sự kiện này thông qua email, tin nhắn, podcast, trang blog, diễn đàn, các cổng thông tin trên mạng.

Một khi giới trẻ đã thích, họ liền đưa lên mạng để rủ người khác cùng xem. Vô hình chung, họ trở thành một mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền quảng cáo. Không cần có một đợt vận động rầm rộ, nhưng thông điệp vẫn được phổ biến rộng rãi và chỉ trong nháy mắt. Người ta gọi đó là viral marketing, tức là thông tin tựa như con vi trùng nhanh chóng lan truyền. Nếu như tại Anh Quốc, hàng chục ngàn người thông qua tin nhắn, tham gia vào các buổi karaoke ngoài trời, cùng nhau hát bài Hey Jude của nhóm Tứ Quái The Beatles, thì tại Pháp hình thức phổ biến nhất hiện giờ là apéro géant, tức là các buổi tụ họp tại nơi công cộng trước giờ ăn tối, vào lúc mà người Pháp thường có truyền thống dùng rượu khai vị.

Hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện tại Pháp vào cuối năm 2009. Hơn 5 ngàn người đã tập hợp tại quảng trường lớn thành phố Nantes, ngày 10 tháng 11 sau khi đọc được tin nhắn đăng trên mạng Facebook. Mỗi người được yêu cầu mang theo thức ăn và nước uống để tham gia vào ‘‘buổi apéro ngoài trời’’ trong bầu không khí thân mật cởi mở. Sáng kiến này đã thu hút khá đông đảo người tham dự và đã dẫn đến hàng loạt tin nhắn khác. Mỗi thành phố ở Pháp đều muốn tổ chức một sinh hoạt tương tự và muốn lập kỷ lục về số lượng người tham gia. Sau thành phố Nantes, đến lượt Rennes, Angoulême, Grenoble, nhưng đông nhất vẫn là tại thành phố Montpellier, với tổng cộng là 14 ngàn người đến chung vui trong cùng một đêm.



Hiện tượng "apéro géant" của Pháp trong mắt báo chí Anh Mỹ 

Vào thời ấy, báo chí Anh Mỹ quan tâm đến sự kiện này và gọi đó là aperitif flash mob. Chỉ có điều là các buổi tụ họp ở đây hoàn toàn là do ngẫu hứng, tức là không có ai đứng ở đằng sau để phối hợp tổ chức. Do các buổi ăn uống không hề có giới hạn về số người tham gia, cho nên trong trường hợp có tai nạn xảy ra, chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Ngày 12 tháng 5 vừa qua, một thanh niên 21 tuổi đã qua đời sau khi uống quá say. Tai nạn này đã đẫn đến một cuộc tranh luận khá dữ dội về các buổi ‘‘ăn nhậu ngoài trời’’. Một số thành phố ở Pháp đã ra lệnh cấm hẳn, một số nơi khác đòi là phải có người tổ chức hẳn hoi và phải xin trước giấy phép, để cho chính quyền địa phương có đủ thời gian để huy động các đội y tế cấp cứu và lực lượng giữ gìn an ninh trật tự. Về điểm này, thành phố Nice áp dụng biện pháp răn đe một cách triệt để nhất. Vào ngày 12 tháng 6 tới, buổi apéro géant đầu tiên sẽ diễn ra tại nơi này. Nhưng thị trưởng thành phố Nice tuyên bố sẽ kiện ra toà người đã đưa tin nhắn tụ họp lên mạng Facebook, phạt vạ tất cả những ai nhậu nhẹt say xỉn trên đường phố và đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp có hành động đập phá chốn công cộng.

Báo chí Anh Mỹ đã say sưa theo dõi điều được gọi là ‘‘cuộc tranh luận theo kiểu Pháp’’. Theo tờ The Guardian, nước Pháp nổi tiếng nhờ nghệ thuật ẩm thực và cách ăn uống đều đặn, giờ đây phải nhìn nhận là đang có vấn đề với dân ‘‘bợm nhậu’’. Tờ báo The Independent thì đánh giá : không phải ngẫu nhiên mà các buổi ăn nhậu ngoài trời thường được tổ chức tại các thành phố Pháp có đông đảo sinh viên. Giới trẻ hưởng ứng các buổi hội tụ ngoài trời như vậy. Chỉ có điều là họ chưa có đủ tinh thần trách nhiệm để ý thức được tất cả những tình huống rủi ro do đám đông đặt ra. Tờ Daily Telegraph thì nhận xét : tai nạn vừa qua cho thấy sự chênh lệch khá rõ rệt giữa một bên là truyền thống apero của người Pháp, uống rượu theo kiểu nhâm nhi thưởng thức, và một bên là cách uống thả giàn của giới trẻ, bất kể liều lượng. Tuần báo Mỹ Newsweek thì tỏ ra ôn hoà hơn khi cho rằng : người Pháp nổi tiếng nhờ các sinh hoạt văn hóa sống động trên đường phố, điển hình là Ngày hội âm nhạc thu hút mỗi năm hàng triệu người tham gia. Bởi vì hình thức apéro géant chỉ mới xuất hiện tại Pháp nên các cộng đồng trên mạng cần có thêm thời gian để rút kinh nghiệm về cách tổ chức.

Flash mob dễ huy động đám đông nhưng cũng đôi khi có những tác dụng khó lường. Điều này không chỉ diễn ra ở Pháp mà đã từng xảy ra ở Hoa Kỳ. Theo báo New York Times, tại thành phố Philadelphia, trong năm qau đã có ít nhất 4 sự kiện đáng tiếc liên quan đến các cuộc huy động flash mob. Cứ mỗi lần, giới trẻ nhắn tin cho nhau trên mạng xã hội, hẹn gặp nhau tại trung tâm thành phố, để rồi sinh chuyện gây gổ, ẩu đả và nghiêm trọng hơn nữa là hành hung khách qua đường một cách vô cớ. Cảnh sát đã bắt giữ 3 thủ phạm của các vụ hành hung, khiến cho nhiều người bị thương trong đó có một thanh niên 20 tuổi chuyên đi giao bánh pizza.

Để đề phòng bạo động, thành phố Philadelphia tuy chưa cấm hẳn các cuộc tập hợp chốn công cộng, nhưng vẫn canh chừng theo dõi các tin nhắn trên mạng. Chính quyền địa phương áp dụng một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm, đòi cha mẹ phải bồi thường các thiệt hại do con cái gây ra. Trong khoảng thời gian từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, các thẻ giao thông miễn phí của các học sinh cũng không thể được dùng trong hệ thống chuyên chở công cộng. Biện pháp này nhắm ngăn không cho các học sinh la cà ngoài đường, tìm cách vào trung tâm thành phố sau giờ tan trường.

Các mạng xã hội hiện nay có ít nhất là hàng trăm triệu người sử dụng (15 triệu chỉ riêng ở Pháp). Trên mạng Facebook, các nhóm chuyên theo dõi trực tiếp các tin nhắn đã lên đến hơn hàng trăm ngàn thành viên. Điều đó có nghĩa là hiện tượng flash mob chỉ mới ở giai đoạn đầu mà thôi. Việc cấm đoán một phong trào như vậy sẽ khó mà được thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét