Innova - Bình luận
Dưới đây là một số trò lách câu hỏi quen thuộc của quan chức Việt Nam. Tiếc là tác giả liệt kê thiếu giải quán quân về trả lời câu hỏi hóc:
---
Dưới đây là một số trò lách câu hỏi quen thuộc của quan chức Việt Nam. Tiếc là tác giả liệt kê thiếu giải quán quân về trả lời câu hỏi hóc:
Trả lời câu hỏi “hóc” này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, với cá nhân mình, hôm nay (14/11/2012), chỉ còn 3 ngày nữa tròn 51 năm theo Đảng.
Thủ tướng khẳng định bản thân không xin Đảng cho đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác, mặt khác ông cũng không từ chối thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao phó.
Khi được chất vấn trong các cuộc họp, một số vị quan chức đã có những câu trả lời rất bài bản, như trong sách vở, nhưng lại thiếu sức thuyết phục.
Lâu nay, trước nhiều vụ tham nhũng, vô trách nhiệm của cơ quan nhà nước hoặc công chức xâm phạm quyền lợi của dân hoặc vi phạm luật pháp, khi được chất vấn trong các cuộc họp, một số vị quan chức đã có những câu trả lời rất bài bản, như trong sách vở, nhưng lại thiếu sức thuyết phục, vì không dám thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân.
Người hỏi thường đoán trước được câu trả lời, nhưng vì bức xúc trước trách nhiệm của quan chức, cho nên vẫn cứ hỏi cho ra lẽ, nghe trả lời xong thường mỉm cười và lắc đầu. Bài này liệt kê lại những loại trả lời ấy như những "điệp khúc ... buồn" mong sớm được chấm dứt.
"Chưa nắm được, chưa được báo cáo". Đó là câu trả lời khá phổ biến, tuy vụ việc xảy ra ngay trên địa bàn quận, huyện. Như: giao đất, cho thuê đất; cưỡng chế người dân đang có quyền sử dụng đất; lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ lậu; khai thác khoáng sản trái phép; xây dựng không phép hoặc cất nhà ở vượt nhiều tầng so với giấy phép; người nước ngoài thuê người trong nước thu gom nông, hải sản, khai thác mặt nước,. v.v...
Thực tế là họ không phải không biết, vì vụ việc xảy ra ngay trước mặt họ và mỗi quận, phường, xã, đang có cả một bộ máy đông đúc cán bộ, nhân viên thanh tra, kiểm tra, họ biết cả, nhưng vì những lý do tế nhị hoặc "tay đã nhúng chàm" cho nên họ đành phải thoái thác như vậy.
"Đề nghị cung cấp chi tiết vụ việc" hoặc "cung cấp cho cơ quan chức năng danh tính, thời gian, địa điểm công chức vi phạm hoặc chụp ảnh công chức khi họ đang vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay" ...
Đây có thể coi là một sự "đánh đố" với người phát hiện, vì hoặc là khó thực hiện hoặc là có thể thực hiện được nhưng sẽ bị trả thù (đã có phóng viên bị dính tai nạn nghề nghiệp khi muốn có bằng chứng người thật, việc thật).
Câu này thường được dùng để trả lời khi có ý kiến chất vấn về những vụ việc như tệ nạn mãi lộ dọc đường vận chuyển hàng hóa; nhân viên hải quan gây khó dễ cho doanh nghiệp; nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh, v.v...
"Sẽ (hoặc đang) kiểm tra, đôn đốc cấp dưới báo cáo". Đây là câu trả lời của vị quan chức lãnh đạo ngành trong trường hợp thực sự không nắm được vụ việc, nhưng cũng có khi họ đã biết chắc là có vụ việc ấy xảy ra (nhưng không tiện nói ra) thực chất là để trốn tránh trách nhiệm, không dám nói thẳng nguyên nhân để vụi việc kéo dài, không xử lý dứt điểm được. Ví dụ như những trường hợp tệ nạn xã hội diễn ra liên tiếp năm, này qua năm khác; ở một thành phố, có công viên bị xé nát làm nhà hàng, dịch vụ đã được phát hiện từ nhiều năm, qua nhiều cuộc họp, nhưng vẫn không dẹp được. Thế rồi, năm tháng qua đi, đến cuộc họp sau, tình hình vẫn nguyên như cũ, và nếu hỏi, lại nhận được câu trả lời như thế.
"Khó phát hiện hoặc xử lý, vì thiếu cơ chế hoặc cơ chế chưa đầy đủ". Đây là câu trả lời để biện hộ cho việc cơ quan chức năng biết rõ sự việc, nhưng có khi làm ngơ hoặc do lợi ích nhóm, đã không báo cáo cấp trên hoặc không xử lý đến nơi đến chốn. Do đó, yêu cầu hoàn chỉnh cơ chế, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, tuy rõ là việc này chưa thể thực hiện sớm được, vì còn đợi sự nhất trí của các bộ, ngành liên quan.
Rồi lại yêu cầu tăng mức xử phạt để "tăng mức răn đe", song thực tế là với cách xử phạt như hiện nay (ví dụ như phạt người vi phạm giao thông) thì mức phạt càng cao, mức chung chi, "làm luật" cũng càng cao.
Rồi lại yêu cầu tăng mức xử phạt để "tăng mức răn đe", song thực tế là với cách xử phạt như hiện nay (ví dụ như phạt người vi phạm giao thông) thì mức phạt càng cao, mức chung chi, "làm luật" cũng càng cao.
"Lực lượng mỏng, phương tiện thiếu" cũng thường được dùng làm câu trả lời cho tình trạng các vị phạm không giảm được bao nhiêu, lại ngày một nhiều. Ví như nạn buôn lậu gia súc, gia cầm đang gia tăng ở một số tỉnh từ biên giới về Hà Nội và đi các địa phương khác; việc thanh tra vệ sinh, an toàn thực phẩm; thanh tra các vụ xây dựng đường sá kém chất lượng, nhanh chóng xuống cấp...
Cơ quan chức năng không chỉ yêu cầu tăng thêm người, mà còn yêu cầu mua sắm thêm cả phương tiện hiện đại khá tốn kém để kiểm tra, phát hiện, đánh giá mức độ nghiêm trọng, song tác dụng thực tế chưa thấy rõ.
"Sẽ kỷ luật nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm", kèm theo là "sẽ xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật ... Câu trả lời này đã thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan nhà nước trước những sai phạm.
Tuy nhiên, trong thực tế, sự việc lại không được diễn ra nghiêm túc như trả lời, tình trạng "chạy tội", "chạy án" thường xảy ra, kẻ tham nhũng vẫn nhởn nhơ trước vòng pháp luật. Vẫn còn tình trạng "chỉ tắm từ vai trở xuống", hoặc nhẹ nhàng đối với doanh nghệp sử dụng đất sai mục đích song lại "kiên quyết" đối với người dân, thậm chí cưỡng chế (như một đại biểu đã nêu lên tại cuộc họp HĐND Tp Hà Nội ngày 7-12-2012).
Lại có những trường hợp thực hiện "rất đúng quy trình, thủ tục" như trong việc điều động cán bộ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song thực tế lại có nhiều sai sót, người xấu vẫn có thể leo cao.
"Chúng tôi xin lỗi, xin nhận trách nhiệm". Đây là câu trả lời thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan nhà nước trước đồng bào, cử tri cả nước, rất đáng hoan nghênh, về những sai sót, khuyết điểm của cơ quan và công chức liên quan.
Tuy nhiên, tiếp theo lời xin lỗi, nhận trách nhiệm rất chung chung như vậy, nhân dân mong có sự sửa chữa cụ thể, từ việc kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho đến việc tinh gọn bộ máy, chỉnh đốn đội ngũ, nhất là thanh lọc những cá nhân công chức thoái hóa, biến chất, tham nhũng đang làm hoen ố bộ mặt của một Nhà nước pháp quyền "của dân, do dân và vì dân". Trách nhiệm của người đứng đầu cần được làm rõ.
Nếu những biện pháp xử lý kẻ tham nhũng không được thực hiện triệt để, thì các câu xin lỗi và nhận trách nhiệm cũng chỉ là hình thức, cho qua chuyện.
"Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc". Đây là câu trả lời thường được sử dụng trong nhiều trường hợp. Câu trả lời này không sai, nếu xét về lý luận vì việc nào cũng cần động viên hệ thống chính trị vào cuộc, song lại dễ dung túng, bao che trách nhiệm cụ thể, trực tiếp của cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ, vì hệ thống chính trị chỉ có chức năng giáo dục, thuyết phục, không có chức năng thi hành pháp luật như cơ quan nhà nước.
Hệ thống chính trị vào cuộc trước hết là trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm hoàn thiện thể chế, chính sach, để quyền và lợi ích chính đáng của người dân được tôn trọng, để những vụ vi phạm pháp luật, tham nhũng được xử lý nghiêm túc. Còn việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không thể lẫn lộn.
Trên đây, chỉ xin nêu một số loại câu trả lời thường gặp; trong thực tế, còn phong phú hơn nhiều. Điều xin được nhấn mạnh là cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhất là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, không nên tiếp tục các kiểu trả lời như là những "điệp khúc ... buồn" như lâu nay.
Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước dân, trách nhiệm của những công chức do dân đóng thuế nuôi họ, họ phái hoàn thành những nhiệm vụ được giao, không thể thoái thác, càng không thể bao che, dung túng và tiếp tay cho những hành vi tham nhũng, vô trách nhiệm xâm hại lợi ích chính đáng của dân hoặc làm nghèo đất nước.
Rất hoan nghênh là gần đây, đã thấy rõ một số ý kiến rất thẳng thắn như thế. Trước nạn cướp giật ở Thành phố Đà Nẵng, tại cuộc họp Hội đồng nhân dân Tp Đà Nẵng ngày 15-12-2012, Bí thư Thàng ủy Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu "Vấn đề là phải có người chịu trách nhiệm cá nhân, chứ không thể cuối cùng rồi hòa cả làng. Ở các nước, nếu xảy ra cướp giật nhiều như thế thì tư lệnh cảnh sát phải từ chức. Không từ chức không xong với các nghị sĩ đâu. Không có chuyện đá lung tung, cứ từ họ Nguyễn, họ Lê chuyển sang họ ... Đỗ hết" (theo Zing.VN/Infonet.vn, ngày 6-12-2012) - theo dân địa phương: Ông Thanh dùng chữ "họ Đỗ" mà người Quảng phát âm thành "đổ" để chỉ sự đổ lỗi trách nhiệm quanh co, lung tung.
Vũ Quốc Tuấn
Tác giả Vũ Quốc Tuấn nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trước đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét