Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Hôm qua làm chó nhà có tang, hôm nay làm chó gác cửa: Cái nhìn đúng về cơn sốt Khổng Tử hiện nay ở Trung Quốc ( 2)


Tác giả: Lưu Hiểu Ba

      Đối diện với những kẻ sùng bái thần thánh đã tẩu hỏa nhập ma như thế này, tôi chỉ muốn hỏi các nhà nho đương đại một câu phàm tục: “ trong mắt các vị thì Khổng Tử là thánh nhân, vậy lúc ngài đánh rắm thì có nhẹ nhàng êm đềm, mùi vị thơm ngát không? Những kẻ sùng bái thánh nhân đã mê muội tới mức không còn phân biệt nổi sự khác biệt giữa những câu nói hàng ngày và những lời đại nhân đại nghĩa nữa. Họ mang những câu nói thường ngày trong Luận ngữ trở thành những lời dạy tinh diệu của thánh nhân. Ví dụ trong Luận ngữ phần mở đầu :

“子曰: 学而时习之,不亦悅乎?有朋自远方来,不亦乐乎?”
“Tử viết: Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ ?”
“Khổng tử nói: Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao ?Có bạn hữu nơi xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao?”

       Đây là những câu trong đời sống hàng ngày, có gì gọi là lời lẽ huyền diệu thâm ảo trong đó? Để mà lãng phí cả hơn 2000 năm với bao nhiêu trí tuệ để tìm hiểu, giải thích. Cho đến tận bây giờ còn đi giải thích sao? Giống như Chu Tác Nhân trong “ Luận ngữ tiểu kí” đã nói: “ những cái Luận ngữ nói đa phần là đạo lý để con người tập làm người, hòa nhập vào xã hội…có thể giúp cho người đi sau có được những kinh nghiệm, nhưng không bao giờ được xem đó là những đạo lý kinh thiên nghĩa địa không bao giờ thay đổi giáo điều cả, càng không được xem đó là tinh hoa triết học chính trị có thể trị quốc bình thiên hạ được cả”. G.W.F. Hegel, triết gia lớn của Đức( được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức) cũng chỉ xem Luận ngữ như một cuốn sách ghi chép những đạo lý thường thức mà thôi.


        Nếu như nói rằng vận mệnh của Khổng Tử trong thời Xuân Thu, giống như một con chó nhà có tang không đạt được tí quyền lực nào phải ngủ vùi thì chính Hán Vũ Đế với quyết định độc tôn Nho gia đã biến Khổng Lão Nhị thành Khổng Phu Tử, biến một bộ xương khô của chó nhà có tang thành con chó giữ cửa bảo vệ hoàng quyền cho chế độ độc tài chuyên chế phong kiến. Do Nho giáo có lợi cho sự thống trị của giới cầm quyền, do nên địa vị của con chó giữ cửa cũng được tính là vững chắc, ngồi một mạch hơn 2000 năm. Được giới đọc sách tôn làm thần tượng, tung hô lên tận mây xanh, thậm chí làm bức tượng dát vàng trong tổ miếu hoàng gia. Đó cũng là lúc mà những trí thức và tư tưởng gia Trung Quốc khác rơi xuống địa ngục, biến thành nô tỳ của quyền lực. Giống như sử gia Tư Mã Thiên sau khi bị Hán Vũ Đế hoạn đã bi thống thốt lên: “ Cha ta không lập công lao gì cũng được hoàng thượng ban cho phẫu phù và đan thư miễn tội. Chức quan quản lí sử sách và xem thiên văn, lịch pháp, cũng giống bọn thầy cúng tế trong cung, vốn là để hoàng thượng vui đùa, giống như bọn nhạc sư trong cung vậy, là nghề nghiệp mà ngay cả người thế tục cũng còn coi thường”.

        Cho tới tận khi các cường quốc phương Tây mở ra cánh cửa Trung Quốc ra, thì những chế độ và hình thái ý thức truyền thống nhanh chóng bị vứt bỏ và suy vong. Các mạng Tân Hợi 1911 đã kết thúc thời đại phong kiến chuyên chế tập quyền, Nho gia cũng mất đi chỗ dựa chính trị. Từ đây chó giữ cửa lại quay lại làm chó nhà có tang.  Cho dù cũng có một Viên Thế Khải cũng định mộng tưởng xưng đế với vở kịch tôn Khổng giáo làm đầu, nhưng cũng chỉ là vở kịch ồn ào sớm chốc tan thành mây khói, bởi vì sự sụp đổ của chế độ phong kiến truyền thống và hình thái ý thức cũ là không thể tránh khỏi.

      Theo tôi thì khi mất đi chỗ dựa quyền lực là một bất hạnh cho tầng lớp Nho gia truyền thống, từ con chó giữ cửa cho hoàng quyền lại quay về làm con chó lang thang. Tuy nhiên đối với quá trình chuyển hóa từ người đọc sách để trở thành tầng lớp trí thức mà nói thì đó lại là một vận may lớn cho giới trí thức Trung Quốc. Bởi vì khi không còn được nâng đỡ bởi quyền lực chuyên chế, cho dù là bị ép buộc hay tự nguyện thì họ càng có cơ hội nuôi dưỡng hình thành tinh thần phê phán độc lập. Điều đáng tiếc là số phận làm con chó lang thang của giới trí thức Trung Quốc chỉ kéo dài có nửa thế kỷ mà thôi. Với sự nắm quyền của chính quyền chuyên chế cộng sản ở Trung Hoa Đại Lục, giới trí thức đến làm chó lang thang còn không được. Đại bộ phận bị đàn áp, truy đuổi, đánh đập thành những con chó rơi xuống mương, một số may mắn hơn thì trở thành con chó giữ cửa trong chính quyền Mao Trạch Đông. Ví như Quách Mạt Nhược, ông ta thời Dân Quốc còn dám chửi cả Tưởng Giới Thạch, thế mà từ sau 1949 thì lại thành con chi chi trong tay Mao.


        Khổng Tử trong lịch sử cận đại, hiện đại của Trung Quốc có một số phận hết sức quỷ dị bất thường, trước sau có hai phong trào “ đánh đổ miếu nhà họ Khổng”. Lần đầu là phong trào Ngũ Tứ vào năm 1919, lần sau là phong trào phê Lâm phê Khổng vào năm 1974. Sau sự kiện 4/6/1989 thì giới trí thức Trung Quốc diễn ra phong trào tránh tiếp thu cái mới, họ xe, hai phong trào Ngũ Tứ và phê Lâm phê Khổng đều là phản truyền thống và chối bỏ chúng, tuy nhiên thực tế thì hai phong trào này hoàn toàn khác nhau.

       Đầu tiên, hai phong trào này có người phát động phong trào hoàn toàn khác nhau. Cuộc vận động Ngũ Tứ là được tiến hành từ dưới lên với sự vận động tự phát của văn hóa xã hội, nhất là đa phần người khởi xướng là tầng lớp trí thức mới hình thành, bọn họ tiếp thu những giá trị quan mới, tư duy mới, cách làm mới từ phương Tây, họ dùng những giá trị của Phương Tây để bàn thảo ngược trở lại những nguyên nhân làm cho  xã hội Trung Quốc tụt hậu xa như thế. Bọn họ bất mãn với phái Dương Vụ cho rằng chỉ có sự tụt hậu  về kĩ thuật cũng như phái Duy Tân với quan điểm chênh lệch về thể chế tụt hậu, họ cho rằng sự tụt hậu này do văn hóa gây ra. Ngược lại thì phong trào phê Lâm phê Khổng đượct tiến hành từ trên xuống nhằm khống chế các phong trào chính trị trong chế độ độc tài chuyên quyền. Nhất là người phát động ra nó là Mao không những dùng nó để nắm chắc tuyệt đối quyền lực, mà còn dùng tư tưởng Mao Trạch Đông đưa lên vị trí độc tôn thay thế tất cả những luồng tư tưởng khác, cho dù chúng đến từ bên ngoài hay từ chính nội tại Trung Quốc trước đây.

       Thứ hai, trong hai cuộc vận động này thì tính chất phản Khổng cũng không giống nhau. Phong trào Ngũ Tứ với tầng lớp trí thức mới hình thành muốn đánh đổ miếu nhà họ Khổng, phát động một cuộc cách mạng văn hóa, đối tượng không phải là Khổng Tử thời Tiên Tần với âm thanh của trăm nhà đua tiếng, mà là Khổng Thánh Nhân đã độc tôn Nho học kể từ thời Hán Vũ Đế, muốn đánh đổ học thuyết độc quyền của con chó canh cửa cho hoàng quyền. Trong khi đó Mao Trạch Đông phát động phong trào “ phê Lâm phê Khổng” lại không hề có tí gì gọi là động cơ cải cách văn hóa gì cả, mà hoàn toàn là một cuộc chiến tranh giành quyền lực chính trị. Ông ta đem việc đánh đổ Khổng Tử làm công cụ tranh giành chính trị trong nội bộ đảng. Ngoài việc triệt hạ triệt để Lâm Bưu, còn để cảnh cáo “ nhà nho lớn trong nội bộ đảng “ là Chu Ân Lai.

         Nói một cách khác, hai cuộc vận động này về bản chất có sự khác biệt nhau rõ rệt: giai cấp trí  thức mới trong tay không có tí quyền lực nào và lại quyền uy tuyệt đối trong tay như thời Tần Thủy Hoàng; Cuộc vận động cách mạng tự phát và bàn tay khống chế phong trào cách mạng; Cách mạng để tìm một lối thoát cho văn hóa Trung Hoa và một phong trào cách mạng để củng cố quyền lực tuyệt đối.
Cho nên đến nay, tôi vẫn tán thành chủ trương từ thời  phong trào vận động Ngũ Tứ “ đánh đổ miếu nhà họ Khổng” nhưng tôi cũng kiên quyết phản đối phong trào chính trị đánh đổ Khổng Tử trong thời kỳ Văn Cách.

      Trong bài văn “ Khổng Phu Tử ở Trung Quốc hiện đại” Lỗ Tấn có gọi Khổng Tử là Modern Khổng Tử, cũng là phê phán thói sùng bái thánh nhân trong chế độ phong kiến tập quyền truyền thống Trung Quốc. Ông viết : “ Khổng Phu Tử ở Trung Quốc là kẻ được quyền thế nâng đỡ dậy,là thánh nhân của đám người cầm quyền hay đám đang muốn lên nắm quyền, giữa họ và dân chúng bình thường không có một chút quan hệ nào.” Với tôi mà nói, truyền thống tôn sùng thánh nhân ở Trung Quốc có thế nói là công trì văn hóa giả mạo lớn nhất từ trước tới nay, được các hoàng đế từ bao đời nay cùng đám văn nhân dưới trướng nhất tề dựng lên. Lại được đám đế vương cùng các nhà nho phong thánh cho Khổng Tử, một Khổng Tử đã sớm không còn là Khổng Tử thật, thậm chí còn được xem là món hàng giả mạo kém chất lượng nhất từ trước tới nay.


         Kỳ thật, nếu chậm rãi đọc kỹ các tác phẩm của những triết gia thời Tiên Tần thì có thể thấy, học thuyết của thánh nhân Khổng Tử cũng chỉ là những lời rao giảng đạo đức bình thường nhất. So với Trang Tử thì Khổng Tử không có được cái tính nhẹ nhàng siêu thoát, phiêu diêu cũng như trí tưởng tượng kỳ vĩ đẹp đẽ, ngôn ngữ cũng không trôi chảy thanh thoát, một trí tuệ triết học và văn học chưa thoát tục. Càng không thể có chuyện nhắc nhở ý thức thanh tỉnh để thoát khỏi bi kịch của nhân loại. So với Mạnh Tử thì Khổng Tử thiếu mất cái khí độ của trang nam tử, khoáng đạt mà hoành tráng, lại càng thiếu thái độ tự tôn trước quyền lực, thiếu mất sự quan tâm, coi trọng dân chúng “ Lấy dân làm đầu, xã tắc làm thứ,  quân vương xếp cuối cùng”; So sánh với Hàn Phi Tử, Khổng Từ là kẻ hư ngụy, xảo trá, không có được cái tính thẳng thắn, tài hoa châm biếm sắc bén như vậy; So với Mặc Tử thì Khổng Tử không có một hệ thống tư tưởng đạo đức nào hướng tới sự bình đẳng của người dân và đám sỹ tốt, không có một lối Logic cụ thể nào. Tất cả những gì Khổng Tử nói đều thể hiện sự thiếu sót một trí tuệ lớn mà chỉ có những lối tư duy khôn vặt, lại toàn hướng tới danh lợi công trạng, hết sức gian xảo, lại thiếu mất tính thẩm mỹ và sâu sắc của triết học, cũng không có cái nhân cách cao quý và bụng dạ khoáng đạt. Ông ta đi khắp thiên hạ để mong tìm được chức quan, sau khi thất bại không được gì bèn trở thành giáo chủ đi rao giảng đạo đức, cái đạo người thầy tốt, dạy người không mệ mỏi của ông ta là xuất phán từ nhân cách con người cuồng vọng và thiển cận. Cái đạo “thịnh thế tắc nhập, loạn thế tắc ẩn  - thời thịnh trị thì dấn thân với đời, thời loạn lạc thì lùi về  quy ẩn” chính là điển hình của chủ nghĩa cơ hội, thể hiện sự vô trách nhiệm.
    
        Càng đáng buồn hơn là Khổng Tử với tinh thần hết sức giảo hoạt, vô trách nhiệm và hết sức hám danh lợi này lại trở thành nền tảng, hình mẫu cho cả dân tộc Trung Hoa trong mấy nghìn năm qua. Dân tộc nào thì sẽ có thánh nhân đó, thánh nhân như thế nào thì sẽ nhào nặn ra dân tộc đó, đây chính là căn nguyên nô tính của người Trung Quốc bắt đầu từ đây, di sản văn hóa này từ khi sinh ra đã truyền lại cho đám con cháu tới tận ngày nay.

        Ý nghĩa của Lý Linh khi bàn về Luận ngữ, một là nhắm đến những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang trỗi dậy. Cuốn sách này tuy là một tác phẩm nghiêm cứu học thuật nhằm trả lại chân diện cho Khổng Tử, bóc tách những điều giả dối hư ảo mà đời đời các nhà nho đã thần thánh hóa, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của ông tới hiện thực xã hội thông qua những nghi vấn trực tiếp về cơn sốt học tập kinh sách cổ, sùng bái Khổng Tử, gián tiếp nghi ngờ cái gọi là “ sự trỗi dậy của nước lớn”. Khổng Tử trong con mắt Lý Linh chỉ là “ một con chó nhà có tang không tim được ngôi nhà tinh thần trong thế giới thực” mà thôi, ông phê phán lũ nhà nho rởm đời đem Khổng Tử biến thành cứu tinh của nhân loại. Giống như lời tự bạch của tác giả: “ Giương cao ngọn cờ Khổng Tử đem ra khắp thế giới ư, tôi không quan tâm”  “ Khổng Tử không thể cứu rỗi được Trung Quốc, cũng không thể cứu cả thế giới”.

      Thứ hai là phê phán truyền thống bợ đỡ quyền lực của giới trí thức Trung Quốc, hiện tại đám nhà nho mới đang câu kết với chính quyền, bọn họ muốn độc tôn Khổng học, hô hào Nho giáo, lại không chú trọng tới ảnh hưởng của Nho Giáo trong việc xây dựng lại hệ thống đạo đức vốn đã tan rã từ lâu, mà chỉ chăm chăm vào bốn công năng chính trị của Nho giáo là  “ tu tề trị bình( tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”, để thực hiện vương đạo là hợp nhất tôn giáo và chính trị; bọn họ muốn đẩy cho Khổng Tử cái địa vị “ Đế vương sư” hay “ Quốc sư”, hô hào đem Nho giáo trở thành Quốc giáo, họ hi vọng chính phủ có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ nền quốc học, thực tế thì đám nhà nho này đang muốn làm quân sư của chính quyền đương đại, muốn được như Platon với quyền lực nằm trong tay nhà hiền triết vĩ đại. Thế là đám nhà Nho này nhào nặn lại Khổng Tử giống như thời Hán Vũ Đế, muốn một lần nữa thực hiện mô hình “ Vứt bỏ tư tưởng trăm nhà, độc tôn Nho gia”. Hết sức hà hơi tiếp sức cho hình thái ý thức hóa kiểu Khổng Tử, muốn đưa một người bình thường biến thành thần thánh kiểu truyền thống.

         Lý Linh cho rằng, trong lịch sử Trung Quốc thì đám thành phần trí thức với nhiều tư tưởng kiểu Utopia chỉ thực sự hữu dụng khi trở thành một bộ phận độc lập với quyền lực và trở thành lực lượng đối lập với chức năng phê phán. Một khi những phần tử này nắm quyền lực trong tay thì lại trở thành mối nguy hiểm của quốc gia, thậm chí là thảm họa. Lý Linh viết: “ Tầng lớp trí thức với đầu óc nhanh nhạy, tầm mắt sáng, họ chuyên chế hơn bất cứ ai. Nếu như trong tay họ có thanh kiếm thì những người mất mạng đầu tiên chính là những trí thức khác.” Nguyên nhân vì giới trí thức Trung Quốc đều rất cuồng vọng, tự cho bản thân là “ có trí tuệ nhất, có đạo đức nhất, có lí tưởng nhất”. “ Tự cho phép bản thân “ lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” . “ Có thể cứu cả thiên hạ thoát khỏi cái họa binh đao thiên tai, xây dựng thiên đường nơi hạ giới. “ Nho gia đời Tống là Trương Tải có bốn câu nói: “ Vì trời đất xây dựng tấm lòng, vì dân chúng lập mệnh, vì đức thánh nhân tiếp tục học tập, vì nghìn vạn thế hệ sau tạo dựng thái bình.”  Đến tận ngày nay vẫn còn rất nhiều phần tử trí thức Trung Quốc khắc cốt ghi tâm điều này, cho thấy truyền thống cuồng vọng của tầng lớp sỹ phu Trung Quốc còn thâm căn cố đế.

       Từ những cơ sở này, Lý Linh muốn cảnh cáo tới tầng lớp trí thức Trung Quốc đương đại hãy rút ra bài học từ những giáo huấn lịch sử trên, cần phải biết giữ khoảng cách với nhà cầm quyền, từ bỏ dã tâm “ Đế vương sư”, chấm dứt việc chính trị hóa mớ kinh sách cổ điển, cần phải duy trì  tính độc lập của kiến thức, tư tưởng và học thuật, kích thích tính sáng tạo của giới trí thức. Như trong lời mở đầu, Lý Linh có nói: “ đọc Luận ngữ thì tâm tình phải ôn hòa, một khi đã chính trị hóa, đạo đức hóa, tôn giáo hóa thì không còn là nó nguyên bản. Chúng ta cần tìm là một Khổng Tử thật, nhất là trong một thế giới mà lễ giáo băng hoại. “ nếu không thì giới trí thức Trung Quốc ngày nay sẽ giống như tầng lớp trí thức ngày xưa, không thể thoát khỏi vận mệnh cam tâm làm con chó săn cho kẻ khác. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ khi không còn được sự sủng ái thì lại giống như con chó nhà có tang, khi được coi trọng thì lại giống con chó giữ cửa trúng xổ số vậy.

      Tôi cho rằng, bi kịch lớn nhất mà nền văn hóa Trung Quốc gặp phải không phải là việc Tần Thủy Hoàng đốt sách và chôn sống các nhà nho, mà là việc Hán Vũ Đế thi hành “ cấm cửa trăm nhà đua tiếng, độc tôn Nho giáo”, sau khi được Đổng Trọng Thư sửa đổi học thuyết Nho gia, đã đưa một hệ thống được xây dựng dựa trên bạo lực của chế độ phong kiến chuyên chế miêu tả thành thiên đạo, “ Thiên bất biến đạo diệc bất biến – Trời không đổi thì đạo lý cũng không thay đổi” đã trở thành lý luận căn bản nhằm hợp pháp hóa thể chế phong kiến tập quyền chuyên chế, cung cấp cho chế độ hoàng quyền ở nhân gian một vũ trụ luận tồn tại vĩnh hằng, khoác một tấm áo nhân nghĩa mềm mại lên tấm thân trần truồng của thể chế chuyên chế. Tất nhiên đám đế vương đã nhận ra tác dụng mị dân lừa bịp của tấm áo khoác ngoài này, dần dần xác lập nên hình thái ý thức độc nhất của giới quan chức, trở thành “ con đường truyền thống “ của đám học trò với mong ước an thân lập mệnh, cũng chính là truyền thống làm thế nào để biến thành “ hảo nô tài” . Chính như Mao Trạch Đông đã có câu nói định vị giới trí thức: “ khi da không còn, long báo vào đâu?  - khi giới cầm quyền không còn, lũ trí thức dựa vào cái gì đây ? “

     Đối với giới trí thức Trung Quốc đương đại, việc quan trọng đầu tiên cần làm không phải là bảo vệ một nền văn hóa sùng bái thánh nhân truyền thống dưới sự nâng đỡ của  thể chế độc tài cầm quyền, mà là thoát khỏi vị trí phục dịch cho quyền lực, kế thừa truyền thống mới từ phong trào Ngũ Tứ:” tự do về tư tưởng, độc lập về nhân cách”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét