BVCV xin giới thiệu đoạn hồi ký dưới đây của hoạ sĩ TTLân . Ông là “bố già” của TTLan-Paris – một thân hữu của BVCV. Năm nay hoạ sĩ đã 79 tuổi. Ông là tác giả các tranh vẽ những Chiến Sĩ Tự Do của Qũy Tù Nhân Lương Tâm.
Có thể hồi ký sau đây sẽ có rất nhiều vấn đề rất nhạy cảm. Xin tùy nhận xét của quý độc giả.
Hồi ký :
Nhạc Vàng trong đời tôi…
Nhạc Vàng trong đời tôi…
Sau ba tháng ở dưỡng viện, bị ‘quản thủ’ bởi những cô ý tá Tây thơm tho ra phết, rốt cuộc rồi tôi cũng được thả về nhà. Cha con tôi gồng gánh những bình khí và máy điều hòa hơi thở đi về. Ông bạn già lâu năm đã đến sẵn nhà đợi tôi về. Nhiều chuyện để kể cho nhau, nhưng anh thì lãng tai, tôi thì suyễn hết hơi, mình đành tâm tình trong im lặng… Tuổi già thật rõ chán! Sẵn đồ đạc rinh về hãy còn bừa bãi đấy, Lan con gái tôi bật máy lên cho chúng tôi nghe nhạc, những đĩa nhạc Việt đã giúp tôi có chút không khí nhà mình giữa bốn bức tường trắng của dưỡng viện. Ông bạn tôi, mắt lim rim cố lắng tai nghe, bỗng thốt lên : « Anh còn nghe nhạc Việt cơ à, tôi thì chịu thôi, nghe buồn chết được … ». Thốt không ra lời, tôi nghĩ bụng « Không có những bài nhạc này thì tôi chết từ lâu rồi… » và trí óc tôi lơ lửng bay với dòng nhạc trở về quá khứ…
Khi bỏ miền Bắc di cư vào Nam năm 54, vốn liếng nhạc trong đầu tôi chỉ vỏn vẹn có mấy bài thánh ca học trong chủng viện, hay âm tưởng của vài điệu hát quan họ, ngâm thơ, hay điệu hát ru con của mợ tôi. Có nghĩa là đến tuổi thanh niên, ở nhà quê tôi vẫn hoàn toàn mù tịt về loại nhạc ‘cải cách’ hay nhạc ‘mới’ lúc ấy đang được phổ biến ở đô thị khắp ba miền. Nhưng rồi chỉ vài tháng sau là tôi hấp thụ nhanh chóng và có thể nói là thành cậu học trò ngoan ngoãn của đài phát thanh Sàigòn…
Giờ ngồi ôn lại chuyện xưa, tôi chợt nghĩ, tôi vẫn thích những bài nhạc được nghe trong giai đoạn đó chỉ vì đấy là thập niên hạnh phúc nhất của đời tôi, cái thập niên chấm dứt với đảo chánh 63. Đó là quãng đời tươi sáng nhất của tôi, nó đi đôi với Đệ Nhất Cộng Hòa.
« Dừng chân trên bến Sàigòn, thủ đô yêu dấu nước Nam tự do… » (Ghé Bến Sàigòn-Văn Phụng/Hoài Linh)
Vết tích của cái quãng đời đó ngày nay tôi chẳng còn lại gì ngoài những điệu nhạc tôi yêu thích từ thời buổi ấy…Chỉ giản dị và vỏn vẹn có thế thôi, chẳng có lý do nào khác, như cái lý do mà con gái tôi hồi đó hay nêu lên : cái ranh giới vô hình mà nó tạo ra để phân chia giữa ‘nhạc cho ông bà già (tôi và mẹ nó)’ và ‘nhạc cho nó’ ! Cái ranh giới vô hình đó từ đâu đến chẳng ai hay, chỉ biết một ngày khoảng 69, chúng tôi nghe con gái lúc ấy mới lên chín, tuyên bố là : « Bố Mẹ nghe (chương trình) Nhạc Chủ Đề (Nguyễn Đình Toàn), Tiếng Thời Gian (Nguyễn Văn Đông), thích Kim Tước, Hà Thanh, Châu Hà…, tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa, và nhạc Tiền Chiến ; còncon nghe (chương trình) Dạ Lan, con thích Khánh Ly, Uyên Phương, Julie Quang… con nghe nhạc Lính và nhạc Du ca »…làm tôi và mẹ nó phì cười bởi lời phán trịnh trọng và phân chia rõ rệt với tất cả những sai lầm ngô nghê của tuổi thơ. Rồi từ đấy, từ khi cái ‘ngăn chia’ vô hình đó được nêu lên rồi thì người lớn chẳng ai bảo ai, cứ như lẳng lặng… chấp nhận…
Nghĩ cho cùng, nguyên nhân cũng là lỗi tại tôi… Trong nhà lúc nào cũng nghe nhạc trên radio. Rồi khi dành dụm đủ để mua được cái máy băng phát âm (cassette) ở chợ trời về thì tôi như là đã rinh cái mầm ‘chia rẽ’ về nhà. Chả là con gái tôi từ trước đã có thói sau khi học bài xong là ngồi cặm cụi chép lời nhạc cấp tốc từ radio xuống. Đến khi có băng nhạc thì có dịp nghe đi nghe lại để chép cho chính xác hơn… Thuở ấy, cho dù radio hay băng nhạc đi chăng nữa, tiếng hát không được phát thanh rõ lắm. Mà ở cái tuổi ngây thơ của nó, chùi mũi còn chưa sạch thì hiểu làm sao những lời thơ bay bướm, những ý tưởng trừu tượng bóng bẩy của người làm nhạc … Nên khi nó hỏi tôi hay mẹ nó đọc lại để sửa hay giải nghĩa cho nó, thì nhiều khi thật tình vợ chồng tôi chỉ cười lăn cười bò… Tỉ dụ như có những đoạn nó chép từ radio xuống như sau :
‘ Tình nhớ đã quên đi, nhưng lòng có lạ lùng, người nhớ đã xa xăm, bóng về đã lên thang, Ôi áo mưa thòng lọng,..’ (Tình Nhớ / Trịnh Công Sơn) hay
‘Chị chưa đi mà đem tôi xuống…’ (Đêm Đông / Nguyễn Văn Thương)
Tôi biết con mình thích nghe nhạc Việt nên cứ hay dụ nó nếu học giỏi, điểm tốt thì sẽ được thửơng tiền đi ra ngõ Yên Đổ gần nhà sang băng nhạc mới. Nó chẳng có trò chơi gì và cứ lủi thủi một mình ít bạn bè trong xóm nên nghe nhạc là tất cả thú vui của nó lúc bấy giờ. Khi không chép nhạc hay nắn nót ghi lại trong tập Lưu Nhạc thì nó ‘vật lộn’ với những cuộn băng rối, kéo dài băng ra đầy nhà, căng những đoạn dây băng nhựa với hai ngón chân nhỏ, để hai tay gỡ rối rồi cuốn băng lại với cây bút chì có cạnh. Nhìn con, tôi mường tượng đến một con nháng nhện đang dệt tổ. Có thấy nó vất vả nâng niu những cuộn băng nhạc ấy hơn là châu báu, mới hiểu được lòng yêu thích nhạc Việt của con gái tôi …
Thế mới đưa đến cái chuyện ‘chia ranh giới nhạc’. Băng nhạc là địa phận của con gái tôi vì là phần thưởng của nó, mà băng nhạc thì nó chỉ chọn thâu nhạc đương thời, đang thịnh hành lúc ấy. Chúng tôi đã quen nhường cho con nghe băng thâu và trở lại với cái radio như trước. Và cũng từ đó, vô tình chúng tôi bị thực sự de vào hạng ‘tiền chiến’ hồi nào không biết, vì không được nghe nhạc ‘thời trang’ như nó. ‘Tiền chiến’ ở đây là theo cái định nghĩa sai lầm qua con mắt của một đứa bé, sinh ra trong lửa đạn, chỉ biết có một chiến tranh mà thôi, cũng đủ khổ, đó là cái chiến tranh đang đe dọa trên đầu nó. Dạo đó tôi đâu ngờ nó cứ tưởng là cái chiến tranh ấy bắt đầu từ khi đảo chánh, lúc nó lên 3, chả là nó đã loáng thoáng nghe người lớn nói chuyện, tuy không hiểu đảo chánh là cái gì…
Dài dòng văn tự cũng chỉ để giải nghĩa là tôi chẳng theo dõi gì nhiều nhạc mà con gái tôi chiếm độc quyền nghe mỗi tối trước khi ngủ, những cuộn băng nhạc Trịnh Công Sơn (Khánh Ly Hát Cho Quê Hương Việt Nam I-V), nhạc Lê Uyên Phương (Khi Loài Thú Xa Nhau), cuộn băng Du Ca 1 … haychương trình Dạ Lan mỗi tối trên đài phát thanh Quân Đội… Nhiều bài tôi chỉ được thỉnh thoảng nghe đến trên radio được nhà văn Nguyễn Đình Toàn tuyển lựa để giới thiệu. Nên có thể nói là nhạc của thập niên 65-75, tôi chỉ gọi là biết sơ qua. Nhất là dạo sau này càng ngày tình hình càng khốc liệt, chúng tôi nghe tin tức nhiều hơn là ca nhạc. Vì thế khi nghe bạn bè nói là nhạc Trịnh (TCS) là nhạc phản chiến, thì tôi lại càng không chú tâm nghe, thậm chí đâm ra ghét và còn bực dọc căn dặn con gái : « Con nghe ba cái cuộn băng TCS làm gì, phản với chiến, xem bên kia, Việt cộng chúng nó có phản với chiến không (!), rõ là rỗi hơi… ». Không biết nó có hiểu tôi nói gì không, nhưng nó cũng đăm chiêu và để vừa lòng bố, dẹp hết mấy cuộn băng Khánh Ly hát nhạc Trịnh vào một góc. Hơn thế nữa, một hôm tôi còn bất ngờ sung sướng nghe thấy hai mẹ con nó hú hí hát «Vàng rơi bên gót chân son mềm, trên lối đi về xứ hoa duyên… » bài Chiều Bên Giáo Đường của Lê Trọng Nguyễn, bài hát của ngày lễ cưới của chúng tôi, mà tôi đâu ngờ nó thuộc lời như vậy…Nó đã bước qua ranh giới vô hình để nghe ‘nhạc cho ông bà già’…
Hình ảnh êm đềm của những năm tháng trước biến cố 30/04 vẫn trở về với tôi trong những cơn mộng, như để cho tôi thoát khỏi cảnh địa ngục của 19 tháng trại học tập, dù chỉ thấp thoáng khi tôi nửa tỉnh nửa mê. Để tránh quẫn trí vì lo, loạn óc vì tức, điên khùng vì sợ, mê man vì đau, hay mụ mị vì đói, tôi tự nhủ mình phải làm sao bảo tồn trí óc. Thế là mỗi đêm, sau khi đọc kinh tối trong đầu, để đi tìm giấc ngủ, tôi bèn luyện trí óc nhớ lại lời những bài hát mà ngày xưa tôi giúp con gái tôi chép xuống từ radio, không thì chơi a b c tìm tên bài và tác giả, chẳng hạn như A có Ảo Ảnh (Y Vân), B có Buồn Tàn Thu (Văn Cao)…cho đến X có Xin Còn Gọi Tên Nhau (Trường Sa), Y có Yêu (Văn Phụng) hết thì trở lại ABC… với những bài khác… Một trò chơi trong đầu thầm lặng giúp cho tôi tránh suy nghĩ viển vông mỗi khi giấc ngủ không chịu đến. Tôi coi trò chơi im lặng này như một hình thức ‘kháng chiến của trí óc’… Đến một ngày, tôi chia sẻ bí quyết ‘thiền’ này của tôi và rủ rê, chơi chung với các bạn tù khác… Luật lệ chơi trong nhóm là tên bài ‘Nhạc Vàng’ nào cũng được dùng, miễn không nhắc đến nhạc Trịnh, và nhảy chữ I, vì kiếm mãi chẳng có bài nào cả (?). Mọi người trong nhóm đều đồng ý, dù có một vài anh rất thích nhạc Trịnh. Thỉnh thoảng trò chơi hứng thú quá, chúng tôi thiếu thận trọng la hét hay cãi cọ cho vui, thế là cán bộ quát tháo, chửi rủa ‘nhạc ngụy’, rồi cuối cùng bị cấm tuyệt đối. Nhưng về đêm chúng tôi lại rủ rỉ giúp nhau tìm giấc ngủ qua lời ru nhẹ nhàng của những bài Nhạc Vàng trong tiềm thức… Lại bắt đầu với A có Ai Lên Xứ Hoa Đào (Hoàng Nguyên), B có Bạn Lòng (Hoàng Trọng/Hồ Đình Phương)…X có Xuân Và Tuổi Trẻ (La Hối), Y có Yêu Đàn (Nguyễn Văn Khánh)… Và như thế, Nhạc Vàng đã cứu tôi không mất trí, cho tôi chịu đựng qua 19 tháng học tập. Ra khỏi trại, tôi thú vị trong bụng là 19 tháng tôi không học tí tị gì về xhcn cả mà tôi đã trau dồi ‘Nhạc Vàng’… Cho đến giờ, mỗi khi mất ngủ, tôi lại ‘A có …’ như một người đọc kinh để tri ơn những người đã cứu mình…
Khi được định cư tại Paris năm 79, những năm tháng đầu tôi đi chạy bàn ở một quán ăn ở quận 5, khu Quartier Latin, nơi người Việt đã ở từ những năm 50. Quán ĐV thu hút khách với cơm Việt thuần túy. Nơi đây, tôi đã được nghe lóm một câu chuyện hy hữu đã làm tôi thao thức suy nghĩ và tò mò tìm hiểu về nhạc Trịnh. Câu chuyện này thực hư ra sao, không làm sao tôi khẳng định được.
Một buổi trưa tháng 8, năm 81(82 ?), quán khá vắng người vì dân thành phố đã đi nghỉ hè. Có ba người Việt vào quán kéo ghế ngồi. Nhìn thấy họ, tôi biết là người Việt ngay, nhưng cẩn thận tôi tiến lại và chào hỏi bằng tiếng Pháp và mời họ xem thực đơn. Một trong ba người, da ngăm đen, thì đúng là mới ở Việt Nam sang. Còn hai anh chàng kia thì theo cách ăn mặc, da tái hơn, thì khó nói có thể là người của sứ quán, hay kiều bào ở Pháp đã lâu… Mãi sau khi ruợu vang bắt đầu thấm, mặt hai ông đỏ như gấc, còn ông kia thâm tím, thì rựơu vào lời ra… Chắc là họ đinh ninh tôi là kiều bào xa xứ lâu rồi, nên thoải mái bàn tán um xùm. Tôi nghĩ bụng «À các cán bộ đây!… » và bắt đầu nóng gáy nhưng phải phớt lờ như không chú ý đến họ. Cái nhẫn nại nhịn nhục của tôi sớm được bù đáp lại. Người da ngăm đen thả một câu, giọng Huế nặng :
« Thằng Sơn mà anh hùng cái chi mô… hắn phải đi học tập là phải rồi. Mấy bài ca mà anh nói đó là của người khác viết! »
Hai tai tôi dựng đứng lên như ra-đa, còn hai anh chàng kia thì trố mắt ra. Ông ta tiếp tục :
« Trong Ca Khúc Da Vàng, có lẫn lộn nhạc của Sơn với nhạc của Nguyễn Kha (NK, tôi nghe có rõ không ?). Lúc ấy Kha theo mặt trận, trốn riết rồi chui vào mật khu luôn. Bọn tui mới muốn phổ biến nhạc của mặt trận mà dùng tên tuổi của Sơn, lúc đó đã nổi như cồn. Lúc đầu Sơn nào chịu, vì Kha dẫu gì cũng là bạn và lại mê em gái Sơn nữa…Nhưng bọn tui có cách để ép Sơn phải chịu. Thằng ri nhát như cáy. Người sao, nhạc vậy, yếu mềm, ủy mị, rên rỉ, than thân trách phận. Nhạc của Kha quật cường, phấn khởi, lời lẽ rõ rệt kêu gọi cách mạng, tranh đấu cho hòa bình … Sơn có điểm yếu một là rất thương mẹ và mấy đứa em, hai là trốn lính… Mình đụng đúng chỗ nhột là hắn phải chấp nhận ngay… Sau rồi không còn ai nhắc đến chuyện này nữa… Sơn đã ném lao thì phải theo lao chớ sao… Tội Kha, 74 nó bị bên kia bắt giết. Chỉ vài người biết chuyện ni thôi…»
Mãi đến mấy năm sau, một người cháu mới gửi sang cho tôi mấy cuộn băng thâu Khánh Ly Hát Cho Quê Hương Việt Nam I-VI và tôi mới chú tâm nghe lại với một nhãn quan mới. Sau bao nhiêu đêm nghe đi nghe lại nhạc Trịnh làm Lan nó điên cả đầu, nó trêu tôi : « Bố thật là ngược đời, trước thì cấm con không được nghe khi cả nước ai cũng nghe, giờ thì ai cũng ghét TCS thân cộng thì bố lại nghe tối ngày! Bây giờ chắc bố rành nhạc Trịnh hơn con rồi.» … Tôi mới ngỡ ra là mình đã bước chân qua địa phận ‘nhạc cho nó’. Đã đến lúc để tôi giải nghĩa cho con tôi nghe câu chuyện nghe lóm của mấy năm trước…
Đây chỉ là sự suy nghĩ và phân tích của riêng tôi. Câu chuyện kia trả lời được cho tôi nhiều câu hỏi chung quanh huyền thoại TCS hơn là đặt ra những câu hỏi khác. Giả thử như anh chàng cán bộ kia kể chuyện có thật thì lý do mà Ca Khúc Da Vàng bị cấm sau 75 có lẽ liên hệ đến sự liệt trừ MTGPMN. Và nếu loại bỏ những bài hát có nhạc tính ‘NK’ ra khỏi nhạc Trịnh thì thấy rõ TCS là một con người tràn trề tình cảm, lãng mạn, thương người, thương thân phận dân Việt, thật quả không thể có chỗ đứng trong xhcn, nên TCS đã phải bị đi học tập 12 tháng. Mà nếu tôi ở địa vị TCS lúc ấy, lương tâm nhạc sĩ sẽ rất muốn từ bỏ bản quyền tác giả trên những bài hát NK đó, và chỉ còn cách tốt hơn hết là để cả tập nhạc đó chìm vào lãng quên (vì bị cấm) như câu chuyện NK vậy. Về con người TCS, cá nhân tôi cho anh là một nạn nhân của cộng sản mà tôi không thể nào lên án được. Việt cộng đã vắt chanh rồi bỏ vỏ như thói thường của họ. Cái bề ngoài được trọng vọng của TCS dưới chế độ mới sau 75 chỉ là một bình phong, TCS như một con họa mi trong một cái lồng vàng mà Võ Văn Kiệt đã bỏ anh ta vào. Lồng vàng vẫn là một cái tù làm TCS mất hứng sáng tác. Đủ hiểu tại sao TCS chôn đời trong men rượu, chia sẻ cùng tâm trạng với Văn Cao (cũng bị giam lỏng sau Nhân Văn Giai Phẩm), nên hai thiên tài của nền nhạc Việt Nam này thông cảm cho nhau hơn ai hết… Chính tôi từng chê trách, lên án TCS vì lời kêu gọi trên đài phát thanh với bài Nối Vòng Tay Lớn, mà sau này tôi tự đặt câu hỏi : TCS có quyền chọn lựa không, anh ta có bị áp lực không, hay anh ta cũng hồ hởi như trăm vạn người tưởng bở khác? Câu trả lời, theo kinh nghiệm bản thân tôi sau 75, là khi người cs bảo anh làm gì, họ không cho anh cái quyền từ chối. Tôi không thể nào ném viên đá khi chính tôi cũng đã trải qua những lúc phải nhịn nhục, phải cúi đầu, phải tuân lệnh, phải học thuộc bài, dù trong lòng có căm hờn đến chừng nào đi chăng nữa…
Về mặt hình thức, theo anh cán bộ nọ thì nhạc tính của TCS cũng giống như con người anh ta, « yếu mềm, ủy mị, rên rỉ » nên anh làm nhạc tình lãng mạn không ai bằng, khác hẳn với những điệu nhạc đấu tranh dập dồn của NK. Về nội dung, không thể nào tác giả lời « …Đêm nay hòa bình, mắt Mẹ buồn như kinh, lời kinh đêm trong căn nhà lạnh, ru Me một mình, ru Mẹ một mình ôm bóng đêm… » (Sao Mắt Mẹ Chưa Vui) có thể tự mâu thuẫn để viết « …Trên cánh đồng hoà bình này… Mẹ ta cười sau luỹ tre nắng qua đầy sân… » (Cánh Đồng Hòa Bình). Cũng như « …Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người, tôi đã thấy, tôi đã thấy, những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em… » (Hát Trên Những Xác Người) viết sau biến cố Mậu Thân, quá mâu thuẫn với lời «… Dù trăm năm dài, ngày đêm dân ta quyết chiến đấu mãi, đánh trăm quân thù. Mặt đất âm u đang dọn ngày về trong câu thề máu xương… » (Chưa Mòn Giấc Mơ). Và còn nhiều thí dụ khác nữa…
37 năm đã trôi qua từ ngày quốc hận đó, nay tôi thư thái nghe nhạc Trịnh thoải mái. Ngay cả những bài mà tôi cho là nhạc NK, những lời hát mà xưa tôi rất ghét, thì nay tôi lại thấy nó sao mà chính xác với thời buổi này hơn bao giờ hết. Phải chăng TCS (hay NK ?) sáng tác không đúng thời, không thì những bài hát đó cũng tiên tri như sấm. Xưa những gì gọi là ‘phản chiến’ thì nay ôi quá là ‘phản động’ ! Thảo nào vẫn bị cấm dưới xhcn, những gì mà VNCH không bao giờ cấm!
« Người nô lệ da vàng ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ,
Đèn thắp thì mờ, ngủ quên, quên đã bao năm
Ngủ quên không thấy quê hương
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc Tự Do … » (Đi Tìm Quê Hương)
Đèn thắp thì mờ, ngủ quên, quên đã bao năm
Ngủ quên không thấy quê hương
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc Tự Do … » (Đi Tìm Quê Hương)
Nhạc Trịnh quá hay để cho chúng ta ruồng bỏ người nhạc sĩ tài ba, yêu dân, yêu nước này cho bè lũ việt cộng vô văn hóa được giữ như của phe họ. Phải chăng đã đến lúc nên dùng những bài nhạc bị cấm này để ‘gậy ông đập lưng ông’ và trả lại cho TCS chỗ đứng xứng đáng trong lòng người Việt mọi nơi ?
Từ nay, mỗi khi mất ngủ tôi vẫn chơi ‘A có…’, nhưng bây giờ Nhạc Vàng trong đời tôi được bổ túc với nhiều bài sau 75 từ trong và ngoài nước, những bài Nhạc Vàng màu cờ yêu dấu, những bài hát vang lên tiếng nói yêu Nứơc, yêu Tự Do của những người đang chờ đợi một ngày mai khi đất nước thoát khỏi bạo quyền cs…Nhạc Vàng sẽ sống mãi trong tôi, trong lòng những đứa con của Mẹ Việt Nam muôn đời sau…
A | có | Anh Là Ai (Việt Khang) |
B | có | Biển Đông Dâng Sóng Tự Do (Nguyệt Ánh) |
C | có | Chút Quà Cho Quê Hương (Việt Dzũng) |
D | có | Dậy Mà Đi Giữ Giang Sơn (thơ Phuơng Thuý/Trung Việt) |
Đ | có | Đáp Lời Sông Núi (Trúc Hồ) |
E | có | Em Vẫn Mơ Một Ngày Về (Nguyệt Ánh) |
G | có | Giây Phút Vinh Quang (Trần Vũ Anh Bình) |
H | có | Hoàng Sa Trường Sa (Huỳnh Lợi) |
K | có | Khóc Cho Người Dân Oan (Lê Huy Phong) |
L | có | Lửa Rực Lòng Trai (Cung Đàn) |
M | có | Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây (thơ Hoàng Phong Linh/Nguyễn Ánh 9) |
N | có | Nam Quốc Sơn Hà (Nguyễn Hữu Nghĩa) |
O | có | Oan Khúc Người Tù Kiên Giang (Quảng Kiên Nguyễn Hữu Cầu) |
P | có | Phải Lên Tiếng (Lê Minh Bằng) |
Q | có | Quyết Giữ Biển Đảo Quê Hương (Nguyễn Hậu) |
R | có | Ra Khơi (Nguyệt Ánh) |
S | có | Sơn Hà Nguy Biến (Trường Sơn và Lê Phong) |
T | có | Triệu Con Tim (Trúc Hồ) |
U | có | Ước Hẹn Hoàng Sa (Nguyễn Ánh 9) |
V | có | Việt Nam Tôi Đâu (Việt Khang) |
X | có | Xin Hãy Làm Ánh Đuốc (Nguyệt Ánh/Việt Dzũng) |
Y | có | Yêu Ai Cứ Bảo Là Yêu (Phan Văn Hưng) |
Rồi trở lại A có …
TTLân – 07/11/12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét