Hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực Đông y, lương y Nguyễn Thị Quế (SN 1937, nguyên Chủ tịch Hội Đông y quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã sáng tạo ra nhiều bài thuốc nổi tiếng, được nhiều người tin tưởng.
Trong số đó, tiểu đường là căn bệnh mà bà quan tâm hơn cả. Sau mấy chục năm nghiên cứu, bà đã cho ra đời hai bài thuốc giúp bệnh nhân đái tháo đường ổn định đường huyết, hạn chế các biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Học 23 năm mới được hành nghề
Mặc dù tuổi đã cao nhưng với uy tín trong 3 nhiệm kỳ giữ chức Chủ tịch Hội Đông y quận Sơn Trà, đến nay, lương y Quế vẫn nhận được sự tín nhiệm của nhiều người bệnh. Mỗi lần có bệnh nhân gọi đến, bà lại không quản ngại xa xôi tới tận nhà thăm khám và bốc thuốc. Nữ lương y chia sẻ: “Lúc về nghỉ, tôi có giới thiệu cho người bệnh một số lương y trẻ tuổi nhưng mỗi lần đau ốm, họ vẫn gọi điện nhờ tôi đến thăm khám bằng được. Năm nay tôi đã 78 tuổi rồi, may mà vẫn còn sức khỏe và vẫn tự đi xe máy. Bản thân người làm thầy thuốc, tôi không nỡ từ chối bệnh nhân tìm tới mình khi nguy cấp”.
Lương y Quế sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời làm Đông y nổi tiếng khắp vùng Đà Nẵng - Quảng Nam. Nhà có 10 anh em nhưng đến nay chỉ mình bà theo nghiệp cha ông. Chính vì lẽ đó mà từ năm 12 tuổi, bà đã bắt đầu được những người đi trước truyền thụ kinh nghiệm. Vốn tính thông minh và niềm đam mê với nghề bốc thuốc gia truyền nên từ nhỏ, mỗi lần nhìn mọi người làm việc, bà luôn chăm chú theo dõi và tiếp thu rất nhanh. Đặc biệt, mặc dù tên gọi của các vị thuốc trong Đông y không hề đơn giản nhưng mỗi bài thuốc trị bệnh bà chỉ cần đọc qua một lần là có thể nhớ như in.
Lương y Quế chia sẻ về công hiệu của những cây thuốc trị tiểu đường bà tự tay trồng trong vườn nhà.
“Lúc đó, mỗi lần thấy cha chữa bệnh, tôi cảm thấy thích thú lắm. Vì trong nhà nhiều anh em nhưng chỉ có tôi đam mê với nghề gia truyền nên cha tôi dạy dỗ rất tỉ mỉ. Sau này, tôi xin cha đi học thêm các lớp đông y để học hỏi thêm những bậc tiền bối có tiếng quanh vùng thời đó. Tuy học nghề từ năm 12 tuổi nhưng phải đến 35 tuổi tôi mới được những người trong gia đình cho phép thực hành chữa bệnh. Nhất là chú tôi, ông kỹ tính lắm. Ông căn dặn tôi làm nghề thuốc phải hết lòng vì người bệnh, cấm tuyệt đối chạy theo đồng tiền, dọa dẫm bệnh nhân để lấy tiền. Và cho tới tận bây giờ, tôi vẫn luôn thực hiện theo những lời dạy ý nghĩa đó”, lương y Quế cho biết.
Một bí quyết mà lương y Quế rút ra từ quá trình chữa bệnh là “liệu pháp tâm lý”. Bà cho biết, người thầy thuốc ngoài vai trò thăm khám, bốc thuốc còn phải giống như một chuyên gia tâm lý. Bởi những người mắc bệnh luôn có tâm lý là gánh nặng cho gia đình. Suy nghĩ của họ luôn dao động bởi nhiều vấn đề khiến bệnh lại càng trở nên trầm trọng. Những lúc đó, người thầy thuốc cần hỗ trợ bệnh nhân về mặt tâm lý, quan tâm chia sẻ trước sự đau đớn và lo lắng của họ, đồng thời tìm phương pháp trấn an để họ yên tâm chữa bệnh.
Là phụ nữ, thường xuyên bận rộn với công việc nhà nhưng trong thời gian còn giữ chức Chủ tịch Hội Đông y quận Sơn Trà, lương y Nguyễn Thị Quế đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có 15 năm đảm nhận chức vụ thì 12 năm bà liên tục đưa Hội Đông y quận Sơn Trà dẫn đầu về thành tích xây dựng và phát triển ngành Đông y trong địa bàn TP. Đà Nẵng. Với những cống hiến đó, bà đã nhận được nhiều bằng khen của UBND, Hội Đông y TP. Đà Nẵng, Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Thành phần của hai bài thuốc hiệu nghiệm
Lương y Quế cho biết, hơn nửa đời hoạt động trong lĩnh vực Đông y, căn bệnh bà quan tâm nhất chính là tiểu đường. “Bởi đây là căn bệnh nan y rất khó chữa trị dứt điểm và ngày càng có xu hướng gia tăng ở nước ta. Hiện nay, số lượng người mắc phải căn bệnh này không hề nhỏ nhưng lại khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Nếu để lâu ngày không có phương pháp điều trị hợp lý, nó sẽ biến chứng theo chiều hướng rất nguy hiểm. Tây y đã có những loại thuốc điều trị đạt hiệu quả cao. Nhưng bệnh nhân điều trị bằng Tây y thường phải uống thuốc thường xuyên, khi dừng uống lượng đường sẽ tăng trở lại. Điều trị bằng Đông y có hạn chế là không cho kết quả tức thì nhưng các vị thuốc hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên nên tuyệt đối an toàn”.
Lương y Quế kể lại, những ngày đầu mới hành nghề, rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường tìm đến bà nhờ bốc thuốc. Tuy nhiên bài thuốc trị chứng tiêu khát của gia đình bà lúc đó khá sơ sài, chưa được chú trọng bằng các căn bệnh khác. Với trăn trở về một căn bệnh “thời đại”, bà đã chuyên tâm dành thời gian nghiên cứu và cho ra đời hai bài thuốc trị tiểu đường. Hai bài thuốc này được nữ lương y vận dụng các kiến thức y khoa hiện đại, kinh nghiệm thực tiễn để phát triển từ “vốn” của ông cha để lại. “Người bệnh sau khi dùng hai bài thuốc này nếu có chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp có thể an tâm về việc “làm yên” tiểu đường. Bệnh nhân của tôi chưa thấy có trường hợp nào tăng đường trở lại. Đây là bài thuốc được tôi nghiên cứu ra dựa trên những bài thuốc gia truyền trị chứng tiêu khát của gia đình. Tôi dám cam kết rằng hai bài thuốc này đã có hiệu quả với hàng trăm người bệnh”, lương y Quế cho biết.
Nhằm đảm bảo uy tín và hiệu quả chữa bệnh, nữ lương y Đà thành không ngại ngần cung cấp cho phóng viên các vị chính trong hai bài thuốc trị tiểu đường. Bài thứ nhất gồm các dược vị như sau: đảng sâm, thục địa, táo nhân, bạch thược, bạch truật, thục linh, hoài sơn, ngũ vị tử, sơn tra, huỳnh kỳ. Bài thứ hai gồm: nhãn nhục, nhục quế, viễn chí, hạt sen, đương quy, nhục khấu, cam thảo, xuyên khung, trần bì và hai quả táo đỏ. Lương y Quế cho biết: “Tuy có sự khác nhau về thành phần dược vị được sử dụng trong hai bài thuốc này nhưng tác dụng của chúng không hề thay đổi. Sau khi đã có đầy đủ các dược liệu trên, người bệnh trộn lẫn rồi cho vào ấm sắc theo phương pháp: Nước thứ nhất lấy 9 phần, sau đó lấy hết nước vừa sắc được ra, đổ nước mới vào sắc đến khi còn khoảng 7 phần. Khi đã có nước thứ nhất và thứ hai, đem hòa chung lại với nhau, chia làm 2 phần. Uống vào hai buổi sáng và chiều trong ngày, sau bữa ăn 20 phút”.
Lương y Quế cho biết thêm: “Đây là cách sử dụng thông thường vì không phải người bệnh nào cũng giống nhau nên phải có sự linh hoạt trong cách sử dụng. Người nào bệnh nặng hơn, tôi kết hợp cả hai bài thuốc lại với nhau và hướng dẫn liều lượng cũng như số lần uống cho phù hợp. Người bệnh bình thường chỉ cần uống khoảng 10 thang là sẽ thấy kết quả rõ rệt. Những người bị nặng hơn, mắc bệnh lâu ngày hơn thì thời gian công hiệu tất nhiên cũng sẽ dài hơn. Điều đặc biệt là trong quá trình điều trị, hai bài thuốc này không hề cho thấy tác dụng phụ nào. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng bổ cho lục phủ ngũ tạng, giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe. Việc sử dụng thuốc nếu đảm bảo tính đều đặn, thời gian khỏi bệnh sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống của người bệnh cũng góp phần không nhỏ đến hiệu quả của việc chữa trị. Người bệnh tiểu đường cần đặc biệt kiêng ăn thực phẩm ngọt, hạn chế ăn cơm và thay bằng các loại rau. Có như vậy lượng đường trong người mới giảm dần và tiến tới ổn định được. Sẽ tốt hơn nếu người bệnh duy trì được việc luyện tập thể dục điều độ”.
Hai bài thuốc dành cho các bệnh nhân bị tổn thương thận khác nhau
Đánh giá về hai bài thuốc trị tiểu đường của lương y Nguyễn Thị Quế, lương y Phó Hữu Đức – Chủ tịch Hội Đông y Cầu Giấy cho biết: “Nguyên nhân gây đái tháo đường là do ăn uống nhiều đồ cay, béo, ngọt hoặc sang chấn tinh thần tạo thành hoả nhiệt, uất nhiệt làm phần âm của các phủ tạng tâm, vị, thận bị hao tổn. Hỏa nhiệt làm phế âm hư gây chứng khát, vị âm hư gây đói nhiều người gầy, thận âm hư không tàng trữ được tinh hoa của ngũ cốc, gây tiểu tiện ra chất đường. Mặt khác hỏa nhiệt làm huyết bị cô đặc sinh ra huyết ứ, sinh phong, gây ra các biến chứng như chân tay đau nhức, rát bỏng, ngứa ngáy, mụn nhọt lở loét... Phương pháp điều trị chứng tiêu khát trong Đông y là dưỡng âm thanh nhiệt, sinh tân dịch làm cơ sở, thận là nguồn gốc của âm dịch nên bổ thận âm là chính kết hợp hoạt huyết hóa ứ. Nhìn chung cả hai bài thuốc của lương y Quế đều có tác dụng bổ thận, hiệu quả với bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, bài thuốc thứ thứ nhất chỉ nên dùng cho người thận dương hư, còn bài thuốc thứ hai có thể sử dụng cho cả người thận dương hư lẫn thận âm hư. Chính vì vậy, thầy thuốc sẽ dựa vào tình trạng, thể trạng của bệnh nhân để bốc thuốc cũng như điều chỉnh các vị cho phù hợp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét