Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Bùi Bảo Trúc - Thư gửi bạn ta ( 09/19/14)

Ngày 8 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Thì ra nước ta cũng biết giữ gìn danh tiếng lắm chứ không phải lúc nào cũng nhâng nhâng nháo nháo như kiểu cái thứ chích đít trong rừng Ba Ếch vác cái mặt chó nhẩy bàn độc vừa ngu vừa dốt đi làm trò cười mà truyền hình Pháp đã bêu cho cả triệu người coi khi xuất hiện cạnh thủ tướng Pháp tại một cuộc họp báo cách đây không lâu.
Một bài báo trong nước mới đây có một bài viết với cái tựa lúc thoạt ngó qua người đọc phải ngỡ ngàng một lúc vì không hiểu tại sao lại có kiểu dùng chữ kỳ lạ như thế. Bài báo viết nguyên văn như thế này: “Đừng để nước Việt mang tiếng quốc gia nhiều tiến sĩ.”
Ô hay, sau những vụ người Việt mang tiếng ở Nhật, Đài Loan, Đại Hàn, Thái Lan… với những vụ ăn cắp trong siêu thị đến nỗi ở nhiều nơi tại các quốc gia vừa kể người ta đã phải treo bảng viết bằng tiếng Việt cảnh cáo những bàn tay nhám thì nay, Việt Nam lại đang mang thêm một tiếng xấu mới khác nữa hay sao?
Hai chữ “mang tiếng” trong tựa đề của bài báo khiến người đọc ngỡ ngàng. “Mang tiếng” là phải chịu những điều tiếng thường là xấu xa, không tử tế, làm mất danh dự như ăn tham, tục uống trong các tiệm ăn (Thái Lan), ăn cắp trong các tiệm buôn (Nhật, Đài Loan, Đại Hàn) mang về nước tiêu thụ (nhờ tay các phi công và chiêu đãi viên Air Vietnam)… Hay vì cách hành xử của nhà nước mà chính Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã phải nói thẳng ra tại cuộc họp với Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội hôm 20 tháng 9 năm 2008, theo đó, ngài rất xấu hổ khi mang thông hành Việt Nam trong những chuyến xuất ngoại.
Nhưng mang tiếng vì quốc gia có nhiều người có bằng tiến sĩ thì hơi khó hiểu. Một quốc gia dân chúng có nhiều bằng cấp, mà lại là những bằng cấp cao, trên cả cấp cử nhân, thì đó phải là điều đáng cho người dân kiêu hãnh chứ tại sao lại là chuyện làm người dân phải mang tiếng?
Theo bài viết của tờ Việt Báo ở trong nước, hiện Việt Nam có khoảng trên 24 ngàn tiến sĩ. So với nhiều nước trên thế giới, đây không phải là con số cao lắm. Nhưng so với các nước trong vùng Đông Nam Á thì, vẫn theo tờ Việt Báo, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiến sĩ nhất. Trong khi đó, ở Mỹ, chỉ tính riêng bằng MBA không thôi, mỗi năm có thêm khoảng 160 ngàn tân khoa. Vậy thì 24 ngàn tân khoa của Việt Nam (tính tất cả, không phải là con số tân khoa MỖI năm) không phải là con số mang lại tiếng tốt. Nhưng cũng không phải là con số khiến cho người trong nước phải xấu hổ hay mang tiếng.
Thế thì tại sao bài báo lại viết rằng nhiều tiến sĩ là chuyện khiến Việt Nam “mang tiếng”? Đọc thêm mấy dòng sau đó thì thấy ngay. Người viết bài báo đó đã dùng hai chữ “mang tiếng” rất đúng. Mang tiếng là phải. Vì đa số những người có bằng tiến sĩ gần như không được những công trình nghiên cứu sáng chế trong các lãnh vực chuyên môn của họ. Việc nghiên cứu khoa học, theo bài báo, bị coi nhẹ nên không có được bao nhiêu đóng góp nếu không nói rõ là không có một công trình nghiên cứu nào ở tầm cỡ khu vực, nói chi đến tầm cỡ thế giới. Sinh viên tốt nghiệp chỉ lo đi kiếm việc, nhưng với kiến thức tồi tệ của họ, việc đó cũng rất khó. Không ít người phải xin đi lao động ở ngoại quốc, nói trắng ra là đi làm cu li cả ở Phi châu, những nơi văn minh, trình độ thua kém cả Việt Nam như Lybia, như Ghana… Những thứ công việc như thế cũng không giúp họ học hỏi thêm được những kiến thức, kỹ năng mới.
Đáng nói hơn nữa là hệ thống đại học của Việt Nam rất tồi. Đại học mở ra khắp hang cùng ngõ hẻm, trường sở nhếch nhác, ban giảng huấn thiếu khả năng. Không một đại học Việt Nam nào lọt được vào danh sách 500 trường đại học giỏi nhất thế giới. Chi tiết này cũng đủ nói lên phẩm chất và giá trị của các trường đại học Việt Nam. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á không có nhiều tiến sĩ như Việt Nam như Thái Lan, Indonesia cũng có đại học được ghi trong danh sách 500 đại học theo bảng xếp hạng của QS World Universities Rankings năm 2014. Đó là chưa nói tới các đại học Hàn quốc, Hương Cảng, Singapore…
Mà đó là mới nói tới các đại học có thật, còn các đại học như đại học trong rừng mà Ba Ếch nói phét là tốt nghiệp cử nhân luật khoa hay những thứ trường cấp cho bọn đười ươi để khoe nhắng lên là giáo sư tiến sĩ thì còn khiếp đảm đến đâu nữa. Ngoài ra, còn bằng mua, bằng giả bán đầy đường, bằng tiến sĩ y khoa cũng rao bán như ở đại học Thái Nguyên…
Hay là tại vì thế mà có bằng cao học nên mới… “mang tiếng” như bài báo phải lo ngại và viết như tờ Việt Báo số đề ngày 27 tháng 3 năm 2014 mà người ta vẫn còn đọc được trong internet?
* * *
Ngày 9 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Hệ thống an sinh xã hội với những trợ cấp rất hào phóng của một số quốc gia Âu châu đã làm cho không ít người ở nước Mỹ ghen tức lồng lộn.
Mới đây, suýt nữa người dân Mỹ lại có lý do để ghen ghét những người dân tại các nước này thêm một chút nữa.
Tại thị trấn Ansbach của nước Ðức, tòa án đã quyết định không trả thêm một khoản tiền khá lớn cho một thân chủ của sở welfare, nói rằng những chi phí ông liệt kê ra, ông phải trả lấy, bằng khoản tiền ông đã được sở xã hội cấp.
Người đàn ông 35 tuổi này mấy tháng trước đã đòi sở xã hội phải mỗi tháng trả cho ông chi phí bốn lần (mỗi tuần một lần) đi xuống xóm, luôn cả tiền taxi và tiền để thuê 8 cuốn phim X cùng với những tờ báo giới thiệu bạn bốn phương mỗi tháng hai kỳ.
Người đàn ông này đang thất nghiệp, vợ đi về Thái Lan thăm nhà từ mấy tháng nay chưa trở lại. Khi các yêu cầu ông nêu ra bị bác, ông kiện các giới chức sở xã hội về tội đã không đền bù cho những nhu cầu sinh lý đáng kể của ông, khiến ông bị đe dọa về mặt sức khỏe tâm và sinh lý. Ông kiện luôn chính phủ sở tại về việc làm cho vợ chồng ông cách trở vì không chịu trả tiền vé máy bay cho vợ ông từ Thái trở về Ðức sum họp với ông.
Ông nói rằng vì vợ ông vắng mặt, ông phải mỗi tuần xuống xóm để duy trì sức khỏe tâm và sinh lý của ông.
Tin AFP (No Satisfaction For Sex-Starved Husband) đã cho biết như thế. Cũng may mà tòa án bác đơn của ông, chứ nếu không, làm sao nước Ðức không phá sản vì những người đàn ông như thế.
Nhưng thực ra, những đòi hỏi của ông không phải là không có lý. Nghề bán phấn buôn hương tại một số nơi ở Cộng hòa liên bang Ðức là một nghề hợp pháp. Những người làm nghề này phải đóng thuế hệt như các nghề khác. Như vậy, trong khi chính phủ thanh toán tiền giữ trẻ cho các gia đình hai vợ chồng cùng đi làm, hay trả tiền đi bác sĩ cho người bệnh thì tại sao lại không giúp cho các thân chủ của cơ sở tiểu thương (?) mà người đàn ông vẫn lui tới, để vừa giúp cho kinh tế phát triển, tiền bạc lưu thông, lại giữ cho sức khỏe tâm sinh lý của ông ta được bình thường? Việc từ khước yêu cầu của ông có thể làm cho ông không bình thường và phát những thứ bệnh khó chữa tốn kém về lâu về dài.
Những đòi hỏi của ông (mỗi tuần một lần) là những đòi hỏi hợp lý. Việc ông không đòi hơn một lần mỗi tuần chứng tỏ ông là người biết tiết độ, không quá đáng mặc dù ông vẫn còn trẻ tuổi. Ông là một người đàn ông bình thường và khỏe mạnh. Những thôi thúc ở trong người ông là chuyện bình thường của thiên nhiên. Ông tìm cách giải quyết một cách văn minh và hợp pháp. Chính phủ nên khuyến khích những việc làm như thế. Bất cứ một cách giải quyết nào khác hơn là cách ông đề nghị đều sẽ đem lại những hậu quả bi thảm, bất hợp pháp và thiếu văn minh.
Bài học kinh tế nhập môn cũng cho thấy là giúp người đàn ông này là một cách để cho kinh tế chuyển động: người tài xế taxi kiếm được tiền; cơ sở tiểu thương có thu nhập; tiệm cho thuê phim X có tiền ra vào; tờ báo có mục tìm bạn bán được báo… Mà đó là mới chỉ nêu ra một số những sinh hoạt chính. Những sinh hoạt chính này kéo theo rất nhiều sinh hoạt kinh tế phụ khác sẽ làm cho nước Ðức vượt qua những khó khăn hiện nay để lãnh đạo Âu châu tiến lên thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ từ mấy năm nay.
Vậy mà lại không chịu giúp một công dân gương mẫu tuy có những suy nghĩ hơi khác người một chút.
Nhưng không được chính phủ giúp đỡ, ông lại sắp được những người Ðức tốt bụng khác giúp đỡ đến nơi. Bản tin của AFP đăng trên các báo địa phương nhất định sẽ khiến cho điện thoại của ông réo ngày đêm.
Thế là ông lại vẫn là niềm mơ ước thầm kín của không biết bao nhiêu là những người đàn ông khác ở Mỹ này mất thôi.
* * *
Ngày 10 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Bây giờ thì có thể nhiều người đã hiểu lờ mờ là tại sao các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn chương và Y học đều được phát tại Stockholm trong khi giải Nobel Hòa Bình lại được phát tại Oslo, thủ đô Na Uy.
Lý do có thể là vì Stockholm, thủ đô Thụy Ðiển, không phải là một nơi yên bình cho lắm.
Câu chuyện xẩy ra ở Stockholm mà báo chí vừa đề cập có lẽ không xẩy ra ở những chỗ khác bao giờ. Một phụ nữ Thụy Ðiển mới đây đã ra tòa Stockholm kiện một cặp trên lầu ra tòa, đòi cặp này phải bồi thường những thiệt hại cho sức khỏe của bà. Ðương đơn nói rõ là bị nhức đầu, chuột rút, ợ chua vì những tiếng động ở phòng bên cạnh vọng sang.
Bà cho biết những tiếng động ấy thường bắt đầu vọng sang từ khoảng 10 giờ đêm và kéo dài cho đến 1 giờ sáng.
Ngoài những hội chứng kể trên, người phụ nữ này còn bị ưu sầu, lo lắng bồn chồn, cáu giận và căng thẳng đầu óc.
Ðơn kiện nói rằng đó là những âm thanh của những cuộc “họp thượng đỉnh” của hai người hàng xóm trên lầu.
Cảnh sát chưa hoàn tất cuộc điều tra nên không biết thực hư như thế nào. Nhưng nếu đó là sự thật thì thủ đô của Thụy Ðiển đáng sợ thật.
Thứ nhất, những hội nghị phải diễn ra trên căn bản hằng ngày mới có thể gây phiền nhiễu cho hàng xóm đến độ ảnh hưởng tới sức khỏe của người hàng xóm như thế. Làm thế nào để mỗi ngày mỗi họp hội nghị được như vậy, cặp này nên chỉ dẫn cho thế giới biết để còn cứu những cuộc hôn nhân đang trên đường tan vỡ.
Thứ hai là làm sao lại… họp lâu được như vậy? Thời gian từ 10 giờ đêm đến 1 giờ sáng vị chi là 3 tiếng đồng hồ. Ðây là một chi tiết quan trọng như quảng cáo của một hãng thuốc lá mà đến nay tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu: It’s not how long you make it, but it’s how you make it long. (Ðiều quan trọng) không phải là bạn làm nó (điếu thuốc) dài như thế nào, mà là làm thế nào bạn làm nó (vẫn là điếu thuốc lá king size) dài được như thế.
Thứ ba là làm sao lại ồn ào như vậy được?
Nếu thật đó là những chuyện đương đơn nghi ngờ, thì chuyện cũng đâu cần đến độ phải đưa nhau ra tòa như thế. Dĩ hòa vi quí. Tránh tối đa việc vác chiếu ra tòa, đáo tụng đình.
Cách hay nhất là đón đường cặp hàng xóm trong thang máy, tặng họ hai chiếc khăn, rồi bằng tất cả sự lịch sự có được ở trong người, nhờ họ tống vào miệng trước khi họp thượng đỉnh. Làm như vậy, tiếng ồn ào không thể phát ra được nữa, và nếu có cố lắm, thì cũng chỉ là những tiếng ú ớ khe khẽ là nhiều.
Nhưng chắc gì đã là tiếng động của những cuộc họp thượng đỉnh?
Thí dụ đó là những tiếng động của bàn ghế, đồ đạc di chuyển trong căn apartment của một người đàn ông già mắc bệnh mất ngủ thỉnh thoảng kê lại đồ đạc thì sao?
Người đàn ông già nằm trên giường bỗng thấy cái tủ sách… chướng quá. Ðẩy nó sang phía bên kia coi bộ có lý hơn. Nhưng bên kia lại có giàn stereo rồi. Thế thì chuyển giàn stereo sang sát tường bên này. Cái TV cho vào góc. Còn hai cái đèn halogen thì đi đâu? Thôi, đưa sang hai bên bệ lò sưởi. Nhưng nó lại che cái tủ rượu. Vậy thì cho cái tủ rượu vào góc gần cửa bếp. Bây giờ cái wing chair lại mất chỗ…
Cứ như thế mà thành ra “tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” chứ người đàn ông già ấy mà… họp hành nỗi gì nữa.
Hay biết đâu đó cũng lại chẳng là những bàn ghế bị di chuyển, mà chỉ là tiếng động của những cái tủ đứng, hết cái này tới cái kia được người phụ nữ liên tiếp… kê vào miệng của người đàn ông chứ thượng đỉnh gì!
Mà cũng có thể đó chỉ là cái CD thu thanh những tiếng la thét mỗi tối bỏ vào giàn stereo để nghe và nhớ lại “thời oanh liệt nay còn đâu” của người đàn ông già ở một mình…
* * *
Ngày 11 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Tháng này có thể là tháng mà các tiệm bán hoa thù ghét nhất, vì lẽ trong tháng Bẩy hình như không có bất cứ một ngày lễ nào để phải tặng hoa cho bất cứ ai thì phải.
Mother’s Day đã qua từ lâu. Father’s Day cũng đã qua, mà ngày này, thì có bầy đặt cách mấy cũng không thể là ngày để mua hoa đem đi tặng được. Còn Valentine thì đã xong từ tháng Hai… Vậy thì làm sao mà bán được hoa?
Nhưng hôm nay, đi ngang qua một tiệm hoa ở Downey, một thị trấn trên đường đi làm mỗi ngày, tôi thấy một tiệm bán hoa đã tìm được ra một lý do để giúp bán được hoa trong cái tháng ế ẩm ít người đi mua hoa (?) này.
Tấm bảng quảng cáo của tiệm với những hàng chữ có thể thay đổi được tùy theo mùa, tùy theo những ngày lễ và giá cả của một vài loại hoa được gắn một câu mới, một lời nhắc nhớ, nhắn nhủ gửi những người đàn ông đi qua liệu hồn mà mua hoa. Hàng dưới là giá của một chục hồng: $29.99.
Chủ quán bán hoa biết không phải tất cả những người đi qua đều có một hai cái sinh nhật trong tháng này, nhưng ông hay bà chủ biết chắc một điều là có những chuyện tháng nào, ngày nào cũng có thể xẩy ra, và khi những chuyện như thế xẩy ra, thì cách giải quyết hay nhất, hữu hiệu nhất, là một chục hồng.
Kiếm một chục hồng, về đến cửa nhà, tra chìa khóa vào ổ khóa, mở hé cánh cửa, đứng ở ngoài, đừng vào trong nhà ngay, một tay giữ nắm đấm cửa sẵn sàng đóng giập cửa lại nếu gặp nguy hiểm, tay kia lùa vào trong cửa cầm bó hoa thay cho lá cờ trắng. Nếu bó hoa được lấy ra nhẹ nhàng, thì mở cửa bước vào, đẩy đưa mấy câu làm quà, hay đại khái than ốm đau, sầu não, hy vọng phát động được chiến dịch hoa tình thương ở nhà.
Tiệm hoa gửi một thông điệp hay vô cùng cho những người đàn ông hiền lành này bằng những chữ trên tấm bảng quảng cáo của tiệm: JUST HOW MAD IS SHE…
Thông điệp đưa ra một gợi ý cho những người đi qua: hãy tưởng tượng, hãy tự hỏi xem nàng bực bội chừng nào…
Nghĩ xong, thế nào cũng vòng xe quay lại, mua chục hồng và làm đúng những điều người đàn ông ở trên đã làm khi về trước cửa nhà mình.
Mà chuyện nàng bực bội, quạu quọ, tức mình, cáu giận thì ngày nào mà chẳng có. Nghĩ thử lại coi. Trong khi mình thì có cả triệu điều khiến cho nàng điên tiết lên. Nhiều khi không có chuyện, không có lý do nàng vẫn có thể điên người lên được, huống chi là có.
Kiểm soát lại tình hình từ tối hôm trước cho đến sáng nay lúc rời nhà ra đi làm thì thế nào cũng không thể tránh được chuyện nàng nổi tam bành lục tặc lên. Khôn hồn thì ghé vào mua chục hoa, không thì khó mà toàn thây.
Chục hoa đi trước là chục hoa khôn, chục hoa đi sau là chục hoa dại.
Thà cứ đưa trước đi còn hơn là sau khi nội chiến (từng ngày) xẩy ra mới tặng hoa thì đã muộn.
Cứ hoa là xong hết.
Thí dụ có tội, thì hoa chuộc hết. Nhưng không có tội thì sao? Thì cũng cứ tặng hoa chứ. Có thể nàng sẽ hỏi: “Tại sao lại… hoa thế này? Guilt gifts chăng? Ðã phạm tội gì rồi mà phải đi mua hoa để dẹp cái mặc cảm tội lỗi ấy? Mua hoa thế này là để lấp liếm đi hay sao đây? Thành thật khai báo cái coi…”
Những câu như thế cho thấy không có lỗi gì hết. Nếu không thì đã rít lên đại khái: “Này, tôi không có cần hoa hiếc gì sốt cả nghe không? Anh nói cho tôi nghe tại sao…” tiếp theo là một chục cái tội từ tối hôm trước qua tới sáng hôm sau như đang ngủ, nói mê gọi tên vài ba thứ hoa (?) chẳng hạn. Thế là tội rõ ràng.
Nhưng không có câu nào như vậy, thì an toàn, rồi quay ra, bả lả một câu tán hạng bét đại khái “À thì mua về coi coi hoa này hoa ấy hoa nào thắm, mà về đến nhà thì thấy hoa này dở ẹc. Nhưng thôi, lỡ mua về rồi thì cắm vào bình cho khỏi phí. Hoa kia đặng hơn nhiều…”
Quảng cáo như vậy thì không gì có thể hữu hiệu hơn.
* * *
Ngày 12 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Có lẽ đã đến lúc chúng ta dẹp câu ví von tôi được nghe đã từ mấy chục năm nay, từ khi còn rất bé, đó là câu “Ðến chó cũng có váy lĩnh”.
Vế đầu nhiều khi không được nói ra, nhưng chỉ cần nghe vế sau, người ta cũng phải hiểu ngay vế đầu muốn nói đến một chuyện khó có thể xẩy ra nếu không muốn nói là không bao giờ có thể xẩy ra trong đời sống của chúng ta.
Thời xưa, có được cái váy sồi dệt bằng tơ gốc, thô và xấu cũng đã là bảnh chán. Có tới cái váy lĩnh thì khó hơn nhiều. Người đã vậy, đến chó mà có được váy lĩnh thì chuyện gì khó đến đâu cũng có thể xẩy ra được.
Nhưng nếu đổi thành… chó cũng biết nhẩy tango thì sao? Ví von như vậy đã đủ khó chưa? Ðã được cập nhật hóa cho kịp với thời đại của chúng ta chưa?
Tôi nghĩ có lẽ lôi tango ra rồi cũng bị chó qua mặt mất.
Lý do là vì chuyện nhẩy đầm (?) bây giờ chó đã bắt đầu được dậy để giúp các vị chủ chó đem chó ra piste tung quăng ném quật như người ta đang làm ở Amsterdam, Hà Lan và bắt đầu lan sang Anh và Mỹ.
Học phí cho các cours de danse này là sáu chục Mỹ kim cho tám bài.
Theo vũ sư chủ trường Annette Helder thì hiện có mười chó và chủ đang học các điệu valse, tango và boogie do cô dậy. Cô cho biết trong tám bài, cô sẽ dậy các bước căn bản cho các cậu và mợ chó biết lui đôi tay, tiến đôi chân (… weaving between your legs, circling, walking backwards… rolling over…) trên sàn gỗ chập chùng như biển gió.
Chao ôi là vui.
Tưởng tượng ở một dạ vũ, đang ngồi thì ban nhạc chơi bài El Dia Que Me Quieras hay Mi Buenos Aires Querido, không khí bừng bừng Á Căn Ðình thì một cậu chó hay một mợ chó tiến lại, nghiêng cái đầu (chó) một chút, ngỏn ngoẻn cười, lưỡi thè dài ra khoảng nửa thước mời ra xập xình bài tango thì vui biết là chừng nào…
Nhưng lỡ nhẩy liên tiếp vài ba bài, cậu chó hay mợ chó nhất định đòi sì lô tắt đèn hay sì lô đi bộ, lại cheek to cheek nữa thì làm sao đây?
Phải như một anh hay một chị Rotweiller hay Golden Retriever, Labrador… to cao, béo tốt thì có cheek to cheek còn cố gắng được, chứ lại gặp một anh hay một chị chihuahua nhỏ bằng cái nắm tay thì làm sao nhẩy má kề má?
Nhẩy đầm với chó cũng kỳ lắm. Thí dụ tới bài Be Bop A Lula của Gene Vincent và The Blue Caps, anh chó hay chị chó nhẩy cùng cũng gân cổ lên sủa theo thì sao? Hay đang nhẩy bài sì lô Mister Lonely hết sức mùi mà anh chị chó cứ tru theo thì làm thế nào bây giờ?
Nuôi một anh chó hay một chị chó biết nhẩy đầm, cứ tối thứ bẩy là lại khoèo tay chủ bắt đi nhẩy để cho nó biểu diễn vài bước sì tin, sì tẩy, phăng te di lia chia ngoài piste thì làm gì còn chỗ cho các bậc cao niên vừa tốt nghiệp khóa tango đang đứng góc piste lẩm bẩm miệng đếm nhịp, giơ chân lên mãi mới nghe được nhịp, đặt chân xuống cái ịch?
Không được. Nhất định phải chống chuyện chó nhẩy đầm. Không thể để diễn ra cảnh “thuyền đua thì lái cũng đua / con cá cũng lội, con cua cũng chèo” được.
Với lại voi đú thì được chứ chó cũng muốn đú là không được.
Giữa chuyện chạy lông nhông thỉnh thoảng ngửi hay làm ướt mấy cái cột đèn và vẫy đuôi chạy đến mời nhẩy bài La Cumparsita thì cứ thả ra đường cho chơi với mấy cái cột đèn có lý hơn.
Ðể chừa chỗ cho các cặp vừa tốt nghiệp khóa cao cấp ở mấy cours de danse chứ.
Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét