Với tựa « Cuộc bãi khóa của học sinh Hồng Kông biến thành xung đột với cảnh sát » và « phong trào dân chủ Hông Kông thách thức Trung Quốc » hai nhật báo lớn của Pháp là Le Monde và Les Echos phân tích những yếu tố sâu xa thúc đẩy giới trẻ Hồng Kông động viên nhau cùng xuống đường tranh đấu cho dân chủ.
Theo Le Monde, từ thứ ba tuần trước phong trào tranh đấu với khí thế bừng bừng của tuổi trẻ đã chiếm lĩnh nhiều khu phố, bao vây tòa nhà Nghị viện. Trên hiện trường, người ta thấy Hồng y Trần Nhật Quân, hơn 80 tuổi, nguyên là Tổng giám mục Hồng Kông, vị tu sĩ dấn thân tranh đấu vì dân chủ chống chế độ cộng sản Trung Quốc, giáo sư Benny Tai, lãnh đạo phong trào công dân bất phục tùng Occupy Center tham gia xuống đường với học sinh. Từng đoàn bác sĩ, y tá tự nguyện chăm sóc cho những học sinh sinh viên bị hơi cay.
Trừ Apple Daily, nhiều tờ báo Hồng Kông cố ý không cho các nhà dân chủ phát biểu. Chính động thái này làm tuổi trẻ Hồng Kông lo ngại các quyền tự do bị gậm nhấm. Ngày 31/08 vừa qua, Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc quyết định chỉ có những ứng cử viên, tối đa ba người, và phải được một ủy ban bầu cử chấp thuận, mới có quyền ra tranh chức chủ tịch Đặc khu Hồng Kông. Cho đến nay, phong trào dân chủ luôn tỏ ra ôn hòa và kỷ luật. Tuy nhiên, các cuộc đình công, biểu tình không mang lại kết quả. Alex Chow, chủ tịch Liên hội sinh viên Hồng Kông khẳng định « cuộc bãi khóa lần này là một bước ngoặt trong tiến trình tranh đấu vì dân chủ ».
Theo Le Monde thì từ thầy đến trò đều có cùng một tâm trạng. Giáo sư Tommy Cheung, một trong số 400 giáo sư, giảng sư đại học ký tên ủng hộ phong trào, tuyên bố : Đã nhiều năm nay, người dân Hồng Kông đòi dân chủ thật sự và phải được Hiến định. Thế nhưng, tranh đấu chống chính quyền bằng những cuộc tuần hành đông đảo rồi sau đó ai về nhà nấy chờ năm sau tái diễn thì không mang lại kết quả nào. Do vậy, lần này chúng tôi thay đổi chiến thuật.
Một trong những hình ảnh mà phóng viên Le Monde cho là mang tính tiêu biểu nhất là chiếc rổ đựng trái cây của nhà giáo hồi hưu Jeffrey Lim tố cáo gọi là « đảng cử dân bầu » mà Trung Quốc muốn áp đặt. Ông đứng phát băng vải vàng biểu tượng của phong trào tranh đấu bên dưới một cái rổ trong đó có ba quả cam thối và hàng chữ: “Đây là những ứng cử viên mà họ đề nghị cho chúng ta. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn quả cam thối ưa thích“.
Học sinh sinh viên bất mãn, doanh nhân bất bình
Không phải chỉ có giáo sư, học sinh tâm đầu ý hợp mà ngay giới doanh nhân Hồng Kông cũng bất bình Trung Quốc. Qua góc nhìn kinh tế, đặc phái viên của nhật báo Les Echos gửi về bài phóng sự chi tiết với một số điểm chính yếu như sau : Sinh viên học sinh đi tiên phong trong phong trào tranh đấu để buộc Trung Quốc phải tôn trọng lời cam kết để người dân địa phương toàn quyền bầu chọn lãnh đạo vào năm 2017. Cơ may cho doanh nghiệp ăn nên làm ra là cần môi trường trong sạch không có bàn tay thao túng của Trung Quốc.
Mục tiêu tối thượng của phong trào là giúp cho người dân thấy rõ những người cầm loa phát biểu quan điểm khác biệt với chế độ không phải là những kẻ gây mất trật tự công cộng. Thủ phạm gây bất ổn là những phần tử lũng đoạn chia rẽ đối lập và cản bước tiến hóa của xã hội. Theo giáo sư luật Benny Tai, lãnh đạo phong trào Occupy Center thì Bắc Kinh muốn kềm chế Hồng Kông phát triển. Chính quyền thân Bắc Kinh bị mất tính chính đáng, họ không có một chút độc lập nào trong hành động kể cả thực hiện biện pháp xử lý rác.
Chuyên gia Pháp Sebastien Vag, giám đốc Trung tâm Trung Quốc hiện đại, xác nhận : Tự do báo chí đã bị thành phần thân Bắc Kinh tấn công toàn diện từ nhiều tháng nay. Ngay nhật báo South China Morning Post trước đây rất độc lập mà bây giờ cũng « ngoan ngoãn » ra nhất là từ khi ban biên tập được trao cho một đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc điều hành.
Cuối cùng là môi trường làm ăn buôn bán: hơn 80 công ty tài chính đứng đầu là Edward Chin đã đồng ký một kiến nghị gửi Tập Cận Bình yêu cầu Bắc Kinh để cho Hồng Kông yên ổn. Một mặt, giới doanh nghiệp lo ngại về tình trạng tự do báo chí mất dần, mặt khác gần đây xuất hiện một nhóm nhỏ doanh nghiệp tóm thâu quyền lợi của Hồng Kông mà nhóm này lại là đảng viên cộng sản. Theo Edward Chin, trước đây có 700 gia đình chia nhau các thị phần quan trọng. Ngày nay, doanh nhân Hồng Kông phải giành giật với đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc và hơn bao giờ hết, muốn được hợp đồng thì phải mua chuộc quan hệ.
Điều tai hại hơn nữa đây không phải chế độ cộng sản mà chỉ là một nhóm nhỏ tài phiệt tìm mọi cách để thủ lợi tối đa không cho ai sống. Chính những tay tài phiệt tuân thủ Trung Quốc gây hại cho Hồng Kông chứ không phải là phong trào dân chủ, nhà tài chính Edward Chin nhận định như vậy trước khi kết luận một cách cay đắng : làm ăn buôn bán cũng cần một môi trường trong sạch và công lý. Có lẽ tôi phải di cư ra nước ngoài.
Theo ghi nhận của Les Echos thì điều làm người dân Hồng Kông chán ghét Hoa lục nhất là số lượng du khách từ Trung Quốc. Hơn 50 triệu người đã qua Hồng Kông, nơi chỉ có 7 triệu dân, mua sắm vơ vét hàng hóa chất đầy « valise ». Khách sạn, cửa hàng sang trọng « lúc nhúc » người Hoa lục và do tình trạng di dân ồ ạt, thành phần trung lưu Hồng Kông không tìm ra chổ ở.
Do vậy, người dân Trung Quốc bị dân Hồng Kông xem là kẻ xâm lăng
Trong cuộc chiến bất cân xứng này, phong trào dân chủ Hồng Kông không hề mang ảo tưởng. Những thành viên tranh đấu như Benny Tai nhắc đến kinh nghiệm của mục sư Mỹ da đen Martin Luther King.Doanh nhân Edward Chin trích tấm gương của thánh Gandhi của Ấn Độ và Nelson Mandela của Nam Phi.
Đây là những nhà tranh đấu biết chuyển thế yếu thành sức mạnh. Cuộc đấu tranh tại Hồng Kông thành bại tùy thuộc vào tình thế ở Bắc Kinh nơi mà giới lãnh đạo bị ám ảnh bởi nổi lo ảnh hưởng dân chủ tác động đến quyền lực của họ.Nhà báo Chen Ping, một đảng viên ly khai, tác giả phóng sự điều tra về lãnh đạo Lương Chấn Anh, kẻ bị xem là bù nhìn của Trung Quốc và vì phóng sự này ông bị hành hung đổ máu tỏ ra lạc quan hơn. Ông nói ông quen biết « 4 trong số 7 ủy viên bộ chính trị » và qua đó ông biết họ ý thức là không thể nào tránh khỏi dân chủ.
Nguồn RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét