Người ta lo ngại rằng nhiều phần tử trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QGP), mà trên lý thuyết là phải hoàn toàn phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có thể đã có hành vi bất tuân, theo Ankit Panda của tờ The Diplomat.
Dấu hiệu có khả năng rạn nứt giữa Quân đội và ĐCSTQ đã trở nên rõ nét vào tuần qua khi Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình thăm viếng Ấn Độ trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao và các quan hệ kinh tế song phương. Trong lúc cuộc thăm viếng đang diễn ra, lính Trung Quốc đã xâm nhập vào một vùng biên giới tranh chấp dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự giữa hai quốc gia gần Kashmir.
Sau khi trở về Trung Quốc, Tập đã khiển trách Quân đội trong một bài diễn văn đọc tại một buổi họp mà các tướng tham mưu của QGP có tham dự. Trong đó, Tập nhấn mạnh việc Quân đội phải “tuyệt đối trung thành và kiên quyết tin tưởng vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Panda viết tiếp:
“Bề ngoài rất có thể là các tướng lãnh QGP đôi khi đã hành động không thông qua sự phê chuẩn của hàng lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản và, nghiêm trọng hơn nữa, đi ngược lại tầm nhìn chiến lược của giới lãnh đạo đó… Chúng ta chỉ biết được rằng Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cảm thấy cần phải đưa ra một tuyên bố nhắc nhở GPQ, mà trên thực tế là để nói rằng ‘Xin quí vị tuân theo lời tôi.’
Tập được coi là một trong những lãnh đạo mạnh nhất mà người dân Trung Quốc đã chứng kiến kể từ thời Mao. Từ khi nhậm chức đến nay, Tập đã chủ trì những cuộc điều tra chống tham nhũng sâu rộng đưa đến việc bắt giam cựu Phó Tư lệnh QGP cũng như nhân vật đứng đầu bộ máy công an TQ đã nghỉ hưu. Bất cứ một vấn đề nào do các phần tử bất phục tùng trong Quân đội gây ra đều là một thách thức nghiêm trọng đối với quyền hành của Tập.
Vào đầu năm nay, các tướng lãnh đã công khai tuyên bố các cam kết hậu thuẫn đối với Tập trên báo chí nhà nước. Tập còn chủ trì việc tái phối trí hàng ngũ lãnh đạo QGP kể từ khi ông lên cầm quyền, gồm cả việc bổ nhiệm các tư lệnh Hải quân, Không quân, Đệ nhị Pháo binh, và bảy quân khu. Tất cả việc này tạo nên một bộ mặt trung thành của Quân đội đối với Tập.
Một phương án khác, như Panda nhận xét, là Tập có thể đang nói xa nói gần đến các phần tử bất phục tùng trong quân đội nhằm cố tạo ra cho Chính quyền Trung ương một mức độ “khả tín nào đó trong việc chối từ trách nhiệm” trong tương lai.
Trung Quốc có những tranh chấp biên giới đang âm ỉ với các nước láng giềng. Đối với Ấn Độ, Trung Quốc liên tục từng bước xâm lấn lãnh thổ nước này qua nhiều năm nay bằng một loại chính sách “tằm ăn dâu” trong một nỗ lực chiếm cứ lãnh thổ mà không bao giờ cho Ấn Độ có đủ lý do để tuyên bố chiến tranh.
Đồng thời, Trung Quốc đang lâm vào một cuộc tranh chấp biên giới với Nhật Bản trong khi cũng đưa ra các đòi hỏi chủ quyền tại biển Hoa Nam [Biển Đông] trong một cuộc tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Brunei. Một giáo sư tại một đại học quân sự Trung Quốc đã tiên đoán rằng những tranh chấp biển đảo này có thể dẫn đến Thế chiến III.
Việc Trung Quốc từng bước xâm lấn các lãnh thổ xung quanh có thể cuối cùng sẽ bị các nước láng giềng dùng sức mạnh quân sự để đẩy lui. Bằng cách nuôi dưỡng cái ảo ảnh là một bộ phận trong Quân đội Trung Quốc đã có hành vi bất tuân lệnh trên, Trung Quốc, với mức độ thành công khả nghi, có thể rút ra khỏi một cuộc đụng độ vũ trang mà có thể Trung Quốc đã không thật sự mong muốn hoặc thậm chí đã không dự kiến.
J. B.
Jeremy Bender/Business Insider,
Trần Ngọc Cư dịch/ BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét