Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Lương Chấn Anh, ông là ai?


Ngay khi chưa đắc cử đặc khu trưởng Hong Kong, Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) đã bị dư luận nghi là “hàng gài”, tức là “người của Bắc Kinh”! Tìm vài thông tin cũ liên quan, trong đó có bài viết của James Pomfret trên Reuters (30-7-2012), một chân dung đáng ngờ của Lương Chấn Anh hiện ra…

Xuất thân từ gia đình với bố là cảnh sát, Lương không chỉ là doanh nhân giàu có mà còn làm chính trị từ hồi trẻ khi đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Trung Quốc và Anh trong tiến trình trao trả Hong Kong cho Hoa lục. Hai tuần trước khi nhậm chức đặc khu trưởng, Lương đã dính vào xìcăngđan liên quan 6 công trình xây trái phép tại biệt thự trị giá 64 triệu USD (500 triệu đôla HK) của đương sự. Trong khi trước đó một năm, Lương đã sử dụng đòn xìcăngđan xây dựng trái phép để hạ đối thủ tranh cử Đường Anh Niên (Henry Tang), người lúc đó được giới tài phiệt Hong Kong ủng hộ thay Tằng Ấm Quyền ngồi ghế đặc khu trưởng. 

Học trung học tại King’s College, Lương tốt nghiệp trường Kỹ thuật Hong Kong (nay là Đại học kỹ thuật Hong Kong) năm 1974, sau đó sang Anh nghiên cứu về kiểm định chất lượng công trình xây dựng tại Bristol Polytechnic (nay là Đại học West of England). Trở về Hong Kong, Lương làm cho công ty bất động sản Jones Lang Wootton. Năm 1993, đương sự thành lập một công ty thanh tra công trình rồi sau đó làm chủ tịch Viện thanh tra công trình… Về chính trị, năm 1998, Lương được đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa bổ nhiệm vào Hội đồng Hành pháp Hong Kong. Đó là lúc dư luận bắt đầu râm ran chuyện Lương Chấn Anh là “hàng gài”. 

Tin đồn càng rộ vào thời điểm Lương tranh cử đặc khu trưởng. Lý Trụ Minh (Martin Lee), một chính trị gia khuynh hướng ủng hộ chính trị dân chủ, đã đặt câu hỏi rằng liệu chính sách “một quốc gia, hai thể chế” có giá trị hay không, nếu Lương được bầu vào ghế đặc khu trưởng, bởi Lương hiển nhiên là đảng viên cộng sản Trung Quốc từ khi đương sự được bổ nhiệm làm tổng thư ký Ủy ban cố vấn Luật căn bản (“Hương Cảng Cơ Bổn Pháp” – một bộ luật có giá trị như một “Hiến pháp” của Hong Kong sau thời điểm được trao trả năm 1997). Lúc đó, Lương mới 31 tuổi (năm 1985). 

Nghi ngờ này được ủng hộ từ cựu đảng viên “cộng sản nằm vùng” Lương Mộ Nhàn (Florence Leung). Hồi ký Lương Mộ Nhàn thuật rằng, Lương Chấn Anh đích thị là dân cộng sản Hoa lục. Lương Mộ Nhàn giải thích thêm, để có thể đưa Lương Chấn Anh thay Mao Quân Niên (Mo Kwan-nin; người mà vỏ bọc cộng sản đã bị lộ) lên ghế tổng thư ký Ủy ban cố vấn Luật căn bản, thì theo truyền thống, Lương Chấn Anh phải là “người của Đảng”. Bà Lương Mộ Nhàn còn kể vài chi tiết: trong khi Đường Anh Niên bày tỏ bất mãn trước sự kiện Thiên An Môn thì Lương Chấn Anh lại lấp la lấp lửng. Không chỉ trường hợp Thiên An Môn, năm 2010, khi được hỏi về sự kiện nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao Nobel Hòa bình, Lương Chấn Anh trả lời rằng Đặng Tiểu Bình mới là người Trung Quốc đầu tiên cần được vinh danh!

Chiến dịch bầu cử Lương Chấn Anh cũng có không ít chi tiết mờ ám. Điền Bắc Tuấn (James Tien), chủ tịch danh dự đảng Tự Do và là người ủng hộ Đường Anh Niên, kể rằng, vào thời điểm sắp bỏ phiếu, các thành viên Ủy ban bầu cử đã nhận được loạt điện từ Văn phòng Liên lạc (“Trung Ương Nhân Dân Chánh Phủ Trú Hương Cảng đặc biệt hành chánh khu liên lạc biện công thất”), yêu cầu phải bỏ phiếu cho Lương Chấn Anh! Ngày 25-3-2012, Lương Chấn Anh trở thành đặc khu trưởng với 689 phiếu (Đường Anh Niên 285 phiếu). Loan bố vụ này, bản tin online của Nhân Dân nhật báo (Hoa lục) đã gọi ông tân đặc khu trưởng là “đồng chí Lương Chấn Anh”. Hai người tiền nhiệm, Đổng Kiến Hoa và Tằng Âm Quyền, chưa bao giờ hân hạnh được gọi tương tự. Sự nghi ngờ Lương Chấn Anh là “cộng sản nằm vùng” vẫn chưa ngưng, vì ngay sau khi đắc cử, Lương Chấn Anh đã đưa vào guồng máy hành chính một nhân vật tên Trần Nhiễm (Chen Ran). Vốn là tổng thư ký Hiệp hội Tinh Anh Hong Kong (“Hương Cảng Tinh Anh hội”), một tổ chức công khai ủng hộ cộng sản Trung Quốc, bà Trần là con gái một viên chức cấp trung tại Thượng Hải, từng là thành viên Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc đóng ở Hong Kong gần 7 năm. Và nữa: trong lễ nhậm chức, Lương Chấn Anh đọc diễn văn bằng tiếng Quan Thoại chứ không phải tiếng Quảng Đông!

Trở lại với thời sự. Cuộc biểu tình rầm rộ “dậy mà đi” của sinh viên-học sinh Hong Kong vẫn tiếp tục, cho đến thời điểm này - dù dùi cui và đạn cay đã bắt đầu được bắn; và một trong những thủ lĩnh tinh thần, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã bị bắt. Lương Chấn Anh vẫn từ chối nói chuyện trực tiếp với sinh viên. Đương sự đã hành xử theo đúng những gì từng nói trong chiến dịch tranh cử đặc khu trưởng: ủng hộ trấn áp bằng bạo lực cảnh sát (ý nhắc đến vụ biểu tình của nửa triệu người Hong Kong năm 2003, thời Đổng Kiến Hoa, phản đối việc triển khai một điều luật ảnh hưởng đến quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận…; chẳng hạn: bất kỳ tổ chức nào bị Chính phủ trung ương Bắc Kinh cấm thì đương nhiên bị cấm ở Hong Kong; bất cứ phát biểu nào có tính xúi bẩy, dưới hình thức nói, viết và định dạng điện tử, đều bị xem là phi pháp!). 

Nói cho đúng ra, khi chuẩn bị cuộc bàn giao lịch sử 1997, Bắc Kinh hẳn đã tổ chức “kế hoạch nhân sự” cho Hong Kong. Khó ai không có chủ trương “thân Bắc Kinh” có thể được vận động hậu trường để tranh cử ghế đặc khu trưởng. Việc cựu đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa vội vã đến Bắc Kinh (22-9-2014) để gặp trực tiếp và trấn an Tập Cận Bình là một bằng chứng. Bắc Kinh cũng thành công trong việc đưa ra con mồi kinh tế để câu các con cá mập tư bản Hong Kong (tháp tùng Đổng là nhóm doanh nhân sừng sỏ: hai cha con Lý Gia Thành và Lý Trạch Giai; Lý Triệu Cơ; Lã Chí Hòa; Trịnh Gia Thuần…). “Phân hóa tư tưởng”, lũng đoạn chính trường, xây dựng “lực lượng đối lập” thân Bắc Kinh là những gì Bắc Kinh làm trong 17 năm qua. Chia để trị là thủ đoạn cổ điển của các tay chơi chính trị Trung Quốc. 

Dù vậy, chừng đó dường như là chưa đủ. Cần phải thêm một liều nặng đô hơn để làm tê liệt tinh thần dân chủ đối với xã hội Hong Kong. Thế nên mới sinh ra cái gọi là chương trình “cải cách bầu cử” (cho cuộc bầu cử đặc khu trưởng 2017), trong đó yếu tố “ái quốc” của ứng cử viên (phải là những người nhất thiết được Bắc Kinh chấp thuận) - hiểu theo nghĩa “không có thái độ chống đảng cộng sản Trung Quốc” - đã được cố gắng nhào nặn “luật hóa” một cách phi pháp, hệt như mô hình luật rừng của thể chế “bầu cử dân chủ” Hoa lục. 

Cuộc chiến giữa những thanh thiếu niên Hong Kong với nhà cầm quyền chưa biết kết thúc như thế nào nhưng phải nói rằng giới trẻ Hong Kong đang trải qua những giờ phút tuyệt vời nhất của họ, khi họ dám đứng thẳng để hét vào mặt những kẻ âm mưu xóa bỏ dân chủ. Bởi yếu tố địa lý và bởi quan hệ kinh tế gắn chặt, điều họ đang làm rất có thể mang lại ảnh hưởng trong giới trẻ Hoa lục, ít nhất cũng là những thì thầm thán phục, trong hành lang giảng đường Thanh Hoa hay quanh bàn café đâu đó ở Thượng Hải. Bất luận thế nào, nhiều năm nữa, họ sẽ nhắc lại với con cháu về những ngày tháng sôi nổi hừng hực tháng 9-2014. Chắc chắn, đó là những câu chuyện đầy cảm xúc và ngợp tự hào.

Mạnh Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét