Con giết mẹ ở Tiên Hưng, Thái Bình
Bảo là vợ ngã ao mà chết, nhưng sao vợ chết chồng lại bỏ đi? Đội mới xem chỗ cầu ao, thấy nông không đến một thước thì không thể chết đuối được. Mà chết thì phải quẫy, đằng này bèo không bị bới lộn lên gì cả.
Nữ đội phó khám tử thi. Người con gái cứ khóc bù lu bù loa. Nhưng nhìn kỹ ít nước mắt lắm. Có lúc không có nước mắt mà vẫn kêu. Quái, nó là con sao không biết thương mẹ? Mà sao nó cứ ôm lấy đầu mẹ nó? Khám đầu không được, gạt nó ra nó lại xô vào ôm chằm lấy đầu mẹ nó. Gạt hẳn ra khám đầu, thấy một vết dao. Thế tức là có án mạng chứ không phải tự vẫn. Cô con cũng ngã ngửa người ra. Ừ thế là có người giết mẹ tôi.
Phát động nhân dân: Cô con gái là người không tốt. Nó 27-28 tuổi, đã lấy chồng, cứ chửi mẹ chăm chẳm cả ngày. Sao nó biết mẹ nó chết ở ao, nó ra đúng chỗ mà tìm (không phải cầu ao).
Truy mãi, cô con gái đành phải thú là do một tên phú nông Quốc dân Đảng xúi giục: mẹ mày là địa chủ, nhân dân nó truy tố thì hết của, chi bằng giết mẹ đi, không còn trông vào đâu nữa thì mới giữ được của mà ăn.
Cả làng đóng cùm
Xã Dược Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh truy bức lung tung, bắt tới 23 bần cố trung nông. Sửa sai xử ra thì chỉ có một tên là Thiệu phải đi tù. Một vài người thì có liên quan vụ án, còn đa số là oan.
Du kích cứ lên cầu Tây vác gỗ về. Rồi thợ mộc cứ côm cốp đóng cùm vang ầm cả làng lên.
*
Địa chủ ngủ với em gái
Ở Thái Nguyên. Địa chủ lôi em gái vào chuồng trâu hiếp. Em gái nói, nhỡ chửa thì chết mất. Địa chủ bảo, chị mày tao ngủ như bổ củi cũng chẳng chửa nữa là.
Đang khi đó chị người ở dắt trâu về, thấy địa chủ còn đang ngủ với em gái. Chị sợ quá định quay trâu ra, tên địa chủ gọi giật lại, xong thấy hắn đứng lên lấy cái vác cày đập một cái, cô em vỡ sọ chết. Hắn bảo, mày trông gương đấy, nếu mà nói lộ ra ông sẽ giết tươi. Sau đó hắn thủ tiêu người em gái, ném xuống ao, làm như chết đuối.
Vụ án mạng giấu mãi 10 năm, tới ngày CCRĐ chị người ở mới dám nói ra.
*
Chê vợ
Anh ta là Đảng viên. Năng lực có thể là xã đội hay chi ủy viên. Nhưng phải cái tội trai gái nên anh em không trao cho nhiệm vụ xứng đáng. Anh lên huyện, lên tỉnh, hay đi bộ đội, đi đâu cũng phải trả về vì mỗi lý do là cứ thấy gái là tít mắt lại, lăng nhăng.
Anh có vợ, được một con. Anh khăng khăng đề nghị chi ủy giải quyết cho tôi. Anh đòi ly dị vợ. Không có chúng tôi không thể sống với nhau được. Không biết có phải vì anh yêu cô nào khác không thì không rõ. Kể về trai gái thì anh ấy có hàng trăm vụ biết đâu mà lần.
Chi ủy khó cư xử quá. Không biết làm thế nào. Năm lần bảy lượt đề nghị lên huyện, để huyện giải quyết cho, chứ không thì hai bên không có hạnh phúc mà tương lai càng khổ, chi bằng giải quyết sớm đi cho họ, mỗi người một đằng xây dựng cuộc đời cho nó còn sớm sủa. Huyện lắc đầu, vì không có lý do chính đáng nào cả. Chị vợ thì lại không đồng ý bỏ. Thế mới rầy rà. Một lần anh ta đã thắt cổ, xong mẹ và vợ cứu được kịp thời.
Chuyện chê vợ đó đã lằng nhằng 4 năm nay rồi vẫn chưa giải quyết xong. Đến nay vẫn vậy. Hiện giờ anh ấy có nói thêm một lý do: Vợ tôi là cháu địa chủ, tôi muốn dứt khoát hẳn đi!
*
Tư tưởng cán bộ muốn có rễ tốt
- Phát triển anh này, nó ngụy binh thì sau này không thể được kết nạp. Mà mình là cán bộ tổ chức lại vớ phải rễ thế này thì còn ra thế nào?
- Rễ mình mà không nổi thì công tác mình còn thành tích gì nữa?
- Bỏ mẹ! Mấy ngày rồi mà chưa có rễ. Không có rễ tốt, phen này lại khuyết điểm!
*
Oan là tổ chức cũ
Sau giảm tô, anh cốt cán Lụt được lên chủ tịch. Đội giảm tô đi có dặn: Địa chủ đã thoái tô thì cho nó bán gà lợn của nó.
Nhất trời nhì đội, anh cốt cán tuân theo.
Tổ quốc tế về kiểm tra thôn quê, tỉnh rồi huyện có lệnh: Kẻ biển tự do đi lại, đổi giấy thông hành trắng ra giấy xanh như mọi người cho địa chủ. Mục đích là tỏ ra mình bảo đảm quyền tự do đi lại.
Anh cốt cán Lụt tích cực thi hành.
Xong lại có lệnh đảm bảo thóc thuế nông nghiệp. Lệnh rằng: Nếu địa chủ nó không có nhân công thì mình phải tìm nhân công chuyển cho nhanh thóc thuế của nó, và phải đảm bảo tiền công cho anh em nhân công.
Lụt lại thi hành nhanh chóng.
Đến khi đội cải cách về mới thành vấn đề. Nhất trời nhì đội, cả quần chúng, cả đội cũng tự nhìn mình như thế. Đội nghe thấy dư luận: anh cốt cán lên làm chủ tịch, không biết sao lại cho địa chủ bán lợn gà phân tán tài sản, cấp giấy thông hành xanh cho nó, lại còn vận động nông dân gánh thóc thuế cho nó. Đội kết luận: anh Lụt này bị nó mua chuộc thành tay sai địa chủ rồi. Tổ chức cũ ấy xấu, con người tổ chức cũ ấy cũng hỏng. Âm mưu địa chủ ghê thật.
Dĩ nhiên từ đó anh Lụt mất tín nhiệm, đội cũng chẳng nói gì với anh, anh cũng chẳng biết tại sao, chỉ biết rằng tự nhiên đội chẳng hỏi han gì anh nữa. Anh bị bỏ rơi.
Viết chuyện này, bà con sẽ phê bình người viết và sẽ khối thắc mắc, nào tại sao lệnh của trên mà đội không biết, tại sao đội giảm tô với ủy ban huyện với đội cải cách không thống nhất. Nào tại sao đội cải cách không đi xâu mà đã kết luận hấp tấp. Nào tại sao anh Lụt không biết mà thanh minh.
Cuộc đời nó như vậy đó, sự thực nó trớ trêu chứ có phải tại người viết bịa đặt ra đâu?
*
Liên quan địa chủ
Bà Toán goá chồng, trung nông, tự dưng bụng to ra, bà con điều tra là bà Toán có chửa với địa chủ Tâm goá vợ. Sau lại thấy nhà bà có con lợn của địa chủ Tâm. Bà con xì xào: nhận của phân tán của địa chủ.
Bà Toán bị coi là tay sai địa chủ, bà con kể ra lắm tội, từ cái việc bà Toán mất con gà vén váy chửi đổng cũng bị coi là lập mưu vờ mất gà để chia rẽ nông dân, v.v… Cán bộ bước tới ngõ định vào là bà con đã kéo áo: Tay sai địa chủ đấy… Liên quan đấy…
Về sau điều tra lại thì ra địa chủ Tâm lại xuống trung nông… Cán bộ giảng giải chính sách đoàn kết trung nông. Bà Toán lại đi họp. Những chuyện thông dâm và nhận lợn không ai nói tới nữa. Mà người ta lại nói tới những đức tốt của bà Toán, những nỗi khổ của bà. Bà trở nên loại tích cực, chuỗi tốt! Từ cái việc bà mất con gà vén váy chửi đổng người ta cũng bảo thế là đúng rồi của đau con xót, và người ta quy, chắc lại tay sai địa chủ nào nó ăn cắp gà của bà để gây chia rẽ nông dân thôi.
*
Đấu bị hở miếng
„Mày hiếp tao.“
„Đâu nào? Có ai làm chứng?“
Chị ấy mới kể cụ thể, nào những cởi dải rút, đè ra, v.v… Nó bảo: „Thế về sau chị chả đồng ý, cứ rên hừ hừ là gì?“
„Mày có hiếp tao không?“
„Có.“
„Hiếp thế nào?“
Nó trâng tráo kể ra, lại xen những cái xỏ lá vào: „Tôi hiếp một lần, lần sau chị ấy đồng ý…“
*
Địa chủ Hàm
Mới 28 tuổi. Cách mạng thì mới 18 tuổi. Nó vào Bình dân Học vụ. Xong làm ông giáo đến nay. Đời hắn không làm gì rõ ràng tội ác. Làng xóm vẫn sợ hắn vì uy thế từ đời ông làm chánh tổng, đời cha làm lý trưởng.
„Thưa trên là có đội, dưới là các cụ ông cụ bà anh chị em tức là nông dân, tôi đã biết lỗi lầm địa chủ là không tốt, thì của cải chúng tôi không nhận trưng mua nữa, chúng tôi ủng hộ bà con và chính phủ cả!“
„Của mày đâu mà mày ủng hộ?“
„Không phải của tôi nhưng tôi ủng hộ cái việc trưng mua ấy.“
*
Lo lên bá
Đội truy bá. Sự thực toàn những tiểu bá, bá xóm cả. Nhưng cả đội đã sốt ruột. Các xã người ta cờ giong trống đánh, đấu bá cứ ầm ầm cả lên rồi. Xã mình mãi không tìm ra bá xã mà đấu. Nên cứ sốt vó cả lên
.
„Cứ quy nó là bá xã cũng được chứ sao? Nó cũng có dính dáng đến một xóm khác Ở chỗ: nó đem đánh vịt qua xóm người ta, xong chửi mắng bà con cho vịt nó đi đấy thôi?“
Một anh cãi: „Có một tội xíu ấy quy lên bá xã làm sao được?“
Nhiều tiếng khác: „Cứ quy mẹ nó lên. Cũng chẳng oan ức gì chúng nó mà sợ.“
Thế là quy lên bá xã.
*
Trung nông quy lên phú nông
Đối với nhà Tiều, bà con tố rất nhiều những thái độ những cư xử những tội tình lầm lỗi từ mấy đời. Cũng có cả bóc lột nữa.
Lương phụ trách lên biểu. Lương lấy biểu mãi vẫn không thấy đủ tiêu chuẩn, công xá gạn mãi cũng không đủ 240 công.
Thành là đội trưởng cứ bảo: „Cố lấy biểu mà quy cho nó lên phú nông.“
„Nhưng mà tôi đã cố mãi rồi không đủ. Thì chi ủy phải xét lại cho kỹ. Không thể lên phú nông được.“
Thành lườm: „Cậu thì cứ hẹp hòi, cò kè công xá mãi. Quy lên phú nông thì có lợi cho CCRĐ, trường hợp đặc biệt còn tiếc gì mà không quy?“
Lương trình bày cặn kẽ bao nhiêu công… bao nhiêu công… Nào đã gạn mãi. Nào đã cố mãi mà không được.
Thành bảo: „Cái thằng Tiều ấy mà không quy lên phú nông được thì tiếc lắm nhỉ.“
Sau cứ quy lên phú nông.
*
Địa chủ Sợi là lang thuốc
Diên là cán bộ xóm đã cùng cốt cán điều tra lên biểu địa chủ Sợi. Ruộng đất đủ tiêu chuẩn mà không có lao động. Chỉ mắc cái là Sợi có nghề bốc thuốc. Nhưng Sợi bốc thuốc từ 49 về trước, từ 49 thì hắn chỉ bán sì sằng tí thuốc cam, cả nhà có mấy cái lọ bằng nắm tay nhì nhằng. Theo bà con thì hắn sống bằng tô. Đến 53 thì hắn chết. Còn vợ vẫn bán thuốc cam và cho phát canh 7 mẫu ruộng.
Diên báo cáo lên, trên chi ủy cứ gạt đi. Người ta có nghề thuốc, quy là tiểu thương thôi. „Một mình tôi cãi chả lại“, thế là Diên chịu lép vế. Giải thích lại cho bà con, không ai chịu cả.
Chi ủy đang bận lắm vấn đề. Bí thư nhìn con số địa chủ đã quy là 23, so với 392 gia đình thì tỷ lệ là 4,7 % rồi. Nếu quy thêm 1 người nữa thì vượt tỷ lệ. Bí thư lo vượt tỷ lệ, lo không biết nói với trên thế nào. Cụm lại bắt kiểm tra lại hết cả thì chậm hết, công tác lại kém cả… Bí thư cứ gạt đi, không cho lên biểu Sợi.
Mãi sau có kiểm tra của Đoàn. Diên lại trình bày thắc mắc của mình và của cốt cán. Cuối cùng lên biểu địa chủ Sợi. [...]
*
Bần cố nông
Anh ta là bần cố nông, cán bộ cơ quan, có tính tự ái và bảo thủ đặc biệt.
Một hôm có lệnh: Sớm mai các tổ đi ra lấy gỗ, mỗi tổ khiêng một cây gỗ về để chống nhà.
Khi đó đã 9, 10 giờ đêm thì được lệnh ấy. Không biết anh ta nghĩ thế nào, có thể là sợ đến mai thì các tổ khác nó lấy hết mất, có thể là anh muốn tổ anh được đi đầu tích cực. Nhưng có cái là anh khua anh em dậy. „Các cậu này, có lệnh ra khiêng gỗ.“
Một anh nói giọng khó chịu: „Lệnh là sớm mai khiêng chứ đêm hôm thế này thì khiêng cái quỷ gì?“ Anh tổ trưởng cứ khăng khăng: „Chúng ta ngại một tí, sớm mai lại vẫn phải khiêng, chi bằng khiêng sớm đi là hơn. Phàm cái việc gì làm sớm vẫn hơn là muộn.“
Một anh là giáo viên bình dân học vụ (Quyết) mới đem lý lẽ ra: „Bây giờ đêm, đường thì tối lại phải lội qua suối thì một là ướt hết, hai là lâu, đường xá tối mò đi một bước khó bằng đi mưới bước ban ngày. Tôi đề nghị để đến sớm mai đỡ tốn công hơn. Chứ khiêng đêm nay thì không thể khiêng được.“
„Sao đồng chí lại bảo là không khiêng được? Đồng chí không tin ở anh em à?“
„Sao lại không tin? Nhất định khiêng đêm thì không khiêng được.“
Anh ta phát cáu: „Thế là đồng chí không tin ở anh em. Đồng chí không tin ở lực lượng bần cố nông à?“
Quyết cũng tức mình: „Tôi tin ở bần cố nông nhưng tôi không tin ở anh. Anh chủ trương sai lầm lắm.“
Thế là cãi vã hồi lâu. Anh tổ trưởng nhất định khăng khăng úp cho Quyết là không tin ở bần cố nông. Anh em phải xúm vào can ngăn. [...]
Anh ta có cái là rất tự tin ở bản chất bần cố nông của mình. Một hôm cãi nhau về vấn đề văn hoá, anh khăng khăng rằng: „Tôi chả có văn hoá gì mà tôi vẫn làm kế toán cơ quan được. Vì tôi là bần cố nông. Ối anh trung nông, ối anh tư bản chữ nghĩa nhiều mà chả làm được.“
Quyết vặn: „Thế kế toán có mấy loại, mấy mục?“
Anh ta ấp úng. Song quật lại: „Cái đó chẳng cần biết cũng vẫn làm được.“
Quyết tức là anh ta tự cao tự đại cứ muốn gạt hết các thành phần khác, vơ vào cả cho mình. Quyết cười giễu: „Thế không phải là anh biết làm kế toán. Anh chỉ biết làm có tính cộng tính trừ. Như vậy có làm cũng như lối mèo ăn cứt mà thôi.“
Anh em cười ồ cả lên. Vì ai cũng khó chịu cái anh chàng tự tôn giai cấp một cách hẹp hòi quá đáng. Anh chàng ức lắm nhưng vẫn không chịu: „Vâng vâng các anh là thành phần trên, các anh giỏi. Chúng tôi chỉ là bần cố nông dốt nát thôi. Thế Đảng dựa vào các anh tiểu tư sản hay dựa vào chúng tôi?“ Mọi người vẫn cười, lấp cả lý lẽ của anh chàng. Anh ta vẫn nói trong tiếng cười ầm ầm: „Vâng vâng các anh trí thức, các anh thành phần trên.“
Anh nói dai dẳng lắm (có phải đó là tinh thần bền bỉ kiên quyết đấu tranh của bần cố nông không?). Nhiều khi anh kêu ca về điểm „chỉ thấy nói nâng đỡ bần cố nông mà không thấy thực tế đâu cả“. Anh nói „nâng đỡ“ và anh hiểu ngầm là: không thấy đề bạt anh vào lãnh đạo, không thấy kết nạp anh vào Đảng. Kỳ chỉnh huấn, anh đã tố khổ căm thù, các chị ở cơ quan phải khóc cơ mà? Cán bộ phải bồi dưỡng anh ngày đêm, nhất nhất liên hệ về nông thôn gần như chỉ có anh, chứ cơ quan đa phần là tiểu tư sản biết gì về nông thôn?
Một lần Bí thư tuyên bố thể lệ bầu tổ trưởng học tập. Bí thư cũng có cái trâng tráo là nói trắng ra: „Các đồng chí cũng nên thông cảm, tổ trưởng thì nên bầu sao cho tiện việc lãnh đạo của Đảng…“
Bí thư lãnh đạo bầu bán như vậy. Anh ta ức lắm. Có phải vì anh đã lăm le đem cái bần cố nông ra mà giành lấy chức tổ trưởng! Anh mới giơ tay: „Tôi có ý kiến. Nếu như vậy thì chỉ bầu người trong Đảng thôi chứ không bầu quần chúng à?“
Anh em khi nãy đang tức vì lời tuyên bố sỗ sàng của Bí thư, nhưng bây giờ vì ghét anh kia nên lại trút cả sự tức bực lên đầu anh. Người ta xì xào: „Bí thư nói thế là phải rồi, còn gì mà thắc mắc. Bầu như thế là đúng rồi còn gì nữa?…“
*
Giả bảng vàng danh dự
Một gia đình trung nông có 3 con đi bộ đội, được bảng vàng. Kỳ CCRĐ, gia đình đó cố xin đổi cho 10 thước ruộng tốt, đội cải cách không cho, lấy cớ là không thiếu không chia mà cũng không đổi cách gì cả.
Gia đình ấy đâm bất mãn, đem cái bảng vàng lên giả chính phủ. Họ cần thực tế nâng đỡ hơn là cần bảng vàng bảng bạc.
*
Chia ruộng
Đã nhắc anh em cố nông dăm lần bẩy lượt, học đi học lại mãi rằng: Nhận trước thì phải nhận có gần có xa, có xấu có tốt.
Ừ ào cả. Thông cả. Đến buổi tự nhận, cố nông ưu tiên tự nhận ruộng cả buổi tối, nhận chưa xong thì đã thấy hết cả ruộng thứ nhất, thứ nhì và ruộng gần. Bần nông xì xào, trung nông thở dài.
Đấy cứ bảo để anh em tự giác. Thông chỉ thông cái mồm chứ không thông cái bụng tham. Tối ấy phải ngường lại. Hôm sau cho học tập. Tối sau lại chia. Suốt từ chiều đến sáng trắng ra mới xong. [...]
*
Một anh thanh niên
Trước ở du kích, anh ta bị chính trị viên xã đội chèn ép nhiều bề. Ruộng nương là một, bị chính trị viên xã đội cắm mất. Tình yêu là hai, anh ta yêu một chị nữ du kích, chính trị viên xã đội không bằng lòng. Anh ta cứ yêu, đi lại lén lút. Một lần bị vỡ lở, anh ta bị đem ra chi bộ kiểm thảo và khai trừ vị tội hủ hoá. Anh ức lắm. Mẹ nó! Người ta yêu nhau nó cấm, người ta yêu nhau mà gọi là hủ hoá!
Anh ta bỏ làng đi bộ đội địa phương. Kỳ cải cách, anh nhất định xin về xã. Một là lấy người yêu cũ, hai là trả thù. Anh không nói với trên rõ ý anh như vậy, mà chỉ xoáy mạnh vào chỗ có thù ruộng đất. Trên cho về.
Anh ta rất tích cực. Về sau tìm ra được chính trị viên xã đội là một địa chủ, loại tiểu bá. Nhưng người yêu cũ thì đã đi yêu một người khác. Anh ta buồn, lòng ước mối thù không thỏa mãn hoàn toàn. Lại vác ba lô về đơn vị.
Đội cải cách không bắt rễ vào anh vì cho là lý lịch không trong sạch. Anh ức lắm. Anh có lý của anh. Người ta yêu nhau thì không có gì là không trong sạch cả. Những kẻ cấm đoán người ta mới là kẻ bẩn thỉu.
*
Từ ngữ
Cán bộ: „Tại sao thằng hào Thức nó lại sướng cao độ thế?“
Chị cốt cán: „Nó sướng cao độ thế là vì nhà nó đi bóc lột nhân dân.“
Cán bộ: „Thế tại sao chị lại khổ cao độ thế?“
Chị cốt cán: „Em khổ cao độ thế là vì em bị nó bóc lột em trên một cái vấn đề đi ở cho nó mười mấy năm.“ „Hôm nay em không đi họp được vì nhà em nó cứ khống chế em.“
Chúng ta không được phóng tay lỏng lẻo, mà phải phóng tay chặt chẽ.
Bần cố nông là con đẻ Cụ Hồ, dân nghèo là con nuôi thôi, nên mới đề rachiếu cố.
Vì giai cấp địa chủ bóc lột mấy nghìn năm nay nên chị Phước mới bị toét mắt.
(Còn tiếp)
Phạm Thị Hoài biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét