Chưa bao giờ con người ta lại thiếu ngủ nhiều đến thế. Những nước càng giàu càng có người dân thiếu ngủ nhiều hơn, càng ở những thành phố lớn sầm uất người dân càng ngủ ít hơn. Thành phố Tokyo là nơi người dân ngủ ít nhất, trung bình chỉ có 5 tiếng 44 phút mỗi đêm. Ở tầm vóc quốc gia, Hoa Kỳ là một trong những nước có số người dân thiếu ngủ nhiều nhất trên thế giới. Theo một cuộc thăm dò mới đây nhất, có gần 70 triệu người Mỹ mỗi đêm không có một giấc ngủ ngon và đầy đủ.
Ngày thường thiếu ngủ, người ta tìm cách ngủ bù vào cuối tuần. Ai cũng nghĩ rằng chỉ cần ngủ nướng thêm một hai tiếng vào những ngày cuối tuần là có thể giúp người ta đuổi kịp để bù vào những lúc thiếu ngủ trong những ngày đi làm là xong. Dễ ợt mà. Thế nhưng, theo một nghiên cứu mới đây, ngủ nướng không giúp cho người ta cảm thấy tỉnh táo hơn. Nó không làm tăng mức năng lượng trong cơ thể. Mà thật ra, nó còn có tác dụng ngược lại là làm rối loạn những chức năng tự nhiên trong cơ thể đến nỗi chỉ một vài tiếng ngủ nướng làm cho người ta cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường vào mỗi sáng thứ Hai khi phải thức dậy đúng giờ để đi làm.
Cũng vì thèm muốn có được một giấc ngủ ngon đã ám ảnh người ta tới mức trong vài năm qua, tại riêng Hoa Kỳ, đi đâu cũng nghe người ta nói đến giấc ngủ. Bất cứ khi nào mở radio, tivi hay báo chí ra thế nào cũng bắt gặp chương trình hay bài viết về những đề tài xoay quanh giấc ngủ.
Chỉ trong năm 2013 và đầu năm 2014, đã có biết bao nhiêu bài viết về những đề tài như: mất ngủ làm người ta lên cân, tập thể dục để ngủ ngon hơn, ngủ trưa để thành công trong công việc, giấc ngủ là liều thuốc chữa trầm cảm. Và hàng loạt những sản phẩm và thiết bị được quảng bá là sẽ giúp mang lại một giấc ngủ ngon, trong đó có hàng chục ứng dụng cài trong điện thoại thông minh để theo dõi giấc ngủ, đồng hồ báo thức sẽ không đánh thức người ta dậy khi đang ngủ say sưa, kẹo sô cô la giúp ngủ ngon, nến phát ra những tiếng tí tách như củi cháy trong lò sưởi, mặt nạ kỹ thuật làm cho buồn ngủ, vòng đeo tay điện tử chấm điểm giấc ngủ (để khi thức dậy biết mình có ngủ ngon hay không) và thậm chí có cả một chiếc nệm được quảng cáo làm bằng rong biển và sơ dừa thật êm để dỗ giấc ngủ dễ dàng với giá thành không nhẹ chút nào, khoảng $12.000.
Rồi những cuốn sách phân tích rất khoa học và cặn kẽ về giấc ngủ, nhiều chương trình hội luận trên truyền thanh và truyền hình. Chưa hết. Trên nhiều trang báo và mạng internet, người ta đưa ra những chỉ dẫn kèm theo danh sách liệt kê: 10 thực phẩm nên tránh để có một giấc ngủ ngon, 10 dấu hiệu cho thấy bị mất ngủ, 12 bước căn bản mang lại một giấc ngủ tốt hơn; và những hướng dẫn để có một giấc ngủ trưa, ngắn từ năm mười phút, và dài là một tiếng.
Kể ra những điều trên để thấy người ta quan tâm đến giấc ngủ nhiều đến thế nào và số người thiếu ngủ hiện nay đã lên đến một con số đáng ngại. Để giải quyết một vấn đề của thời đại người ta tìm đến một giải pháp cũng rất ư là… thời đại. Đó là tìm đến những viên thuốc ngủ. Tại Hoa Kỳ mỗi năm các bác sĩ kê ra khoảng 60 triệu toa thuốc ngủ cho bệnh nhân và con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Đến nỗi Cơ quan Phòng chống Bệnh dịch (CDCP) đã phải la làng rằng mất ngủ đang là một thứ dịch nguy hiểm đối với sức khỏe của người dân. Rồi giới truyền thông nhập cuộc, đổ thêm dầu vào lửa, mỗi ngày đưa thêm những bản tin cập nhật liên quan đến sức khỏe làm cho nhiều người hoang mang không ít với giấc ngủ của chính mình. Thế nên, ở Hoa Kỳ hiện nay, giấc ngủ bỗng dưng trở thành một ngành kinh doanh trị giá $32 tỉ, trong đó bao gồm đủ mọi sản phẩm và dịch vụ có liên quan đến ngủ, từ những viên thuốc ngủ, những văn phòng y tế chuyên trị mất ngủ, đến những cây nến tạo những tiếng tí tách như phát ra từ chiếc lò sưởi trong nhà, giá mỗi cây sơ sơ khoảng $75.
Với những quan tâm đặc biệt về giấc ngủ nhiều khi ngỡ như là quá mức này, nếu có thể rút ra được bài học gì cho cuộc sống, thì: thứ nhất, giấc ngủ quả có đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta; và thứ hai, ai cũng có thể có được một giấc ngủ ngon mỗi đêm, nhưng chỉ với những cố gắng của chính mình, ngoài ra chẳng ai có thể giúp được bao nhiêu. Thế nên, trước khi tiêu tiền một cách vô ích cho những thứ được quảng cáo hứa hẹn sẽ mang lại giấc ngủ ngon thì hãy bỏ ra ít phút suy nghĩ về hai điều trên.
Cũng vì thế mà giấc ngủ phải là một trong những ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của mỗi người. Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy một người ngủ nghỉ đầy đủ làm việc có hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, những sản phẩm làm ra kỹ lưỡng và phẩm chất tốt hơn. Do đó, ngủ nghỉ đầy đủ không làm giảm đi khả năng trong những hoạt động trong ngày mà ngược lại làm cho chúng ta thành những người thợ khéo tay hơn, thành những người lao động có năng suất cao hơn.
Nhưng với khái niệm trên về giấc ngủ cũng đã bị nhiều người chê cho rằng ý tưởng ngủ đầy đủ để làm việc có hiệu quả hơn là không hiểu ý nghĩa của sự nghỉ ngơi. Ngủ để mà làm việc được hiệu quả hơn là không đúng.
Mà quả thật, nếu chịu theo dõi báo chí và các chương trình truyền thanh truyền hình, chúng ta dễ lầm tưởng là có nhiều người đang rất quan tâm đến giấc ngủ. Nhưng nếu chịu để ý kỹ hơn nữa thì thấy rằng người ta muốn được ngủ nhiều hơn, có được giấc ngủ ngon hơn mỗi đêm không hẳn là vì người ta coi trọng giấc ngủ đúng với ý nghĩa của nó, mà chỉ để sáng hôm sau thức dậy được tỉnh táo hơn, đến trường không bị ngủ gật trong lớp, đến sở làm không bị gật gừ khi bắt tay vào công việc. Thật ra, chúng ta cần một giấc ngủ đầy đủ chỉ vì ngủ là một phần của những hoạt động tự nhiên của con người.
Mà quả thật, nếu chịu theo dõi báo chí và các chương trình truyền thanh truyền hình, chúng ta dễ lầm tưởng là có nhiều người đang rất quan tâm đến giấc ngủ. Nhưng nếu chịu để ý kỹ hơn nữa thì thấy rằng người ta muốn được ngủ nhiều hơn, có được giấc ngủ ngon hơn mỗi đêm không hẳn là vì người ta coi trọng giấc ngủ đúng với ý nghĩa của nó, mà chỉ để sáng hôm sau thức dậy được tỉnh táo hơn, đến trường không bị ngủ gật trong lớp, đến sở làm không bị gật gừ khi bắt tay vào công việc. Thật ra, chúng ta cần một giấc ngủ đầy đủ chỉ vì ngủ là một phần của những hoạt động tự nhiên của con người.
Có người như tác giả Jonathan Crary đổ lỗi cho xã hội hiện đại ngày nay, hay nói rõ hơn là xã hội tư bản ngày nay đã ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ánh đèn điện, ánh sáng màu xanh trên các màn hình của các thiết bị điện tử, ca làm ban đêm ở các nhà máy và nhiều cửa tiệm mở cửa phục vụ khách hàng suốt đêm đã làm thay đổi lối sinh hoạt truyền thống và qua đó làm xáo trộn luôn giấc ngủ.
Thậm chí Bộ quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang tài trợ cho một số cuộc nghiên cứu về đề tài sinh lý học của những giống chim di cư để tìm hiểu xem có cách nào để những người lính ngoài mặt trận có thể thức suốt bảy ngày không cần ngủ mà không bị ảnh hưởng tới khả năng nhận thức của người lính. Những viên thuốc hay phương pháp y khoa biến đổi hệ di truyền tự nhiên (genetic modifications) để giúp con người có khả năng thức trong nhiều ngày có thể còn là điều xa vời trong tương lai, nhưng cứ thử nghĩ coi có biết bao nhiêu phát minh bởi quân đội – lò nướng microwaves, vệ tinh nhân tạo, mạng internet – đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống dân sự hiện nay. Vậy, cái ngày người ta không cần phải ngủ có thể không quá xa như chúng ta nghĩ.
Giấc ngủ bỗng nhiên trở thành một thách thức mới cho tham vọng của loài người. Người ta đang cố gắng tìm cách chiếm lĩnh luôn cái phần đó của ngày cho công việc sản xuất. Cũng theo tác giả Jonathan Crary, cho rằng có tình trạng coi thường giấc ngủ là vì người ta không nhìn ra và cứ nghĩ rằng không thể vắt ra được một chút giá trị kinh tế nào khi một người đang ngủ. Thế nên giấc ngủ vô tình bị coi là một gánh nặng khác cho cuộc sống.
Nếu nhìn giấc ngủ như một khía cạnh khác của cuộc sống thì ở phần này chúng ta không phải làm gì hết mà chỉ hiện hữu một cách tương đối thôi. Cho đến nay con người vẫn chưa có khả năng kiểm soát những giấc mơ và vì vậy, dù thích hay không, chúng ta thường xuất hiện trong những giấc mơ đó bằng một con người khác. Có thể nói, ban ngày, chúng ta sống một cuộc sống được dẫn dắt bởi những mục đích; ban đêm, đó là những bí ẩn chưa được khám phá. Có nhiều cuộc nghiên cứu hứa hẹn trong nay mai sẽ tìm ra được chiếc chìa khóa để mở cánh cửa bí mật của giấc ngủ. Nhưng tại sao phải làm vậy. Hãy cứ để mỗi người tự khám phá lấy điều bí ẩn đó của chính mình. Còn không thì cứ để họ sống trong phần đời đầy những kỳ bí cũng là điều thú vị vậy.
Nhưng có lẽ, để giấc ngủ không còn quấy rầy ta nữa thì không gì bằng là đừng quá quan tâm đến nó nữa. Đừng quá lo lắng là mất ngủ sẽ ảnh hưởng bao nhiêu đến công việc của chúng ta mà hãy coi giấc ngủ như phần riêng biệt của kinh nghiệm sống, đừng trộn lẫn nó vào chung với những phần khác của cuộc đời. Làm như vậy, ít ra ta có được chút an bình trong tâm hồn và nhờ đó mà giấc ngủ ban đêm có thể êm ả hơn. Nếu chẳng may có những đêm khó ngủ thì cứ nằm yên đấy và nghĩ rằng sáng mai ta vẫn tiếp tục làm những công việc một cách bình thường như mọi khi, chẳng có gì để phải lo lắng. Quẳng gánh lo đi, như Dale Carnegie đã từng nói, nếu vì mất ngủ thì cứ chờ đấy một hai ngày, đến khi buồn ngủ quá thì ngủ thôi vì cả đời ông chưa từng thấy ai chết vì mất ngủ cả. Rất có thể Dale Carnegie có lý.
Trước đây, người ta thường nói bí quyết để thành công là ở những người làm việc chăm chỉ. Nay thì bí quyết đó được cho là ở những người biết nghỉ ngơi có hiệu quả hơn. Nhưng thực chất thì ở thời nào cũng giống nhau, làm việc và nghỉ ngơi phải được quân bình.
Trước đây, người ta thường nói bí quyết để thành công là ở những người làm việc chăm chỉ. Nay thì bí quyết đó được cho là ở những người biết nghỉ ngơi có hiệu quả hơn. Nhưng thực chất thì ở thời nào cũng giống nhau, làm việc và nghỉ ngơi phải được quân bình.
Huy Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét