01-03-2015
Trên thời sự VTV cách đây mấy hôm, cô phóng viên phỏng vấn ông bộ trưởng Bộ Giáo Dục, gọi ông này là Tư Lệnh. Cô còn nhắc đến một lần chính ông bộ trưởng phát biểu rằng “cải cách giáo dục là trận đánh lớn”.
Bộ trưởng Bộ Giao Thông cũng hay được gọi là Tư Lệnh.
Thời bình mà cứ như thời loạn, sắp đánh nhau đến nơi. Vậy mà cứ đòi tiến lên xã hội dân sự.
Việc sử dụng danh từ quân sự trong ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ chính trị thời sự có cái gì đó rất bệnh hoạn và có tác hại xã hội rất lớn (với ngôn ngữ kinh doanh, hoặc thể thao thì tạm được vì nó có tính đối kháng, cạnh tranh).
Căn nguyên của việc sử dụng từ quân sự trong đời thường không chỉ là tàn dư của hai cuộc chiến tranh mà là di sản chính trị của rất nhiều thế kỷ.
Từ thời Lê, hoặc ít nhất (và rõ nét nhất) là từ thời Trịnh –Nguyễn cho tới gần đây nước Việt Nam luôn sống dưới một nhà nước độc tài (phong kiến hoặc ĐCS) và được một chính phủ quân sự vận hành. Trên là một ông vua, dưới là chính quyền quân sự do hai chúa Trịnh Nguyễn nắm ở hai đàng. Thời Quang Trung (ngoài bắc) và Thái Đức (trong nam) thì toàn tướng lĩnh nắm quyền. Thời hiện đại, Việt Nam mới manh nha phi quân sự chính quyền rất gần đây (khoảng 30 năm),bắt đầu từ những năm hậu chiến thời Lê Duẩn (lưu ý: phi chính trị quân đội và phi quân sự chính phủ là hai mặt để giải quyết cùng một vấn đề). Nhân nói đến ông Ba Duẩn, nhận thấy nước ta có Ba anh Ba.
Anh Paul Ba đi xuất khẩu lao động bằng nghề rửa bát, sau qua Châu Âu thấy làm nghề lao động không ăn thua, anh bèn làm cách mạng. Anh Ba Duẩn cũng làm cách mạng, đánh Mỹ rồi đánh Tàu rất ác. Anh Ba Duẩn làm nhiều rất điều kỳ thú, động cơ đằng sau thì không rõ, nhưng kết quả rất đặc biệt và có ý nghĩa lâu dài với quốc dân. Ví dụ nhờ chính sách của anh Ba Duẩn mà nước VN là nước hiếm hoi trong khu vực mà người Hoa không gây được ảnh hưởng kinh tế gì. Hoặc không biết vì lý do gì mà anh Ba Duẩn và anh Sáu Búa cho phe quân đội re kèn, khiến cho VN thành chính quyền phi quân sự rất sớm, sớm hơn các nước độc tài quân sự như ở Mỹ Latin, Hàn Quốc, Myanmar, Indonesia … (thử nghĩ anh Ba mà tự phong cho mình chức thống chế xem sao). Anh Ba thứ ba là anh Ba giải phương trình. Anh Ba này ngày càng tỏa sáng, số lượng fan của anh đang tăng với tốc độ chóng mặt.
Vì sống quá lâu, hàng trăm năm, dưới chính quyền quân sự nên tâm lý nhân dân và cách hành xử luôn có xu hướng sùng bái bạo lực. Ngày xưa các vị sĩ phu và phong trào cần vương của họ, dù giương ngọn cờ yêu nước (tức là cần đoàn kết các lực lượng) nhưng vẫn sử dụng bạo lực để giải quyết những người yêu nước mà khác chính kiến với mình. Đặc biệt là với những người khác tôn giáo. Di sản tồi tệ lan qua các đảng phái chính trị chống Pháp, rồi kéo dài đến tận bây giờ. Một ví dụ là Nguyễn Phương Thảo bị các đồng chí trong đảng của mình (QDĐ) ám sát trong tù, thoát chết, chột một mắt, ra tù qua Việt Minh trở thành Nguyễn Bình, rồi trở thành ông tổ của các hoạt động đánh mìn trong nội đô Sài Gòn, tiền thân của biệt động Sài Gòn sau này.
Cho đến thế kỷ 21 này, ngay ở nơi công cộng người Việt vẫn hồn nhiên xửng cồ với nhau, thậm chí với thái độ rất thô bạo, khi tranh luận hoặc tranh chấp với nhau. Thậm chí các lời đe dọa kiểu “Mày thích chết à?” vẫn được xã hội chấp nhận một cách rất bình thường. Trong khi ở một xã hội khác văn minh hơn thì đe dọa như vậy có thể dẫn nhau đến tòa án. Những lời đe dọa có bề ngoài hoa mỹ hơn kiểu như “Tôi sẽ đưa việc này lên báo” cũng có thể đưa người đe dọa vào vòng lao lí.
Nhưng thế vẫn chưa ăn thua. Ở Việt Nam người ta còn lên báo dọa “trảm” nhau.
Ông bộ trưởng giao thông là người rất hay dọa “trảm” tướng ở trên báo. Chắc chỉ có ở Việt Nam mới có kiểu chính trị gia lên báo dọa “chém” người khác từ năm này qua năm khác như thế. Ở một xã hội nào đó hiền lành hơn, chắc dân chúng thấy một ông bộ trưởng phát ngôn khát máu như vậy họ phải phát khiếp. Ở Việt Nam thì lại quần chúng mê tít. Tại sao quần chúng lại thích một phong cách lãnh đạo đậm chất đe dọa và bạo lực như vậy? Tại sao các lãnh đạo chính trị hoàn toàn dân sự lại thích “phong” mình thành thống chế rồi coi nhân viên dưới quyền mình như tiểu tướng và dọa “chém” suốt ngày. Cấp dưới có phải con lợn làng Ném Thượng đâu?
Chị phóng viên gọi bộ trưởng là tư lệnh, anh bộ trưởng dọa trảm tướng cấp dưới, mấy ngàn người đánh nhau trong tết phải nhập viện, cả làng xúm nhau đánh chết trộm chó … là các hành vi khác nhau nhưng có chung bản chất: sùng bái bạo lực, thích dùng bạo lực để giải quyết nhanh gọn vấn đề. Tâm lý ấy kéo dài hàng nhiều thế kỷ, lại càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây khi nhân cách của văn hóa bình dân bị xuống cấp. Nhân cách của văn hóa bình dân ở Việt Nam, về cơ bản đã bị bào mòn sau hai cuộc chiến tranh và gần như mất hẳn sau những năm đổi mới hỗn loạn và man rợ. Hầu hết người Việt bây giờ là bình dân, và thẳng thắn mà nói là không thể chữa được căn bệnh tâm lý mọi rợ sùng bái bạo lực này. Không thể cứu được xã hội này nữa rồi.
Mình không cứu được mình, những phải cứu các thế hệ sau, không để con cháu của chúng ta bị nhiễm căn bệnh ưa bạo lực kinh niên này chứ?
Việc đầu tiên và dễ thực hiện nhất, là chấm dứt việc sử dụng các từ quân sự trong đời thường. Cách chức thì nói là cách chức, chứ trảm cái gì mà trảm. Bộ trưởng thì gọi là bộ trưởng, sao mà phải tư lệnh ngành, có mà tư lộn cái lềnh.
Sau là phải bắt chước Kant (cho tí triết vào cho sang). Ông này ngày xưa chống siêu hình giáo điều bằng cách viết cuốn sách danh tiếng nhưng không ai hiểu là “Phê phán lý tính suông”. Nay chúng ta cũng phải chống lại các kiểu học tập tấm gương đạo đức suông, học tập tư tưởng suông mà truyền thông nhà nước ra rả mấy năm nay. Học tấm gương đạo đức và tư tưởng để rồi cả xã hội cứ hơi tí là chửi bới nhau rồi nhảy tỉn nhau, thì học làm cái gì.
Công sức hô hào học tập với noi gương, nên dành ra để cố gắng dân sự hóa cái xã hội này. Dân sự hóa xã hội Việt Nam là cái duy nhất chúng ta có thể đi tắt (nhưng không đón đầu).
Muốn sánh vai cùng các cường quốc dân sự năm châu, việc đầu tiên phải dân sự hóa xã hội mình cái đã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét