Hai dân quân thân Nga canh chừng một vùng ngoại ô Mariupol, Ukraine. (Hình minh họa: Francisco Leong/AFP/Getty Images)
Ukraine và Việt Nam cùng giống nhau ở chỗ nằm sát cạnh Nga và Trung Quốc nên thường bị hai cường quốc này xem như khu vực sân nhà. Ðến năm 2013, chính quyền Ukraine bị lật đổ vì tham nhũng và đánh mất lòng dân, nhưng trước đó cánh thân Nga rất mạnh do nhận được nhiều quyền lợi kinh tế và hậu thuẫn chính trị. Ngược lại khuynh hướng thân Tây phương và ước vọng vào nền dân chủ pháp trị ngày càng rõ rệt trong quần chúng, Ukraine nay trở thành tiền đồn tranh chấp giữa Nga và Âu-Mỹ thì chúng ta cần thiết phải phân tích những bài học của đất nước bất hạnh này để suy nghĩ về con đường tương lai cho Việt Nam.
Bài học thứ nhất là các quốc gia độc tài chuyên chế như Nga (hay Trung Quốc) không thể nào chấp nhận để Ukraine (hay Việt Nam) trở thành dân chủ kiểu Tây phương. Có nhiều nguyên do lịch sử và địa chính trị khiến hai cường quốc lớn xem những nước nhỏ láng giềng như chư hầu trong vòng kiềm tỏa của sân nhà; nhưng cạnh đó còn thêm nỗi quan ngại sâu xa rằng thay đổi thể chế tại Ukraine (hay Việt Nam) sẽ lan rộng để trở thành mối đe dọa cho sự sống còn (existential threat) của hệ thống cầm quyền chuyên chế trong chính nước họ.
Do đó, vào năm 2013, khi nhà nước thân Nga tại Ukraine bị dân chúng biểu tình chống đối, Moscow đã có những đề nghị vô cùng hào phóng nhằm giảm 50% giá khí đốt cộng thêm $15 tỉ trợ giúp kinh tế để cứu vớt cho Tổng Thống Viktor Yanukovich không bị lật đổ; ngược lại khi cách mạng quần chúng thành công và Ukraine có triển vọng sẽ ký kết hiệp ước tham gia Liên Hiệp Âu Châu, Putin đã không ngần ngại tung ra mọi thủ đoạn kinh tế và quân sự để nước này nếu không trở lại quỹ đạo của Nga cũng sẽ mãi mãi bị chia rẽ và suy yếu.
Phong trào quần chúng tại Ukraine dù chống phe thân Nga nhưng không hề có mục tiêu trở thành bàn đạp bành trướng dân chủ sang cường quốc lân bang. Ngược lại Putin có quan điểm hoàn toàn đối nghịch xem một nước Ukraine dân chủ và cải cách như mối đe dọa trực tiếp cho hệ thống cầm quyền tại Nga, vì ông sợ dân Nga sẽ bị kích động để lật đổ ngôi vị tổng thống của chính mình. Cá nhân ông Putin tự xem mình là đấng cứu rỗi để mang nước Nga trở lại vai trò cường quốc sau một thời gian dài bị Tây phương xem thường từ sau Chiến Tranh Lạnh, nên mọi toan tính liên hệ đến vai trò của ông tức nhằm ngăn trở sự trỗi dậy của nước Nga.
Chúng ta có thể liên hệ đến Bắc Kinh mang quan điểm tương tự đối với Việt Nam. Cũng thế, Tây phương xem việc Ukraine xích gần với Âu Châu như tiến trình tự phát theo đòi hỏi của quần chúng mong muốn dân chủ chớ không phải do Tây phương dàn cảnh và xúi giục trong chiến lược siết chặt vòng vây phong tỏa nước Nga; ngược lại Putin đánh giá đây là bước kế tiếp trong những toan tính của NATO để lật đổ chính quyền hợp pháp tại Nga. Cuộc đối đầu xảy ra tại Ukraine có thể ví như tranh chấp giữa hai loại người sống ở sao Hỏa và sao Thủy vốn mang quan điểm trái ngược nên thái độ vô cùng khác biệt, và điều không may là sự kiện tương tự có thể tái diễn tại Việt Nam.
Ông Putin nhanh tay chiếm đoạt Crimea để phòng trường hợp chính quyền cách mạng Kiev hủy bỏ hiệp ước quân sự cho phép Hạm Ðội Hắc Hải đặt bản doanh tại cảng Sevastopol, và ngăn ngừa không cho hải cảng tối quan trọng này trở thành căn cứ quân sự của NATO. Người ta có thể tiên liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng giống vậy dù với cung cách hành xử khác đi, nhưng mục tiêu vẫn nhằm ngăn cản không cho Mỹ sử dụng Cam Ranh do vị trí quan trọng chiến lược nhìn ra Biển Ðông - cho dù là nhà nước Việt Nam có sẽ thân Trung Quốc hay không.
Nga trả giá đắt vì các biện pháp phong tỏa kinh tế của Tây phương nhưng ông Putin không vì đó mà lùi bước. Khi nước lớn tự xem quyền lợi cốt lõi bị xâm phạm thì họ sẽ chấp nhận các mất mát vô cùng to lớn để thỏa mãn tham vọng - giống như Hitler đến giờ phút cuối vẫn tự xem mình là cứu tinh cho dù đã đưa dân tộc Ðức đến thảm họa lịch sử. Hơn nữa, trong tình trạng căng thẳng, các nhà lãnh đạo độc tài rất khó thối lui vì quyền lực của họ đặt trên nền tảng của tinh thần dân tộc vốn bị khơi dậy và đang bùng phát rất mạnh - sự kiện này, một lần nữa có thể sẽ lại tái diễn tại khu vực Ðông Á.
Ngược lại những biện pháp cấm vận sẽ khiến nền kinh tế Tây phương vốn chưa phục hồi càng thêm chậm lại. Dân chúng càng bất mãn nên các nước Âu Châu sẽ trở nên yếu ớt và dễ bị chia rẽ. Tổng Thống Putin tính toán mở rộng thương mại với Trung Quốc và các nước đang trỗi dậy (như Nam Mỹ) để bù đắp cho các thiệt hại do lệnh phong tỏa từ Âu-Mỹ. Nếu thành công, Nga sẽ là nước đầu tiên phá vỡ chính sách phong tỏa kinh tế của Tây phương. Nga sẽ chứng minh được rằng một khối kinh tế mới có thể được thành hình đủ khả năng đối đầu với sức mạnh quan trọng nhất của Âu-Mỹ, khi đó một trật tự thế giới mới mà Tây phương không còn nắm vai trò chủ động mới thật sự bắt đầu, những nước như Iran hay Cuba không còn sợ bị Hoa Kỳ cô lập nữa.
Bắc Kinh theo dõi kỹ lưỡng phản ứng của Mỹ tại Ukraine. Nga và Trung Quốc đều có lợi thế sân nhà nên dùng đủ mọi thủ đoạn công khai hay mờ ám nhằm tạo áp lực lên các nước lân bang.
Trong khi đó Ukraine (và Việt Nam) lại không nằm trong khu vực an ninh cốt lõi của Mỹ. Trường hợp Nga tấn công Tây-Âu hay Trung Quốc đe dọa nền an ninh Nhật-Hàn thì Hoa Kỳ sẽ phải can thiệp, nhưng ngược lại không thể có chiến tranh giữa Mỹ-Nga-Hoa do các xung đột biên giới hay lãnh hải với Ukraine hay Việt Nam, nhất là khi hai nước này không có liên minh quân sự với Tây phương. Cho đến nay Âu-Mỹ-Nhật vẫn không có biện pháp răn đe hữu hiệu đáp trả khi Nga-Hoa dùng các kế hoạch xâm lăng phi quy ước (non-conventional aggression) vào những nước láng giềng yếu kém. Trung Quốc sử dụng tàu kiểm giám phun vòi rồng; Nga dùng quân nhân ngụy trang thành dân sự; bước kế tiếp sẽ là những leo thang mới, dù tác động chính trị rất sâu xa nhưng vẫn không đủ để trở thành một cuộc đối đầu quân sự giữa các cường quốc.
Ngược lại Âu-Mỹ cũng phải tự xét lại chính sách ngoại giao của chính mình: NATO có thể nào tiếp tục thu nhận thành viên mới trong khi dân chúng Tây phương không hề có quyết tâm bảo vệ trong trường hợp bị xâm lược? Hoa Kỳ có thể thành hình hay tăng cường những liên minh quân sự nào (như với Úc-Nhật) mà họ có thể tin tưởng vào đồng minh, và quyền lợi đủ thiết yếu để họ phải giữ trọn lời cam kết?
Trở lại Ukraine, trong khi mục tiêu của cuộc cách mạng quần chúng là thiết lập nền dân chủ kiểu Tây phương thì nay bị Nga dùng mọi thủ đoạn để phá hỏng. Chính quyền tại Kiev thay vì tập trung chống tham nhũng, cải tổ hệ thống luật pháp và hành chính để phục hồi kinh tế nhưng nay bị chi phối vào các đe dọa quốc phòng. Mùa Hè đang chấm dứt, người dân Ukraine bi quan nhìn đến một mùa Ðông thiếu khí đốt trong lúc chi phí chiến tranh ngày càng đè nặng. Một nước nhỏ, xã hội bị phân hóa và nhà nước yếu luôn là mục tiêu cho nước lớn lũng đoạn. Nhà cầm quyền độc tài vốn dễ bị hăm dọa hay mua chuộc, còn một chính quyền dân chủ nhưng phôi thai lại dễ bị phá hoại!
Một điểm đáng lưu ý là Thượng Nghị Sĩ McCain đã sang Ukraine vào Tháng Mười Hai, 2013 khi cao trào dân chủ chống Nga đang lên, nay ông lại vừa sang Việt Nam vào Tháng Tám khi tình hình Việt-Trung trở nên căng thẳng. Ông McCain là người có nhiều uy tín thuộc cánh diều hâu, ông chủ trương phát huy vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên toàn cầu và đã hô hào giội bom Syria, cung cấp thiết bị cho Ukraine, ngược lại với hành pháp vốn thi hành chính sách ngoại giao thường tỏ ra thận trọng hơn nhiều.
Trong cuộc đấu trí giữa các cường quốc thì nguyện vọng dân tộc của những nước nhỏ thường bị bỏ quên. Nhưng chính khát vọng dân chủ của người dân Ukraine đã làm thay đổi bàn cờ Âu Châu. Ðất nước của họ phải trả giá bằng chiến tranh và đối diện với tương lai vô cùng bấp bênh chính là những thách đố không may cho thân phận nhược tiểu. Liệu các nhà dân chủ có đủ kiên cường và tài ba để thu phục lòng dân và lèo lái con thuyền đất nước trong phong ba bão táp, câu hỏi này chỉ có dân tộc Ukraine - và Việt Nam - mới tự tim ra lời giải đáp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét