Người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong, ông Lương Chấn Anh,
nói quyết định hôm Chủ Nhật là "một bước tiến to lớn"
cho tiến trình dân chủ Hong Kong
Chính phủ Trung Quốc đã quyết định rõ ràng rằng dẹp tình trạng bất ổn dân sự trong một giai đoạn ngắn hạn thì tốt hơn là cho phép Hong Kong có tiến trình chính trị có thể thách thức nhà cầm quyền về mặt dài hạn.
Tuyên bố hôm Chủ Nhật từ Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ nhân nhượng nào cho các lực lượng dân chủ Hong Kong.
Không cho phép áp dụng tiến trình đề cử ứng viên lãnh đạo một cách cởi mở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên bố rằng mọi ứng viên phải có được trên 50% ủng hộ từ một cơ quan đề cử "có đại diện rộng rãi".
Điều này thậm chí còn chặt chẽ hơn cả các dàn xếp đang có, và ít có khả năng sẽ được Hội đồng Lập pháp Hong Kong hậu thuẫn.
Nhưng các quan chức Trung Quốc nói người đứng đầu Hong Kong phải gắn bó lệ thuộc vào Bắc Kinh, và việc cho đề cử tự do vào vị trí này sẽ tạo ra một "xã hội hỗn loạn".
Người đứng đầu đặc khu hành chính phải là người "yêu tổ quốc và yêu Hong Kong", theo như từ ngữ được dùng trong quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bức tranh toàn cảnh
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong nói tiến trình như vậy sẽ không trao "lựa chọn thực sự", điều mà theo họ hiểu phải là việc áp dụng phổ thông đầu phiếu.
Họ cảnh báo rằng việc chiếm đóng khu quận trung tâm, vốn đã được đe dọa thực hiện từ lâu, nay sẽ được thực hiện.
Quan điểm không nhân nhượng của Bắc Kinh đối với Hong Kong là một phần trong bức tranh chính trị to lớn hơn.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tiếp tục chống lại bất kỳ gợi ý cải tổ dân chủ nào. Đảng Cộng sản thậm chí còn củng cố mạnh mẽ hơn sự độc quyền của mình.
Hong Kong là nơi duy nhất các công dân Trung Quốc có thể chỉ trích nhà nước độc đảng hay tưởng niệm các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn hồi 1989.
Tự do ngôn luận và tự do hội họp ở vùng đất từng là thuộc địa của Anh đã khiến Bắc Kinh mất dần kiên nhẫn, và tuy không muốn nuốt lời về việc hứa hẹn cho bầu cử trực tiếp trong lần bầu chọn lãnh đạo mới của Hong Kong vào 2017, Bắc Kinh không muốn rủi ro chấp nhận một nhà lãnh đạo có thể dám công khai chống lại các lợi ích của Bắc Kinh.
Cộng đồng chính trị Hong Kong không phải là nơi duy nhất, mà một vùng cựu thuộc địa châu Âu khác kế bên, Macau cũng vậy ; ứng viên duy nhất và nhà lãnh đạo hiện thời đã được tái bầu trong kỳ cuối tuần bởi một ủy ban đa phần gồm các thành viên trung thành với Trung Quốc.
Đây là cách chính phủ Trung Quốc ưa dùng trong hoạt động chính trị.
Mặc dù tán thành cạnh tranh thị trường trong một số lĩnh vực kinh tế, Bắc Kinh cũng muốn đưa ra một thông điệp tới toàn Trung Quốc rằng nguyên tắc đó không áp dụng đối với chính trị.
Tin tức về quyết định của Bắc Kinh được tường thuật tràn ngập
trên báo chí Hong Kong hôm 1/9
'Bước tiến'
Có một tâm trạng phòng thủ và bài ngoại đang nổi lên tại Trung Quốc quanh vấn đề Hong Kong.
Một bài báo trên Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản hôm thứ Bảy nói một số người ở Hong Kong đang thông đồng với các thế lực bên ngoài.
"Họ không chỉ làm xói mòn sự ổn định, phát triển của Hong Kong, mà còn âm mưu biến Hong Kong thành một đầu cầu nhằm lật đổ, xâm nhập vào Trung Hoa lục địa."
Khó có thể đánh giá bao nhiêu người tại Hong Kong hay những nơi khác tại Trung Quốc thực sự tin vào điều này. Nhiều người nói rằng sự thành công của Hong Kong được xây dựng trên cơ sở xã hội thành thị, chú trọng tới quốc tế của nơi này.
Chính quyền Hong Kong đã cố gắng nương theo Bắc Kinh.
Trong một bản phúc trình ra hồi tháng Bảy, Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh nói "xã hội chính thống Hong Kong" đồng ý với Bắc Kinh về cách cải cách bầu cử cần thực hiện ra sao và ông nói quyết định hôm Chủ Nhật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là "một bước tiến to lớn trong sự phát triển của xã hội Hong Kong".
Tại một khu lều trại phản đối, phong trào Chiếm đóng Khu trung tâm cảnh báo rằng họ có thể huy động 10.000 người tham gia biểu tình ngồi.
Cuộc chiến giành giật trái tim và tâm tư của cộng đồng nay đang bắt đầu đi vào quyết liệt.
Với việc không tin cậy vào sự lựa chọn tự do của cử tri Hong Kong, Bắc Kinh nay có lẽ đã châm ngòi cho tình trạng "xã hội hỗn loạn" mà họ vốn rất muốn né tránh.
Carrie Gracie
Phóng viên thường trú tại Trung Quốc
Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese
Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese
Bài đọc thêm:
Mỹ lại làm ngơ Trung Quốc, ủng hộ Hồng Kông (Đất Việt, 03/09/2014)
Mỹ chọc giận Bắc Kinh khi nhiều lần lên tiếng ủng hộ cuộc bỏ phiếu phổ thông ở Hồng Kông.
Sau khi Trung Quốc từ chối cho người dân Hồng Kông có quyền biểu quyết đầy đủ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 2/9 phát biểu: "Mỹ ủng hộ cuộc bỏ phiếu phổ thông tại Hồng Kông phù hợp với hiến pháp và nguyện vọng của người dân ở đặc khu này. Chúng tôi tin rằng một xã hội mở như Hồng Kông với quyền dân chủ cao nhất có thể được chi phối theo quy tắc pháp luật là cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng".
Nữ phát ngôn này nói thêm, tính hợp pháp của nhà lãnh đạo Hồng Kông trong tương lai sẽ được tăng cường đáng kể nếu việc lựa chọn thông qua cuộc bỏ phiếu phổ thông - mục đích chính của Hiến pháp Hồng Kông.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chắc chắn đã chọc tức Trung Quốc bởi cách đây một tuần, trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã hôm 29/8, một người phát ngôn giấu tên từ Văn phòng Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, Ma Cau và Đài Loan đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ cảnh báo nước ngoài can thiệp vào "công việc nội bộ" của nước này.
Theo đó, người này cho biết Trung Quốc sẽ "phản kháng mạnh mẽ" đối với bất kỳ "lực lượng bên ngoài" nào can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông.
Phát ngôn viên nói trên nói "một số người" bỏ qua lợi ích lâu dài của Hồng Kông và các quy định của Luật cơ bản, "thông đồng với các lực lượng bên ngoài nhằm can thiệp vào chính quyền đặc khu này".
Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ không tha thứ cho việc dùng Hồng Kông như bàn đạp hòng "phá hoại và thâm nhập đại lục". Việc đó "không chỉ làm suy yếu sự ổn định và phát triển của Hồng Kông mà còn biến Hồng Kông thành chiêu bài để phá hoại và xâm nhập vào đại lục. Dĩ nhiên, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được" - người phát ngôn nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố ủng hộ cuộc bỏ phiếu phổ thông ở Hồng Kông. Tháng 9 năm ngoái, phái viên Mỹ Clifford Hart khi phát biểu trước Phòng Thương mại Mỹ ở Hồng Kông cũng cho biết, ông hoan nghênh quyết định của chính quyền Bắc Kinh về việc áp dụng cơ chế phổ thông đầu phiếu vào cuộc bầu cử người đứng đầu vào năm 2017 và các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông năm 2020.
Tháng 4 năm nay, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo Mỹ chớ có can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông, sau khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ 2 nhân vật đối lập của Hồng Kông.
Trong dấu hiệu ủng hộ công khai bất thường, ông Biden đã tham dự cuộc trò chuyện tại Nhà Trắng với ông Martin Lee, người sáng lập Đảng Dân chủ đối lập của Hồng Kông và bà Anson Chan, người từng là nhân vật số 2 trong chính quyền thành phố này.
Nhà Trắng sau đó ra tuyên bố cho hay ông Biden đã nhấn mạnh sự "ủng hộ lâu dài đối với dân chủ ở Hồng Kông".
Tân Hoa Xã ngay sau đó đã dẫn lời một quan chức cho hay Mỹ phải "thận trọng" nhằm tránh gây tổn hại tới mối quan hệ Mỹ-Trung.
Vào năm 1992, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chính sách Mỹ -Hồng Kông trong đó nêu rõ Mỹ "nên đóng một vai trò tích cực" trong việc duy trì sự thịnh vượng của Hồng Kông, đảm bảo nó như là một trung tâm tài chính độc lập và các mối quan hệ cùng có lợi với Mỹ. Đạo luật đó ghi rõ Mỹ "nên đối xử với Hồng Kông như một lãnh thổ hoàn toàn độc lập với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và thương mại".
Đạo luật này cho phép các công ty Hồng Kông tiếp cận công nghệ cao rất nhạy cảm mà Mỹ không chia sẻ với các công ty Trung Quốc, với điều kiện Hồng Kông bảo vệ công nghệ đó bằng cách duy trì một hệ thống kiểm soát xuất khẩu minh bạch.
Nếu Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát Hồng Kông như họ đang làm tại đại lục, Mỹ sẽ mất khá nhiều bí mật công nghệ cao, thậm chí liên quan đến an ninh quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong năm 2012, thặng dư thương mại của Mỹ với Hồng Kông cao nhất so với bất kỳ thặng dư thương mại nào khác của Mỹ cùng thời điểm, vì Mỹ chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông.
Cho đến giờ, Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Hồng Kông. Mỹ đang có 1.400 công ty hoạt động tại Hồng Kông và hơn 60.000 công dân sinh sống tại Hồng Kông. Những con số này phản ánh lợi ích chặt chẽ của Mỹ gắn với đặc khu này.
An Nhiên (tổng hợp)
Nguồn: Đất Việt
Nguồn: Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét