Thời gian vài năm trở lại đây, khi mà các nhà báo dần dần đưa ra ánh sáng nhiều lỗi lầm hơn của cấp lãnh đạo Việt Nam, của giới kinh doanh vô đạo đức, của tình trạng bạo lực giết chóc, vô nhân tính tràn lan, của ô nhiễm môi trường trầm trọng, của diện tích rừng bị thu hẹp, của thú vật bị giết quá nhiều đe dọa tuyệt chủng thì mỗi chúng ta đều hốt hoảng nhận ra một sự thật rằng: Đất nước đang trong thời kỳ báo động đỏ.
Có lẽ, từ xưa tới giờ mọi người vẫn biết đó thôi, nhưng đều cố gắng bơ đi để mà sống, vì chẳng biết làm gì hơn. Nhưng đã đến lúc, giấy đã không còn có thể gói được lửa, sự thật không thể mãi che dấu, mỗi chúng ta mới bàng hoàng nhận ra rằng, mọi thứ thật cấp bách với đất nước này.
Vậy từ đâu mà mọi thứ lại trở nên xấu xí quá đỗi đến vậy?
Có một điều khách quan mà trước hết, ta phải thừa nhận là, bất cứ một đất nước nào trong thời kỳ phát triển cũng phải đi qua một giai đoạn đầy khó khăn và bất cập cả. Bất cứ nước Âu Châu nào cũng từng bị ô nhiễm không khí rất nhiều trong thời kỳ quá độ, đơn cử là thủ đô Luân Đôn của Anh cũng đã từng bị ô nhiễm không khí khủng khiếp gây chết người năm 1873 để có thể được như ngày nay.
Không khí chỉ là một trong các vấn đề của một đất nước đang phát triển còn nhiều thứ phải lo toan, dĩ nhiên là không thể chu toàn hết tất cả ngay được. Một lý do mà chúng ta có thể tạm lấy để tự trấn an, lấy làm tấm bình phong, tha thứ cho mình được.
Lý do thứ hai dẫn đến tình trạng này, nói thẳng trắng trợn ra là những người lãnh đạo đất nước đã quá thiên lệch về xây dựng chế độ. Xây dựng chế độ và xây dựng đất nước không phải lúc nào cũng là một. Khi mà chúng ta bỏ công sức quá nhiều cho xây chế độ, dĩ nhiên ta không còn bao nhiêu khả năng để xây dựng kinh tế nữa – một vấn đề cốt yếu để tồn tại. Nói đến đây, tôi phải nhắc lại câu nói của cha ông ta: Phú quý sinh lễ nghĩa, bần hàn sinh đạo tặc. Câu nói đó đến nay vẫn toàn vẹn giá trị cho đến bây giờ. Rõ ràng, trộm cướp ngày nay bạo dạng, hung ác hơn xưa nhiều (vì áp lực và cách biệt giàu nghèo lớn quá). Xét theo khía cạnh đó, những nhà kinh doanh vô đạo đức cũng có thể được xem như một tên cướp cạn, trắng trợn giữa ban ngày, không quên cho thêm tí thuốc độc (ngành thực phẩm, hệ thống xử lý chất thải).
Trong việc đi kèm với xây dựng đường lối xã hội chủ nghĩa, nhiều kẻ đã bán đi nhân phẩm của mình để dễ dàng trục lợi hơn cho bản thân và gia đình họ. Tham quan làn tràn khắp mọi nơi, báo đài ngày nào cũng nói, thất thoát tiền bạc đóng thuế của dân và tiền cứu tế lẽ ra những con người khổ cực đã phải được nhận.
Với cái phong thái “xây dựng đất nước” đó, đất nước phát triển ỳ ạch như một con rùa bò. Mà càng phát triển chậm và kéo dài giai đoạn “quá độ” thì đất nước càng đứng ở giữa ngã ba đường, chịu nhiều bất cập thêm nữa. Mỗi ngày trôi qua, ngột ngạt vẫn hoàn ngột ngạt, xám xịt không thấy lối thoát.
Vì nhìn đâu cũng không thấy lối thoát, chẳng thấy động thái rõ rệt, quyết tâm gì của các cấp lãnh đạo, nên dẫn đến lý do thứ ba, là chúng ta!
Mỗi quốc gia phát triển phải có sự đóng góp của người dân. Kể cả ở Mỹ, người dân phải mỏi mồm mỏi miệng phát biểu và lên tiếng rất nhiều để cải thiện mọi thứ. Họ phải tự thân đấu tranh cho họ; kiểu: Muốn có cái gì thì tự đi mà giành lấy. Còn ở ta, mỗi người dân, hoặc là trông chờ vào nhà lãnh đạo, hoặc là không nhìn thấy tương lai. Do đó mà ở ta có phần mất niềm tin, từ đó chọn cách chúng ta hành xử là bơ đi mà sống. Phải, tôi đau xót phải nói rằng, phần lớn rất lớn chúng ta đã chọn cách im lặng, không nói gì cả; theo đúng kim chỉ nam có trong câu nói của người xưa – một tấm bình phong khác khá là chắc chắn (kiểu: nói có sách mách có chứng) mà ta có thể núp được: Đèn nhà ai nấy rạng, tuyết nhà ai nấy quét.
Tôi biết nhiều sự thật đằng sau cách mà người ta chọn phớt lờ. Không phải vì họ mất trí hay mất hẳn nhân tính. Trong những ánh mắt của người dân, tôi thấy người ta khao khát được sống hạnh phúc và quan tâm nhau hơn, nhiều người tỏ vẻ tiếc nuối, bất lực vì không giúp được người bị nạn, nhưng họ không dám chạm vào. Họ không dám giúp ai vì sợ liên lụy, phiền toái; họ không dám chạm vào việc phê bình ai đó trong bộ máy nhà nước, vì làm như thế là tự chuốc họa vào thân. Có lẽ, chẳng phải mình tôi biết điều đó, tất cả dân tộc này biết cái tình trạng mà đất nước đang vướng mắc. Trong mắt mọi người, họ nhìn nhau đầy cảm thông trước những tình trạng vô cảm.
Nhưng chúng ta đã nhầm, dù thông cảm với nhau cách mấy, trong tận sâu thẳm tâm hồn mình, chúng ta biết, ta vẫn không bao giờ có thể tha thứ cho mình hay cho người mà ta nhìn vào mắt vì những gì họ đã phớt lờ. Chúng ta không bao giờ có thể tha thứ cho mình vì đã nhìn đất nước ngày càng đi vào chỗ tồi tệ hơn.
Rất tiếc rằng, “riết rồi cũng quen”, một cụm từ quen thuộc với việc chúng ta bơ đi mà sống trước những thách thức thời đại mà không trước thì sau mỗi người phải đối mặt. Một câu khác cũng nghe xót lòng không kém: “Việt Nam mà!”. Không biết có ai đã từng nghe 2 cụm từ trên hay chưa, nhưng tôi thì nghe hoài. Nhưng chúng ta chấp nhận tất cả, kể cả đi xuống vực, vì hàng tá lý do mà chúng ta “có thể thông cảm được”.
Tôi đã thông cảm rất nhiều, chúng ta đã thông cảm cho nhau rất nhiều, về cách mà chúng ta đối xử với dân tộc mình. Những điều đó nghiễm nhiên trở thành thứ gọi là “luật bất thành văn”.
Vậy là chúng ta, nhìn cho đến tận cùng, nên thừa nhận rằng, người Việt là một dân tộc lười biếng. Dĩ nhiên là đa phần chứ không phải tất cả. Lười biếng đấu tranh, lười biếng lên tiếng, lười biếng giúp đỡ, lười biếng cải thiện, lười biếng đổi mới… Chúng ta hoạt động với những hệ thống cũ rích của giáo dục, của hành chính, cũng như trong cách nhìn nhận thế giới ngày nay về góc cạnh văn hóa, văn minh. Thử nhìn mà xem, bao nhiêu bài báo chê bai đàn ông Việt Nam nhậu nhẹt quá nhiều, cà phê cà pháo quá nhiều, ham chơi và hưởng thụ quá nhiều? Thậm chí chúng ta cũng lười đi bỏ rác vào thùng nếu không có sẵn thùng rác ở đó, và ở Sài Gòn, ngay sau công nhân vệ sinh làm việc buổi sáng, một số nơi đâu lại vào đấy, không chút văn minh, mặc dù giữ vệ sinh không khó, cũng chẳng tốn tiền, nó chỉ tốn chút công bé nhỏ.
Tạm bỏ qua những thói hư tật xấu và bất cập, bởi vì không kể sao chi hết. Giờ, hãy nghĩ đến góc nhìn khác.
Chúng ta bảo chúng ta “quen rồi”! Quen với bối cảnh đó rồi. Nhưng có thực sự như thế không nhỉ? Hay chúng ta nên biết, chúng ta sống trong một môi trường, cùng gắn kết với nhau. Rằng, khi thành phố ô nhiễm không khí, toàn dân phải hít bầu trời đó; khi nước ô nhiễm, hàng triệu người uống phải nó (1/3 dân số Sài Gòn sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn); khi thức ăn độc hại, muôn vạn người cũng phải cố gắng nuốt nó vào bụng để tiếp tục sống. Nói một cách, có thể là hãi hùng hóa, chúng ta đang bị đe dọa đến quyền được sống, quyền thấp nhất của loài người. Không khí, nước, và thức ăn của chúng ta đã ô nhiễm mà khu chịu hậu quả nặng nề nhất là thành thị. Tôi tin không ai quen với ô nhiễm, không ai quen với sự đe dọa cho được cả, nhưng là vì, tự dối gạt mình, rằng nó không sao khi chưa thấy hậu quả.
Bởi vậy, không có chuyện một người làm bậy cho muôn vàn người khác chịu hậu quả, còn mình thì có thể bảo vệ được gia đình mình ; không có chuyện một người tẩm thuốc vào dưa leo hay bất cứ thực vật nào để trục lợi nhưng vẫn mua được dưa leo tốt cho chính mình, bởi vì người khác sẽ ganh đua, bắt chước và làm theo. Cứ xét tiếp theo cách đó, một người làm ô nhiễm môi trường, trước hết là anh ta sẽ chịu hậu quả, sau đó người khác sẽ làm theo, và hậu quả khôn lường cộng hưởng ngày một trương phình ra.
Còn một điều tồi tệ nữa đang xảy ra, đó là đất nước chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, người trẻ trong độ tuổi lao động đang rất phơi phới. Nhưng thay vì chúng ta có thể phát triển thần kỳ như Nhật Bản thì bây giờ ta vẫn chưa sản xuất nỗi một con bu lông, ốc vít nào. Và đất nước sẽ lâm vào tình trạng như Hàn Quốc hiện nay, thậm chí tệ hơn là người già bị bỏ rơi phải đi ra công viên làm gái đối với các bà già 60; trong khi đó, Hàn Quốc đã rất mạnh về kinh tế nhé. Hãy tưởng tượng một viễn cảnh tệ hơn chút đi, vì với tốc độ phát triển ốc sên này, chúng ta không thể so với Hàn Quốc nỗi, khi mà lớp người trẻ này sẽ già sau một thế hệ hai mươi lăm năm nữa, gánh nặng sẽ trút lên đầu giới trẻ ít ỏi thời đó, rồi kết quả sẽ là chúng không gánh nỗi. Ngần ấy con người trong một đất nước với dân số không hề ít ỏi này sẽ đi về đâu?
Đất nước đang phát triển, như một người trẻ vừa mới lớn, như một thanh niên mới khởi nghiệp, còn muôn vàn thứ phải lo toan, chờ đợi phải giải quyết, phải đối mặt. Thách thức của thời đại đang treo lủng lẳng trước mặt, sau hai mươi lăm năm nữa, nếu chúng ta không tự lo cho bản thân mình, dân tộc ta sẽ trở thành một dân tộc ăn xin, nhờ vả ngoại quốc, xin trợ cấp và sự giúp đỡ mất thôi. Rồi điều mà ai cũng biết, không ai cho không ai cái gì, người ngoại quốc sẽ giúp đỡ kèm theo các điều kiện và có nhiều quyền hành hơn đến dân tộc này. Chả lẽ, phải đợi đến khi đó, chúng ta mới vỡ lẽ ra một điều muộn màng rằng: Đáng ra chúng ta nên thức tỉnh sớm hơn?
Tôi không cố tình dìm hàng đất nước hay coi thường dân tộc, ngược lại, tôi mong mỏi rất nhiều là đằng khác. Cứ mỗi một bài viết, tôi hi vọng sẽ có thêm dù chỉ là một người hiểu những gì tôi nói, và anh ta/cô ta sẽ bắt đầu lên tiếng hay bất cứ việc gì có thể để giúp đất nước mình không đi vào ngõ cụt.
Bạn hỏi tôi thế thì phải làm sao, tôi nghĩ bạn biết bạn phải làm sao. Thường thì khi một người hiểu điều gì đang xảy ra, họ sẽ biết phải làm sao với khả năng của họ. Và tôi đoán là bạn đã hiểu chuyện gì đang xảy ra rồi!
Có lẽ, điều quan trọng nhất để Việt Nam có một chỗ đứng của mình trên thế giới, trước hết là phải tạo lập một nền văn hóa có điểm nhấn riêng cho mình. Điều mà từ lâu tôi đã muốn nói, con đường đi tắt đón đầu của Việt Nam không còn là khoa học công nghệ hay kiếm tiền gì nữa, hơn trên cả thảy thứ đó, là lòng yêu thương, là lòng đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ có một dân tộc đại đoàn kết mới làm các quốc gia khác kính nể. Một khi dân tộc này đoàn kết lại, đừng nói là loài người, thần thánh cũng không thể phớt lờ chín mươi triệu con người đâu.
Hi vọng là chúng ta sẽ đoàn kết hơn, không chỉ hơn mà phải hơn nhiều thời gian mà chúng ta đã từng xao nhãng trước kia. Đoàn kết trong từng chuyện nhỏ hàng ngày, ứng xử với nhau lịch thiệp, quan tâm nhau những điều nhỏ nhoi thay vì ganh tị hay thù ghét, tôn trọng nhau hơn, không chửi lén sau lưng, không tìm những mưu mẹo vặt để qua mặt nhau vì đã có quá nhiều người nói người Việt ta khôn vặt rồi, hẳn bạn cũng không muốn nghe nữa. Từ những chuyện nhỏ nhặt, chúng ta hãy giúp đỡ nhau, chỉ có vậy mới mong tiến đến việc lớn hơn được.
Có thể bạn không tin, nhưng tôi và vài người khác đã nhìn thấy một cơn sóng đang bắt đầu vỗ mạnh hơn, trào dâng hơn trong lòng đất nước này. Trên đời này, cái gì có lên thì phải có xuống, khi cực suy là lúc khởi thịnh, và tôi nghĩ đó chắc chắn phải là lúc này, đất nước này phải đi lên và chỉ có từ lên cho tới lên thôi, ít nhất là trong vòng một thế hệ nữa. Ngần ấy thời gian có lẽ đủ để chúng ta làm nên những điều mà thần thánh cũng phải gật đầu.
Cuối cùng, hãy thôi cái điệp khúc so sánh tộc Việt với Nhật, Mỹ hay bất cứ nước nào. Thôi ngay cái trò vớ vẩn nghĩ rằng dân tộc ta thông minh hơn dân tộc kia hay kém sắc sảo bằng dân tộc nọ. Nghe này, chúng ta cũng như họ, đều là con người như nhau cả, như nhau cả thôi! Và nếu có gì đó làm ta đi nhanh hơn họ, là vì ta đã quyết không cưỡi ngựa xem hoa nữa. Vậy thôi!
Hãy nhớ, đừng chỉ dừng ở hi vọng, biến nó thành khát vọng đi!!!
Lục Phong
Theo Triết học đường phố
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét