Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Không chạm gót xuống đất

no boots

Nguyễn đạt Thịnh
Đến thăm Bộ Tư Lệnh Quân Khu Trung Ương của Quân đội Mỹ (US Central Command) hôm thứ Tư 9/17 tại căn cứ không quân MacDill, Florida, Tổng thống Obama nói trước hàng quân, “Tôi sẽ không đưa quân đội vào một cuộc bộ chiến khác tại Iraq”.
Trên bình diện lãnh thổ, Quân Khu Trung Ương là 1 trong 6 quân khu của Quân đội Hoa Kỳ, gồm có: Quân Khu Phi Châu–USAFRICOM, Quân Khu Trung Ương–USCENTCOM, Quân Khu Âu Châu–USEUCOM, Quân Khu Cực Bắc–USNORTHCOM, Quân Khu Thái Bình Dương–USPACOM, và Quân Khu Cực Nam–USSOUTHCOM.
Obama đã làm cả hội trường “ồ” lên hoan hỉ, khi, với tư cách Tổng Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, ông cam kết không để người lính Mỹ phải chạm gót giầy xuống chiến trường Iraq, rồi sa lầy trong hình thức bộ chiến, luẩn quẩn đối phó với mìn, bẫy. Sau nhiều năm giao tranh trên 2 chiến trường Iraq và A Phú Hãn, binh sĩ Hoa Kỳ coi bộ chiến tại Trung Đông là hình ảnh ác mộng; đa số thương binh, tử sĩ chết và bị thương mà không được giao tranh với địch. Họ bị xe bom và mìn giết, hoặc gây thương tật.
Obama hãnh diện vì đã chấm dứt được 2 cuộc bộ chiến đó; triết lý quân sự của ông là Hoa Kỳ chỉ yểm trợ quân lực cho 2 quốc gia này trong nỗ lực chiến đấu bảo vệ nền dân chủ và an toàn của đất nước họ, chứ binh sĩ Hoa Kỳ không thay thế người Iraq tác chiến để bảo vệ quê hương họ.
Lực lượng khủng bố đang tấn công Iraq là quân IS (Islamic State–Hồi giáo quốc), và lực lượng này đang vấp ngã trước sự trợ chiến của không quân Hoa Kỳ giúp quân đội Iraq; Tổng Tư lệnh Obama còn nói với binh sĩ là Hoa Kỳ không hề một mình giúp Iraq, thế giới đang hưởng ứng việc làm của Hoa Kỳ, vì IS là tai họa chung của toàn thế giới.
Tuy nhiên, nhiều dư luận không tin là Obama có thể thực hiện được chủ trương KHÔNG CHẠM GÓT XUỐNG MẶT ĐẤT. Một trong những người hoài nghi chiến lược của Obama lại chính là ông Robert Gates, nguyên Tổng trưởng quốc phòng trong nội các đầu tiên của Obama; Gates nói trong chương trình This Morning của đài truyền hình CBS, “Không thể thắng quân ISIS, nếu chỉ sử dụng không quân, cũng không thể thắng, nếu chỉ sử dụng quân đội Iraq; bộ binh Hoa Kỳ sẽ phải nhập cuộc, và không thể nào không chạm gót xuống chiến trường”.
Không những không đưa từng đại đơn vị, cấp lữ đoàn, sư đoàn vào chiến trường, Obama còn nói rõ là từng cá nhân quân nhân Hoa Kỳ không làm công tác giao chiến với địch, dù họ có đang giữ vai trò cố vấn cho những đơn vị tác chiến Iraq.
Nhưng Đại tướng Martin Dempsey, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ – trong lúc ra điều trần trước Thượng Viện – nói, “Tôi minh định rõ là, nếu chiến trường chuyển đến giai đoạn gay go hơn, khiến người cố vấn Mỹ cần theo đơn vị ra chiến trường, tôi sẽ khuyến cáo điều đó với tổng thống”.
Truyền thông cho là Đại tướng Dempsey–Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ–không đồng ý với Tổng Tư lệnh Obama trong việc người lính Mỹ không tham dự bộ chiến tại Iraq; nhưng Bạch Cung đính chánh, phát ngôn viên Josh Earnestnói tướng Dempsey không hề chủ trương khác với Tổng Tư lệnh Obama; và trong tư cách tổng tham mưu trưởng, ông chỉ dự trù nhiều giả thuyết khác nhau cho tình hình Iraq; trong lúc đó, với vai trò tổng thống và tổng tư lệnh quân đội, Obama có bổn phận nêu lên một chính sách và một chiến lược thật minh bạch để không bị thuộc cấp thực hiện sai.
Thật ra, tướng Dempsey ưu tư việc quân nhân Iraq khi cần không yểm chiến trường, trong lúc giao tranh với địch, gặp khó khăn về ngôn ngữ trong giao tiếp với những phi công Hoa Kỳ bay đến yểm trợ họ. Dĩ nhiên khó khăn này vẫn có giải pháp khác, không cần đến sự hiện diện tại chỗ của người sĩ quan cố vấn Mỹ.
Việc Obama không muốn đưa bộ binh vào chiến trường Iraq rất dễ hiểu: ông và tuyệt đại đa số chính trị gia, tướng lãnh Hoa Kỳ đều đánh giá cuộc chiến 10 năm của Hoa Kỳ tại đây là không thành công; việc không thành công thứ nhì của Hoa Kỳ tại Iraq là việc huấn luyện quân đội Iraq để thay thế quân đội Mỹ.
Quân đội Iraq không có một giá trị chiến đấu nào cả; được thử lửa trong đợt tấn công mới rồi của quân IS, quân đội Iraq đông hơn, được huấn luyện thuần thục hơn, võ trang hùng hậu hơn, đã bỏ chạy, để mất nhiều tỉnh vùng Bắc Iraq.
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki kêu cứu, xin Hoa Kỳ trợ chiến, và Obama đã đặt điều kiện đòi Maliki phải từ chức mới đưa không quân vào can thiệp đẩy lui quân IS trở về bên trong lãnh thổ Syria.
Thái độ của Obama đòi Maliki từ chức nói lên việc ông biết rõ tình hình Iraq và IS; quân IS tuyệt đại đa số là tín đồ Sunni, là biểu tượng nổi loạn chống chính phủ Iraq, vì từ thủ tướng xuống đến hàng tổng trưởng, hàng giám đốc nha, sở đều là tín đồ Shiite đảm nhận; tín đồ Sunni bị gạt ra.
Obama không muốn Hoa Kỳ đứng về phía Shiite đàn áp quân nổi dậy IS, nhưng vẫn phải can thiệp tiếp cứu Iraq, vì tác phong quá tàn bạo của quân IS đối với tín đồ của những tôn giáo khác. Không chỉ riêng tại Iraq mới có tình trạng thù nghịch tín ngưỡng, mà tình trạng này hiện hữu gần như đồng loạt tại mọi quốc gia có tín đồ Hồi Giáo.
Đó là lý do chính, khiến Tổng thống Obama không muốn Hoa Kỳ đứng vào thế chống Sunni, mặc dù Mỹ đang trợ chiến giúp chính phủ Iraq (sau khi đòi hỏi chính phủ đó mở rộng, để mời gọi tín đồ Sunni tham chính).
Nhưng IS lại không cho Obama có đủ thuận lợi để ôn hòa: sau khi giết 2 công dân Mỹ bằng cách cắt đầu vô cùng dã man, IS cắt đầu một công dân Anh, và giờ này đang đưa hình ảnh ông John Cantlie, người Anh thứ nhì lên mạng internet. Cantlie, nguyên là phóng viên cho những tờ báo Anh Sunday Times, the Sun và tờ the Sunday Telegraph; ông bị bắt trong lúc săn tin, chụp hình trên chiến trường Syria; nhưng năm 2012 ông và phóng viên Mỹ James Foley được quân kháng chiến FSA, (Free Syria Army–Quân Đội Giải Phóng Syria) trả tự do; trở về nước được vài tháng, 2 phóng viên yêu nghề này lại trở qua chiến trường Syria. Lần này lực lượng bắt họ không phải là FSA, mà là IS. Chúng mới hành quyết Foley, và đang hăm dọa sẽ giết Cantlie.
Trong lúc dọa giết Cantlie, IS còn phát động tấn công khu tự trị Kurd, nằm về phía Bắc Syria, gần biên giới Turkey, chiếm 21 xã; lực lượng tự vệ xã–gồm nhiều nữ binh–chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng vẫn bị tràn ngập. Cảnh tàn sát lại diễn ra, nhưng lần này IS chỉ giết đàn ông, đàn bà Kurd bị chúng giam giữ.
Quân IS còn manh nha mở rộng chiến tranh sang Úc; ngày 18 tháng Chín, cảnh sát Úc hành quân chống khủng bố, lục soát vài chục căn nhà trong thành phố Sydney, và bắt giữ 15 người. Thủ tướng Úc, ông Tony Abbott, cho truyền thông biết ông được mật báo là IS chỉ thị cho người Hồi Giáo, cư ngụ tại Úc bắt cóc và hành quyết một người Úc, cũng bằng cách cắt đầu nạn nhân, như quân IS đã làm tại Syria.
Ông Abbott nói, “Một công dân Úc gốc người Trung Đông, có vẻ là giới chức quan trọng của IS ra lệnh cho người Úc gốc Trung Đông bắt và giết một người Úc để biểu diễn cách giết người của IS”.
Abbott nói họ chỉ cần bắt và cắt đầu bất cứ một người Úc nào, không cần nạn nhân phải là viên chức chính phủ, hay một nhân vật đích xác nào cả.
Những hoạt động của IS–tới tấp và lan rộng ra ngoài địa giới Trung Đông–tạo khích động trong chính giới Hoa Kỳ; nhiều nghị sĩ, dân biểu lên tiếng chỉ trích chiến lược “không chạm gót xuống chiến trường” của Tổng thống Obama.
Nghị sĩ Ted Cruz tuyên bố, “Tôi không ủng hộ chính sách của Obama chủ trương huấn luyện và võ trang cho FSA – vì ông Obama không trình bầy mạch lạc chính sách này”. Cruz là một trong nhiều chính khách đang tuyên bố là họ tranh cử chức vụ tổng thống vào năm 2016.
Một chính khách khác–dân biểu Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas)–tuyên bố, “như thường lệ, lần này ông Obama cũng lại lừng khừng, không dứt khoát, nay lần, mai lữa, trong lúc nguy cơ đã đến sát sau lưng”.
Có thể Cotton đánh giá sai 2 chữ “nguy cơ”, vì nguy cơ không phải là việc 31,500 quân IS sẽ đánh tan lực lượng 271,500 quân hiện dịch Iraq đang tại ngũ, rồi chiếm thủ đô Baghdad của Iraq, mà nguy cơ là nhiều sư đoàn tinh nhuệ của Hoa Kỳ sẽ bị đổ trở vào Iraq để tiếp nối cuộc chiến 10 năm đối diện với quả mìn chống chiến xa, trên chiến trường Trung Đông.
Ngoài ra, một nguy cơ khác còn có thể xẩy ra, là một tổ nằm vùng của IS tại Hoa Kỳ, bắt cóc một anh ký giả, một cô sinh viên, hay một người cảnh sát, rồi đem nạn nhân vào một trong vô vàn bìa rừng quanh những thành phố Hoa Kỳ, bắt nạn nhân thay đồng phục tù nhân mầu cam, rồi quỳ gối bên cạnh một tên đao phủ bịt mặt, mặc sắc phục mầu đen, võ trang bằng một lưỡi dao đồ tể, để bị tên này cắt đầu.
Nếu IS mưu tính vụ giết người đó tại Úc được, thì có thể chúng cũng đang có một dự mưu tương tự tại Hoa Kỳ; vậy mà chưa ai nghe chiến lược gia Obama đưa ra một chiến thuyết nào để ngăn chặn nguy cơ này, như ông đã đưa ra chiến thuyết không để người lính Hoa Kỳ phải chạm gót giầy xuống chiến trường Iraq thêm một lần nữa.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét