Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

“Lùm xùm” về di chúc Hồ Chí Minh



Hình lấy từ bachochohue.com
Lời bình của Huy Đức:Chỉ khi nào Hồ Chí Minh được nói đến như một nhân vật lịch sử (có đúng, có sai; có mặt sau, có mặt trước của "tấm huân chương") thay vì như một đấng toàn năng thì Việt Nam mới thoát ra khỏi tình trạng cựa quậy trong đống dây nhợ của quá khứ, rũ bỏ những sai lầm, lựa chọn một con đường khôn ngoan để mưu cầu một tương lai sáng sủa hơn cho dân tộc.


 Gần đến ngày 2-9-2014, trong lúc cuộc vận động học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh do ĐCSVN phát động đang ráo riết, cũng là gần đến 2-9 – ngày HCM qua đời (trùng Quốc khánh), báo điện tử Vnexpress (từng tuyên bố dẫn đầu lượng người truy cập báo quốc doanh) ngày 30-8-2014 đăng bài: “Vì sao 20 năm mới công bố ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Phần đầu bài báo, tác giả Hoàng Thùy cho biết, HCM qua đời, di chúc lập tức được công bố, nhưng do hoàn cảnh lịch sử nên lúc bấy giờ có một số điều chưa được công bố. Việc công bố di chúc căn cứ cuộc họp bất thường chiều 3-9-1969 của BCHTW, giao Bộ Chính trị thực hiện. HCM chết lúc 9 giờ 47 phút sáng 2-9-69 – “ngày vui lớn của dân tộc” – Quốc khánh, nên Bộ Chính trị khóa 3 đã công bố ông qua đời vào thời khắc trên của ngày 3-9-69. Bài báo cho biết: 20 năm sau, Bộ Chính trị khoá 6 ra Thông báo số 151 (19-8-1989), cho rằng: nay cần công bố lại đúng ngày HCM qua đời là 2-9-69.

Tuy nhiên, bài báo phớt lờ sự kiện trước Thông báo 151 bốn tháng (5-89), thư ký riêng của HCM là Vũ Kỳ đã chủ động bàn bạc với đại tá Bùi Tín – Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân để “tự phát” đăng trên “Cơ quan ngôn luận của ĐCSVN” di chúc thật của HCM, bộ lộ nhiều điểm khác biệt cơ bản với di chúc đã được chính thức công bố. Và sau vụ lộ “bí mật cung đình” động trời ấy, Vũ Kỳ “lên bờ xuống ruộng”, Bùi Tín phải lưu vong mãi bên Pháp. Điều đó cho thấy, nếu không có vụ tiết lộ ấy, đến tận hôm nay, hàng triệu người dân VN – vốn sùng bái HCM do bị tuyên truyền, thêu dệt, tô vẽ thần thánh – vẫn thành tâm làm giỗ “cha già dân tộc” vào 3-9, và việc ra thông báo 151 là vạn bất dắc dĩ, do đã phát lộ ngoài ý muốn. Và theo tập tục thờ cúng giỗ chạp của tuyệt đại đa số người Việt Nam, “cha già dân tộc” bị bỏ đói gần nửa thế kỷ qua.
 
Theo đại tá Bùi Tín, ông Vũ Kỳ cho biết, sau khi HCM tắt thở, ông có đưa ngay cho ông Phạm Văn Đồng một phong bì lớn, chứa toàn bộ 4 văn bản di chúc HCM khởi thảo từ 1965 và các bản chỉnh sửa hàng năm. Nhưng ông Đồng không dám cầm, nói để đông đủ Bộ Chính trị có mặt, hãy đưa ra. Hôm sau, ông Vũ Kỳ đưa ông Lê Duẩn. Ông Duẩn đưa lại cho Bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn. Việc cắt xén, chỉnh sửa, lắp ghép, thêm nếm ra sao trước khi chính thức đưa ra công bố, do “cặp bài trùng” Duẩn – Hoàn chủ trì thu xếp.

Thông báo 151 có đoạn “Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về yêu cầu hoả táng là thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân (nhưng đâu có xin ý kiến Quốc hội hay trưng cầu dân ý? – TG), Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 3) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới thăm viếng, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Điều này đã xin phép Bác (không thấy trưng ra bút tích? – TG) nên đượclàm khác với lời Bác dặn“. Như vậy, có thể hiểu, nếu chi tiết này trong Thông báo 151 là trung thực, thì việc ướp xác, xây lăng tẩm cực kỳ tốn kém xa hoa phung phí như vua chúa Ai Cập đã được lên kế hoạch công phu và chu đáo từ thuở HCM sinh thời, và “cha già dân tộc” đã đồng ý (điều này phù hợp với thực tế: HCM vừa tắt thở, đám chuyên gia kỹ thuật ướp xác của Liên Xô túc trực trước đó, kịp thời tác nghiệp). Trong khi đó, các tài liệu chính thức do nhà nước công bố cho biết, đến tháng 5-69, HCM vẫn chỉnh sửa lần cuối cho bản di chúc. Trong đó nguyện vọng: hỏa táng, lấy tro cốt chôn trên đồi cao ở 3 miền cho người dân đến viếng, không xây lăng mộ hoành tráng tốn kém, tạo tiền lệ tiết kiệm, vệ sinh, trong hoàn cảnh VN đất chật người đông…cho toàn dân noi theo… vẫn có trong di chúc, nhưng đã bị cắt xén trong bản công bố chính thức 1969. Như vậy, việc không ít người nhận định HCM – “kịch sĩ tài ba hiếm có” – là không phải vu vơ. Trường hợp ngược lại, nếu HCM không hay biết gì về kế hoạch xây lăng tẩm, thì chi tiết “đã xin phép Bác” trong Thông báo 151 của Bộ Chính trị khóa 6 là man trá. Logic hiển nhiên: trường hợp nào cũng không tránh được “kịch”! Không rơi vào “cha già dân tộc”, thì cũng “các học trò xuất sắc và trung thành”(!).

Trong di chúc, HCM viết, kết thúc chiến tranh, nhà nước miễn thuế nông nghiệp 01 năm cho nông dân. Chủ trương này không phải HCM “phát minh”. Các triều đại thời phong kiến trước đây thường áp dụng, để khoan sức dân đã trải hy sinh và đóng góp đến kiệt quệ vì xã tắc của triều đình suốt binh đao khói lửa. Dĩ nhiên, miễn thuế thì vua quan phải cắt giảm chi tiêu. Thế nhưng, nội dung này cũng bị xén, chỉ phát lộ sau 20 năm bởi Vũ Kỳ và Bùi Tín. Và được người ta bất đắc dĩ “sửa sai” sau đó bằng giảm 50% thuế nông nghiệp trong 2 năm liên tiếp. Qua đó cho thấy, việc những người cộng sản vẫn rao giảng rằng các chế độ phong kiến đều hết sức hà khắc, bóc lột nhân dân đến xương tủy (để phát động “đả phong”), là rất ngược đời.

Võ Văn Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét