Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Người Việt hải ngoại nghĩ gì khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí VN?

000_Hkg10088685.jpg
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (T) tiếp đón Đại tướng Hoa Kỳ Martin Dempsey tại Bộ Quốc phòng VN hôm 14/8/2014
 AFP photo











Theo nguồn tin mói nhất của Washington, Hoa Kỳ có thể tiến hành nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam cuối năm nay, cũng có nghĩa Hà Nội sẽ mua được những loại khí giới cần thiết cho quốc phòng do Mỹ sản xuất mà không còn bị trở ngại.
Theo sự am hiểu của những người Việt ở ngoài, hằng quan tâm đến tình hình Việt Nam và biển Đông, nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam là vấn đề được vận động từ lâu, đặc biệt trong vài tháng trở lại đây.
Nhà văn Trần Trung Đạo, thường sinh hoạt với giới trẻ Việt ở hải ngoại, cho rằng việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đến từ phản ứng của thế giới và đặc biệt là Mỹ trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua:
Giải tỏa lệnh cấm vận vũ khí đả thương là dấu hiệu cho Trung Quốc thấy sự quan tâm của Mỹ vẫn còn ở Việt Nam, họ có thể làm những gì cần thiết phải làm để giữ thăng bằng hải lực giữa các cường  quốc nói riêng và đặc biệt  là Việt Nam cũng như các quốc gia nhỏ quanh vùng Đông Nam Á  nói chung.
Đó là một biểu hiện tích cực nhưng tôi nghĩ cái bước  kế tới mới là quan trọng. Chúng  ta phải chờ đợi phản ứng của Trung Quốc thế nào đối với việc làm của Mỹ, cũng như phản ứng của Việt Nam trước dấu hiệu của Mỹ cho thấy rằng họ có thể bước thêm một bước trong quan hệ không những về ngoại giao mà cả về quân sự đối với Việt Nam. Tôi nghĩ trong thời gian sắp tới sẽ có vài biến chuyển đặc biệt ảnh  hưởng trực tiếp đến Việt Nam và thái độ của chính phủ Việt Nam  cũng như người Việt trong nước và hải ngoại là điều hết sức quan trọng.
Giải tỏa lệnh cấm vận vũ khí đả thương là dấu hiệu cho Trung Quốc thấy sự quan tâm của Mỹ vẫn còn ở Việt Nam...
- Nhà văn Trần Trung Đạo
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, tù nhân lương tâm đang được tạm hoãn thi hành án ba năm rưỡi và hiện đang làm công việc nghiên cứu trong National Endowment For Democracy Viện Dân Chủ Quốc Gia của Hoa Kỳ ở Washington từ tháng Tư 2014, nói rằng trước giờ ông luôn ủng hộ việc Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới bán vũ khí cho Việt Nam với điều kiện những vũ khí này là để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam chứ không phải để Việt Nam dùng  đàn áp người dân và những nhà đấu tranh đòi tự do dân chủ trong nước:
Vấn đề phải thấy rõ chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ lợi dụng việc Mỹ bán vũ khí, là những phương tiện phòng thủ quốc gia như máy bay trinh sát hay kể cả tàu chiến nếu Mỹ có thể bán được. Tất nhiên chuyện đó góp phần phòng thủ Việt Nam ở mức độ nào đó. Nhưng  đó cũng là ý đồ chính trị của chính quyền Việt Nam, là để cho thế giới mà trước hết là Trung Quốc, thấy rằng Việt Nam bắt đầu liên kết, bắt đầu quan hệ quân sự với Mỹ để Trung Quốc cũng phải tính toán chuyện không thể lúc nào cũng hung hăng dùng vũ lực đe dọa và xâm chiếm Việt Nam.
Chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay cần những dấu hiệu mang tính tượng trưng để cho người dân Việt Nam thấy là chính quyền có quan tâm đến chuyện bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ. Việt Nam đặt vấn đề mua vũ khí của Mỹ, dù ở mức độ tượng trưng, là cũng hòng đánh lừa những người đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam là Mỹ ủng hộ chính quyền cộng sản Việt Nam, một cách  làm cho người dân Việt Nam rơi vào cái sự lừa bịp như đã liên tục tuyên truyền từ khi chế độ cộng sản thiết lập tại Việt Nam.
Cuối cùng tôi tin rằng việc phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước hành vi xâm lược của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng và điều này phải đi song song với một chế độ dân chủ, đa đảng để có thể bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam một cách đầy đủ nhất.
Mua được vũ khí của Mỹ thì cũng đừng tưởng rằng vũ khí đó sẽ giúp ta bảo vệ được tổ quốc, là quan điểm của nhà báo tự do Nguyễn Minh Cần, từ miền Bắc đi tị nạn chính trị qua Nga hồi 1964 đến nay:
Nếu đường lối hiện nay của nhà cầm quyền Việt Nam không thay đổi mà cứ thuần phục Trung Quốc như hiện nay thì vũ khí đó cũng không phải để bảo vệ Việt Nam. Cho nên tất cả mọi vấn đề là tùy thuộc ở đường lối chính trị của những người cầm quyền Việt Nam hiện nay.
Việc  mua vũ khí cũng có thể là để cho người dân hiểu rằng các ông đang chuẩn bị để bảo vệ tổ quốc, nhưng mà với đường lối vẫn như hiện nay, cái đường lối thuần phúc ấy, thì vũ khí cũng không có tác dụng gì mấy đâu.
Trong khi đó, từ Ba Lan, cây viết Mạc Việt Hồng của tờ Đàn Chim Việt, đồng ý rằng lệnh nới lỏng cấm vận vũ khí mà hành pháp và lập pháp Mỹ đang tính tới sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng của mình:
Việc  mua vũ khí cũng có thể là để cho người dân hiểu rằng các ông đang chuẩn bị để bảo vệ tổ quốc, nhưng mà với đường lối vẫn như hiện nay, cái đường lối thuần phúc ấy, thì vũ khí cũng không có tác dụng gì mấy đâu.
- Nhà báo Nguyễn Minh Cần
Nhất là trong khi tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc rất là lớn và ngày càng lớn mạnh hơn, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam ở trên biển và cả trên đất  liền nữa, cho nên về mặt nào đó thì việc đó có lợi chung cho đất  nước.
Thế nhưng mặt khác thì nhiều người cũng nhìn vào cái thành tích nhân quyền của Việt Nam và cho rằng nên trì hoãn việc này. Nhưng theo tôi nghĩ nếu mà trì hoãn thì chưa chắc là đã giúp ích gì được nhiều cho nhân quyền của Việt Nam đâu. Cá nhân tôi cho rằng chuyện vũ khí này  có mặt tốt và có mặt không được. Người ta lo ngại chính quyền Việt Nam thay vì sử dụng những vũ khí đó cho việc bảo vệ giang sơn bảo vệ  đất nước thì người ta có thể quay ra đàn áp những người dân chủ hoặc nhân dân ví dụ như tấm gương Thiên An Môn thì đấy là mặt rất là dở. Thế nên ý kiến về mặt nguy hiểm thì nó cần thiết cũng phải có.
Đó là quan điểm của người Việt ở Hoa Kỳ và  nhiều nước khác trên thế giới  trước vụ việc Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Xin được thưa là những ý kiến nêu trong bài này không nhất thiết phản ảnh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Tin, bài liên quan

  1. Vì sao Mỹ cần kế hoạch dỡ bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho VN?
  2. Lấy lòng Việt Nam, Mỹ chuẩn bị nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí

Dư luận trong nước về việc Mỹ sắp bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam


000_Hkg10087593.jpg
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) gặp gỡ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 ở Naypyidaw, Miến Điện ngày 9 tháng 8 năm 2014 (ảnh minh họa).
 AFP PHOTO/Nicolas ASFOURI

Vấn đề Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được nhiều người quan tâm cho rằng là điều cần thiết trong tình hình căng thẳng tại Biển Đông; khi mà Bắc Kinh tiến hành những động thái lấn lướt, quyết đoán ở đó.
Thông tin mới nhất cho hay biện pháp dỡ bỏ có thể được tiến hành vào cuối năm nay và máy bay trinh sát P-3 là mặt hàng đầu tiên Việt Nam có thể mua từ Mỹ.
Trước tin này, giới quân sự cũng như người quan tâm đến tình hình đất nước suy nghĩ gì?

Hoan nghênh

Hãng thông tấn Reuters vừa loan đi bài viết của một nhóm tác giả trong đó cho biết Washington đang tiến gần đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội. Và lô vũ khí đầu tiên bán cho nước cựu thù trước đây chắc chắn nhằm mục đích giúp cho Việt Nam đối phó với những thách thức hải quân ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Có thêm những loại phương tiện vũ khí mới, đặc biệt là loại máy bay thì sẽ có ích cho quân đội VN. Bên cạnh đó sẽ giúp tăng thêm niềm tin, sức mạnh cho những người lính Việt Nam giữ biển, đảo.
-Thiếu tướng Lê Mã Lương
Bài viết nêu rõ một số quan chức cao cấp thạo tin trong vấn đề này của Hoa Kỳ cho hay Washington muốn giúp Hà Nội tăng cường khà năng giám sát và phòng thủ bờ biển bằng loại máy bay trính sát P-3 không trang bị vũ khí. Đây sẽ là đợt hàng đầu tiên bán cho Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bày tỏ hoan nghênh về việc Hoa Kỳ giúp Việt Nam tăng cường khả năng quân sự. Ông nói:
“Rõ ràng nó sẽ tăng thêm tiềm lực quốc phòng cũng như sức mạnh của quân đội Việt Nam phòng thủ trên biển đảo. Việc có thêm những loại phương tiện vũ khí mới, đặc biệt là loại máy bay thì sẽ có ích cho quân đội Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ giúp tăng thêm niềm tin, sức mạnh cho những người lính Việt Nam giữ biển, đảo quê hương của mình.
Tôi đánh giá rất cao thiện ý của người Mỹ trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, nhất là Biển Đông đang dậy sóng, đang sôi động, lúc thì sóng dữ dội, lúc thì như những đợt sóng ngầm.”

Vũ khí ‘lòng dân’

Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện Báo Quân đội Nhân dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thì cho rằng vũ khí chỉ là một yếu tố thôi mà vấn đề con người sử dụng vũ khí mới quan trọng. Ông trình bày:
“Vũ khí và con người là hai thứ cần thiết nhất cho chiến tranh; nhưng mà vấn đề cần thiết nhất vẫn là con người. Vũ khí dù có hiện đại đến mấy, nhiều đến mấy, tốn tiền đến mấy mà con người chiến đấu không có lý tưởng, không có ý chí, không có mục tiêu rõ ràng hoặc chiến đấu vì bị ép buộc, thì vũ khí chả tác dụng bao nhiêu!
000_Hkg295970-250A.jpg
Một giờ học quân sự của học sinh trung học tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.
Tôi quan niệm vũ khí chỉ là thứ hỗ trợ cho người lính để chiến đấu tự bảo vệ mình và tiêu diệt kẻ thù, kẻ địch trước mắt. Cái chính, người cầm súng vẫn là con người. Con người không riêng là những người cầm súng mà còn là những người lãnh đạo, người chỉ đạo vấn đề chiến lược, vấn đề chiến thuật, của người chỉ huy nữa - đầu chỉ huy mới là quan trọng.
Chuyện Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam, theo tôi là vấn đề thị trường vũ khí. Có mở ra được thì tạo điều kiện cho Việt Nam có thêm những loại vũ khí hiện đại cũng tốt thôi, cho dù là vũ khí sát thương hay là loại gì đi nữa.
Việt Nam nghèo thì mua vũ khí gì. Theo tôi cái chính là được lòng dân hơn là bỏ tiền ra mua vũ khí, vì nghèo không có tiền mua. Được lòng dân là vũ khí sắc bén nhất.”
Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng hiện nay sức mạnh lòng dân mà Việt Nam từng có trước đây trong những cuộc chiến tranh chống Phương Bắc, cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đang bị suy yếu. Ông cho biết:
“Đang có vấn đề, không bình thường, khác với các giai đoạn chống các đế quốc xưa khi mà ý của nhà nước đan quyện với lòng dân. Hai cái tạo nên sức mạnh tổng hợp. Với Việt Nam, vấn đề lòng dân là quan trọng bậc nhất. Nhưng hiện nay đang có vấn đề, chưa kết nối một cách rạch ròi, rõ ràng và thẳng thắn. Chỉ khi nào thể hiện được một chính phủ rạch ròi, thẳng thắn thì mới qui tụ được lòng dân và lúc bấy giờ mới thực sự tạo nên sức mạnh. Đó mới là truyền thống của người Việt; chứ còn đối với các loại phương tiện vũ khí, Việt Nam luôn thuộc các nước không sử dụng các loại vũ khí hiện đại nhất; nhưng biết cách sử dụng thì phát huy được hiệu năng, sức mạnh của vũ khí.
Hiện nay lòng dân đang có những vấn đề, mặc dù Nhà nước vừa qua cũng có những điều chỉnh, cũng có tỉnh táo hơn đối với láng giềng vĩ đại Trung Quốc; nhưng vẫn có những cái gì đó mà nhân dân thấy chưa thỏa đáng, vẫn còn có băn khoăn, lo ngại.
Đây là một trong những vấn đề mấu chốt, một trong những vấn đề sống còn của Việt Nam.”
Chỉ khi nào thể hiện được một chính phủ rạch ròi, thẳng thắn thì mới qui tụ được lòng dân và lúc bấy giờ mới thực sự tạo nên sức mạnh.
-Thiếu tướng Lê Mã Lương
Đại tá Bùi Văn Bồng thì cho rằng người dân Việt Nam hiện nay không hề muốn có chiến tranh xảy ra và để có được điều mong đợi đó, Hà Nội và đảng cộng sản Việt Nam cần phải có những cải tổ, chỉnh sửa:
“Người dân không muốn có chiến tranh xảy ra, lính cũng là người dân mà chết là chết con em của người ta. Yên tâm làm ăn thì tốt hơn. Ở đây không nói đến cải biến, hay cải cách… Theo tôi cải tổ cũng xoay quanh việc đảng cộng sản phải tự điều chỉnh, vừa có đức vừa có tài.
Thực ra cái tài đó biểu hiện ra sao thì dân chưa thấy. Điều chỉnh làm sao để có quan hệ ngoại giao thế nào, với nước nào, làm ăn trong cơ chế thị trường hiện nay ra sao, từ đó tạo cho đất nước phát triển và nhất là bảo đảm nhân quyền, nhân sinh và dân chủ là cái cơ bản nhất.
Lòng dân chỉ mong thế thôi, chứ đói vẫn chịu được, thiếu vẫn chịu được; nhưng mà rối loạn và chiến tranh thì người ta không chịu được. Nếu vì dân vì nước thì đảng và nhà nước phải có chủ trương, đường lối nhất quán, có lập trường, có chính kiến, có mục tiêu rõ ràng chứ không thể lúc thế này, lúc thế khác. Mà như thế thì còn đâu là đường lối nữa. Đã có đường phải có lối, mà đường lối phải rõ ràng chứ không thể lúc thế này, lúc thế khác, dân không tin được.
Theo tôi được biết những người dân, kể cả những người nghèo nhất họ vẫn nghĩ rằng cần yên lành chứ không thích bạo loạn, lật đổ, chiến tranh. Nhưng muốn không có bạo loạn, lật đổ thì đảng phải tự điều chỉnh một cách có tài năng, nhạy bén và kịp thời chứ không thể kéo rê tình trạng này được.”

Quan hệ ‘Mỹ-Việt’

Anh Huỳnh Trọng Hiếu, một bạn trẻ hiện đang tham gia công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, cũng có một số ý kiến về mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ trong tình thế Trung Quốc ngày càng lấn lướt ở Biển Đông:
“Tôi không đánh giá rằng lệnh bãi bỏ bán vũ khí sát thương đối với Hà Nội có ý nghĩa gì đó quá to lớn; nhưng tôi tin phía Mỹ đang thực hiện một chiến lược của mình và Hà Nội phải nằm trong quyết định đó, và họ phải chịu sự tác động, ảnh hưởng và chi phối từ các trung tâm quyền lực lớn này.

Họ bị rơi vào thế bị động. Những tương nhượng về nhân quyền chỉ là cách nói ngoại giao của hai nước. Nhưng thực sự tôi tin rằng, người Mỹ muốn Việt Nam có sự cải thiện nhân quyền, cũng như có bước đi nào đó mà người Mỹ có thể tin tưởng được trước khi bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Họ có thể cũng cần đến sự thay đổi chính trị nào đó ở Việt Nam mà họ đảm bảo rằng phía Việt Nam không gây một cản trở nào cho chiến lược quân sự của họ ở khu vực này.”
Hai quan chức cấp cao trong chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được nêu ra trong bài báo mà Reuters loan tải cho biết thảo luận về nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam hiện đang diễn ra tại thủ đô Washington và có thể quyết định sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét