Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Thỏ, gấu và bác sĩ Cát Tường


Một năm trước, giữa khi sự phẫn nộ của dư luận lên đến cực điểm trước hành vi phi nhân tính của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Công an TP Hà Nội “y như là gây sốc” khi công bố tội danh “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh…” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Nói sốc là ở chỗ, với định kiến là sự phẫn nộ, và hậu quả là có người chết, trong thâm tâm dư luận chờ đợi một tội danh đại khái như là “giết người”.


Nhưng Công an Hà Nội đã tuyệt đối đúng. Đơn giản là nếu không có người chết (cái xác vật chất) thì không thể có tội danh giết người. Đơn giản là cả khi có xác chết, nhưng không thể hay không còn khả năng chứng minh, thì đó cũng không thể là giết người hay làm chết người. Nguyên tắc suy đoán vô tội hay giả định vô tội, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của hình luật với cốt lõi là mặc định mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, đã được Công an Hà Nội áp dụng theo hướng có lợi cho bị can trong trường hợp này.

Công lý và cảm xúc của đám đông không phải bao giờ cũng giống nhau.

Nhưng, trong vụ án “Gấu tự nhận là thỏ” ở Bắc Giang (Mở ngoặc nói thêm: đây là từ dùng trong một chất vấn nghị trường chính thức của ĐBHQ Nguyễn Bá Thuyền), “con gấu” đã phải nhận mình là “con thỏ”, tự nhận tội hiếp, giết với một căn cứ buộc tội là “sự xuất hiện của y tại hiện trường vụ án” với một kích thước dấu chân (của ông Chấn) “gần đúng” với kích thước dấu chân thu được ở hiện trường. Tất nhiên, “con gấu” phải nhận mình là “thỏ” còn nhờ một số “biện pháp nghiệp cụ khác”.

Thế nào cũng có người thở dài chép miệng. Cơ sự đã không ra nông nỗi, Công an Bắc Giang không phải nhận trái đắng nếu vào thời điểm bị bắt, ông Chấn - con gấu khốn khổ trong câu chuyện “cổ tích đương đại” - được áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, được quyền giữ im lặng cho tới khi có sự có mặt của luật sư.

Ngày hôm qua, vụ án Nguyễn Thanh Chấn cũng như cái quyền tưởng như đơn giản ấy đã được Chủ tịch Quốc hội chất vấn đi chất vấn lại, như là một giải pháp cho tình trạng “gấu tự nhận là thỏ” không phải chỉ cá biệt ở Bắc Giang.

Quyền giữ im lặng, về mặt lý thuyết luật học, bắt nguồn từ chính nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, cơ quan công tố - nhân danh công lý và sử dụng quyền lực nhà nước có nghĩa vụ chứng minh một người là phạm hay không phạm tội, trong khi ngược lại nghi can, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.

Quyền được suy đoán vô tội được ghi nhận trong Công ước Quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc, chính là một trong những nguyên tắc nhân đạo nhằm đảm bảo quyền con người.

Nhưng phiên họp nghị trường hôm qua có lẽ đã khiến mọi người thất vọng. Mà thất vọng nhất là trước câu trả lời của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình. Nguyên văn: “Quyền im lặng là vấn đề lớn, nhiều nước thế giới đã áp dụng, nhưng khi đưa vấn đề này (ở Việt Nam) thì còn có nhiều ý kiến khác nhau”. Cụ thể, theo ông Bình: “Cơ quan điều tra không muốn quyền này, giới luật sư thì lại rất muốn” và chính vì “ý kiến khác nhau lớn quá cho nên chúng tôi chưa dám đưa việc này vào” (Dự thảo Luật Tố tụng hình sự sửa đổi).

Thật khó có thể im lặng trước một thực tế rằng việc muốn hay không muốn của những cơ quan có chức năng điều tra, công tố có thể được coi là một lý do khiến người ta thậm chí còn không đưa nó vào một dự thảo sửa đổi?!

Thật tội nghiệp cho những “con thỏ” tiềm năng!

Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét