Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

TRĂN TRỞ CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

aa
Ngày đầu tháng 9, trên 2 trang báo điện tử của một tổ chức dân sự xã hội có đăng nhiều thông tin dạng “trao qua – đổi lại” mang tính nội bộ, nhưng là “mở toang cửa nhà” để chia sẻ với độc giả câu chuyện của dân chủ.
Cũng ít nhiều lời lẽ hằn học, có chút “thiếu kiềm chế”, nhưng đó lại là sự bộc trực của suy nghĩ rằng với dân chủ, tất cả cần minh bạch. Dân chủ phải là nói đi đôi với làm. Từ những tranh luận trên 2 trang báo điện tử này, là một người viết báo, xin được chia sẻ vài ý với cộng đồng.
Làm báo
Hai trang điện tử được nhắc ở đây đều có chung mục đích là thông tin. Cả 2 trang đều trả nhuận bút cho người có bài chọn đăng. Quan điểm của tổ chức xã hội dân sự này là  “làm báo ôn hòa, sự thật, khách quan về chính trị và xã hội”.
Những tranh luận vừa diễn ra từ đầu tháng 9, chủ yếu về cung cách làm báo dân chủ phải khác với “báo quốc doanh” (tạm gọi bằng từ như vậy!).
Với người làm báo, trang báo là sản phẩm cuối cùng đến tay bạn đọc. Để có trang báo hấp dẫn là cả câu chuyện rất dài. Vẫn biết “miếng ăn là miếng tồi tàn/ mất ăn một miếng, lộn gan lên đầu”, song vẫn cứ xin mượn câu chuyện mâm cơm để nói chuyện làm báo.
Là đầu bếp giỏi trong chính ngôi nhà tam đại đồng đường của mình, luôn hiểu rõ thói quen ăn uống của từng thành viên. Thời củi quế gạo châu, có đủ tiền chợ đủ ngày 3 bữa đã là giỏi lắm rồi. Chế biến món ăn đa dạng, gia giảm gia vị để cũng ngần ấy nguyên liệu, ngần ấy tiền chợ, nhưng mâm cơm ngày nào cũng vẫn tươm tất, vẫn khiến người ăn ứa nước miếng thèm thuồng…, là điều chưa bao giờ dễ. Đó là chưa kể món ăn phải hợp vệ sinh, phải không mang đến các bệnh tật như cao huyết áp, mỡ máu, mỡ gan, sạn thận…
Đầu bếp giỏi còn là người biết cần giao tiền cho ai để có thể đi chợ vừa ý mình nhất. Và dĩ nhiên, quan trọng không kém là chuyện ông bà chủ trong nhà chọn ai để làm đầu bếp cho bữa ăn của đại gia đình.
Khi mâm cơm dọn ra có quá nhiều món không hạp khẩu vị, có lẽ cần coi lại chuyện chọn đầu bếp hợp chưa. Bà Mười Xiềm làm bánh xèo ngon nức tiếng đến tận xứ Mỹ, nhưng mở quán bán thức ăn thì khó sánh với bà Cả Đọi. Song cả hai bà đều danh trấn thiên hạ.
Khi mâm cơm bị ngán ngẫm, tất dẫn tới sức khỏe suy kiệt. Lúc đó, tờ báo tất yếu bị bạn đọc xa rời. Sông suối dần cạn nước thì cá làm sao tung tăng được. Túi tiền của chủ báo liên tục bị thủng xem ra tờ báo dễ lâm cảnh khốn khó…
Viết báo
Người viết báo chịu áp lực không kém người làm báo. Khi hầu bao teo tóp, cũng ngần ấy tiền chợ, vẫn phải mua đủ thịt, cá, rau, củ… để đầu bếp chế biến “sơn hào hải vị”.
Người viết báo kiếm cơm phải nhìn vào sắc mặt của chủ báo, của đầu bếp và của độc giả để biết cần chọn mua món gì về để có thể dọn ra mâm cơm hài lòng được ít nhất cả 3 đối tượng này.
Theo cách hiểu ấy, mâm cơm dành cho người dân nghèo, người dân đang chịu nhiều oan khuất với những tên gọi, những địa chỉ, những số phận cụ thể…, quả tình chưa được các đầu bếp của hai tờ báo điện tử nhắc ở phần đầu bài viết này, chăm chút đến.
Đại đa số người dân lao động thấp cổ bé họng cần có nơi lên tiếng để bảo vệ quyền con người hơn gấp bội so các thành phần khác. Mâm cơm dân chủ cần thiết biết bao với “dân ngu khu đen”.
Slogan của báo Nhân Dân là “Tiếng nói của Đảng”. Có bao nhiêu tờ báo của tổ chức xã hội dân sự đường hoàng trưng slogan: “Tiếng nói của Người Dân” ?
Xã hội đang rất cần thật nhiều những bài báo “đúng địa chỉ cần đến”, như một luật sư cùng chia sẻ với người dân những uất ức về mặt pháp lý, là tiếng nói kêu gọi công lý cho người dân bằng diễn giải luật, điều luật cụ thể. Người viết báo tâm huyết về chuyện này, sẳn sàng lăn xả vào chợ để chọn mua vì mâm cơm người nghèo oan khuất, chắc hẳn không ít.
Vì “quyền con người” để tôn trọng sự thật, để luôn nói được tiếng của Người Dân, có lẽ đó là mong ước của những người dân oan mấy mươi năm qua đang phải ăn dầm, nằm dề chốn công quyền để kêu gào cho sự tự do và công bằng. Đó còn là trăn trở của người cầm bút, khi thấy ngòi bút của mình nhiều khi chỉ là “mộng mị” so đời thường đang hừng hực lửa…
Minh Tâm (Nguồn Trí Nhân Media)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét