Các dấu trong văn viết biểu thị tình cảm, hình thái, văn cảnh, điều chỉnh mạch văn, sắp xếp ý cho có ngăn nắp, tránh hiểu lầm,... vốn không phải là phát minh của văn minh châu Á, Hoa Hạ và cố nhiên càng không phải là sáng tạo của Việt Nam. Nói cho cùng, nếu không sử dụng bộ chữ La Tinh, vốn phát minh ra ở Âu Châu, thì có khi chưa có Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn, Tiểu thuyết Thứ Bảy, văn học cách mạng,... Có thể nhân tiện kể luôn cả văn học phản động vào đây, vì vốn ngôn ngữ chẳng có lập trường. Có chăng là những cuốn tiểu thuyết với giọng như tuồng cải lương với những "thế ru", "há chẳng",...
Cho đến nay đọc văn Tàu mới thấy, họ dùng các dấu trong câu rất kém, kém xa người Việt, chất lượng tồi, dùng không chuẩn xác, câu thì dài lê thê, với các mệnh đề chẳng ăn nhập gì với nhau, luộm thuộm chẳng khác một mụ già hàng cá lắm điều ngồi kể lể từ chuyện cá mú ươn sang chuyện con mèo hàng xóm sang ăn vụng nồi cá kho nhà mình. Âu cũng là cái hiếm hoi chúng ta có thể tự hào, biết đâu lại là lối ra mà chúng ta có thể nhanh chân bứt hẳn khỏi anh láng giềng cú đỉn khó chịu. Không phải là tất cả, nhưng đại đa số các ưu thế hiếm hoi của chúng ta với anh láng giềng này đều có xuất phát từ trời Tây.
Trước khi cao đàm khoát luận về những vấn đề "vu khoát" mà đa phần đều dẫn về một điểm bế tắc chung, chúng ta hãy trở lại chủ đề chính, là chuyện sử dụng những dấu trong văn viết. Điều kỳ lạ là không ai để ý tới việc sử dụng các con dấu, ngay cả trong nhà trường cũng chẳng biết năm nào khi nào thì người ta dạy cách dùng dấu. Tôi dám đánh cuộc là chẳng có sách vở nào nói đầy đủ về quy tắc sử dụng các dấu như chấm, phảy, xuống dòng, chấm phảy, chấm than, chấm hỏi, ngoặc đơn, ngoặc kép,... Rồi chúng ta phê phán, sửa lỗi, dạy bảo nhau, cũng chẳng dựa trên quy chuẩn nào. Hoàn toàn kinh nghiệm và cảm tính. Có một giáo sư Việt Kiều khá nổi tiếng, thành danh về chuyên môn xong xuôi khi còn trẻ, nên anh bỏ thời gian đáng kể để dạy dỗ lớp trẻ, phê phán lớp già người Việt về viết văn. Nhưng có lần anh sử dụng dấu phảy sai một cách có hệ thống, tôi góp ý (theo yêu cầu của anh), thì anh ta tự ái đến mức phản ứng, và khi tôi giải thích rõ anh chẳng buồn cảm ơn một câu cho lịch sự. Chuyện chữ nghĩa ở ta còn ở mức phân định theo cảm tính, mà đã cảm tính thì đi liền với tự ái, chầy cối, có khi thù hằn, chiến tranh, tìm cách hủy diệt nhau như chơi.
Có người bảo dùng các dấu dễ, chẳng cần học: Này nhé, dấu chấm dùng để ngắt câu. Câu là phức hợp là gồm các mệnh đề có liên quan chặt chẽ với nhau. Ấy thế mà dịch các câu tiếng Việt ra tiếng Anh, kể cả các đề tài chính trị, văn chương hay khoa học rất nhiều khi phải dịch một câu thành ba bốn câu mới đúng quy định hành văn tiếng Anh. Thuở tôi mới về Việt Nam, cũng mấy lần được vinh hạnh viết diễn văn cho lãnh đạo. Các câu văn của tôi thường ngắn gọn, ít tán thán, thường bị chê là văn Tây. Sau đó được khen có tiến bộ với một cải tiến nhỏ, cố gắng đừng chấm câu 2,3 lần trước khi chấm một câu, thế là rõ văn Việt. Đơn giản, cứ như tụt giày Tây đi dép lê, kéo áo sơ mi ra ngoài quần, xắn ống tay quá khuỷu, xỉa răng toành toạch... là hòa đồng với văn hóa Việt.
Đọc văn Tàu mới thấy, bản năng hướng Hoa của người Việt ta nó mạnh đến mức thành bản năng ở cả chi tiết nhỏ, đến nỗi ngẫu nhiên đi nhanh hơn được có chút lợi thế cũng phải đi chậm lại, vứt bỏ lợi thế để hướng về phía anh bạn láng giềng. Có lẽ cũng nên làm một nghiên cứu nhỏ thống kê về các câu dài lê thê trong tiếng Việt, tiếng Tàu để so sánh với cách viết tiếng Anh.
Bạn có thể nói tôi là đang làm to chuyện, có mỗi chuyện dấu chấm. Tôi có thể bảo đảm là việc dùng dấu phảy cũng có vấn đề, đặc biệt sử dụng dấu xuống dòng là một xa xỉ phẩm. Nếu nhìn vào văn bản, có thể đánh giá, ít nhất 95% sinh viên, học sinh, trí thức có bằng cấp học vị, không biết sử dụng dấu xuống dòng để làm gì. Đơn giản, thích xuống thì xuống, nhiều khi chỉ vì lý do mỹ thuật.
Sử dụng dấu phảy, dấu chấm và dấu xuống dòng sai không đơn thuần là vấn đề chính tả mà là vấn đề tư duy. Sử dụng sai lâu ngày, tư duy cũng bắt đầu luộm thuộm, sai hàng lối, nghĩ nói như người Tàu mà không hay.
Một vấn đề tinh tế hơn, không đến nỗi khẩn cấp, nhưng lấy ra làm ví dụ: Bạn hãy thử hỏi 100 người xem: khi dấu ngoặc kép và dấu chấm câu đứng liền nhau thì dấu nào để trước. Tôi thực sự lấy làm mừng cho tương lai của tiếng Việt, nếu có 10 người chắc chắn được là nên làm thế nào. Chỉ mười phút trước khi viết những dòng này, tôi vừa phát hiện một anh bạn thân, một đại trí thức, biết vài thứ tiếng, chuyên nghề chữ nghĩa, sử dụng sai một cách có hệ thống. Đó không phải là vấn đề "anh sai tôi đúng". Sai sót là chuyện thường, ắt tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng khi các đại trí thức đều sai, thì lỗi không phải tại họ mà là lỗi của một cộng đồng, không có chuẩn mực không có hệ thống giá trị
Một dân tộc, một tầng lớp trí thức không hình thành được hệ thống chuẩn mực từ cái nhỏ, đến tiêu chuẩn đánh giá đúng sai, xấu đẹp, dân tộc đó sẽ còn bất hạnh, tầng lớp trí thức đó nên tập trung về việc bón ruộng. Vì trí thức không đoàn kết sẽ bị người có quyền, có tiền chia rẽ lợi dụng sai kiến mua rẻ. Dân tộc sẽ chia lìa, không có giềng mối, ắt sinh ra bọn Mạc Thúy, Mạc Viễn, Nguyễn Huân, Trần Quốc Kiệt.
Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là không có chuẩn. Căn cứ vào đâu mà nói đúng nói sai. Có lẽ đến đây phải nhớ lại là các dấu văn bản là do người Âu nghĩ ra. Khi trò bí không gì bằng hỏi thầy, trừ phi chúng ta quyết tâm không làm những việc do thầy dậy, quay lại với thẻ tre và những kiệt tác không hề ngắt câu, để các thế hệ học giả còn có việc "không đàm", trốn việc cầm lấy mỏ hàn, bàn phím để khỏi làm ra sản phẩm hữu hình, mà vẫn được danh vọng cao siêu.
Quy tắc ở Châu Âu rất đơn giản, gần như nhất quán: Nếu trong dấu ngoặc kép là một hoặc nhiều câu trọn vẹn, thường là một đoạn trích dẫn, dấu chấm câu sẽ luôn luôn đi trước dấu ngoặc kép. Nếu trong ngoặc chỉ là một từ, đoạn câu hoặc ý "nháy nháy" đứng ở cuối câu, dấu chấm sẽ đứng sau dấu ngoặc kép. Tất nhiên quy ước này dựa trên lý luận và cách tư duy cẩn thận. Để đạt được cách tư duy, hiểu được lý luận là một chuyện khó, dài dòng, nhiều khi lại bị quy là "viển vông" hay "không đàm ngộ quốc". Đơn giản nhất là cứ quy ước.
Nhân đây có một câu hỏi, có thể làm nhiều người nổi quạu (Mời ra hàng cam mua vài quả về bóp chơi, tôi xin thu mua vỏ nguyên trái): Giới ngôn ngữ nghiên cứu những gì suốt mấy chục năm nay mà không có ai quan tâm đến những vấn đề quan trọng và đơn giản như vậy?
Trộm nghĩ, giới ngôn ngữ học không phải là ngoại lệ, nên ắt cũng mắc căn bệnh chung của giới học giả Việt Nam, một giới học giả có nhiều nét giống nhà cầm quyền hơn là trí thức. "Cao thì chê là viển vông, gần thực tế thì chê là ti tiện tầm thường, sai thì bắt lỗi vụn vặt, nói đúng thì dùng, nhưng trong bụng đã ngầm ghen ghét bỏ rơi". Các bạn nghĩ câu nói này vốn nói về ai, có giống đa số học giả của ta không? Đó là viết lại ý của Hàn Phi nói về Tần Thủy Hoàng đấy. Ngạc nhiên chưa? Riêng điểm đó đã có thể thấy vì sao, trí thức của ta luôn luôn sợ làm việc cụ thể, thực tế, chỉ thích tham gia hội đồng chém gió, hay nói xấu sau lưng những người có thành quả cụ thể, dựa trên việc ăn mày dĩ vãng.
Giới ngôn ngữ học lại còn có một việc nữa khá bận rộn, vì vấn đề không đơn giản vớ vẩn như hai nhân hai là bốn, vì vậy cứ một ông A có một thành tựu khoa học lùm lùm cao hơn mắt cá, sẽ có một ông đến đào ao bên cạnh. Có lẽ đây cũng không phải là vấn đề gì lớn vì nó quá nhiều vấn đề lặt vặt nói không hết, nói cũng chẳng để làm gì, và chúng sẽ còn mọc như cỏ mùa xuân, nếu chúng ta không tìm đến tận nguồn nước.
Tôi ngạc nhiên khi thấy giới ngôn ngữ của ta, ứng dụng chẳng có mấy thành tựu, cũng chưa hề nghe tên tuổi trường phái nào được nhắc nhở, trích dẫn trên trường quốc tế, nhưng làm tinh những vấn đề lớn lao to tát. Nào đả phá Chomsky, nào lật nhào toàn bộ nền tảng ngữ pháp phương Tây, nào khoa học nâng cao tinh thần yêu nước độc lập dân tộc, đưa ra cách tiếp cận mới như Cô péc níc,... Khoa học tự nhiên cũng có những cách làm khoa học như vậy, thường chẳng đi đến đâu, đa số là do thất học và lười biếng, đôi khi ghen tỵ, hiếu danh hão mà không muốn khổ công. Họ hay bám lấy những lập luận chẳng liên quan gì đến khoa học, nên được gọi chung là "broken pot science" (Khoa học Niêu mẻ).
Cũng phải nói, Khoa học Niêu mẻ, gắn liền với các nhà học phiệt, xa rời thực tế, chuyên nói chuyện "không đàm", nhưng gặp vấn đề thực tế là lập tức thoái lui, đóng vai trò phản biện, giống như ký sinh trùng. Thực ra, giống mèo mù cáo thọt, tồn tại dựa vào nhau. Chính vì thế, những vấn đề đơn giản, cấp bách ở ta, hàng chục không có ai làm, hoặc giả có những người muốn làm sẽ có cả một đội ngũ hùng hậu hơn, lớn tiếng hơn bàn lùi, ngăn cản. Cuối cùng, như hệ quả tất yếu, lại nảy sinh những việc làm bừa, theo cảm tính kinh nghiệm, để rồi khi thất bại, dậu đổ bìm leo, lại chính những kẻ cổ súy to mồm nhất "làm đi nhưng để tôi" xông ra phản biện.
aivietnguyen
http://aivietnguyen.blogspot.ca/search/label/K%E1%BB%B9%20n%C4%83ng%20s%E1%BB%91ng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét