Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Nhạc của thời chúng tôi - nhạc những năm 60-70

Nhạc của thời chúng tôi - nhạc những năm 60-70


Con trai và con gái tôi nghe những loại nhạc mà tôi không thể tiêu hóa nổi. Nhưng có phải giống như cha mẹ tôi cũng không thích nghe nhạc của thế hệ chúng tôi? Tôi nhớ là cha mẹ tôi rất thích nghe nhạc mà thế hệ chúng tôi đã từng nghe.

Tôi đã cố suy nghĩ thật khách quan và vẫn thấy thế hệ 60-70 đã sản sinh một thế hệ vàng trong âm nhạc. Một ban nhạc tầm trung bình thời đó cũng có thể trở thành một ban nhạc thượng thặng ở thời kỳ sau. Sau thời kỳ đó, ngoại trừ ban nhạc Eagle của những năm 80, Michael Jackson của những năm 80-90 thì không còn một ban nhạc và nhân vật nào đáng kể có thể so sánh với thời 60-70.

Để nhớ lại âm nhạc của thời kỳ này tôi đã thử thiết kế một chương trình gồm 45 bài (hơi nặng một chút, phải mất nguyên một buổi tối để nghe)
https://www.youtube.com/playlist?list=PL7F1508973F9ECE26

Trước hết, mở đầu đương nhiên là ban nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại là Beatles và người tôi thích nhất là George Harisson. Bài mở đầu Here comes the sun là thích hợp nói về sự hội tụ của thế hệ vàng và sau đó là My sweet lord nói về cái tâm linh tối thượng để rồi quay lại với ngày hôm qua Yesterday trong sáng.

Bee Gees là một ban nhạc lớn. Nhưng có lẽ bản thích hợp duy nhất với phong cách của thời kỳ này là Massachusetts. Tôi rất thích bài này và giọng hát của ca sĩ. Bee Gees chân chính là phong cách của thời kỳ sau, của Discotheque. Tiếp theo tôi chọn Mississipi của Pussycats. Vào thời 70 tôi chưa có dịp nghe Pussycats, mà có nghe chắc cũng không hiểu được. Bây giờ nghe lại thấy say mê, nghe mãi không chán cái hoài niệm về một vùng đất thênh thang, hùng vĩ, với những con người có tâm hồn khoáng đạt. Chất Mỹ trong bài hát này nhiều đến nỗi khó tin đó là một ban nhạc Hà Lan. Clip cũng rất hay với trang phục cao bồi, tiếng guitar thùng xen lẫn guitar Hawaii. Mặc dù yêu Pussycats nhưng tôi không thể chọn bài thứ hai của ban nhạc này vì phong cách gần giống nhau và không thể vượt được Mississipy.

     Tôi trở lại bờ sông Ohio với giọng hát vời vợi của Joan Baez. Tôi luôn luôn nhớ đến chị đã đến với Hà Nội trong chiến tranh và hát tại Nhà Hát Lớn. Rồi chị cũng đã tổ chức những cuộc đi bộ để chống việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Có thể về chính trị, chị là một người đơn giản, nhưng chắc chắn chị là một người trung thực. Nói đến Joan Baez, không thể không nhắc đến Bob Dylan và bài ca để đời của anh Blowing in the wind.

     Cũng theo một giòng nhạc đó, đỉnh cao là Simon & Garfunkel với bộ ba tuyệt vời El condo Pasa, Scarborough Fair và The sound of silence. Tôi muốn lấy thật nhiều bài của Simon & Garfunkel vì bài nào cũng tuyệt vời, đứng chót vót trên đỉnh cao của một thời kỳ. Sau này cho đến khi Simon về già, đến hát ở New York, tôi vẫn yêu ông.

      Có lẽ cặp đôi dễ thương nhất của thời kỳ này là Mouth & Mac Neal với How Do You Do và Hello A. Đáng lẽ tôi chỉ chọn một bài của họ, nhưng họ dễ thương trong sáng đến nỗi tôi không thể cầm lòng chọn bài thứ hai cũng hay không kém. Về âm nhạc, có lẽ các bài này chưa so sánh được các bài trong danh sách, nhưng sự dễ thương của họ không ai bằng.

     Nói đến nhạc 70, không nhắc đến ABBA là khiếm khuyết. Đối với tôi, Agnetha là hiện thân của cái đẹp tươi sáng, không ai, không bao giờ có thể cưỡng lại sức cuốn hút của nàng với bộ tóc vàng thiên thần đầy ánh sáng. Nhìn nàng hát có thể thấy xung quanh là một vầng hào quang. Thời đó chúng tôi vẫn tranh luận Agnetha và Annie-Frid ai hơn. Tôi luôn ngả về Agnetha, không bao giờ thay đổi, mặc dù Fernando của Annie Frid thật tuyệt vời. Bài tôi thích nhất cố nhiên là Eagle bay đến bầu trời cao tự do và tới với cái đẹp. SOS và I do, I do âm nhạc trong sáng, du dương, rộn rã tươi vui và băng clip tràn ngập hình ảnh đẹp tuyệt vời, lộng lẫy và duyên dáng của Agnetha.

      Rồi chúng ta lại phải quay trở lại với Beatles với cặp bài không thể tách rời All my loving và And I love her. Tình yêu chỉ đơn giản như vậy. Sau đó là một bài nữa là đỉnh cao của John Lennon, Imagine. Âm nhạc sang trọng, yêu thương, lãng mạn. Từng nốt một thấm vào tâm hồn người và đọng ở đó bao nhiêu năm tháng để rồi kết tinh, lên hương ở nhiều cung bậc.

      Rất tiếc, Shocking Blue là ban nhạc mà tôi thích, nhưng chỉ có Venus là vượt tầm. Và tôi cũng có lý do để yêu cái tên này. Middle of the Road có lẽ không phải là một ban nhạc vĩ đại, nhưng có rất nhiều bài dễ nghe, đáng yêu, giai điệu yêu đời, thúc giục người ta làm những điều tuyệt diệu. Mỗi lần nghe Middle of the Road tôi lại nhớ tới những mùa hè của tuổi trẻ, khi trong mạch máu rừng rực tuổi xuân đầy khát vọng, cảm thấy cái nóng bỏng của hè đang tới với màn dạo đầu là màu hoa tulip đỏ, mùi thơm nồng nàn của tử đinh hương và tiếng rì rào trong các bụi cây đêm hè với những nụ hôn đầu đời. Có lẽ vì thế tôi chọn liền 4 bài của Middle of the Road: Soley, soley, Chirpy chirpy chip chip, Samson and Delilah và  Sacramento. Trước khi chuyển sang cao trào, tôi thấy cần phải nghe Something của Beatles để lắng đọng lại.

    Cao trào của chương trình bắt đầu bằng Apache của The Shadows. Đây là bản nhạc hoài niệm lớn nhất của chúng tôi. Suốt năm ngoại ngữ, chúng tôi nghe bản này vào lúc đêm, để nhớ về Hà Nội, bạn bè và gia đình. Nhiều khi lo thắt ruột với những tin về binh lửa. Thời đó chúng tôi gọi bài này là "Lên giường". The Shadows chỉ chuyên chơi nhạc không lời, ngón đàn guitar điêu luyện đi vào hồn người, Điều đáng ngạc nhiên, dù rất muốn tôi không thể chọn bài thứ hai của The shadows, có lẽ vì đã trót yêu Apache mất rồi. Công bằng mà nói các bài khác đều na ná giống như Apache và không hay bằng.

    Trước khi đi đến các đỉnh cao, không thể không nghe Je t'aime .. moi non plus với giọng ca của Serge Gainsburgh và Jane Birkin. Đây là một bài đỉnh cao về tình yêu và truy hoan. Sau này Brigitte Bardot cũng hát lại với Serge Gainsbugh và có cảnh. Cố nhiên xem thì hay hơn vì BB đẹp, nhưng hát không thể bằng. Smokie xuất hiện muộn hơn, nhưng Layback in the arms of someone nghe ngay sau Je t'aime ... moi non plus thì hay không thể tưởng tượng được, nhất là với giọng đầy nam tính của Smokie. Sau đó hay nghe Without you với giọng hát của Harry Nilsson, một bài được cả lời lẫn nhạc. Say mê tình dục vẫn không thể thiếu được lãng mạn vô tư.

     Bộ đôi Sugar baby love và Tonight của Rubettes bây giờ vẫn làm tôi nhớ lại cảm giác say mê cuộc sống, nồng nàn như lửa, giọng ca đầy mê hoặc như dụ dỗ người ta tới với những nhịp uốn lượn. Tôi mê bộ đôi này đến nỗi muốn chọn thêm vài bài của Rubettes nhưng không thể, vì bộ đôi này là đỉnh cao không thể vượt qua.

     Và đây là NÀNG: Suzie Quatro, người phụ nữ đẹp nhất, lôi cuốn nhất. Vào những năm ấy nàng vẫn thường tới Hungari biểu diễn ở đảo Margit. Tôi nhớ có buổi tối chúng tôi cũng ra đó tới gần nơi có buổi trình diễn, để thấy Suzie từ xa trong bộ áo da nổi tiếng. Không có người phụ nữ nào nhiều năng lượng, đam mê, cuốn hút, bùng nổ như Suzie. Tôi thích Agnetha, nhưng say mê Suzie. Hãy nghe Can The Can và If you can't give me love. Nếu như người khác tôi thích thì muốn chọn thật nhiều, riêng Suzie vì say mê mà tôi bắt buộc chọn ít bài. Một là để tôn sùng trân trọng Suzie, nhưng không trái tim đàn ông nào chứa nổi và tiêu hóa nổi quá nhiều nhiệt tình của Suzie. Dù vậy tôi vẫn phải chọn thêm một bài Suzie hát chung với  Chris Norman (Smokie) Stumblin' in  rất dễ thương, đúng là một cặp trai gái tài sắc, tuyệt đỉnh của cái đẹp.

    Thật bất công khi tôi chỉ chọn được một bài của bộ ba vĩ đại Deep Purple, Eric Clapton, Led Zeppelin với tuyệt phẩm Smoke on the Water. Mỗi người trong bọn họ đáng phải có một chương trình riêng. Nghe bản này sau Suzie thì mới thoát được cái cám dỗ của nàng. Rồi lại phải tiếp Rolling Stones với Angie. Và ban nhạc mà tôi thích nhất là Creedence, với nhịp trống uyển chuyển tuyệt vời. Người ta nói âm nhạc bắt đầu từ các bộ gõ, nhưng đến Creedence thì bộ gõ mới thành nhạc thực sự. Tiếng trống mà như có hồn. Tôi chỉ chọn hai tuyệt phẩm Hey tonight và Have you ever seen the rain để nhấm nháp cái tuyệt vời của Creedence. Mặc dù tôi có thể chọn hẳn một chương trình của Creedence để nghe mãi không chán. Mãi mãi yêu Creedence. Phải liên tiếp có các ban nhạc vĩ đại, nhân vật vĩ đại mới làm chúng ta dứt khỏi tình yêu với Suzie Quatro. Nhưng thực ra đến đây tôi vẫn còn nghe văng vẳng Can the Can.

    Boney M không phải là một ban nhạc vĩ đại, nhưng vui tươi với giọng nam tuyệt vời. Tôi chọn ba bài rất hay The Rivers of Babylon, Daddy Cool và Bahama Mama. Trước khi kết thúc, chúng ta lại phải quay lại với Abba với tuyệt phẩm da diết Fernando và thêm bài Dancing Queen để thấy lại Agnetha một lần nữa.

     Để kết thúc chương trình, tôi xin chọn ca sĩ Hy Lạp Demis Roussos vĩ đại với bộ ba Una Paloma Blanca, Good bye my love good bye và Forever Forever bất hủ. Chia tay rồi vẫn còn cảm xúc ấn tượng mãi mãi. Mãi mãi tôi yêu thời đại vàng của âm nhạc 60-70. Tôi thấy may mắn được lớn lên vào thời kỳ đó để tâm hồn mình thấm đẫm một thứ âm nhạc lãng mạn, đẹp đẽ và tuyệt diệu đỉnh cao như thế.
    
     Chắc chắn 45 bài này không đủ, cũng như nhiều ca sĩ, ban nhạc vĩ đại chưa được chọn. Đây chỉ là nét phác họa về âm nhạc của một thời kỳ của những tâm hồn vĩ đại.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét