Lốc Liếc
Dân Luận: Đúng là thoát Trung không phải là bài trừ những nét văn hóa lắt nhắt như sư tử đá hay đèn lồng đỏ. Mà là học hỏi văn hóa duy lý, tư duy phản biện, tôn trọng tự do cá nhân, dân chủ và quyền con người của phương Tây. Tuy nhiên, tác giả và blog Mõ Làng hình như hơi quá vội vàng đổ vấy chuyện bài trừ sư tử đá cho các nhân sĩ phe dân chủ, gán ghép chuyện dở hơi này với trăn trở Thoát Trung của họ. Xin hỏi có bao nhiêu người trong phe dân chủ cổ vũ cho hành động này? Hay chính đó là tư duy dốt nát của chính quyền, mà đại diện là Bộ Văn Hóa?
Chiềng Chạ: Sau vụ TQ hạ đặt giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại Việt Nam, một động thái cho thấy tư tưởng "Đại Hán" của Quốc gia láng giềng đang trở nên rõ nét hơn lúc nào hết. Và như một phản ứng mang tính cấp thiết, các học giả, các nhà "rân trủ" gần như ngay lập tức đào sâu, nghiên cứu và cố tìm cho kỳ được sự chuyển biến có phần mau lẹ đó của Trung Quốc! Trên hành trình ấy, họ đã thấy ra được nhiều điều và một trong những vấn nạn có nguy cơ trở thành hiểm họa trước mắt đã được đưa ra: Việt Nam đã quá "lệ thuộc", phụ thuộc quá nhiều vào TQ trên nhiều lĩnh vực và để "cứu nước" không ngoài việc tìm ra một giải pháp căn cơ để thoát khỏi những sự lệ thuộc ấy. Thật nực cười, trong khi "các “nhơn xỹ” ầm ĩ hội thảo bàn chuyện “thoát Tàu" mà chưa thấy một giải pháp nào khả thi thì thiết thực hơn khi những nhà Văn hóa muốn thoát Tàu bằng cách “bài trừ” những con sư tử đáXin giới thiệu bài viết "Thoát tàu là thoát sư tử đá" đăng trên Lốc Liếc..
Khoảng hơn một tháng trước, khi thấy các “nhơn xỹ” ầm ĩ hội thảo bàn chuyện “thoát Tàu”, tôi còn đang phân vân lắm, vì chưa hiểu rõ, thoát Tàu là thoát cái gì.
Các “nhơn xỹ” thì nói như đinh đóng cột, rằng thoát Tàu, tức là thoát về “ý thức hệ”, nhưng “ý thức hệ” cuả Tàu, nó là cái gì? Bản chất có giống “ý thức hệ” của Ta không? Và nếu có giống nhau thật, thì tại sao các “nhơn xỹ” không kiến nghị để Tàu nó phải thoát Ta, mà lại cứ khăng khăng đòi Ta phải “thoát Tàu”? Lưu ý là nếu xét đến yếu tố “bản quyền”, thì “ý thức hệ” của Ta sinh ra trước Tàu vài năm, vậy Tàu nó phải “thoát Ta” thì mới là phải đạo. Trong khi quan hệ Ta – Tàu từ trước đến nay, thì điều quan trọng nhất vẫn có đó:
Xưa, Tàu cho không, biếu không Ta đủ thứ (có lúc Tàu định “biếu” cả người, nhưng Ta không nhận) mà còn đách cấm được Ta chơi với Nga Xô, rồi "uýnh" cho Mỹ cút, "uýnh" Ngụy nhào, "uýnh" Khờ me đỏ, sau lại "uýnh" luôn cả Tàu.
Xưa đã chả cản được ta "uýnh", và nay thì, làm cách nào để Tàu có thể cấm được Ta thực hiện “mong muốn làm bạn với tất cả các nước”, như Ta đã tuyên bố công khai với bàn dân thiên hạ, ngay trước mũi Tàu đấy thôi. (Sáng nay (15/9/2014), nghe tin radio, quả vải, quả nhãn Ta rồi đây sẽ sang “làm bạn” với dân Mỹ).
Do chả thấy vị “nhơn xỹ” nào đòi Tàu thoát Ta về “ý thức hệ”, tôi buộc phải đi đến kết luận rằng, thực chất các “nhơn xỹ” của chúng ta chỉ nhăm nhăm đòi “Ta thoát Ta”. Nhưng ngoài mồm các ông ấy cứ hô toáng lên là “thoát Tàu”.
Cho đến hôm nay đọc báo mới biết, hóa ra các nhà làm Văn Hóa nước nhà mới thực sự là người muốn thoát Tàu, thật đơn giản, bằng cách “bài trừ” những con sư tử đá.
Gì chứ “thoát Tàu” kiểu này thì tôi đồng ý ngay, nhưng vì lý do gì, để nói sau.
Quả vậy, một chiến dịch bài trừ “linh vật ngoại lai” ra khỏi các đền chùa, di tích, công sở, do Bộ Văn hóa đề xuất vừa được phát động và hưởng ứng rầm rộ.
Trong công văn của Bộ Văn Hóa, “linh vật ngoại lai” được chỉ đích danh là “sư tử đá” và “một số vật phẩm khác”.
Cụ thể, thì đó là những con sư tử đá, tạc theo lối Tàu, ví dụ như hai chú này, đang canh cổng đình Yên Phụ:
PGS Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia ví von "Đem hai tên lính ngoại quốc canh cửa nhà mình, liệu có được yên ổn?".
Trước hết, phải nói là tôi không thấy ví von của PGS Trần Lâm Biền có tính thuyết phục chút nào, vì chỉ có những anh “có điều kiện” mới có thể thuê người nước ngoài canh cửa. Sau đó, nếu bàn đến chuyện liệu có được “yên ổn” với “lính ngoại quốc” thì mỗi ngày, có hàng trăm chuyến bay Việt do cơ trưởng là người nước ngoài lái và 100% hành khách vẫn giao trọn sinh mạng cho các “tên lính ngoại quốc” đấy thôi, sao không thấy ai thắc mắc.
Hơn nữa, những con sư tử đá ấy cũng không thể gọi là “lính ngoại quốc” vì chúng được làm từ đá Đà Nẵng, Thanh Hóa hay Ninh Bình cả, lại do chính tay thợ Ta tạo tác. Tức là chỉ có mỗi cái hình dáng bên ngoài, lớp vỏ, là “theo kiểu Tàu”, thì có khác gì Ta mặc quần “phăng”, áo “phông” giặt bằng “xà bông”, nghĩa là toàn thứ “ngoại lai” cả, mà thiên hạ có ai gọi Ta là Tây đâu.
Xét thực chất, thì ở Tàu, con sư tử cũng không phải là một sinh vật bản địa, chính người Tàu cũng du nhập nó, mới thành ra con sư tử đá kiểu Tàu.
Thôi thì khi đã quyết dẹp bỏ các “linh vật ngoại lai” thì phải dùng các linh vật thuần Ta để thay thế. Linh vật Ta là thế nào, đại khái các nhà nghiên cứu cũng lúng túng, hiện nay tạm thống nhất lấy con Nghê để thay thế.
Ở Ta, ngoài con Nghê thì còn có mấy con khác được gọi là “linh vật”, từ voi đá, ngựa đá, chó đá, đến những con chưa biết đặt tên gì, nhưng phổ biến nhất vẫn là con Nghê. Con Nghê có mặt từ lan can cho đến cổng làng, cổng chùa, dinh thự, lăng tẩm, đền miếu với đủ loại hình thức (tượng tròn, phù điêu) và chất liệu (vữa vôi, đá, đồng, gỗ).
Con Nghê, thì cũng không phải là linh vật 100% thuần Việt, vì ở Tàu con sư tử đá có lúc còn được gọi là con Toan Nghê. Nhưng con Nghê ở ta trông vừa nhang nhác con sư tử lại vừa giống con cún con nên khi dịch ra tiếng Anh, các nhà chuyên môn ít khi dịch là lion mà hay dịch là fo dog, khổ thay, chữ Nghê trong tiếng Hán cũng gồm bộ Cẩu (chó) với chữ Nhi (trẻ con) mà thành.
Ta cũng chả có huyền thoại hay truyền thuyết gì về con Nghê, chỉ biết những con Nghê đã có mặt ở các di tích từ hàng nhiều trăm năm trước khi con “sư tử đá kiểu Tàu” đổ bộ vào di tích, đền chùa và công sở như ngày nay.
Và đây là hai “linh vật thuần Việt” khác, rất đẹp, nhưng giới chuyên môn cũng chưa biết đặt tên là gì.
Bây giờ, ngắm Nghê, rồi so con Nghê với con sư tử Tàu, thì thấy rõ: Con Nghê đầu to, chi trước mảnh dẻ hơn chi sau, thân trơn, có khi có vảy, dáng vẻ vẻ hiền lành. Mắt nhỏ vừa phải, miệng có khi ngậm khi há nhưng không phô ra hàm răng nhọn như để đe dọa. Trạng thái biểu cảm khá đa dạng, từ vui tươi (nơi cổng đình, cổng làng), nghiêm trang, cung kính (đền miếu) đến buồn rầu (nếu ở lăng tẩm).
So với con Nghê thì con “sư tử đá kiểu Tàu” có ít tính cách điệu hơn, nghĩa là thiên về tả thực dáng vẻ hung dữ, trấn áp với cơ bắp, móng vuốt, răng nanh và vẻ mặt.
Ví dụ như thế này:
Xét về độ oai phong, nghê không thể sánh được sư tử, ngược lại về sự thân thiện, thì Nghê gần gũi con người và cảnh quan hơn.
Về cách bố trí trên mặt bằng thì ở Ta, con Nghê và các linh vật khác thường được xếp theo vị trí “chầu”, như nghênh đón, tức là được đặt cân xứng hai bên lối đi, hướng nhìn vuông góc với trục giao thông (sân, đường). Còn ở Tàu, thì đôi sư tử đá được bố trí theo tư thế “trấn”, có cái nhìn uy hiếp và trực diện vào khách dọc theo trục đường.
Như đã nói ở trên, con Nghê cũng không hẳn là thuần Việt, vậy tại sao tôi lại đồng ý với việc thay thế “sư tử đá kiểu Tàu”?
Đơn giản, xem ảnh thì biết, chỉ vì tôi thấy con “Nghê” đa dạng, hiền lành và nhất là đẹp hơn con “sư tử Tàu” hung hăng và đơn điệu. Chỉ thế thôi, chứ không hề mơ mộng hão huyền thoát nọ thoát kia.
Nhưng, ở các di tích cổ, đền, chùa, đình, miếu, dùng Nghê, Sấu, Voi, Ngựa đá... thì được, chứ ở các nơi công sở, thay con sư tử đá bằng con Nghê, con Sấu, thì buồn cười lắm. Hay là ta cứ đặt quách con chó đá ở công sở, có khi lại hay các Ngài ạ, vì sẽ đỡ "trộm".
Thực tình, khi viết entry này, tôi vẫn hy vọng là các nhà làm công tác Văn Hóa nước ta không thiếu tự tin tới mức phải tiên phong “thoát Tàu”, bằng cách mở chiến dịch “bài trừ linh vật ngoại lai”, mà tội đồ chính là những con “sư tử đá ”, vốn được làm từ đá Việt và do chính thợ Việt tạo tác, chỉ tiếc, với hình dáng “kiểu Tàu”.
Có chút khôi hài là, để thoát khỏi những con “sư tử đá kiểu Tàu” vô tri vô giác, thì các nhà Văn Hóa lại dùng 4 chữ thuần Tàu là “Linh Vật Ngoại Lai”, (nếu cộng thêm 2 chữ “bài trừ” nữa thì là 6, cộng thêm 2 chữ “chiến dịch” nữa thì thành 8 chữ thuần Tàu...), thành ra các Ngài chưa “thoát” được chỗ nọ thì đã lại “nhập” chỗ kia. Vì thế, tôi đâm lo xa rằng, trong khi loay hoay thoát nọ thoát kia theo cái cách đó, thì các nhà Văn hóa xứ ta lại không thoát được cái phép "thắng lợi tinh thần" của các chú AQ chính hiệu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét