Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Bùi Bảo Trúc _ Thư gửi bạn ta (26/09/14)

handwritten-letter-to-a-friend-443x300

Ngày 15 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Sống ở Sài Gòn bao nhiêu năm mà mãi mười mấy năm trước, ở Bắc Mỹ, đọc cuốn Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển tôi mới biết ông thầy hù là gì, việc làm của ông ra sao.
Tại sao lại gọi ông ta là thầy hù? Chắc phải có lý do. Những chữ phó cúp, phó cạo thì dễ hiểu nhưng thầy hù thì… tại sao?
Trong tự điển, từ “hù” chỉ có một nghĩa duy nhất, đó là hăm dọa, đặt điều nói dọa, không hề một chút liên quan đến chuyện săn sóc cái tai, cái tóc.
Thầy hù, hiểu đúng nhất phải là người hay hù dọa người khác bằng những cách nói không đúng sự thật, phóng đại để tăng thêm uy tín cho những điều mình nói và từ đó, gây được sự nể trọng hay khiếp sợ của người nghe.
Có phải vì các ông thợ hớt tóc hay hù người khác nên được gọi là thầy của trò hù dọa, thầy hù?
Có thể khi hớt tóc cho khách, các ông được nghe nhiều chuyện của khách, thời gian sau, các ông chuyện gì cũng biết, cũng hay, nói ra, ai cũng sợ, cũng phục, và do đó, có tên là thầy hù mặc dù chỉ là những điều nghe được từ những thân chủ ưa nói phét?
Nếu thế, gọi các ông thợ hớt tóc là thầy hù thì cũng tội, cũng bất công cho các ông, vì chuyện hù dọa thì nhất định không phải là độc quyền của các ông thợ hớt tóc mà tôi rất yêu mến vì chỉ khi đến tiệm của các ông, tôi mới được đọc các thứ báo bị ông cụ cấm đọc ở nhà.
Thầy hù, người chuyên đi hù dọa thiên hạ, thì ở khắp nơi, cứ đi năm bước là có thể đụng trúng một ông, đâu phải chỉ thấy ở cái ghế hớt tóc.
Nhưng chẳng phải chỉ có dân tộc Việt Nam mới có nhiều thầy hù, mà chính nước Mỹ, theo cuộc kiểm kê dân số năm ngoái, số thầy hù sống ở Hoa Kỳ không phải là ít. Hàng ngũ các thầy hù ở Hoa Kỳ lại còn được tăng cường thêm cho đông đảo bởi các di dân từ năm châu, bốn biển, từ Honduras, Nicaragua, Croatia, Serbia, Căm Bốt, Lèo (?), tới Việt Nam… đến Mỹ lập nghiệp.
Ngày xưa, trong quán cà phê La Pagode ở Sài Gòn thì câu các thầy hù hay dùng để mở đầu câu chuyện… hù là “Moa mới đọc được một tài liệu mật ở phòng anh Thiệu…” Nhìn lại, thì chàng còn quá trẻ và quá cà chớn, chưa thể nắm giữ một chức vụ nào trong dinh, cấp bậc trong quân đội thì cũng chỉ mới (một) cái hoa mai vàng, nhưng hễ đọc là phải đọc hồ sơ mật của… anh Thiệu cái đã. Người nghe cứ điên lên vì thán phục.
Thứ thầy hù loại này không biết cầm cái tông đơ, cái dao cạo, nhưng trong tay nắm toàn hồ sơ mật, và nói chuyện thì toàn với ông già Ellsworth Bunker ở đường Thống Nhất, thỉnh thoảng vắng mặt vài ba hôm, trở lại La Pagode là y như rằng lại nghe chàng nói vừa đi dự hội nghị ở ngoại quốc về trong khi nửa câu ngoại ngữ nói còn sai lên sai xuống một cách thảm hại…
Nước Mỹ chắc cũng nhiều thầy hù lắm, nên mới đây, Emily Post Institute đã phải nói rằng có một câu nên tuyệt đối tránh dùng trong những tiệc tùng, những cuộc họp, những lễ lạc, nhất là tại thủ đô Mỹ, đó là câu mở đầu bằng: “As the president was telling me the other day…”
Bằng câu mở đầu đó, người nói có ngay được sự chú ý của người nghe. Người nghe ngồi thẳng dậy, đít chỉ còn ghé rất nhẹ ở thành ghế, phập phồng, hồi hộp chờ nghe đoạn sau…
“Hôm nọ, anh Bush nói với moa rằng…”
Cái tên vừa được… ném ra, lập tức người nói được tất cả mọi người chung quanh chú ý ngay. Name dropping, hóa ra cũng là một trò chơi được nhiều người Mỹ ưa thích. Cứ quăng ra cái tên, drop a name, là có khối kẻ tá hỏa tam tinh lên ngay. Sau đó, nói gì chẳng có người tin.
Hồi chưa bang giao với Việt Nam, thì các thầy hù úp mở cứ như đang được ông Clinton mời vào… thỉnh ý. Chuyến đi Hà Nội của ông Clinton, ông tổng thống cuối nhiệm kỳ hai, một con vịt què tổ bố, thì có chàng, có nàng đi theo sát. Khoảng vài chục người khoe nhặng lên là đi cùng chuyến bay với ông Clinton.
Qua đến thời ông Bush, thì Emily Post Institute phải can rằng đừng mở đầu câu chuyện bằng câu: “Anh Bush vừa nói với moa mấy hôm trước rằng…”
Rõ ràng cần phải trở về với miếng trầu (miếng trầu mở đầu câu chuyện) thay vì lôi ông Bush ra như các thầy hù ở đây đang bắt đầu làm quá.
“As the president was telling me the other day…”
Cứ nghe xong câu mở đầu này, là người nghe bỗng thấy chàng trở thành Dick Cheney, Condoleeza Rice, Colin Powell, Don Rumsfeld… ngay. Khi không, chưa bao giờ được quốc hội Mỹ chấp thuận, các chàng trở thành phó tổng thống, cố vấn an ninh quốc gia, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng… tức khắc.
Nhưng nói chuyện gì? Không lẽ ông Bush lôi chuyện cá banh cà na, chuyện chứng khoán, chuyện hai ranh con Jenna và Barbara bị cảnh sát bắt về tội uống rượu, mua rượu trái luật, chuyện… ngày xưa thân ái ở Việt Nam?
Tại sao Emily Post Institute phải lôi chuyện này ra căn dặn các thầy hù? Các thầy đang lộng quá rồi hay sao?
Hồi này, cứ ra quán phở buổi sáng, là lại gặp cả đống thầy hù trong khi tóc tai đã cần phải cắt đâu?
Cắt dài hay cắt ngắn thì cũng chưa cần mà.
* * *
Ngày 16 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Trục Bá Linh, La Mã thành lập ngày 27 tháng 10 năm 1936, và sau có thêm Ðông Kinh gia nhập, rốt cuộc cũng tan sau khi Ðức, Ý và Nhật thảm bại trước Ðồng Minh và Đệ nhị Thế chiến hạ màn.
Tưởng tượng nếu Ý và Nhật tiếp tục ở lại với nhau, bỏ mặc Hitler chết với Eva Braun ở Bá Linh thì thế giới sẽ là một nơi… kỳ lắm. Hai nước này đến phải đổi tên mất thôi. Và xứ sở của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Toa Ðô, Áo Lỗ (?) Xích… chắc không còn dám nhận cái tên cũ nữa. Cái tên ấy phải nhường cho Ý và Nhật vì những sở thích của hai dân tộc này.
Ai cũng biết người Ý đặc biệt thích cái chỗ để ngồi của phụ nữ. Du khách đi La Mã du lịch thế nào cũng cố gắng ra phố đi ưỡn ẹo cho đến khi được những người đàn ông Ý cấu đít cho một cái mới yên tâm trở về nhà, để khoe không đến nỗi bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh, mà quả là có được xoa mông, cấu đít khi đi du lịch sang nước Ý.
Còn người Nhật thì đặc biệt thích cái cổ của phụ nữ. Xem những bức thủ ấn họa, những tranh khắc gỗ nghệ thuật của Nhật, nếu đề tài là phụ nữ, thì nhất định người xem phải thấy cái cổ áo kimono kéo trễ ra phía sau, mái tóc kéo lên cao để cho thấy cái gáy, cái cổ trắng của người trong tranh. Người Nhật rất mê cái gáy, cái cổ của phụ nữ, và những khu vực này, đối với người Nhật là những khu vực hấp dẫn và quyến rũ hơn nết nơi cơ thể người phụ nữ.
Người Ý thích mông, người Nhật thích cổ. Như thế thì liên minh với nhau mà không lấy tên là Mông Cổ cũng uổng. Ðất nước của Thành Cát Tư Hãn đã suy yếu đi nhiều, có bị liên minh Ý Nhật chiếm lấy cái tên thì cũng chẳng làm được gì. Nếu chuyện xẩy ra như thế, thì bây giờ chắc chắn không còn hai vùng… mông trong và mông ngoài (Nội Mông / Ngoại Mông) nữa.
Chỉ còn có một… Mông Cổ mà thôi. Thế giới đỡ phiền hà biết là bao nhiêu.
Một phán quyết mới đây của tòa án tối cao Ý lại càng cho thấy là quốc gia này không liên hiệp với Nhật để thành nước Mông Cổ thì uổng không biết để đâu cho hết uổng. Nguyên do là từ vụ một phụ nữ kiện một người đàn ông ra tòa về tội sách nhiễu tình dục sau khi ông ta bóp mông đít của cô. Bị can khai là đang đi, tự nhiên thấy bị một sức mạnh thôi thúc mãnh liệt, đòi ông ta phải cấu đít một người phụ nữ mới được. Và đương đơn là người đang đứng cạnh. Ông liền lấy tay chiếu cố ngoại mông, nội mông của cô. Nhưng ông chỉ bóp có một cái, không bóp lại lần thứ hai, và ông cho biết là nếu sau đó gặp lại, chưa chắc ông đã bóp đít cô.
Tòa dưới nghe ông giải thích và những lời biện hộ của luật sư, đã tha ông. Người phụ nữ kiện tiếp, nhưng khi lên đến tối cao pháp viện, thì mấy ông bà tòa phán rằng một cái cấu đít đơn lẻ, vì cảm xúc nhất thời (isolated, impulsive) thì không phải là một hành động sách nhiều tình dục. Người đàn ông được tha bổng.
Phán quyết này chắc chắn sẽ đưa tới rất nhiều chuyện trong những ngày sắp tới.
Ðàn ông Ý sẽ bạo dạn hơn trong trò thể thao quốc gia này, không còn phải leo lên xe bus trong những giờ đông người để kín đáo bóp vài ba cái đít trên xe nữa.
Dịch vụ du lịch nhờ phán quyết này sẽ phát triển mạnh. Du khách phụ nữ không còn phải giả bộ đến nước Ý để đi xem các lâu đài ở Florence, Roma nữa. Các bà, các cô cứ đi vài ba con đường là có thể về khách sạn khoe nhau số vết ngón tay trên mông cũng đủ vui rồi.
Nhưng phán quyết của tòa tối cao Ý cũng lại đang làm cho một nhà ngoại giao của nước ta buồn nẫu ruột. Cách đây mấy tuần chàng bị cảnh sát Hương Cảng vồ về tội bóp đít một phụ nữ, khiến chàng phải lôi quyền đặc miễn của ngoại giao ra mới được cho về nhưng nhà chức trách vẫn chưa tha cho chàng hẳn.
Tưởng tượng chàng làm việc ở Ý thì vui kể gì…
Ðã được cấu đít phụ nữ đều đều, mà cấu xong lại không phải ngu dốt chạy tội bằng cách nói một câu ngớ ngẩn đại khái ngoại giao cùng mình như chàng mà lại sờ đít phụ nữ hay sao…
Ngu ơi là ngu, làm ngoại giao và sờ đít phụ nữ là hai việc hoàn toàn khác nhau chứ có liên lạc như thờ kính Bác Hồ và… không đem Bác xuống xóm mua vui đâu.
* * *
Ngày 18 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Báo Lao Động trong số đề ngày 17 tháng 9 có đăng một bản tin về vụ một người bị một lũ 3 đứa gọi là lãnh đạo của tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa giở trò làm tiền trắng trợn ngay tại tòa án bằng cách dọa nạt, xúi bị can đừng thuê luật sư biện hộ để cả bọn còn ăn tiền chạy án cho bị can.
Tất cả những đoạn đối thoại đều được thu băng khiến cho cả 3 đứa bị phạt đình chỉ công tác trong 3 tháng. Đây là biện pháp trừng phạt, nếu gọi đó là trừng phạt, được coi là quá nhẹ. Tội lỗi rành rành ra đó, đáng lẽ phải đuổi cổ cả bọn thì cả 3 đứa chỉ bị cho nghỉ việc tạm 3 tháng. Sau 3 tháng chắc cả bọn sẽ lại được cho trở lại với công việc cũ.
Theo bài báo thì bị can Nguyễn Bá Quý bị truy tố ra tòa về tội cưỡng đoạt tài sản. Đương sự kêu oan, nói là bị gài bẫy nên phải nhờ luật sư biện hộ. Nhưng trước ngày ra tòa, đương sự nhờ người chạy án, nói rõ ra là tìm cách hối lộ cho nhẹ tội. Nguyễn Bá Quý nhờ một kiểm sát viên tên là Nguyễn Thị Niên giúp dàn xếp bằng cách đưa tiền cho chánh án để giảm nhẹ hình phạt. Chánh án tên Lê Ngọc Hiệp chê 10 triệu là quá ít, nói thẳng với Nguyễn Bá Quý là cứ tạm đưa tiền cho một thẩm phán ở phòng thẩm phán số 2 kế bên tên là Lê Thị Thu rồi trở lại sẽ nói tiếp. Thẩm phán Lê Thị Thu nói rõ là vì chỗ quen biết nên mới làm chứ nếu là dân thì sẽ xử theo… luật pháp (?) Lê Thị Thu chỉ bị can qua gặp thư ký tòa là Lê Sĩ Thuần. Hai bên thương lượng giá cả với nhau và Lê Sĩ Thuần nói với bị can là đã có tiền như thế sao không đến thẳng với bọn chúng, “tại sao lại đi kiếm luật sư cho khổ ra”. Thuần đòi phải đưa cho cả bọn 30 triệu mới giúp. Quý xin hạ xuống 20 triệu nhưng không được.
Vụ kiện này vẫn chưa có ngày xử.
Những chi tiết ghi lại ở trên thực ra không quan trọng là bao nhiêu. Nguyễn Bá Quý có thực sự có tội không hay bị gài bẫy thì không rõ. Nhưng nếu có tội mà chạy chọt để được nhẹ hay trắng án thì luật pháp ở Việt Nam còn đâu là giá trị. Cứ có tiền là xong hết. Cụ Nguyễn Khuyến còn sống thế nào chẳng sửa lại mấy câu vịnh Kiều của chính cụ mà ngán ngẩm: “Có ba mươi triệu mà xong nhỉ / Luật pháp bây giờ cũng thế a?”
Chi tiết đáng để ý trong bài tường thuật của tờ Lao Động là lối ăn nói của chánh án Lê Ngọc Hiệp và thư ký tòa Lê Sĩ Thuần mà cuộn băng thu được. Đó là lối ăn nói của phường du côn, khốn nạn, vô giáo dục, du thủ du thực, đầu đường xó chợ không ai có thể tưởng tượng ra nổi. Chúng nó gọi nhau bằng những chữ không một người nào làm việc ở tòa án có thể dùng để gọi nhau. Khi chánh án Lê Ngọc Hiệp bảo Nguyễn Bá Quý đem tiền đưa cho thẩm phán Lê Thị Thu rồi trở lại nói chuyện tiếp thì câu nói đó được thu thanh nguyên văn như thế này: “Cứ cầm sang chỗ con Thu đi. Tao sẽ điện cho nó. Tao điện luôn này. Con Thu ở phòng số 2”.
Chánh án gọi thẩm phán là con này con nọ (con Thu) tới hai lần. Nhắc tới thì bằng đại danh từ “nó”.
Chúng nó mất dậy như thế đấy. Trong đời tôi chưa bao giờ nghe cái kiểu ăn nói, nhắc tới đồng nghiệp bằng thứ ngôn ngữ như thế. Tôn ti trật tự đã hoàn toàn biến mất. Đạo đức nghề nghiệp không còn chỗ ở trong cái xã hội đốn mạt đó nữa.
Đó là cách ăn nói của chánh án Lê Ngọc Hiệp khi nhắc tới thẩm phán Lê Thị Thu.
Còn thư ký tòa Lê Sĩ Thuần thì nói với bị can Nguyễn Bá Quý rằng tội của Quý lớn lắm (khoản 2 trong tội cưỡng đoạt) thì “đ…ai lo được đâu”. Bài báo của tờ Lao Động chỉ viết tắt chữ “đ…” Cuộn băng thu thanh thì ghi lại rõ rang, không viết tắt chi cả.
Đấy, luật pháp ở Việt Nam là như thế. Có tội thì chạy tiền là hết tội. Không đủ tiền thì “đéo ai lo được đâu”. Còn chánh án gọi thẩm phán là “con” thì không biết tòa án có còn những biện pháp trừng phạt những vụ khinh mạn pháp đình, nhục mạ thẩm phán (contempt of court) nữa hay không?
Ôi cái đất nước từng có một thời trên dưới tôn ti trật tự thượng tôn pháp luật bây giờ là một đống phóng uế như thế đấy. Một bọn chó má ở rừng về đã làm bẩn cả pháp đình từ khi thằng chích đít ở rừng về nhâng nháo xưng là có cử nhân luật leo lên làm thủ tướng mới ra nông nỗi này vậy!
* * *
Ngày 19 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Tháng trước, có việc, tôi phải lên tận phi trường Baltimore mới có phi cơ của Air Canada đi Toronto, và ở cửa vào để lên máy bay của hãng này, tôi thấy có một tấm bảng với hàng chữ hơi khác thường: NO JOKE.
Không đùa, không tiếu lâm, không chuyện giễu.
Quốc gia láng giềng của nước Mỹ đã trải qua những đổi thay gì mà tôi không biết kể từ chuyến đi thăm mấy người em vài tháng trước? Gia Nã Ðại đã trở thành một quốc gia không còn óc hài hước nữa, không còn biết cười, biết đùa nữa hay sao?
Tấm bảng có hàng chữ “NO JOKE” được đặt ở quầy xét hành lý hành khách trước khi lên máy bay.
Tôi đặt chiếc va li nhỏ cầm theo lên bàn quay để chạy qua máy quang tuyến dò kim khí. Một nhân viên hỏi tôi một câu mà tôi đã nghe qua hàng trăm lần trong những chuyến đi trước đây ở các phi trường: “Ông chính là người xếp hành lý vào va li chứ? Có lúc nào ông rời hành lý của ông không? Có ai mở va li này từ lúc ông xếp nó cho đến giờ không? Có ai nhờ ông mang theo gì bỏ trong va li không?”
Và lần nào, câu trả lời cũng chỉ là “yes” cho câu đầu và “no” cho tất cả các câu sau.
Trả lời mãi bằng ấy câu thì cũng chán. Người hỏi, sau bao nhiêu lần, chắc cũng hỏi cho có lệ. Ai là người sẽ trả lời có bỏ trong va li khẩu Smith Wesson nòng cụt, một gói plastic, con dao Bowie? Bỏ bằng ấy thứ trong va li mà còn thành thật khai báo ư? Nên người trả lời cũng chỉ lơ đãng gật rồi lắc theo sau mỗi câu hỏi. Vâng, chính tôi xếp va li cho tôi. Không, không lúc nào tôi rời cái va li này. Không, không có ai mở nó ra sau khi tôi đóng nó lại. Không, không có ai nhờ tôi mang theo gì hết…
Chao ôi, óc sáng tạo cứ càng ngày càng bị những thứ câu hỏi “yes or no” đó làm cho thui chột đi. Tiếc biết là bao nhiêu!
Nên đã có mấy lần, tôi định trả lời khác đi một chút, cho đời nhẹ đi, bớt căng thẳng đi phần nào.
Thí dụ câu có phải ông là người làm va li không, thì thay vì trả lời “yes”, đã bao nhiêu lần tôi cứ muốn nói rằng thưa phải, tôi không làm lấy va li thì ai làm cho tôi nữa? Tôi còn phải làm biết bao nhiêu việc khác ở nhà, việc xếp mấy thứ quần áo vớ vẩn này vào va li thì có đáng gì… tôi không làm thì ai làm cho tôi bây giờ? Bộ ông / bà nghĩ là sẽ có người âu yếm chạy vào garage lấy cái va li rách này của tôi, quăng hộ tôi mấy cái quần áo lót, vài ba cái sơ mi nhầu nhẹt vào hay sao? Nếu có được chuyện đó, chuyện làm va li hộ cho tôi, thì làm sao có được mấy cái ca vát tươi, trẻ và đẹp như thế này? Chắc chắn chỉ là một cái ca vát xấu, cũ mèm, mầu tối tăm nhạt nhẽo, nhăn nhúm để khỏi tạo chú ý nơi những người khác chứ làm sao có được mấy cái Versace, Giorgio Armani… này?
Tôi có rời cái va li này từ lúc bỏ quần áo vào không à? Thưa không. Rời nó ra để mà chết à? Rời nó ra để bị lục soát lần nữa sao? Ðể bị lấy lại mấy cái ca vát này ư? Không bao giờ. Người đâu va li đấy. Rời ra là khó toàn mạng. Ai ngu dại gì?
Có ai mở nó ra không? Thưa cũng không. Không ai mở nó ra hết. Mở ra để soát lại xem có mang theo các thứ cần dùng không à? Thưa không. Không ai quan tâm đến tôi nhiều như thế. Lục soát, kiểm soát thì có. Quan tâm thì không. Nhưng không. Tôi cũng cẩn thận không để bị kiểm soát như thế. Làm xong va li thì lên đường ngay. Rời nó một giây là khủng bố có thể ra tay. Osama Bin Laden có thể bỏ vào đó một cái lược, một thỏi son đã dùng, một chai nước hoa lạ… ngay tình lúc về bị nhân viên an ninh lôi ra thì chỉ có chết đứ đừ. Nên không bao giờ có những chuyện như thế xẩy ra.
Có ai nhờ mang theo gì không? Nhất định là không. Làm gì có chuyện đó được. Ra đi thì không. Nhưng về thì phải có. Quà cáp không đúng thì chết thưa ông / bà.
Tôi đã định trả lời như vậy mấy lần nên khi thấy tấm bảng “NO JOKE” của Air Canada, tôi thấy chán hãng máy bay này vô cùng. Lại càng chán phải nghe những câu hỏi mà tôi nghĩ là lấy lệ của các nhân viên an ninh.
Nhưng hôm nay, nghĩ lại, thì thấy Air Canada vô cùng có lý. Luôn cả những câu hỏi ở quầy vé về những món hành lý mang theo cũng lại rất có lý.
Những người cướp máy bay của American Airline và United Airlines hôm qua, khi lên máy bay ở Boston, ở Newark, ở Dulles có thể đã đùa giỡn hơi quá khi trả lời những câu hỏi nhàm chán ở phi trường. Và bao nhiêu người đã chết vì cái hài hước đó của họ.
* * *
Ngày 20 tháng 9 năm 2014
Bạn ta,
Linda Evangelista, nữ kiểu mẫu hàng đầu từng ngự trị tất cả các sân khấu trình diễn thời trang, các cat walks ở Milan, ở Paris, ở London, ở New York… trong những năm 80, đã treo giầy cao gót… giã từ thế giới thời trang kể từ cuối thập niên 90.
Ngoài thành tích lẫy lừng về nghề nghiệp, Linda Evangelista còn để lại cho thế giới một câu nói chắc chắn rồi đây thế nào cũng sẽ trở thành một danh ngôn được nhắc đến mãi.
Trong lúc đang ở ngôi vị tột đỉnh của thế giới kiểu mẫu thời trang, mỗi ngày xuất hiện trước ống kính các nhiếp ảnh gia, Linda Evangelista được trả thù lao rất cao. Chỉ cần làm việc liên tiếp một tuần lễ, không ăn uống gì, một việc làm quá dễ của các nữ kiểu mẫu, Linda có thể trả xong chiếc condo mà tôi phải gánh è cổ trong ba mươi năm mới hết nợ. Thù lao của Linda trong những năm 80 và 90 là hơn mười ngàn Mỹ kim mỗi ngày. Một tuần lễ làm việc, Linda có thể dứt nợ cho người đàn ông khốn khổ này dễ dàng.
Với mức thù lao được trả đó, Linda Evangelista nói rõ nàng sẽ không ra khỏi giường nếu không được trả trên mười ngàn Mỹ kim—I would not get out of bed for less than ten thousand dollars.
Nghĩa là nếu có ai cầm chín ngàn Mỹ kim đong đưa trước giường ngủ của Linda Evangelista thì người ta sẽ tiếp tục thấy một phụ nữ đẹp nằm ngủ và ngáy to như sấm. Chưa tới giá (mười ngàn) thì chưa thể giã từ chăn êm nệm ấm được. Câu nói của Linda xứng đáng là một danh ngôn của thế kỷ.
Nhưng câu nói đó cũng bầy ra một điều là Thượng đế không “thiên hạ chí công” chút nào cả. Hiến pháp Mỹ cũng sai bét khi nói rằng mọi người sinh ra đời đều bình đẳng. Nhìn Linda Evangelista, ai cũng thấy ngay là mọi người sinh ra đời không bình đẳng gì hết. Có lẽ George Orwell, tác giả truyện ngụ ngôn Animal Farm, nói đúng hơn cả: tất cả mọi thú vật sinh ra đời đều bình đẳng, nhưng vài loài thú bình đẳng hơn những con thú khác.
Cùng ra đời, cũng đầu óc, mặt mũi tay chân (?) giống nhau, mà sao người thì mỗi ngày uốn éo, ưỡn ẹo trước ống kính máy ảnh, quần áo ơ hờ khoác lên người cho có lệ thì được trả trên mười ngàn Mỹ kim, trong khi người làm công chức liên bang, sáng vác ô đi, tối nhiều khi lại còn để quên ô ở sở, lương lậu mỗi năm, sau khi bị thuế má cắn cấu tàn nhẫn, chỉ đủ tiền ngồi nhà hận đời đen bạc, ăn mì gói chan nước mắt lõng bõng?
Rõ ràng là những người như Linda Evangelista bình đẳng hơn chúng ta rất nhiều.
Trong khi Linda như thế, dưới mười ngàn Mỹ kim là không ra khỏi giường, thì người đàn ông trung niên Á châu này chỉ cần hai ba trăm bạc là đã nhanh nhẹn nhẩy ra khỏi giường, sửa sang qua tấm nhan sắc cuối mùa lãng mạn, vội vàng chạy đến sở để bị các thứ Mỹ già vô duyên, ngu dốt, Mỹ nhỡ ăn gừng, vừa lùn, vừa xấu, chân cẳng như Pelé, ăn nói vô duyên… nhào ra bắt nạt.
Chán biết là chừng nào.
Có phách lối thì cũng chỉ phóng tác câu của Linda Evangelista để tự an ủi, nói là dưới hai trăm Mỹ kim ($200) thì đừng hòng lôi được cậu ra khỏi giường.
Nhưng đó là ra khỏi giường. Còn… vào giường thì bao nhiêu?
Lôi Linda Evangelista vào giường thì quả thật chưa thấy có báo nào nói mặc dù tôi đã tìm hiểu về nàng khá kỹ. Những người đã lôi được thì không nói, nàng cũng không tiết lộ. Bản tin giá cả thị trường Mỹ của tờ nhật báo kinh tế tài chính Wall Street Journal cũng không thấy nói.
Nhưng không thể phá giá một cách bi thảm bằng giá của người đàn ông Á châu trung niên mà tôi biết. Giá của chàng chỉ là một tô mì gói và một ly cà phê uống liền (instant coffee) là lôi chàng vào giường được ngay.
Chàng vẫn tự chi cho chàng như thế mỗi tối từ hơn một chục năm nay.
Thảm vô cùng!

Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét