Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Đào Duy Từ và bài ca dao Trèo Lên Cây Bưởi hái hoa


hoabuoiTrèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
Thưa quý thính giả, chùm thơ trên đã có trong dân gian từ rất lâu; và nhiều người cứ tưởng rằng nó là chỉ một bài ca dao thuần túy; mà đã là ca dao thì không biết ai là tác giả. Gọi nó là chùm thơ vì đây không phải là một bài mà là ba bài hợp lại, gieo theo thể liên vận, bài ca dao trữ tình này lại gắn liền với giai thoại một danh nhân lịch sử, một người người tài hoa: Đào Duy Từ.
Đào Duy Từ là một nhà chính trị quân sự lỗi lạc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, bậc khai quốc công thần số một của chín đời Chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn. Ông hiệu là Lộc Khê, quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn. Cha ông tên Đào Tá Hán trước làm lính cấm vệ trong triều, sau bị đuổi về quê theo nghề kép hát.
Trước khi nói về sự tích của bài ca dao, chúng tôi xin được lược qua cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió của danh nhân Đào Duy Từ:
Cha ông mất sớm năm ông vừa mới lên 5 tuổi, ông được mẹ là bà Vũ Kim Chi nuôi ăn học. Đào Duy Từ tỏ ra là người thông minh sáng dạ, năm 14 tuổi ông vào học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa. Nhưng ông  không được thi Hương vì luật lệ của nhà Lê bấy giờ cấm con kép hát đi thi. Phong tục bấy giờ cho rằng xướng ca vô loài.
Mẹ ông phải nhờ một viên xã trưởng tên là Lưu Minh Phương khai đổi họ cho ông từ Đào Duy Từ thành Vũ Duy Từ theo họ mẹ. Viên xã trưởng nhân thế, muốn ép mẹ ông phải chịu cưới mình mới giúp, mẹ ông bàn lẩn đi bằng cách bảo khi nào Duy Từ thi đậu mới tiến hành cưới xin.
Khoa thi Hương năm Quý Tị 1593, ông thi đậu Á Nguyên; viên xã trưởng Lưu Minh Phương bèn đòi cưới bà Kim Chi nhưng bà lại viện lý do Duy Từ mới thi đậu mà mẹ đã tái giá thì xấu hổ mà từ chối. Rồi bà bảo viên xã trưởng nọ rằng hãy cho con gái lớn về lấy Duy Từ thay thế. Tức giận, Lưu Minh Phương nộp đơn kiện bà Kim Chi, việc này làm lộ việc đổi họ của Đào Duy Từ. Viên quan huyện thụ đơn bèn đi báo lại cho quan Hiến Sát.
Lúc bấy giờ, Đào Duy Từ đang ở Hội văn trên Thăng Long dự thi. Khi quan thái phó Nguyễn Hữu Liêu đang phân vân trước một số bài bàn về cải cách chính trị của Đào Duy Từ có hơi trái ý chúa Trịnh Tùng, thì bộ Lễ truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên, và cho lột mũ áo ông .
Nghe tin này, mẹ ông bà Kim Chi tuyệt vọng bèn cắt cổ tự vẫn. Thế là Đào Duy Từ vừa hỏng thi vừa mất mẹ nên đau buồn lâm bệnh nặng,  ông phải nằm lại tại nhà trọ. Ông giận chúa Trịnh đã đối xử bất công với mình cho nên ông bỏ vào Nam.
Vào Nam, ông sống bằng nghề chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở Bình Định. Chủ nhà là người ham mê văn học, đã phát hiện ra Đào Duy Từ là người có tài, nên đã tiến cử Đào Duy Từ cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Vì mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho ông, đồng thời tiến cử ông cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã phong cho ông làm Nha Úy Nội Tán.
Trong chín năm, từ 1625 đến 1634, Đào Duy Từ đã giúp chúa Nguyễn xây dựng và mở mang bờ cõi về phương nam, ông có tài cả về chính trị, kinh tế, quân sự, và văn chương thơ phú nữa. Trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn, ông đã xây một chiến lũy để ngăn ngừa quân Trịnh. Chiến lũy này chạy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người dân gọi chiến lũy này là Lũy Thầy (tức là lũy do Thầy Đào Duy Từ xây dựng).
Năm Đinh Mão (1627), chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương (chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và đòi Sãi Vương phải cho con vào chầu, đồng thời phải nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền làm lễ vật cống nạp nhà Minh. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hội họp triều thần hỏi mưu kế. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.
Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê hầu mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử Lại Văn Khuông làm sứ giả mang ra Thăng Long tạ ơn vua Lê và chúa Trịnh.
Nhờ có chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Văn Khuông ứng đối rất trôi chảy. Chúa Trịnh hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn sứ giả đi thăm kinh thành, để chờ Chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Đọc xong, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn sứ giả đột ngột trốn về, chúa Trịnh sinh nghi, bèn cho người đập vỡ mâm lễ, lại thấy tờ sắc phong khi trước, và 1 tờ giấy viết bốn câu thơ chữ Hán sau:
“Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.”
Cả triều đình không ai hiểu ý nghĩa bài thơ, cuối cùng Trịnh Tráng phải cho mời một nhà nho thông thái uyên bác tới giải nghĩa. Đọc xong, nhà nho này giải thích rằng: ý của bài thơ trên chỉ đơn giản gộp thành bốn chữ:
“DƯ BẤT THỤ SẮC,” nghĩa là “Ta không nhận sắc phong.”
Nghe xong, Trịnh Tráng tức giận vội thét lính đuổi bắt Lại Văn Khuông, nhưng lúc đó Khuông cùng cả phái đoàn đã cao chạy xa bay rồi.
Bấy giờ Trịnh Tráng muốn ra quân đánh chúa Nguyễn nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc giã nổi lên, đành phải hoãn lại. Trịnh Tráng cho người dò la biết được việc Sãi Vương không nhận sắc phong đều do một tay Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả.
Chúa Trịnh tiếc tài của Đào Duy Từ, tính kế làm sao để lôi kéo được ông bỏ chúa Nguyễn về với triều đình vua Lê và chúa Trịnh. Chúa bèn lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!”.
Lời thơ ngụ ý anh là (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc Đào Duy Từ rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.
Nhưng Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:
“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”
Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.
Lần này, Đào Duy Từ mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:
“Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng (*) em ghen!”
Ở đây Chồng có ý nói là chúa Nguyễn. Đào Duy Từ đã tỏ rõ ý ông trong hai câu kết.
Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời…”
Và bài ca dao sau này trở thành bài hát ru trên cánh võng. Người đời sau cứ ngỡ rằng đây là lời tiếc thương một mối tình không thành của đôi trai gái ngày xưa. Năm tháng qua đi, bài ca dao này nay đã đi vào lòng người qua những giai điệu mượt mà của bài hát Nụ Tầm Xuân do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Chúng tôi xin chia sẻ đến quý thính giả giai thoại lý thú về bài ca dao do hai tác giả chúa Trịnh và danh nhân Đào Duy Từ đồng sáng tác, và xin mượn bài hát Nụ Tầm Xuân để khép lại chương trình ở đây. MH và VĐ xin thân ái chào tạm biệt và xin hẹp gặp lại quý vị vào chương trình kỳ tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét