Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Từ vụ 'Xét lại chống Đảng' tới Nam tiến



Đại tá Lê Trọng Nghĩa, một trong những nạn nhân của vụ xét lại, vừa qua đời

Một trong những người liên quan tới vụ 'Xét lại chống Đảng' và phải sống lưu vọng tại Moscow từ năm 1964 nói khó có khả năng giới lãnh đạo hiện nay và những người kế tiếp họ sẽ xem xét lại vụ việc.
Ông Nguyễn Minh Cần, người từ chối trở về Việt Nam theo yêu cầu của Đảng Cộng sản hồi năm 1964, cũng nói khó có thể biện minh cho cuộc chiến Bắc Nam.
Nhưng trước hết ông nói về Đại tá Lê Trọng Nghĩa, một nạn nhân của vụ xét lại chống Đảng và người vừa qua đời ở Hà Nội hôm Chủ Nhật, 22/2/2015:
"Đại tá Lê Trọng Nghĩa là người có vai trò trong Cách mạng tháng Tám...
"Anh Nghĩa lúc bấy giờ thay mặt cho Việt Minh để bàn bạc với chính phủ Trần Trọng Kim.
"Tức là trong năm cuộc gặp nhau để bàn bạc thì có mặt của anh Nghĩa.
"Sau khi anh làm việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì anh là người rất có đạo đức và là người rất kiên cường trong việc bảo vệ quan điểm của mình.
"Quan điểm của anh cũng như quan điểm của tất cả chúng tôi, nhưng anh em bị quy là 'xét lại chống Đảng', tức là không chấp nhận đi theo đường lối của Mao Trạch Đông.
"Đi theo đường lối của Mao Trạch Đông, muốn hay không muốn, sẽ dẫn tới đấu tranh vũ trang để gây ra cuộc chiến giữa Bắc và Nam.
"Thái độ của anh Nghĩa rất rõ ràng cho tới cuối cùng. Đây là điểm tôi rất kính mến."

Nguồn gốc vụ xét lại

Giải thích về vụ bắt bớ hàng loạt tướng lĩnh và những người thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Cần nói:
"Vụ xét lại chống Đảng bắt đầu từ việc một số người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể là ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn, Tố Hữu muốn lái đường lối chính trị của Trung ương Đảng lúc bấy giờ đi theo con đường của Mao Trạch Đông ... là con đường chuẩn bị cho chiến tranh Bắc Nam.
"Mà như mọi người đều biết Mao Trạch Đông thường nói 'thế giới loạn lạc Trung Quốc được nhờ'.

Ông Nguyễn Minh Cần và vợ ở Moscow

Ông Cần nói ông và nhiều người khác không đồng ý với đường lối của Mao Trạch Đông, người muốn Hà Nội tiến chiếm miền nam để Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.
Cựu Phó chủ tịch thành phố Hà Nội giải thích thêm về quyết định phản đối chiến tranh:
"Chúng tôi dựa vào nghị quyết của Đại hội lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam [năm 1960] lúc bấy giờ là đấu tranh thống nhất bằng hòa bình.
"Cái ý định mở chiến tranh là của trung ương mà trung ương thì phải theo đường lối của Đại hội ...
"Nhưng lý do xâu xa là chúng tôi thấy rằng chiến tranh bắc nam gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho người dân, sẽ gây ra, chúng tôi nhìn thấy trước vấn đề như vậy."
Ông Cần cũng nhắc lại diễn biến của Hội nghị trung ương 9 hồi năm 1963 mà tại đó người ta đã bỏ qua nghị quyết về đi tới thống nhất bằng hòa bình của Đại hội III và chuyển sang đấu tranh vũ trang.
"Trong cuộc Hội nghị trung ương lần thứ chín thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ra ngoài không bỏ phiếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bỏ phiếu trắng theo lời của ủy viên trung ương của Đảng, ông Lê Liêm nói lại cho anh em.
"Điều đó biểu thị ... ngay trong các vị lãnh đạo cao cấp nhất cũng có phần không tán thành nhưng phái của ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Tố Hữu càng ngày càng chiếm thế mạnh cho nên cuối cùng cụ Hồ cũng phải im lặng và ông Giáp càng phải im lặng vì thậm chí như lời của Lê Đức Thọ là họ muốn lấy đầu của ông Đại tướng nữa."
Những người thuộc nhóm Xét lại chống Đảng sau này, theo ông Cần, còn bị quy thêm tội làm 'gián điệp' cho Liên Xô.
Ông Cần nói bất chấp hành động của Việt Nam, Liên Xô khi đó đã "không có biểu hiện gì chống đối Việt Nam rõ rệt".

Khó xét lại



Cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội nói không có chuyện lãnh đạo hiện nay ở Việt Nam và có thể cả những thế hệ kế cận xem xét lại những gì đã xảy ra hồi thập niên 1960.
Ông nói:
"Trong tình hình hiện nay vụ xét lại sẽ không được ban lãnh đạo này và các ban lãnh đạo sau giải quyết đâu.
"Là vì các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn luôn coi việc "giải phóng miền Nam" là công tích lớn lao của họ.
"Tức là việc gây ra cuộc nội chiến Bắc Nam là một thành tựu rất lớn của họ [nhưng] nhóm xét lại chống Đảng là nhóm phản đối cuộc chiến tranh đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Mặt trận GPMNVN Nguyễn Hữu Thọ

"Bây giờ họ xét lại, họ minh oan cho những người chống Đảng tức là họ phải chấp nhận việc phát động cuộc nội chiến là một hành động sai lầm."
Trước ý kiến cho rằng chuyện Việt Nam nay đã là một nước thống nhất có thể biện minh cho cuộc chiến, ông Cần cho rằng cuộc chiến tranh Bắc Nam đã "gây ra sự chết chóc của trên sáu triệu người".
Các trang như Britannica cho rằng con số người chết trong cuộc chiến Việt Nam từ 1954 đến 1975 là khoảng 3,1 triệu.
Tuy thế, theo ông Nguyễn Minh Cần, "dù là sáu triệu người đi nữa thì sự mất mát như vậy không bao giờ có thể bù đắp được".
"Cái sự thiệt hại đó phải nói rằng đứng về lương tâm con người là rất lớn.
"Thứ hai cuộc chiến đó nó gây ra sự mất đoàn kết, sự phân ly của dân tộc nó lớn như thế nào.
"Cả một khối người dân miền Nam người ta đang sống yên bình, có một chế độ có thể nói tương đối khá hơn ở miền Bắc, tương đối nới rộng hơn ở miền Bắc, cuộc sống cao hơn ở miền Bắc thì người ta mất hết tất cả thì đó là sự đau khổ biết bao nhiêu.
"Ngay cả người miền Nam biết bao nhiêu bà cụ, biết bao người nông dân bây giờ được thống nhất thì chính họ lại mất đất mất đai họ trở thành dân oan.
"Có những bà anh hùng, bao nhiêu là huy chương, huân chương thế mà kéo ra đi biểu tình để mà đòi đất đai...
"Ngay cả lòng người dân theo miền Bắc làm cuộc chiến tranh đó bây giờ họ cũng có nhận định khác chứ không phải như trước nữa."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét