Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh – CHƯƠNG 2: HOẠT ĐỘNG VÀ TÙ ĐÀY

Mời xem lại Chương I


H1Nghĩ đến non sông đất nước và trách nhiệm làm trai thì như vậy, nhưng cuộc sống thường nhật không phải lúc nào cũng thực hiện ngay được những điều mình mong ước, để thực hiện ý tưởng hi sinh cho đất nước. Miếng cơm manh áo đang hối thúc tôi phải đi tìm công ăn việc làm ở đất Hà Nội.
Bố tôi có quen một ông đốc-tờ tên là Pát-xcan, định xin cho tôi vào chỗ ông phụ việc làm thuốc, nhưng không được. Sau bố đưa tôi xuống Hải Phòng để xin đội xi măng cho nhà máy, cũng không xin được. Lúc đó anh Thọ tôi đang làm ở mỏ than Mạo Khê, bố đưa tôi xuống, nhưng vẫn không xin được việc. Đành phải quay về Hà Nội, đến nhà ông Đòng “bố mẹ nuôi” ở làng Hữu Tiệp để ăn đỡ làm giúp. Lần này ở nhà ông Đòng có khác lần trước, tôi không còn là đứa con nuôi làm đủ các việc hầm bà làng nữa, hàng ngày tôi chỉ việc đạp xe đi các vườn cắt hoa rồi chở đến cửa hàng cho bà Mây bán.
Việc chính của tôi là đi giao dịch và đặt hoa vòng. Việc cơm nước giặt giũ đã có một cô con nuôi khác là cô Thơm làm, vì cùng chung cảnh ngộ nên tôi với cô Thơm thân nhau coi nhau như anh em. (Mãi sau này khi tôi đã trở thành một cán bộ của Cách mạng, Pháp chiếm Hà Nội, cơ quan rút lên Việt Bắc, một bộ phận dân cũng tản cư lên trong đó có gia đình bà Mây và cô Thơm, bà Mây một dạo làm cấp dưỡng cho Cục Tổ chức và cô Thơm lại giúp nuôi Minh Phương, con gái thứ hai của tôi). Dạo đó, bà Mây đưa tôi vào Huế để trông nom việc buôn bán ở cửa hàng mới mở và khu vườn nơi bà thuê để trồng hoa.
Vào khoảng năm 1936, ở quê viết thư ra cho biết tình hình nhà quá túng quẫn; không đừng được, tôi phải lén lấy bớt của bà Mây mấy đồng gửi cho bố để gỡ bớt khó khăn. Chẳng may ông bố lại gửi thư ra Hà Nội cho tôi (thư từ vẫn gửi về Hà Nội là địa chỉ chính), nói rằng đã nhận được tiền gửi về cho nhà, bà cụ Đòng già xem được lá thư đó, làm ầm ỹ lên. Thế là tôi bị buộc thôi việc trong Huế, phải trở ra Hà Nội đi xin việc khác. Nhờ bố quen ông chủ nhà in Lê Văn Tân (ở 136 Hàng Bông) cùng quê Thanh Hoá, nên tôi được vào học việc sắp chữ với điều kiện phải làm ba tháng không có lương. Sau ba tháng, được phát lương một hào một ngày, tạm đủ tiền ăn (lúc đó mỗi tháng ăn hết khoảng hai đồng).
Độ ba bốn tháng sau, bố tôi tìm được việc dịch kinh phật cho nhà in Vạn Tường nên gọi tôi sang đó làm, cả anh Thọ cũng xin được vào. Ba bố con người dịch sách, người đóng sách, người sắp chữ. Sau đó tôi còn học được nghề đạp máy “Miner”, nghề đóng sách bìa da mạ chữ vàng ở gáy sách. Sau đó tôi được ra cửa hàng bán sách và giao dịch với khách. Lợi dụng cơ hội làm ở cửa hàng sách, tôi mượn sách tự học để nâng cao kiến thức. Tôi chịu khó tìm hiểu và học hỏi nên đã biết nhiều việc trong nghề in. Bố tôi làm được độ sáu bảy tháng thì nhà in hết việc dịch nên chỉ còn hai anh em tôi làm.
Tôi ở nhờ một nhà quen ở Nhật Tân, hàng ngày đi bộ xuống nhà in Vạn Tường ở phố Hàng Giấy, mang cơm trưa đựng trong một chiếc hộp gỗ, tối vê ăn cơm nhà. Làm việc ở nhà sách nên có điều kiện đọc nhiều sách, tôi đã học được khá nhiều kiến thức bổ ích. Lúc đó lương tôi được chín đồng một tháng, tuy không phải là thấp quá nhưng tôi vẫn hưởng ứng phong trào đình công đòi tăng lương của công nhân Hà Nội. Chủ nhà in Vạn Tường không chịu tăng lương, tôi thôi việc. Tôi trở lại xin việc ở nhà in Lê Văn Tân, xin vào sửa mo-rát, được nửa năm thì mất việc (vì có lúc sửa bản in bị sót lỗi). Tôi đi xin việc ở nhiều nhà in khác; tuy thử việc đạt yêu cầu, nhưng khi trình sổ lao động, chủ thấy ghi đã tham gia đình công, nên họ không nhận cho làm. Thất nghiệp, tôi phải đi ở nhờ một ông ở đảo giữa hồ Thiền Quang (hồ Ha-le) và phải nhận lại việc khoán của anh em ở nhà in Tô-panh của Pháp về làm, thu nhập cũng khoảng được chín, mười đồng một tháng, ăn tiêu thuê nhà rồi còn giành được chút ít gửi về quê cho bố. Anh Thọ tôi lúc đó đã xuống Kiến An làm việc quanh quẩn với vốn chữ Nho, chữ Quốc ngữ và nghề may.
Thời gian tôi làm thợ in ở Hà Nội (từ cuối năm 1936), ở Pháp có phong trào Mặt trận Bình dân mạnh nên ảnh hướng đến thuộc địa. Các Hội Ái hữu ngành, nghề được phép thành lập, tôi tham gia Hội Ái hữu nghề in, gọi là “Bắc Kỳ ấn công ái hữu hội”. Được gặp những người công sản như các anh Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn, Trần Đăng Ninh…, được các anh dìu dắt đi làm cách mạng, tham gia các việc rải truyền đơn, mít-tinh, biểu tình, làm liên lạc, đọc tài liệu, tham dự lớp huấn luyện v.v… (Tôi nhớ có một “lớp” huấn luyện có ông Đào Duy Kỳ giảng; và còn nhớ rất rõ kỷ niệm về anh Trần Đăng Ninh: khi gặp gỡ để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho tôi, anh thường nói thủ thỉ, gợi ý nhẹ nhàng, gợi ý cho tôi đi từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ về giai cấp. Anh hướng dẫn đấu tranh từ thấp đến cao, từ tham gia đấu tranh đòi cải thiện đời sống công nhân trong nhà in đến đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nhân, đòi lập nghiệp đoàn v.v… Anh hướng dẫn bằng lời lẽ rất dễ hiểu, vạch ra cách làm rất cụ thể…). Tôi cũng có được đọc sách của ông Hải Triều (tức ông Nguyễn Khoa Văn, cha đẻ Nguyễn Khoa Điềm) về duy vật biện chứng nữa.
Hồi cuối năm 1937, khi còn làm ở nhà in Vạn Tường, tôi thường ăn cơm hàng ở nhà ông Trưởng Cát phố Hàng Bún, do đó quen với anh Lương Khánh Thiện là một người cách mạng đàn anh. Khi mật thám bắt anh Thiện thì chúng bắt luôn cả tôi. Bị chúng tra hỏi ở Sở Mật thám, tôi nói tôi chỉ ăn cơm ở đó thôi, chẳng biết anh Lương Khánh Thiện làm gì. Vì vậy, vài ngày sau chúng đành tha tôi ra.
Năm 1938, có cuộc biểu tình lớn hàng vạn người lao động ở nhà Đấu xảo (sau này là Nhà hát nhân dân, rồi Nhà văn hoá công nhân), tôi cũng tham gia. Sau đó, tôi lại bị bắt lần nữa. Mật thám khám người tôi, bắt được một tờ chép tay bài hát “Cùng nhau đi Hồng binh”. Nó hỏi, tôi nói: Tôi thấy người ta hát hay hay thì tôi chép thôi. Không có chứng cớ gì hơn, chúng lại phải thả tôi.
Thời gian đó, hoạt động tuy chưa có chiều sâu và hiểu biết về cách mạng chưa nhiều nhưng tôi thấy rất phấn chấn và say mê lắm. Sự hiểm nguy và mới mẻ của con đường cách mạng mà tôi mới chập chững bước lên đã kích thích tâm lý tuổi trẻ ham hiểu biết và tính nhiệt tình sôi nổi, cả táo bạo trong tôi. Hồi đó, ở tuổi hai mươi, tôi cũng có vài kỷ niệm vui vui: Khi ăn cơm hàng ở 44 phố Hàng Bún, tôi được một “cô hàng xóm” nhà hàng cơm để mắt và có thể nói là cô ấy say mê tôi, vì mỗi khi thấy tôi đến ăn cơm, cô cũng kiếm cách để sang nhà hỏi thăm, chuyện trò. Lắm khi còn dành dụm hoa quả mang cho tôi nữa. Còn một cô nữa tên là Tâm, rất xinh, hai bên đều cảm tình với nhau. Một lần cô ấy rủ tôi đi chơi suốt đêm, khuya quá phải vào ngủ trong một cái lều trồng hoa của người bạn tôi ở làng Ngọc Hà. Tuy ở với nhau suốt đêm ở trong lều vắng nhưng vẫn chưa “xảy ra” chuyện gì, vì tôi nghĩ mình đang làm thợ, đời sống không ổn định, lúc có việc lúc không, nếu lấy nhau thì lấy gì mà nuôi con. Còn nếu để xảy ra việc gì không mong muốn, rồi không lấy nhau thì lại làm lỡ cả đời con gái của người ta…
Sang năm 1939, chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp bị đổ, Chính phủ cánh hữu lên, nó lại bắt đầu xiết chặt những hoạt động của nhân dân, công nhân ở nước ta. Nó giải tán các Hội Ái hữu của các ngành thợ và bắt đầu khám xét, lùng bắt những người mà nó cho là cộng sản. Vậy nên một số đồng chí quan trọng phải rút vào hoạt động bí mật (như các anh Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân…). Tuy vậy, thông qua anh Nguyễn Tuấn Đáng (Trần Đăng Ninh), tôi vẫn nhận được các chỉ dẫn để hoạt động cách mạng. Tôi tiếp tục vận động lãnh đạo công nhân các xí nghiệp Diêm (ở khoảng Bạch Mai bây giờ), nhà in Minh Sang (ở phố Quốc Tử Giám ngày nay), nhà in Văn Lâm (ở phố Hàng Bún)… đấu tranh đòi quyền lợi.
Trong thời gian đó, các đồng chí bí mật vẫn tổ chức được những cuộc mít-tinh chớp nhoáng để tuyên truyền cách mạng. Thường thì có đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) lên diễn thuyết. Trong những lần ấy, các công nhân giác ngộ và tôi thường làm hàng rào bảo vệ đồng chí để khi diễn thuyết xong Mật thám không xông vào bắt được đồng chí. Còn có những hoạt động tập thể như tổ chức cho anh em công nhân đi đưa tang các nhà cách mạng lớn như Phan Thanh, Nguyễn Thế Dục v.v… Để vận động và tổ chức ra các cuộc mít-tinh, hoạt động tập thể lớn đó, cấp trên thường chỉ đạo ra các cuộc họp đại diện liên ngành, tổ chúng tôi có anh Văn Tiến Dũng đại diện thợ dệt, anh Hà Kế Tấn đại diện thợ mộc, tôi đại diện thợ in họp nhau bàn kế hoạch huy động anh em ngành mình tham gia. Trong đám tang đồng chí Phan Thanh, tôi cũng là một người đứng túc trực linh cữu như một số anh em công nhân đã giác ngộ.
Tuy mật thám vẫn truy lùng ráo riết nhưng theo chỉ đạo của các anh, chúng tôi vẫn tìm cách thành lập lại được các tổ chức công nhân bí mật. Tôi được chỉ định làm thư ký Nghiệp đoàn Ấn công Bắc Kỳ. Các anh còn giao cho tôi đi giải truyền đơn, nội dung tuyên truyền vận động của truyền đơn có những thay đổi theo từng mốc thời gian để thích hợp với tình hình. Trước kia, trong các cuộc đình công, công nhân chỉ đấu tranh đòi tăng lương và giảm giờ làm (đòi làm 8 giờ một ngày). Trong các cuộc mít-tinh công khai lớn thì đòi giảm sưu thuế và thực hiện dân chủ. Sau khi Chính phủ Bình dân ở Pháp đổ, Chính phủ cánh hữu ở Pháp lên thì nội dung truyền đơn là vận động thành lập Mặt trận Dân tộc phản đế.
Do tham gia hoạt động cách mạng nên có khi tôi bị đuổi việc, trong túi chỉ còn 2 xu đủ mua khoai lang luộc ngồi vườn hoa ăn trừ bữa, phải ăn cả vỏ cho được nhiều. (Cả nhà thì thuê nhà ở bãi Phúc Xá, đã có thêm một cô em là cô An. Lúc thóc cao gạo kém, năm người lớn bé phải chia nhau mỗi người vài bát cơm mà ăn.)
Qua những hoạt động thực tế trong phong trào công nhân và qua một số thử thách nói trên, tôi được Đảng cho là đối tượng được kết nạp. Lúc đó khi tổ chức Đảng còn hoạt động trong bóng tối nhưng cũng có sự kiểm tra cẩn thận; có lúc cả đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) cũng xuống kiểm tra. Một ngày vào tháng 9 năm 1939, đồng chí Trần Quốc Hoàn rủ tôi lên vườn Bách thú để tuyên bố kết nạp Đảng. Vườn Bách thú lúc đó không đóng cổng, người ra vào tự do, vườn cũng có gấu, khỉ, trăn, hổ v.v… và rậm rạp y như trong rừng (vì vậy nên mới gây cảm hứng cho nhà thơ Thế Lữ viết ra bài thơ nhớ rừng chứ!)
Lúc đó tôi chỉ mới biết các đồng chí Hạ Bá Cang, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn là những người quan trọng, mà đồng chí Lương Khánh Thiện là người rất quan trọng nên mới bị Pháp truy lùng gắt gao đến thế.
Vào khoảng năm 1940, sau một thời gian thất nghiệp, tôi xin được việc làm ở nhà in Le Progres (Tiến Bộ). Đó là nhà in tư nhân của một viên chức cao cấp của công ty đường sắt Vân Nam. Ông ta không biết nghề in nên thuê tôi làm quản lý và trả lương 18 đồng một tháng. Nhà in này vào cỡ trung bình, có khoảng mười công nhân. Ông chủ có cô con gái vừa tuổi cập kê, khá xinh.
Lúc đó, mật thám vẫn theo dõi tôi vì nó biết tôi là phần tử tích cực, nhưng chưa có chứng cớ để bắt. Mặt khác, nó cũng tiếp tục dò tìm tung tích anh Lương Khánh Thiện, hàng ngày cho người lảng vảng nhòm ngó ở xế cửa chỗ tôi làm. Có hôm tôi ra về, nó chặn lại bảo: “Thế bây giờ có biết Lương Khánh Thiện ở đâu không?” Tôi nói: “Lúc trước chỉ ăn cơm cùng ở nhà Hàng Bún thôi, sau ông ấy đi đâu tôi không biết đâu. Các ông tìm còn chả thấy, làm sao tôi biết được!?” Lần khác, nó lại bảo: “Hễ lúc nào anh gặp thì cho chúng tôi biết, như vậy chúng tôi sẽ để yên cho anh làm việc ở đây. Làm ở đây lương cao, con gái ông chủ lại cảm tình với anh, sướng thế còn gì.” Tôi nói: “Chim trời cá nước, tôi làm sao nhận lời các ông được.”
Cách đó độ hai hôm, đến giờ tan tầm trưa ra về, tôi thấy một tên mật thám đi xe đạp theo sát tôi về đến tận bờ hồ Thiền Quang. Khi tôi đi lên cầu tre ra đảo để về nhà ông Nho nơi tôi ở trọ thì tên mật thám vì vướng xe đạp, không theo được nữa, nó bỏ đi. Tôi nghĩ chắc có chuyện rồi nên lập tức thu vén tất cả sách báo tài liệu cách mạng, đưa ra bờ rào sang nhà chùa Thiền Quang cho anh Nguyễn Văn Trọng cùng trong nghiệp đoàn để kịp thời tẩu tán. Y như rằng, ngay chiều hôm đó, mấy tên mật thám đã ập vào nhà ông Nho khám xét và bắt tôi về Sở Mật thám tra hỏi suốt mấy hôm. Nhưng rất may là chúng không bắt được tài liệu gì và không có ai khai báo gì về tôi, cho nên chúng không kết tội được tôi, đành chỉ đọc lệnh trục xuất về quê Thanh Hoá. Thời gian hoạt động trong phong trào công nhân ở Hà Nội, do cùng dự các cuộc mít-tinh, biểu tình, kỷ niệm 1/5… tôi và An (sau này là vợ tôi, lúc đó là hội viên Hội Ái hữu thợ may) gặp gỡ nhau, từ khi bị trục xuất về Thanh Hoá thì không thể có liên hệ với nhau được nữa và sau khi tôi bị đi “an trí” (tức đi đày) một thời gian thì mất hẳn tin tức về nhau. Vào khoảng tháng 5 năm 1940, cả gia đình tôi đã về quê, tôi có thêm một em trai, nhà đặt tên là Nhàn (ba tuổi), anh Thọ vẫn đi làm ăn xa. Một hôm gần tết Đoan ngọ (mồng năm tháng năm ta), tôi đang quét dọn bàn thờ chuẩn bị cúng thì bị mật thám đến xích tay giải xuống tỉnh lỵ Thanh Hoá. Sau đó, chúng đưa tôi đi “an trí” ở tận Đắc-lây Kom-tum. Chúng gọi đó là trại T.S (Travailleur Special).
Lúc tôi đến Đắc-lây thì ở đó mới lập ra khu trại có lính gác, rào thép gai, có hào cắm chông và nhiều chòi canh. Trong trại đã có 15 anh em bị bắt ở các nơi đưa về. Lúc đó, phát xít Đức đang chuẩn bị đánh Pháp, bọn cầm quyền ở Việt Nam lo sợ cách mạng của ta sẽ nhân cơ hội này mà hoạt động mạnh hơn nên chúng phải bắt cả những người tình nghi và tập trung lại một nơi để rảnh tay đối phó sự nguy hiểm ở chính quốc. Bọn chúng gọi cái việc bắt tập trung chúng tôi đi biệt xứ đó là đi “an trí”. Vì vậy, ở nhà đày này, chúng tôi không đến nỗi bị tra tấn, ngược đãi gì lắm; chỉ phải tội bị đưa đến những nơi nổi tiếng rừng thiêng nước độc, dễ bị chết dần chết mòn vì không quen thung thổ và bệnh sốt rét không đủ thuốc chữa. Lúc đó, trong cả nước, ngoài cái trại tôi bị giam ở Đắc-lây thuộc tỉnh Kom-tum này, còn có các trại tương tự như “căng” Bắc Mê (Hà Giang), “căng” Bá Vân (ở Thái Nguyên), “căng” Li Hi (ở Thừa Thiên – Huế), toàn nơi rừng rậm núi cao.
Tôi được phát ba bộ quần áo ka-ki, ba chiếc chăn chiên (như những anh em bị bắt khác) trên đường giải đi Kom-tum. Đến trại Đắc-lây được một thời gian thì không bị nhốt trong nhà nữa, được ra làm vườn bên ngoài trại, có lính canh đi theo. Chế độ ăn theo quy định, mỗi người mỗi ngày được 1.000g gạo, 300g thịt, 300g rau, mắm muối tiêu khoảng 15g. Có đủ điều kiện trồng thêm rau, nuôi ga, nuôi lợn, nhất là sau khi số người bị đày lên đến con số 90. Chúng tôi tổ chức đời sống khá tươm tất. Mỗi tuần lễ, mỗi mâm sáu người được ăn một con gà quay, mỗi tháng được ăn một con lợn sữa quay.
Ở Đắc-lây khoảng 5 tháng thì trại chuyển đến Đắc-tô cho tiện đường vận chuyển. Tình hình quản lý giam giữ vẫn như ở Đắc-lây, song số người bị giam đã lên đến một trăm vì có một số anh em mãn hạn tù ở nhà tù như Ban-mê-thuột, Côn Đảo… nhưng bọn Pháp không cho về quê mà đưa đến Đắc-tô để giam giữ tiếp. Trong số đó tôi nhớ có các anh Hoàng Anh, Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Tố Hữu, Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân…
Lúc đó, những nơi như Đắc-lây, Đắc-tô còn hoang sơ lắm. Núi rừng thì rậm rạp vô kể, đời sống của người dân địa phương thì cực kỳ lạc hậu. Trên rừng nhiều sản vật quý hầu như chưa ai khai thác. Chúng tôi được nếm khá nhiều loại thịt thú rừng: hươu, nai, lợn lòi… (Tên Tây đồn cho lính vào rừng săn lợn lòi lấy thịt để thế vào số thịt phải mua để cấp cho tù, vậy là nó bỏ túi được số tiền mua thịt). Có lần vào rừng còn thấy cả con hổ bị đánh thuốc độc chết nhưng anh em không dám ăn thịt. Trong rừng gỗ quý như lim, gụ, lát, trắc… anh em tha hồ lấy về làm đồ dùng vặt, thậm chí còn lấy cả gỗ trắc về đẽo guốc nữa. Đồng bào dân tộc ở vùng chúng tôi ở lúc đó còn vắng và cuộc sống mọi người rất đơn sơ mông muội. Nhiều người đi lính cho Tây cũng chỉ cốt để kiếm kế sinh nhai, đa phần chưa giác ngộ gì về đất nước, chưa biết Tây là kẻ thù cướp nước. Lúc đó ngay chúng tôi cũng gọi người dân tộc là “mọi”, binh lính người dân tộc là “lính mọi”. (Còn nhớ một chuyện buồn cười, đó là chuyện đồng chí Chu Huy Mân học viết câu và chính tả do tôi dạy. Anh Mân là cố nông biết chữ qua loa, vào tù học tiếp, khi viết anh chưa phân biệt được “muỗi” và “mọi”, có câu “văn” anh viết: “Ngoài bờ suối có rất nhiều mọi”, anh em bắt bẻ, hỏi “mọi” đâu mà chẳng thấy người nào? Anh phải giải thích: “mọi” ở bờ suối đó, hắn bay vo ve, hắn “đút” cho sốt rét đó. Lúc đó mọi người mới hiểu ra là anh nói về con muỗi!). Có bận (khi còn ở Đắc-lây), Chúng tôi đi xuống một buôn làng tên là Đắc-bla để làm quen với dân (vẫn còn lính đi kèm), tôi thấy một bà già đang làm rượu cần. Bà tãi xôi nếp ra một cái nia trông cáu bẩn lắm, rồi bà bỏ men rượu vào miệng nhai nát và nhổ ra, trộn với xôi… Quả là khiếp, nhưng lần sau lại xuống, bà con đem rượu cần ra mời, vẫn phải cố mà uống.
Còn những người lính mọi, họ ngây thơ vô cùng. Bình thường họ rất hiền lành và dễ thương, chúng tôi cũng đã tranh thủ được cảm tình của họ và giúp đỡ họ nhiều việc, để dễ bề đi lại, để dễ bề che mắt bọn Tây mà chuẩn bị cho anh em trốn trại. Mỗi lần có tù trốn hoặc mỗi lần tổ chức đấu tranh với Tây đồn, bọn Tây cho lính dùng báng súng và gậy đánh chúng tôi như mưa. mấy người lính mà hàng ngày đã “thân” với chúng tôi lại càng đánh chúng tôi nhiều hơn. Khi đi làm, chúng tôi hỏi họ tại sao lại đánh đau thế, đánh nhiều thế? Thì họ nói: “Ông quan cho đánh mà!” Hỏi tại sao ngày thường giúp nhau nhiều, thân nhau thế mà lại đánh nhiều hơn? Trả lời: “Quen thân đánh nó mới không giận” (!?)
Trong trại còn có một anh y tá cũng là “mọi”, tiếng là y tá nhưng quả thật trình độ và tay nghề đều quá kém, anh em phải đề nghị Tây đồn giao thuốc cho tù tự quản lý và chữa trị cho nhau. Có anh Hoàng Tường biết về thuốc, đã nhận làm việc này; tôi được làm phụ cho anh Tường. Sau đó, anh được tha trước, tôi “lên thay” anh. Suốt thời gian ở tù, tôi nhớ đã từng tiêm đến 3.000 mũi cho anh em mà không có tai biến gì. (Khi chính mình ốm sốt rét thì chẳng ai tiêm cho, phải tự tiêm lấy, mà lại tiêm ven mới khó chứ.).
Trong trại tuy ăn uống có dồi dào như đã nói trên kia, nhưng nhiều khi không ăn được vì sốt rét. Có khi cả trại đều sốt nằm rạp cả một lượt, chỉ có anh Lê Văn Hiến là còn ngồi được, vì anh vốn là nhà thể thao và lại có được cái màn gia đình gửi cho tránh muỗi. Anh em có nhiều người bị sốt rét ác tính, như anh Hán, sốt đến đái ra máu mà chết. Tôi và anh Ngô Văn Kiếm cùng bị sốt rét ác tính nặng. Anh Kiếm nổi điên nhảy tứ tung cả lên, nhưng may sao sau đó lại khỏi được. Tôi thì hôn mê sâu, nằm ly bì. Anh em cử người chăm sóc rất cẩn thân, hai người ngồi hai bên canh chừng, thỉnh thoảng giúp trở mình và đổ nước cho uống, cứ hai tiếng đồng hồ lại đổi kíp 2 người khác. Thuốc rất hiếm. Tôi đã có lúc gần tắt hơi, mắt thì trợn ngược lên rồi, anh em đã đóng quan tài bằng ống tre lồ ô, hễ sợi bông ở mũi mà không lung lay nữa là đem chôn. Tôi chợi tỉnh dậy, kêu: “Ối giời ôi, đau quá! Tôi ngủ được mấy tiếng rồi?”. Mọi người nói đã ba ngày ba đêm. Thế nghĩa là tôi đã bị Diêm Vương chê, đuổi về dương gian đấy!
Trong trại tù, anh em sống rất có tổ chức, đã cử ra một Ban Trật tự, có người đại diện đứng ra giao dịch với Tây đồn và mở cả lớp huấn luyện chính trị, văn hoá (như anh Nguyễn Duy Trinh dậy lý luận). Trong nhà giam có ông Tú Hiếu người Quảng Trị (có họ với chị Diệu Muội vợ anh Lê Chưởng) kiếm được một cuốn sách chữ nho, thế là nhiều anh em xúm vào học, tôi cũng học thêm được một ít chữ nho nữa. Còn có Ban Nhà bếp, mỗi phiên cử bốn người nấu cơm làm thức ăn trong một thời gian khá lâu. Có Ban Làm dụng cụ, chúng tôi đã đấu tranh đòi được một cái bễ lò rèn, rèn các công cụ phục vụ cho đời sống; Chúng tôi đóng được cả chiếc máy ép bún bằng gỗ trắc nữa…
Trong trại có rất nhiều anh em có tay nghề, làm được rất nhiều đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Có người dạy nghề đan mây, tôi cũng học đan được một chiếc va ly bằng mây để chuẩn bị cho khi ra tù. Anh em còn dạy nhau làm được cả bàn chải đánh răng và các đồ mỹ nghệ bằng sừng trâu, tôi cũng khá khéo tay, làm được quản bút bằng sừng khá bóng đẹp, bán được những một đồng bạc Đông Dương cho Tây đồn. Có anh em biết nghề thợ may, sửa quần áo tù thành quần áo “diện” như ngoài phố. Tôi cũng học may và cũng khâu được đẹp như máy. Những ngày Tết, trong trại đều tổ chức “ăn Tết” rất rôm rả, có liên hoan văn nghệ và cỗ Tết hẳn hỏi. Cỗ Tết nấu rất ngon, giò nem ninh mọc chẳng kém gì ai, lại có món bánh bằng bột hoàng tinh ăn ngon như bánh thánh. Tiết mục diễn kịch mới thật đáng nói. Vở kịch do anh Hà Thế Hạnh sáng tác kiêm đạo diễn, kiêm diễn viên. Tôi được phân công trang trí sân khấu, vải làm phông màn thì gửi tiền cho chính bọn “nhà đồn” mua hộ. Tôi còn được sắm một vai con gái, quần áo mượn của vợ Tây đồn (là người Việt), Lại lấy quả bóng cắt làm đôi độn vào ngực, rất là “ra dáng”. Vợ chồng Tây đồn xuống xem, cũng phải khen giống y như con gái.
Trong trại tù ngoài cái lần xuýt chết vì sốt rét, còn một lần nữa tôi lại sống vì sốt rét. Số là, sáng hôm đó lẽ ra đến phiên tôi đi đổ thùng xia cùng với anh Trần Hải Kế (theo sự phân công của Ban Trật tự nội bộ – do anh em bầu ra – cứ một tuần lễ cắt cử hai người, hàng ngày khiêng thùng xia đi đổ rồi rửa sạch mang về), nhưng tôi lại lên cơn sốt, anh Lê Văn Hiến (là người phụ trách Ban trật tự nội bộ, đồng thời là người đại diện giao dịch với Tây đồn, vì anh giỏi tiếng Pháp) mới cử anh Thái Văn Tam đi khiêng thay tôi. Khoảng chín giờ rưỡi sáng thì nghe thấy có tiếng súng nổ, lính chạy về báo với Tây đồn là có hai tù trốn lúc đi đổ thùng, đã bắn chết. Như vậy là anh Thái Văn Tam đã thế mạng tôi. Ngay lập tức, anh em trong trại tổ chức tuyệt thực để phản đối hành động dã man đó, đòi trừng trị những kẻ chủ mưu. Cuộc tuyệt thực kéo dài khoảng một tuần lễ, mới đầu thì thấy rất khó chịu, đói cồn cào trong ruột, nhưng đến ngày thứ tư thì chỉ thấy mệt, không thấy đói nữa. Chúng tôi tuyệt thực được vài ngày thì Tây đồn xua lính xuống đánh túi bụi, tôi và anh Lê Văn Hiến bị đánh nhiều hơn cả (chỉ vì “thân” với một số lính người dân tộc như đã nói ở trên). Bị đánh nhưng chúng tôi cũng không bỏ cuộc, đến ngày thứ bảy thì có chỉ thị của Khâm sứ Trung Kỳ đưa xuống, hứa với anh em ta là sẽ không để xảy ra những việc như thế nữa, hứa sẽ trừng trị những người gây ra việc đó. Cuộc tuyệt thực coi như đã được thắng lợi và kết thức. Sau bảy ngày nhịn đói, tôi và đồng chí Cương (người Diễn Châu) vẫn còn xung phong ra suối gánh nước về để nấu cháo cho anh em ăn. Về sau mới biết bọn thực dân Pháp có chủ trương bắn đi mỗi nhà tù vài ba người để khủng bố tinh thần anh em. (Ở trại Li Hi, Ban-mê-thuột… cũng đều có hiện tượng như vậy.)
Nhưng việc khủng bố đó của thực dân Pháp vẫn không đe dọa được anh em tù, chúng tôi vẫn tổ chức vượt ngục. Một lần vào đầu năm 1942, chúng tôi bố trí cho mấy anh Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Tố Hữu, Hà Thế Hạnh, Huỳnh Ngọc Huệ trốn trại. Ngày thường đã có kế hoạch dành bánh khảo cho anh em ăn đường. Khi họ ra khỏi trại, tôi bố trí một số hình nộm người để trên gường đắp chăn trùm đầu giả sốt rét. Lính mọi vào kiểm tra thấy đủ “đầu người” rồi là thôi. Chừng độ mấy hôm sau, ước tính là anh em đã đi được xa rồi, anh Lê Văn Hiến mới “phát giác” việc tù trốn và đi báo cáo với quan đồn. Bọn chúng sức cho dân chúng và lính đi tìm, còn ra lệnh hễ bắt được tù trốn thì chặt một cánh tay. Nhưng thực tế không ai bị chặt tay cả. Chỉ anh Hà Thế Hạnh đã bị bắt ở Quy Nhơn và bị đưa trở lại trại.
Ở trại giam mấy năm trời, tôi chẳng được ai là người thân đến thăm hỏi, thư từ cũng rất hiếm. Chỉ có hồi lên Đắc-tô được một năm, tôi nhận được một lá thư nhà gửi lên, báo tin ông bác Cử mất, rồi bố tôi mất. Trong thư còn nói chuyện chú Nhàn em út tôi lúc đó mới 5 tuổi cứ hay hỏi: “Chứ anh Vĩnh đi mô rồi mẹ?”. Cũng có tin anh Thọ tôi thất nghiệp ở Hà Nội trở về quê đi dạy chữ quốc ngữ cho trẻ con làng Phương. Anh đã lấy một người vợ mới là chị Xếp. (Anh lận đận về đường vợ con, hai người vợ trước đều mất; nay chị Xếp chồng đi lính ngụy chết, chị giả vờ đến xin học và cố tán tỉnh để lấy anh Thọ).
Khoảng cuối tháng 2 – 1945, tự nhiên bọn quan đồn thả ba người tù gồm có tôi, anh Nguyễn Trường Châu và một anh nữa tôi không nhớ tên. Thế là kết thúc 5 năm “an trí” của tôi ở nhà tù Kon-tum. Có thể nói, 5 năm ở tù, tôi thấy mình trưởng thành hơn hẳn, trình độ chính trị được nâng lên, văn hoá nâng lên và biết thêm được nhiều việc, nhiều nghề. Đúng là những người cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học có giá trị như một trường “Bách nghệ” thời bấy giờ.
Tôi không hiểu tại sao khi thả chúng tôi, bọn để quốc lại phải cho lính dẫn đi qua từng nhà tù như ở Kon-tum, Quy Nhơn và các nhà tù địa phương khác, có nơi chúng bắt ở lại vài ngày rồi mới dẫn đi tiếp. Ra đến nhà lao Huế, nghỉ lại một đêm, đêm sau (ngày 9 tháng 3 năm 1945) chợt nghe tiếng súng nổ ầm ầm. Hoá ra Nhật đã đảo chính Pháp, bắn vào đồn Mang Cá. Một ngày sau thấy lính Nhật vào tiếp quản nhà lao Thừa Phủ. Lúc đó tôi giật mình, chợt nghĩ: bọn Nhật rất ghét cộng sản, nếu nó phát hiện ra mình là tù cộng sản thì nguy với nó, liền bàn với mấy anh tìm cách chuồn cho sớm. Mấy anh có gia đình ở Huế thì nhắn người nhà vào bảo lãnh cho về. Tôi sực nhớ có bà Mây vẫn còn kinh doanh hoa ở Huế, mới gửi thư ra nhắn bà Mây vào đón cho về (thư gửi người nhà các anh em bạn tù đến thăm). Bà Mây đã đồng ý đón tôi về, cho ở nhà trồng hoa… Trong khi đó, tôi tranh thủ tìm gặp được mấy anh em mình ở Đắc-tô về bàn nhau tiếp tục hoạt động, Lúc đó Nhật đã lập được nội các Trần Trọng Kim rồi, anh em bàn chia nhau đi tìm anh Tôn Quang Phiệt (anh Phiệt là nhân vật có tiếng tăm ở Huế và là một nhà hoạt động từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội) để vận động anh đứng ra kêu gọi Chính phủ Trần Trọng Kim thả nốt các anh em đang bị giam ở Đắc-tô. Lấy lý do là: Chính phủ mới nên tha những người đó, vì họ là những người chưa có án, hoặc đã mãn hạn tù. Ít ngày sau, cuộc vận động có kết quả, trại Đắc-tô giải tán, anh em tù được giải phóng hết. Tôi cũng gặp lại anh Huỳnh Ngọc Huệ đã vượt ngục từ trước. Chúng tôi cùng nhau tập hợp tổ chức được cuộc mít-tinh ở chùa Thiên Mụ, tuyên truyền giải thích chủ trương chính sách của Việt Minh, kêu gọi đồng bào tham gia Việt Minh.
Khoảng đầu tháng 7 năm 1945, tôi nói với bà Mây xin về thăm gia đình ở quê. Bà Mây đồng ý, cho ít tiền và quà Huế (kẹo mè xửng, cá mực khô) đem về. Về đến nhà, lúc đó chỉ còn bà dì, vợ chồng anh Thọ và chú em Nhàn. Ở nhà đã làm được một gian nhà tranh vách đất nhỏ trên nền cũ của gia đình. Tôi cũng đã đi thăm hỏi bà con anh em ở quê nữa. Sau đó tôi nghĩ, trước kia mình đã hoạt động ở địa bàn Hà Nội, nay về Hà Nội đi tìm Đảng. Để có chỗ ăn ở, tôi phải tìm về nhà ông Đòng (cha mẹ nuôi cũ), lại xin ăn đỡ làm giúp. Gia đình họ cũng biết tôi đi tù về nhưng vẫn chứa chấp.
Ra đến Hà Nội, việc đầu tiên là tôi tìm đến anh Phạm Ngọc Mậu bạn thợ in cũ hỏi về tin tức của An, mới biết An bị giam ở Hỏa Lò. Tôi mua bánh vào Hỏa Lò thăm. Cuộc gặp nhau ngăn ngủi sao mà xúc động bùi ngùi!

Mời xem lại:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét