Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

‘Lịch sử sẽ tôn vinh ông Lê Trọng Nghĩa’


H1Tôi là một kẻ hậu sinh, đàn em của Anh, được tiếp xúc với anh rất ít, nhưng Anh là một trong những con người chân chính đã để lại trong tôi sự kính phục và yêu mến.
Ấn tượng về đôi mắt rực sáng trong cái nhìn đôn hậu của Anh đã chìm sâu trong ký‎ ức tôi, giục giã tôi và cũng đang day dứt tâm hồn tôi.
Sáng nay, 23.2.2015, đang xúc động với hình ảnh Nguyễn Thái Bình trên VTV1 trong chủ đề quê hương với người Việt Nam ở nước ngoài, bồi hồi nhìn lại hình ảnh những người bạn qu‎ý mến Ngô Thanh Nhàn, Ngô Vĩnh Long kể lại kỷ niệm về Nguyễn Thái Bình, người thanh niên quả cảm bị giết hại năm 23 tuổi, và nay đang là tên một đường phố tại Quận I, Sài Gòn, một chương trình khá nhất của truyền hình Tết vì được xây dựng công phu và có hồn vì có sự chân thật của tình người, thì cháu tôi gọi: “Cậu ơi, bác Lê Trọng Nghĩa mất rồi, đài BBC vừa đưa”.
Càng bàng hoàng hơn khi cháu tôi day dứt :”quả là đã định làm gì thì phải làm ngay, chỉ chậm một tí là là phải ân hận, sau buổi trao đổi với Cậu, cháu đã định đến thăm bác Nghĩa ngay đế cám ơn bác ấy đã kể cho cháu nghe về nhiều kỷ niệm với Ba cháu, nhưng chần chừ đợi có sách đã, để hôm nay cầm cuốn sách định đến tặng bác ấy thì không kịp nữa rồi”.
Nỗi day dứt ấy cũng là nỗi day dứt của chính tôi.
Nếu người thanh niên trí thức học ở Mỹ được phong anh hùng vì tinh thần yêu nước và hành động quả cảm đấu tranh lên án cuộc chiến tranh đẫm máu của Mỹ tại Việt Nam ngay trên đất nước Mỹ và đã bị bắn chết rồi vứt xác trên phi trường Tân Sơn Nhất ngày 2.7.1972, thì cũng bằng tuổi ấy, người thanh niên Lê Trọng Nghĩa là ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa ở Hà Nội những ngày trước Cách mạng Tháng 8.1945, từng là đại biểu Quốc hội khóa I, là Chánh văn phòng Quân ủy TƯ, Bộ Quốc phòng và Cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu, Bí thư Đảng ủy Bộ tổng tham mưu và rồi bị tù 9 năm về “Vụ án xét lại”, một nghi án đen tối đáng xấu hổ và nhục nhã trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam mà chính những người trong cuộc của thời điểm ấy đã công khai lên tiếng.
Thế rồi, hôm nay người ta long trọng và xúc động tri ân một người xứng đáng được tri ân đồng thời lại im ắng, một sự im ắng đáng xấu hổ, của sự ra đi của một con người cũng rất đáng được tri ân vì sự cống hiến, vì bản lĩnh và nhân cách cao thượng của một người chiến sĩ quả cảm và kiên cường từng đi tiên phong trong Cách mạng Tháng 8 và trong kháng chiến chống ngoại xâm.
Nhói trong tim tôi lời cảnh báo của Martin Luther King :“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.”

Lần gặp cuối cùng

Hôm ấy, hình như hôm 12.9.2014, tôi bỏ một buổi đại hội Mặt Trận Tổ quốc tại Hà Nội đến anh Nghĩa theo lời mời của anh qua điện thoại.
Anh có vẻ hơi sốt ruột. Vì theo lịch hẹn giữa anh với anh Việt Phương và tôi, phải sáng chủ nhật, 14.9, trước khi bay về Sài Gòn chuyến tối, chúng tôi mới đến anh.
Ông già 92 tuổi phải lần từng bước bốn tầng cầu thang tối om để xuống mở cửa cho tôi, cho dù tôi đã hết sức ngăn.
Mở được cửa rồi, anh xua xua tay ra hiệu tôi đừng hỏi, ý chừng phải để cho anh thở, lấy lại sức đã. Ngồi ngay tại đấy nói chuyện được vài câu, anh lại xua tay “phải lên phòng tôi thôi”.
Lại hổn hển từng bước leo lên bốn tầng lầu. Chỉ tay mời tôi ngồi xuống chiêc ghế cạnh giường, anh lại xua xua tay làm hiệu đừng hỏi, để cho anh thở, lấy lại sức đã. Ấy thế mà khi đã vào guồng, như được tiếp thêm sức từ những hồi ức mà anh muốn kể cho tôi, tôi cố ngăn vì sợ anh mệt thì anh xua tay cười hiền hậu “để mình nói, cũng chẳng có nhiều dịp nữa đâu, mình dặn Việt Phuơng là nếu Tương Lai ra Hà Nội thì cố đến ngay nhà mình mà, nhiều chuyện cần nói lắm, mình biết cậu cũng chẳng ở lâu được”!
Tôi day dứt vì chính nụ cười hiền hậu và gửi gắm ấy của Anh, và sự day dứt đã thành nỗi đau trong tim tôi lúc này đây anh Nghĩa ơi.
Biết tôi có nhiều suy tư qua tiểu luận nghiên cứu mà tôi đã có dịp gửi nhờ anh xem và góp phần chỉnh sửa cách đây đã lâu, trong đó có một kiến nghị la hãy trở lại với tên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh với cách mạng Tháng 8.1945 và Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 thay vì giữ cái tên nước vô nghĩa như đang dùng, anh dành nhiều thì giờ nói kỹ hơn những điều anh đã viết về những sự kiện lịch sử mà anh là một trong những nhân chứng của thời “tiền khởi nghĩa Tháng 8. 1945″.
Trong đó, anh đặc biệt nhấn mạnh đến truyền thống quật cường và tinh thần yêu nước của người Việt Nam, của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ, những tổng kết nhằm quy về cho thắng lợi của CMT8 và khởi nghĩa giành chính quyền là “thắng lợi của Chủ nghĩa Mác Lênin” là kiên cưỡng và “vơ vào” rất vô lối chứ hồi ấy chúng tôi nào có biết Mác Lê là gì đâu.
Anh kể một số sự kiện để chứng minh cho nhận định trên, nói về những con người cụ thể đã phân công nhau làm những gì.
Giọng anh trở nên chùng xuống khi trả lời câu hỏi của tôi về chuyện anh đến Bộ chỉ huy quân Nhật ở Đồn Thủy để nói rõ lực lượng khởi nghĩa không tấn công lực lượng Nhật đã đầu hàng Đồng minh mà chỉ cốt giành chính quyền.
Anh không muốn nói nhiều về kết quả có được trong cuộc đấu tranh khôn khéo ấy do anh đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa, đã khiến quân Nhật rút về trại và không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, tránh đổ máu vô ích.
Rồi hào hứng trở lại khi anh nói về những chuyện lý thú, sống động về tính sáng tạo và thông minh của những chàng thanh niên Hà Nội trong cuộc thử lửa cũng như những ngờ nghệch đáng yêu của họ khi đi vào cuộc chiến đấu mà như đi vào ngày hội.
Thấy trên giường của anh có quyền “Đèn Cù” của Trần Đĩnh in theo khổ lớn đang đọc dở , tôi hỏi nhận xét của anh, điều mà tôi đã hẹn trước qua điện thoại, anh xua tay. “Chưa đọc. mà cũng ngại đọc. Đấy, mới tới trang 18, chẳng biết anh nào ở Bộ Ngoại giao in ra rồi gửi cho tôi. Thì cứ viết ra đi đã cũng có cái hay, còn tùy thuộc vào cái tâm của người viết. Hãy để cho lịch sử trả lời đúng, sai, hay, dở.
Tôi đọc được 18 trang rồi vứt đó nên chưa trả lời câu hỏi của anh được. Anh đặt ra những vấn đề rất trúng, nhưng thôi hẹn lần sau. Tôi phải đọc cái đã, nhưng mệt quá rồi”.
Và anh bắt sang chuyện anh muốn hỏi tôi về cuốn sách tôi viết đã lâu xoay quanh chủ đề “Gia đình Việt Nam” và “Nghiên cứu xã hội học về gia đình”. Tôi có cảm tưởng anh đang muốn trao đổi kỹ về đề tài này trong những lời tâm sự của anh, nhưng chắc do ước lượng về thời gian, anh tự chuyển sang những câu hỏi khác về công việc tôi đang làm.
Cứ thế, tôi có cảm tưởng người ngồi trên giường trước mặt tôi không còn là ông già 91 tuổi vừa hụt hơi lúc nãy, giọng anh khỏe khoắn, trầm hùng khi nói về những suy ngẫm, những phân tích sống động, trầm tĩnh và sâu lắng về những sự kiện lịch sử.
Đặc biệt, anh không mảy may nhắc đến những oan khuất mà anh phải chịu đựng, không chỉ 9 năm tù đày mà rồi gia đình và bản thân anh hiện nay. Thấy tôi tế nhị khơi gợi đến chuyện này, anh cười “thì tôi đã nói với anh hôm ở nhà anh Văn rồi còn gì?”.

Chuyện ở nhà ‘anh Văn’

Đó là câu chuyện cách nay đã hơn bốn năm. Hôm ấy tôi từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra để đến dự cuộc họp mặt thân mật mừng thọ 99 tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngồi cạnh anh, tôi có ghé vào tai “Anh phải viết lại đi. Rồi các anh lần lượt ra đi cả, quãng trống của lịch sử sẽ khó có ai lấp đầy được.
“Mà phải để cho lịch sử biểu tỏ sự công minh của nó, còn để cho các thế hệ sau này hiểu được về cha anh họ chứ. Anh ngại viết thì cứ nói vào máy, tôi sẽ nhờ học trò tôi làm việc này, gỡ băng ra, anh xem lại, nếu anh thấy cần, tôi tình nguyện biên tập chỉnh sửa lại cho anh.
“Nhưng phải nhanh lên, vì cũng chẳng biết thế nào mà tính trước được đâu, chưa chừng tôi “đi trước’ cả anh và anh Việt Phương biết đâu, mặc dầu tôi thua anh một giáp đấy”.
Anh chỉ cười, không trả lời. Gần cuối buổi, anh đột nhiên kéo tay tôi, chỉ một người đang đứng gần cửa ra vào:
“Này,TL, nếu muốn viết thì anh viết về anh ấy thì hay hơn, một “nhân chứng sống” và cũng “thời sự” hơn đấy”. Câu chuyện sẽ quá dài nếu tôi kể sâu hơn về người mà anh muốn tôi viết. Hơn nữa, tính “thời sự” mà anh muốn nói thì cuộc sống đã nói hay hơn gấp triệu triệu lần những cây bút tài ba nhất, nhạy bén nhất chỉ hai năm sau ngày anh nói với tôi.
Vả chăng, tôi đâu phải là một nhà báo, tôi cũng chẳng phải là nhà văn. Tôi chỉ là người muốn ghi chép lại những sự kiện lịch sử, và Anh chính là một “hiện tượng lịch sử đích thực”.
Anh là một nỗi đau của lịch sử. Đúng hơn, nỗi đau của những người dám dấn thân vì nghĩa lớn của đất nước, vì nghĩa cả giải phóng dân tộc để giải phóng con người, xây dựng một xã hội nhằm thể hiện mục tiêu cao cả : “sự phát triển tự do của mỗi con người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” đã bị người ta phản bội nhân danh chính những điều đẹp đẽ ấy.
Phản bội một cách trắng trợn và đáng ghê tởm, hay phản bội bởi những sự lừa mị, ngu dân với những lời đường mật cửa miệng lươn lẹo, cũng đều là sự phản bội.

Nạn nhân của ‘phản bội’

Và anh là nạn nhân tiêu biểu của sự phản bội ấy. Người ta nói với anh chỉ cần gật đầu thừa nhận một câu chuyện bịa đặt nhằm một mục đích chính trị bẩn thỉu, thì anh sẽ được trả tự do và dễ dàng bước lên những bậc thang danh vọng, vì anh đã từng giữ nhiều trọng trách mà những thuộc cấp đứng dưới anh rất xa nay đã ngất nghểu trên những cái ghế cao quyền thế, danh vọng, bổng lộc.
Nhưng anh đã nhã nhặn rồi phẫn nộ từ chối. Lương tâm của người chiến sĩ dám xả thân vì ngĩa lớn không cho phép anh phản bội chính mình, phản bội đồng chí, đồng đội mình.
Một cái lắc đầu có sức nặng của một quả núi sừng sững trước bão táp cuồng nộ của bạo lực và mua chuộc. Những người từng chứng kiến bi kịch của anh đã kể lại cho chúng tôi nghe về bản lĩnh và phẩm cách của anh.
Và, anh Nghĩa ơi, cái chuyện về tính “thời sự” mà anh nhắc tôi hôm ấy thì như tôi vừa nói, cuộc sống đã thực thi sứ mệnh tuyệt vời của nó bằng việc tiễn đưa vị lão tướng huyền thoại nằm ngoài mọi kịch bản soạn sẵn và những toan tính ở nhiều góc độ.
Anh là người Thư ký tuyệt vời nhất của ‎vị lão tướng huyền thoại ấy, cũng là người xứng đáng nhất trong dòng người bất tận xếp hàng thắp nén hương tiễn biệt người thủ trưởng mà anh hết lòng yêu kính và kiên cường bảo vệ. Họ tự nguyện đứng xếp hàng để được biểu tỏ tấm lòng thành kính tri ân, nhớ thương một con người đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, nay đã đi vào lịch sử.
Phải chăng con đường ngoằn nghoèo người xếp hàng kia cũng đang là biểu tượng một nét dáng của lịch sử?
Lịch sử đang đi những bước chậm rãi nhưng chất chứa nhiều tiềm ẩn khó lường anh Nghĩa ạ.
Nếu lịch sử là con người nhân với thời gian, thì sự sòng phẳng của lịch sử chính là ánh phản chiếu của lòng dân tôn vinh những người đã góp phần làm nên lịch sử. Vị “tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy” mà có lúc người ta cố tình lảng tránh những oan khuất, vô tình hay hữu ý toa rập cho toan tính bẩn thỉu nhằm che lấp sự thật lịch sử. Nhưng lịch sử sớm muộn cũng thực hiện sứ mệnh công minh của nó là trả về những giá trị đích thực đã từng bị vùi lấp.
Và lòng dân đã thực thi sứ mệnh ấy của lịch sử. Chính vì thế, lịch sử rồi cũng đang làm và sẽ làm điều ấy với Lê Trọng Nghĩa, người Thư ký kiên cường, Cục trưởng Cục quân báo, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, gắn bó mật thiết với sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cho đến giờ phút này báo chí chính thống trong nước đã dành việc đưa tin Lê Trọng Nghĩa từ biệt thế giới này cho đài BBC để rồi cũng sẽ có lúc những người chủ trương sự im lặng đáng ngờ này sẽ phải trả giá đắt.
Trước hết là phải gánh chịu thêm sự phẫn nộ và khinh miệt của lòng dân và công luận. Thì cũng giống như dạo nào người ta phải gọi những tàu ăn cướp của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân ta trên vùng hải phận thuộc chủ quyền của ta là “tàu lạ”, để rồi bây giờ cũng có chút bẽ bàng với dân và với thế giới khi gọi đúng tên người “bạn vàng 16 chữ và bốn tốt” là bọn Trung Quốc xâm lược.
Công luận và lòng dân đã quá hiểu rõ chuyện “tàu lạ” và bụng dạ thì quen với việc không dám đối mặt với sự thật và cũng không dám chịu trách nhiệm cần phải ứng xử kịp thời trước những tình huống đòi hỏi một nhãn quan chính trị sáng suốt và bắt kịp mạch đập của cuộc sống với tâm trạng của người dân.
Kịp thời phục hồi danh dự cho một chiến sĩ kiên cường, một nhân cách cao thượng, một người bị oan khuất song vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nước với dân, là một hành vi chính trị và phục hồi đạo lý có ý nghĩa gấp vạn lần những lời nói sáo rỗng và hành động mỵ dân mà người ta đã qúa nhàm chán.
Không sớm thì muộn, việc đó cũng phải làm. Bài học về lòng dân đưa tang và tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một bài học đắt giá cho những ai muốn học tập ông cha trong việc thực hiện chính sách thân dân, điểm tựa vững chắc nhất của một đường lối dựng nước, cứu nước, giữ nước và xây dựng nền thịnh trị của một đất nước.
Nén nỗi day dứt, tôi cố viết vài dòng về anh, nhưng sao con chữ cứ nhảy múa vòng vèo không diễn đạt được tâm trạng của mình. Thôi đành tự an ủi “vọt từ suối phun ra là nước, chảy từ mạch máu ra đều là máu”, tôi viết trong nỗi đau thương nhớ Anh, anh Lê Trọng Nghĩa ơi, nụ cười thanh thản và điềm đạm của anh đang giục giã chúng tôi, những người quý‎ trọng, thương mến anh và nguyện theo gương Anh.

GS Tương Lai
23-02-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét