Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Bao giờ Nhật đi tuần biển Đông?


Kính gửi quí cơ quan truyền thông báo chí,
Giới truyền thông Nhật nhận xét rằng những cuộc hội đàm giữa Nhật và Việt Nam chẳng hề đi đến đâu. Phía Việt Nam chỉ nói chung chung về "quyết tâm bảo vệ biển đảo", nhưng vẫn không liên kết với bất cứ một quốc gia nào để phòng vệ biển Đông và giải quyết vấn đề chủ quyền tại hai lãnh đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có người còn cho rằng Nhật đã bị nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền với dân Việt Nam và chỉ cho mục tiêu đó mà thôi.
Kính chuyển đến quí vị bài viết “Bao giờ Nhật đi tuần biển Đông?” của tác giả Ngô Văn và kính mong được tiếp tay phổ biến.
Trân trọng
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân
Những cuộc hội đàm trước đây của ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Phùng trước với giới lãnh đạo Nhật về tình hình biển Đông, hầu như biến mất rất nhanh trên báo đài Nhật. Những cuộc hội họp đó chẳng dẫn đến ký kết cụ thể nào giữa hai bên. Theo nhận xét của truyền thông Nhật, phía Việt Nam chỉ nói chung chung về "quyết tâm bảo vệ biển đảo", nhưng vẫn không liên kết với bất cứ một quốc gia nào trong việc phòng vệ biển Đông cũng như giải quyết vấn đề chủ quyền tại hai lãnh đảo Hoàng Sa và Truờng Sa. Có nhà bình luận còn tỏ ra bực mình vì chính phủ Nhật bị nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền với dân Việt Nam và chỉ cho mục tiêu đó mà thôi.
Ngược lại, cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và Nhật Bản vào ngày 30/01/2015 đã được truyền thông Nhật đánh giá cao. Hai bên đã trao đổi thẳng thắng vấn nạn chung tại biển Đông và biển Hoa đông trước sự bành trướng vũ lực quân sự của Trung quốc. Hai bên đã ký những thỏa thuận về hiệp tác quốc phòng để bảo an hải dương và công tác cứu nạn trên biển.
Truyền thông Nhật phản ảnh khá rõ thái độ lo ngại ngày càng tăng của dân Nhật về ý định của Trung quốc muốn kiểm soát toàn bộ biển Đông và thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở vùng biển này. Theo báo đài Nhật, khu vực biển Đông là một ngư trường lớn. Mỗi năm luợng cá đánh bắt được ở đây chiếm 10% tổng số cá của thế giới. Đó là chưa kể đến các dạng tài nguyên thiên nhiên dưới lòng biển. Mỗi năm số lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ mỹ kim được chuyển vận qua lại trên vùng biển Đông. Con đường vận chuyển này đóng vai trò vô cùng quan trọng cho nền kinh tế Nhật và các nước trong vùng.
Vài ngày trước khi khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lên đường sang Nhật, Phó Đô Đốc Robert Thomas, Chỉ huy trưởng hạm đội 7 của Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuter, đã nói rằng: "Chúng tôi hy vọng Nhật Bản có thể mở rộng các phi vụ tuần tra về phía Biển Đông".
Và sau cuộc hội đàm giữa 2 vị bộ trưởng, vào ngày 03/02/2015, tại phiên họp Ủy ban Ngân sách Hạ viện Quốc hội Nhật, khi được hỏi về lời phát biểu của Phó Đô đốc Thomas, Thủ tướng Abe trả lời rằng: "Trong tinh thần tích cực bảo vệ hòa bình, chính phủ Nhật muốn góp phần duy trì sự ổn định khu vực Á châu". Phát biểu đó được ông Nakatani, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật, khai triển như sau: "Tại thời điểm này chính phủ Nhật chưa lên kế hoạch, nhưng tình hình biển Đông ảnh hưởng lớn đến an ninh của Nhật Bản. Phải đối ứng ra sao mỗi khi hữu sự là vấn đề mà chính phủ Nhật đang bàn thảo".
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật còn cho biết Bộ trưởng Nakatani cũng xác nhận Tokyo đang theo dõi sát sao các diễn biến chính trị và quân sự ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với các láng giềng, từ Philippines, đến Malaysia, Brunei. Ông Nakatani tuyên bố nếu cần thiết, Hải quân Nhật sẽ được triển khai để tuần tra khu vực mặc dù Nhật không có tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Khu vực tuần tra trên không và trên biển của Nhật Bản không nên chỉ giới hạn trong phạm vi biển Hoa Đông, nơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý đang bị Bắc Kinh gây sự.
Nếu tuyên bố trên trở thành hiện thực, việc tuần tra ở biển Đông sẽ được Phi đoàn Không quân thứ Năm của Lực lượng Phòng vệ trên biển trực thuộc Hải quân Nhật, đặt căn cứ tại Okinawa, thực hiện với khoảng 20 máy bay trinh sát P-3C. Ngoài khả năng bay xa, bay lâu để truy tìm và nhận dạng các tàu nổi, tàu chìm, loại máy bay này cũng có khả năng mang theo ngư lôi và thủy lôi chìm cho các sứ mạng tấn công.
Hiện nay chính phủ Nhật bản còn bị ràng buộc bởi điều 9 Hiến pháp của họ không cho phép đưa quân ra ngoài nước Nhật. Đây là bản Hiến pháp được soạn thảo sau Thế chiến II dưới nhiều áp suất từ Hoa Kỳ. Nay chính Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc Nhật tu chính điều khoản nêu trên vì không còn thích hợp với tình trạng thế giới nói chung - với những vụ con tin Nhật bị các nhóm Hồi Giáo bắt cóc - và tình trạng biển Nhật Bản và biển Đông nói riêng.
Hiển nhiên, lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với các diễn tiến này. Bắc Kinh còn tố cáo Thủ tướng Abe chỉ "lợi dụng việc hai công dân Nhật bị IS sát hại" để kích động dân Nhật và để hủy bỏ điều 9 Hiến Pháp. Họ đổ lỗi việc 2 công dân Nhật bị sát hại là do các phát biểu và hành động "vô trách nhiệm" của ông Abe tại Trung Đông trước đó.
Nhưng các phê phán trên báo đài Trung Quốc và đặc biệt qua miệng của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ khiến công luận Nhật thêm bực tức và chính phủ Nhật tiến nhanh hơn với các nỗ lực liên minh phòng thủ tại biển Đông.
Rõ ràng, thái độ lừng khừng không dám quyết định của giới lãnh đạo Việt Nam đã dẫn đến sự chán nản và bỏ lại phía sau của các chính phủ trong vùng. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách "mềm nắn, rắn buông" như đã thấy trong suốt nhiều năm qua. Và vì vậy, một khi thấy liên minh phòng thủ của các quốc gia khác quá cứng, Bắc Kinh sẽ quay sang áp lực Việt Nam nặng nề hơn nữa, nơi mà họ đang nắm ngày càng chặt từ biển khơi vào đất liền.
Xem ra loại tai họa như 64 chiến sĩ Việt bị tàn sát tại Trường Sa năm 1988 vì Bộ Chính trị đảng CSVN không dám tiến hay lùi, đang lập lại ở cấp độ hàng ngàn lần lớn hơn trên cả nước Việt Nam.
Ngô Văn@S

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét