Việc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là chuyện bình thường của chính trường Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vì đối với những người lãnh đạo chóp bu của những thể chế Cộng sản nói chung và Cộng sản Việt Nam nói riêng, quyền lực là mục tiêu cuối cùng; tất cả những giá trị như nhân bản, sĩ diện, danh dự… đều là những thứ ngăn cản sự tranh đoạt quyền lực, cũng như chỉ là những giá trị không đáng một xu trong con mắt của những lãnh đạo chóp bu Cộng sản (mặc dù chính họ là những người nhắc tới những giá trị đó nhiều nhất trên các phương tiện tuyên truyền của họ). Chúng ta hãy đọc Milovan Djilas, người Nam Tư, tác giả quyển Giai Cấp Mới, viết như sau: “Tính nhân bản của một phong trào khép kín đã trở thành thói đạo đức giả của một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Lòng chân thành cách mạng giữa các đồng chí với nhau cũng chấm dứt, mánh khoé và sự giả dối lại thành lẽ sống. Những người anh hùng (những người còn sống và chưa bị hất ra khỏi guồng máy) mới ngày hôm qua còn sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình vì người khác vì lí tưởng và hạnh phúc của nhân dân đã trở thành những kẻ ích kỉ, hèn nhát, chẳng còn lí tưởng, cũng chẳng còn ai là đồng chí của ai nữa. Họ sẵn sàng từ bỏ danh dự, từ bỏ chân lí và đạo đức miễn là được ở lại trong giai cấp cầm quyền, miễn là giữ được chiếc ghế trong bộ máy” (xin xem tác phẩm Giai Cấp Mới, bản dịch, đăng trên Thông Luận).
Nguyễn Bá Thanh là một nhân vật chính trị của thành phố Đà Nẵng. Ông ta nổi tiếng với những “thành tích dám nói dám làm” để đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố “hoành tráng” mặc dù bên cạnh đó không thiếu những tranh cãi xung quanh “thành tích” này.
Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật “hiền từ” (có thể nói là như vậy). Ông có vẻ là một nhân vật muốn vực dậy lý luận Cộng sản đang đi vào ngõ cụt tại Việt Nam (nghe đồn ông có bằng Tiến sĩ ngành Xây dựng Đảng). Bởi vậy, từ khi lên làm Đảng trưởng cho tới nay, ông Trọng ra sức bảo vệ cho tính chính danh của Đảng cũng như ra sức chống tham nhũng để làm cho nhân dân “tin yêu Đảng” hơn. Tuy nhiên, có thể do học ngành Xây dựng Đảng từ Liên Xô chỉ thuần túy là học theo kiểu hàn lâm nên việc hành động của ông kém hiệu quả.
Nhưng không phải như vậy là ông không dám làm. Tưởng rằng mình có sức mạnh, ông Tổng Bí thư (Đảng trưởng) muốn tái lập Ban Nội chính để có thể chống lại Ban Thanh tra Chính phủ. Đây là một hành động có toan tính của một kẻ có tầm nhìn xa. Và việc chọn Nguyễn Bá Thanh “dám nói dám làm” cũng là một cách “quy hoạch chiến lược”.
Tiếp theo, một bước nhìn xa nữa là cố gắng đưa Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị để có thêm sức mạnh phe cánh cũng như sức mạnh quyền lực, cũng được Nguyễn Phú Trọng thực hiện.
Tuy chiến lược là như vậy, nhưng chúng ta đã thấy Nguyễn Phú Trọng thất bại thê thảm.
Nguyễn Bá Thanh có thể được Nguyễn Phú Trọng “nói nhỏ” cho biết trước là sẽ cố gắng đưa ông ta vào Bộ Chính trị nên ngay khi ra Hà Nội, ông ta đã tuyên bố (hùng hồn) là cho rà soát lại và hốt hết, hốt liền. Nhưng Nguyễn Bá Thanh chưa kịp “hốt” được ai thì tân Trưởng Ban Nội chính (của Đảng) đã bị Thanh tra Chính phủ vào tại “lãnh địa” của Nguyễn Bá Thanh “hốt” trước.
Trong Hội nghị Trung ương 7, Nguyễn Phú Trọng với “nước cờ” đưa Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị để tiếng nói của “phe Đảng” thêm sức nặng đã thất bại (chúng ta nên nhớ trong Hội nghị Trung ương 6, Nguyễn Phú Trọng với “tham vọng” kỷ luật “đồng chí X” cũng đã thất bại).
Chỉ có giai đoạn duy nhất mà “phe Đảng” có vẻ chiếm ưu thế là “sự kiện Vinalines và Dương Chí Dung”; vào ngày 14/12/2013, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Nguyễn Bá Thanh, làm xôn xao dư luận vì ông ta đích thân xuất hiện tại phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng. Sau đó Dương Chí Dũng khai ra thông tin Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ báo tin cho Dũng bỏ trốn cũng như Dũng đã hối lộ cho tướng Ngọ 500.000 USD đã làm cho “phe Đảng” có vẻ “phấn chấn” trước những sai phạm của “phe Chính phủ”. Tưởng rằng đã có thể thừa thắng xông lên. Nhưng thật không may (cho “phe Đảng”), đến nước bí, “phe Chính phủ” đã chấp nhận “hy sinh từ cấp Thứ trưởng trở xuống” (giống như kê khai tài sản từ cấp Thứ trưởng trở xuống vậy). Thứ trưởng-Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ đột tử vì "ung thư" vào ngày 18/2/2014 đã làm “chưng hửng” cho Tổng Bí thư Trọng cũng như Trưởng Ban Nội chính Thanh.
Đến đây, ta nhận thấy điều gì? Việc vì “lợi ích chung của nhóm lợi ích”, người ta đã không tiếc phải “hy sinh” người “đồng nhóm” thì việc “bẻ nanh” (từ của Giáo sư Carl Thayer phát biểu trên BBC vào ngày 13/02/2015) đối thủ là chuyện phải làm. Điều quan trọng chỉ là vấn đề làm như thế nào.
Ba (3) tháng sau khi tướng Ngọ chết vì “ung thư gan”, vào tháng 5 năm 2014, Nguyễn Bá Thanh đối diện với tử thần với cái gọi là bệnh “rối loạn sinh tủy” (theo lời của Trưởng Ban Bảo vệ - Chăm sóc sức khoẻ Trung ương là Nguyễn Quốc Triệu).
Sau sự kiện Nguyễn Bá Thanh bị “rối loạn sinh tủy”, chúng ta thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn “mạnh miệng” phát biểu về tham nhũng nữa. Trong lần nói chuyện sau đó trên báo chí, ông Trọng phát biểu là trong Tây Du Ký, khi Đường tăng đến Tây thiên, muốn thỉnh được chân kinh còn phải hối lộ cho đệ tử nhà Phật nên tham nhũng là chuyện… bình thường. Tiếp theo, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu lộ “tâm tư” (một từ rất thời thượng gần đây) của mình khi cho rằng “đập chuột, nhưng tránh để vỡ bình”. Những điều này đã cho ta thấy rằng, ông Đảng trưởng đã hiểu được sức mạnh của “nhóm lợi ích” là không phải dễ dàng thách thức hoặc đối đầu.
Và sau cùng, sau Hội nghị Trung ương 10 vừa diễn ra, với sự “bật mí không chính thức” từ trang Chân Dung Quyền Lực, ông Trọng và con “át chủ bài của ông” là Phạm Quang Nghị, đã thất bại trong việc “vận động” các Ủy viên Trung ương Đảng tín nhiệm mình. Bằng chứng là trong việc “lấy phiếu tín nhiệm”, Nguyễn Phú Trong về thứ 8 (Phạm Quang Nghị với tham vọng “Tổng Bí thư tương lai” lại về thứ 19).
Là một “Đảng trưởng” mà trong việc “lấy phiếu tín nhiệm” trong nội bộ đảng của mình, ông còn thất thế thì nói đâu cho xa cho mất công. Vì vậy, sau Hội nghị Trung ương 10, Nguyễn Phú Trọng dường như đã hiểu được vấn đề, ông không phát biểu về tham nhũng mà chuyển sang vấn đề “chạy chức chạy quyền” khi nói rằng việc này ông nghe mà thấy… xót xa (!).
Như vậy, xuyên suốt những sự kiện kể trên, ta thấy Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Phú Trọng là cặp đôi thất bại. Ý đồ của Nguyễn Phú Trọng không những không thực hiện được mà còn làm “hy sinh” luôn cả một ông Ủy viên Trung ương Đảng đầy những “thành tích” khi đang còn ở “lãnh địa” của ông ta.
Cuối cùng, cũng như lúc mở đầu, tôi xin mượn lời của tác giả Giai Cấp Mớiđể kết luận cho sự kiện Trọng-Thanh, đó là: “Giai đoạn anh hùng của chủ nghĩa Cộng sản đã cáo chung. Thời đại của các lãnh tụ vĩ đại đã cáo chung. Bắt đầu giai đoạn của những kẻ thực dụng…” và “Chế độ Cộng sản, một mặt mở rộng cửa chào đón tất cả, nhưng mặt khác nó lại là chỗ khó vào và bất dung với cả những môn đồ của chính mình…” (Milovan Djilas, Giai Cấp Mới, bản dịch tiếng Việt đăng trên Thông Luận).
Phan Gia Minh24/02/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét