Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Từ hợp tác Việt-Nhật : Nhìn bước tiến đáng nể quốc phòng Nhật

quanluc_nhat00…trong xây dựng lực lượng vũ trang Nhật Bản đang ngày càng thể hiện rõ qua việc đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang các máy bay do các kỹ sư Nhật tự thiết kế và sản xuất... Nhật Bản khác với một số nước khác ở chỗ là có một nền công nghiệp đóng tàu mạnh có thể tự đảm bảo phần lớn các nhu cầu trang bị kỹ thuật và vũ khí cho Hải quân...


Chiều 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã tiếp Ngài Tokuchi Hideshi, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhân dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Cả hai bên đều khẳng định là trong những năm qua, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam-Nhật Bản đã có bước phát triển mới và ngày phát huy hiệu quả, tương xứng với mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược giữa hai nước.
Nhân sự kiện này, có lẽ nên tìm hiểu thêm về sức mạnh của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và công nghiệp quốc phòng Nhật Bản. 
1. Trước hết, về công nghiệp hàng không
Mốc thời gian được tính từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai - cũng là một dịp để chúng ta phần nào hiểu được người Nhật và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau của họ đã biến nước Nhật từ một nước bại trận (dĩ nhiên là không có vòng hào quang chiến thắng) thành một cường quốc như thế nào (và nhân tiện bạn đọc có thể đối chiếu với "công cuộc nội địa hóa"ở ta).
Sau Chiến tranh thế giới thế giới lần thứ hai, Nhật Bản là một lãnh thổ bị chiếm đóng và bị cấm không được thành lập Lực lượng vũ trang riêng. Theo Hiến pháp 1947, Nhật Bản không có quyền thành lập Lực lượng vũ trang và quyền tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, đến năm 1952, nước này đã thành lập Lực lượng an ninh quốc gia, và đến năm 1964, Lực lượng này được đổi tên thành Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Về mặt hình thức, Lực lượng phòng vệ không được coi là Lực lượng vũ trang và tại chính nước Nhật, nó được coi là một ngành dân sự.
Tuy nhiên, cần lưu ý đến một thực tế : " Tổ chức phi quân sự này" có ngân sách 59 tỷ đô la/năm (số liệu của báo Nga - thông tin mới nhất, thủ tướng S.Abe cho biết là trong tháng 01/2015, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua khoản ngân sách dành cho quốc phòng năm tài khóa 2015 - từ 01/4/2015 đến 31/3/2016 là 4,98 nghìn tỷ yên tức 41,97 tỷ đô la, về vấn đề này, xin trình bày ở một bài khác) với quân số gần 250.000 người được trang bị các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại.
Đồng thời với việc thành lập Lực lượng phòng vệ, Nhật Bản cũng tiến hành xây dựng lại Không quân - Không quân phòng vệ Nhật Bản (sau đây gọi là Không quân).
Tháng 3/1954, Nhật Bản ký với Mỹ Hiệp ước về viện trợ quân sự, tháng 01/1960, hai nước lại ký tiếp "Hiệp ước về hợp tác và đảm bảo an ninh".
Theo các hiệp ước trên, Không quân Nhật Bản sẽ nhận các phương tiện kỹ thuật hàng không do Mỹ sản xuất.
1.1. Không đoàn đầu tiên của Không quân Nhật Bản được thành lập ngày 01/10/1956 gồm 68 chiếc T-33A và 20 chiếc F-86F.
Năm 1957, Nhật Bản bắt đầu sản xuất theo giấy phép các máy bay tiêm kích F-86F " Sabre" của Mỹ. Công ty "Mitsubishi" từ năm 1956 đến 1961 đã cho xuất xưởng 300 chiếc F-86F. Các máy bay nói trên trực chiến cho đến tận năm 1982.
Sau khi đưa F-86F vào trang bị và bắt đầu sản xuất theo giấy phép loại máy bay này, Không quân Nhật Bản đứng trước yêu cầu phải được trang bị máy bay huấn luyện 02 chỗ ngồi có các tính năng kỹ thuật tương đương với các máy bay tiêm kích chiến đấu.
Các máy bay huấn luyện T-33 (tổng cộng 210 chiếc) được chế tạo theo mẫu máy bay tiêm kích phản lực F-80 " Shooting Star" của Mỹ của công ty "Kawasaki" đã không đáp ứng đầy đủ các tiêu chi đề ra.
Để giải quyết vấn đề này, công ty "Fuji" đã thiết kế máy bay huấn luyện T-1 theo mẫu tiêm kích F-86F " Cabre" của Mỹ. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của T-1 được thực hiện năm 1958. Do có một số trục trặc về động cơ trong thiết kế của các kỹ sư Nhật Bản nên trong phiên bản đầu, T-1 được trang bị động cơ Bristol Aero Engines Orpheus của Anh.
T-1 được công nhận là đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của Không quân, sau đó được đặt hàng 02 lô với tên gọi là T-1A. Cả 02 lô T-1A được giao cho Không quân trong các năm 1961-1962. Từ 09/1962 đến 06/1963, có thêm 20 chiếc T-1B được lắp động cơ tuabin khí Ishikawajima-Harima J3-IHI-3 sức đẩy 11,77 кN do Nhật Bản sản xuất.
Như vậy, máy bay huấn luyện T-1 là máy bay phản lực đầu tiên do Nhật Bản sản xuất sau chiến tranh - toàn bộ công tác thiết kế, sản xuất linh kiện thiết bị, chi tiết máy v.v đều được thực hiện trên đất Nhật.
Không quân Nhật Bản đã khai thác T-1 trong hơn 40 năm, đã có nhiều thế hệ phi công Nhật Bản được đào tạo trên những chiếc máy bay này. Chiếc T-1 cuối cùng được đưa ra khỏi trang bị vào năm 2006.
T-1 có trọng lượng cất cánh 5 tấn, tốc độ tối đa 930 km/h. Được trang bị 01 súng máy 12,7 ly, có thể mang một khối lượng vũ khí đến 700 kg (tên lửa không điều khiển hoặc bom). T-1 có các tính năng chủ yếu tương đương với loại máy bay huấn luyện, huấn luyện - tác chiến rất phổ biến của Liên Xô là MiG-15.
Năm 1959, công ty Nhật "Kawasaki" được cấp giấy phép sản xuất máy bay tuần tiễu- chống ngầm của Hải quân P-2H "Neptune" của Hãng Lockheed. Từ năm 1959, đã có 48 chiếc P-2H được xuất xưởng.
Năm 1961, "Kawasaki" bắt đầu thiết kế biến thể "Neptune" của Nhật Bản. Biến thể mới này có ký hiệu P-2J.
Điều đáng chú ý là động cơ pitong được thay bằng các động cơ cánh quạt turbo T64-IHI-10 công suất 2.850 sức ngựa do chính Nhật Bản sản xuất.
Bắt đầu từ tháng 8/1069, các máy bay P-2J được sản xuất hàng loạt. Trong giai đoạn từ năm 1969 đến 1982, đã có 82 chiếc được chuyển giao. Các máy bay tuần tiễu kiểu này nằm trong biên chế của Không quân Hải quân Nhật Bản đến năm 1996.
Đến đầu những năm 60, các máy bay phản lực cận âm Mỹ F-86 đã không còn đáp ứng được những yêu cầu hiện đại. Bộ Tư lệnh Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm loại máy bay thay thế, ưu tiên hàng đầu là phải có tốc độ cao.
1.2. Giới chức Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho rằng, loại máy bay tiêm kích siêu âm của Mỹ Lockheed F-104 " Starfighter" được thiết kế vào cuối những năm 50 hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu trên.
Như đã biết, với tốc độ cao, "Starfighter" còn được gọi là "tên lửa có người lái". Tuy nhiên, F-104 không được các phi công Mỹ đánh giá cao vì hay gặp sự cố, có lẽ vì thế mà F-104 được chào hàng cho các đồng minh.
Trong cuối những năm 50, mặc dù hay gặp sự cố kỹ thuật như đã nói ở trên nhưng "Starfighter" với nhiều biến thể là một trong những loại máy bay chủ yếu có trong trang bị của không quân nhiều nước, trong đó có Nhật Bản.
Ngày 08/3/1962, chiếc "Starfighter" đầu tiên do Nhật Bản lắp ráp đã được xuất xưởng. Về hình dáng và kết cấu, nó không khác gì F-104G (Germany) của Đức, còn chữ cái "J" (Japan- Nhật Bản).
Tổng cộng từ năm 1961, Không quân Nhật Bản đã tiếp nhận 210 chiếc "Starfighter", trong đó có 178 chiếc được Hãng Mitsubishi lắp ráp tại Nhật bản theo giấy phép.
Từ năm 1962, Nhật Bản bắt đầu sản xuất chiếc máy bay chở khách động cơ tuabin phản lực tầm gần và tầm trung đầu tiên. Kiểu máy bay này do Tập đoàn Nihon Aircraft Manufacturing Corporation thiết kế và sản xuất. Thành viên của Tập đoàn này gần như là tất cả các nhà sản xuất máy bay của Nhật như "Mitsubishi",  Kawasaki", " Fuji", Shin Maywa".
Máy bay chở khách YS-11 được sử dụng để thay thế "Douglas" DC-3 ở các tuyến bay nội địa và có thể vận chuyển 60 hành khách, tốc độ hành trình 454 km/h. Từ năm 1962 đến 1974, đã có 182 chiếc được xuất xưởng.
Trong số 182 chiếc nói trên, có 82 chiếc được xuất khẩu sang 15 nước. 15 chiếc được chuyển giao cho Không quân Nhật Bản - chúng được sử dụng để chuyển quân và làm công tác huấn luyện. 04 chiếc được cải hoán thành máy bay tác chiến điện tử. Năm 2014, Nhật Bản đã quyết định thanh lý toàn bộ YS-11.
Đến giữa những năm 60, F-104J được coi là đã lạc hậu. Vì thế đến tháng 1/1969, Chính phủ Nhật quyết định trang bị cho Không quân loại máy bay tiêm kích đánh chặn mới để thay thế cho F-104J. Loại máy bay được lựa chọn là máy bay tiêm kích đa năng thế hệ ba F-4E "Phantom".
Người Nhật yêu cầu phía Mỹ cung cấp cho Nhật máy bay F-4EJ chỉ chuyên chức năng tiêm kích-đánh chặn (vì liên quan đến chính sách chuyên về phòng ngự của Nhật Bản). Phía Mỹ đồng ý và tháo dỡ toàn bộ các trang thiết bị có chức năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và tăng cường vũ khí "không đối không" cho F-4EJ.
Chiếc máy bay đầu tiên do Nhật Bản lắp ráp theo giấy phép cất cánh ngày 12/5/1972. " Mitsubishi" đã sản xuất theo giấy phép tổng cộng 127 chiếc F-4FJ.
Năm 1978, Nhật Bản và Mỹ ký văn kiện "Những nguyên tắc hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ". Từ thời điểm đó có rất nhiều sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với nhiều vấn đề, kể cả về tính năng kỹ thuật của các máy bay trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản : Nhật Bản bắt đầu định hướng tham gia vào các hoạt động tấn công chung với Mỹ.
Một số dẫn chứng : các máy bay tiêm kích F-4EJ được lắp đặt các thiết bị tiếp dầu trên không. Chiếc "Phantom" cuối cùng của Không quân Nhật Bản được xuất xưởng năm 1981 nhưng ngay năm 1984, Nhật Bản đã có chương trình tăng hạn cho loại máy bay này.
Cũng từ năm này, "Phantom" được lắp đặt thêm thiết bị ném bom. Những máy bay được cải hoán này được đặt tên là Kai. Phần lớn các máy bay "Phantom" còn hạn sử dụng đều được hiện đại hóa.
Máy bay tiêm kích F-4EJ Kai đến nay vẫn đang phục vụ trong biên chế của Không quân Nhật Bản. Trong thời gian gần đây, mỗi năm Không quân Nhật đưa ra khỏi trang bị 10 chiếc máy bay kiểu này. Hiện còn 50 chiếc F-4EJ Kai và máy bay trinh sát RF-4EJ đang trực chiến. Có lẽ các máy bay này sẽ được thanh lý toàn bộ sau khi Nhật Bản nhận các máy bay tiêm kích F-35A của Mỹ.
1.3. Vào đầu những năm 60, Hãng "Kawanishi" (sau đổi tên là "Shin Maywa" bắt đầu nghiên cứu chế tạo thủy phi cơ chống ngầm thế hệ mới. Đến năm 1966, hoàn thành công tác thiết kế và năm 1967, nguyên mẫu của kiểu thủy phi cơ này đã được đưa vào thử nghiệm.
Loại thủy phi cơ này được mang tên PS-1, có cánh thẳng và cánh đuôi hình chữ T. PS-1 được trang bị 4 động cơ T64 công suất 3.060 sức ngựa.
Để giải quyết nhiệm vụ chống ngầm, PS-1 được trang bị radar sục sạo mạnh, thiết bị đo từ. máy thu và đồng hồ chỉ thị tín hiệu của các phao thủy ấm, hệ thống phát hiện tàu ngầm chủ động và thụ động. Dưới cánh có các móc treo 04 quả ngư lôi chống ngầm.
Tháng 01/1973, chiếc thủy phi cơ PS-1 đầu tiên được đưa vào biên chế. Tổng cộng có tất cả 23 chiếc PS-1 được bàn giao cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Trong quá trình khai thác, có 6 chiếc gặp sự cố và không khắc phục được.
Sau này, Hải quân Nhật Bản không sử dụng PS-1 để chống ngầm, tất cả các PS-1 còn trong biên chế đều chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn trên biển và trang thiết bị chống ngầm trên thủy phi cơ được tháo dỡ.
Đến năm 1976. Phiên bản máy bay tìm kiếm - cứu nạn mới US-1A được thử nghiệm thành công. Năm 1997 Hải quân Nhật đã đặt hàng 16 chiếc loại này. Hiện nay, Không quân của Hải quân Nhật Bản có 02 chiếc US-1A.
Tiếp theo đó, phiên bản US-2 có động cơ mạnh hơn và có một số thay đổi về kết cấu và radar (sử dụng radar Thales Ocean Master) được giới thiệu. Hãng Maywa đã cho xuất xưởng 14 chiếc US-2. Hải quân Nhật hiện đang khai thác 05 chiếc US02.
Đến cuối những năm 60, công nghiệp hàng không Nhật Bản đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các mẫu máy bay nước ngoài theo giấy phép.
Tiềm lực thiết kế và công nghiệp của Nhật Bản đến thời điểm đó hoàn toàn có thể cho phép Nhật tự mình thiết kế và sản xuất phương tiện kỹ thuật hàng không - với các tính năng kỹ- chiến thuật và các tham số khác không thua kém các tiêu chuẩn thế giới.
1.4. Năm 1966, Hãng "Kawasaki" (trong thành phần của Tập đoàn Nihon Aeroplane Manufacturing Company (NAMC bắt đầu triển khai thiết kế máy bay vận tải quân sự phản lực hai động cơ theo yêu cầu kỹ thuật của Không quân Nhật Bản. Các máy bay vận tải mới này (để thay thế các máy bay vận tải động cơ pitong do Mỹ sản xuất đã lạc hậu) có tên là C-1.
Nguyên mẫu đầu tiên cất cánh tháng 11/1970, các cuộc thử nghiệm tiếp theo được hoàn thành vào tháng 3/1973. C-1 được trang bị 02 động cơ JT8D-M-9 của Hãng Pratt & Whitney (Mỹ) sản xuất tại Nhật theo giấy phép. Các thiết bị điện tử của C-1 cho phép loại máy bay này có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết và mọi thời gian ngày đêm.
C-1 với tổ lái 5 người có thể vận chuyển được 60 lính bộ binh với đầy đủ trang bị- vũ khí, hoặc 45 lính nhày dù, hoặc 36 cáng thương cho thương binh và những người đi kèm, hoặc các trang thiết bị và hàng hóa khác. Ở phần đuôi, qua cửa vào khoang có thể đưa pháo 105 ly hoặc 01 xe tải 2,5 tấn, hoặc 03 xe ô tô địa hình.
Sau này, C-1 còn một biến thể cải tiến là C-1A. Tổng cộng đã có 31 C-1 và C-1A được đưa vào trang bị. Năm 1980, việc sản xuất C-1 bị dừng lại - nguyên nhân chủ yếu là do sức ép của Mỹ - Mỹ không muốn C-130 của mình có đối thủ cạnh tranh.
1.5. Tuy Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được xây dựng theo hướng "phòng thủ", người Nhật cũng không quên việc hỗ trợ từ trên không cho các phân đội bộ binh. Để làm được được điều đó, cần phải có các máy bay tiêm kích- ném bom không quá đắt tiền.
Đầu những năm 70, quân đội một số nước Châu Âu được trang bị SEPECAT "Jaguar", giới chức quân sự Nhật Bản cũng muốn có các máy bay tương tự như vậy để thực hiện chức năng trên. Chính thời gian đó công ty "Mitsubishi" cũng đang thiết kế máy bay huấn luyện siêu âm T-2 (có các chức năng như "Jaguar". Nguyên mẫu T-2 cất cánh lần đầu vào tháng 7/1971 và đây chiếc máy bay phản lực huấn luyện thứ hai do Nhật Bản thiết kế (và sản xuất), và là chiếc máy bay siêu âm đầu tiên của Nhật Bản.
Một phần đáng kể các bộ phận, chi tiết và linh kiện của T-2 là nhập khẩu, trong đó có động cơ R.B.172 D.260-50 "Adour" của " Rolls-Roys" do Hãng "Ishikawajima"(Nhật) sản xuất theo giấy phép. Từ năm 1975 đến năm 1988, đã có 90 chiếc T-2 được xuất xưởng, trong đó có 28 chiếc chuyên dùng cho huấn luyện T-2Z và 62 chiếc chiến đấu- huấn luyện T-2K.
T-2 có trọng lượng cất cánh tối đa -12.800 kg, tốc độ tối đa trên cao -1.700 km/h, cự ly bay chuyển sân với thùng dầu phụ -2.870 km. T-2 mang pháo 20 ly, tên lửa và bom ở 7 móc treo, tổng trọng lượng tác chiến 2.700 kg.
Năm 1972, theo đơn đặt hàng của Không quân, Công ty "Mitsubishi" thiết kế máy bay tiêm kích- ném bom một người lái F-1 (phát triển từ mẫu T-2). Đây là chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên do Nhật Bản tự thiết kế kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của F-1 được thực hiện tháng 6/1975, sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 1977.
Tính năng kỹ chiến thuật của F-1 thua Jaguar của "Anh-Pháp" cả về tải trọng tác chiến, bán kính hoạt động lẫn số lượng xuất xưởng. Tổng cộng đã có 77 chiếc F-1 được bàn giao cho Không quân (có 573 chiếc " Jaguar" được xuất xưởng). Những chiếc F-1 cuối cùng được đưa ra khỏi trang bị vào năm 2006.
1.6. Năm 1977, Hải quân Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận máy bay tuần tiễu trên biển P-3C "Orion" đầu tiên để thay thế cho các máy bay P-2J của Nhật đã lạc hậu.
Ba chiếc P-3C đầu tiên do Hãng " Lockheed" lắp ráp, 05 chiếc tiếp theo được lắp ráp tại Nhật từ các bộ phận, chi tiết và linh kiện (gọi chung là linh kiện) của Mỹ, 92 chiếc còn lại hoàn toàn từ linh kiện của Nhật- do Hãng "Kawasaki Heavy Industries" sản xuất. Những chiếc P-3C cuối cùng được chuyển giao cho Lực lượng phòng vệ vào tháng 9/1997.
Trong qúa trình sản xuất theo giấy phép, " Orion" đã nhiều lần được cải tiến. Bắt đầu từ chiếc thứ 46, hệ thống radar và bộ xử lý các tín hiệu thủy âm được hiện đại hóa, " Orion" được lắp thêm hệ thống tác chiến điện tử. Trên 45 chiếc trước đó, toàn bộ hệ thống vô tuyến điện tử được thay thế.
Trong trang bị của Hải quân Nhật Bản có 04 chiếc máy bay trinh sát vô tuyến điện tử EP-3E. Chúng được đưa vào biên chế trong các năm từ 1991 đến 1998. Các máy bay này do Nhật Bản thiết kế và sản xuất.
1.7. Năm 1978, các cơ sở đào tạo phi công của Không quân Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận máy bay huấn luyện T-3. Đây là loại máy bay động cơ pitong hạng nhẹ công suất 340 sức ngựa, có tốc độ tối đa 367 km/h do Hãng Fuji thiết kế dựa theo mẫu máy bay Beech Nodal 45 Mentor của Mỹ.
Trong khoảng thời giai từ 3/1978 đến đến 02/1982, Không quân Nhật Bản đã tiếp nhận 50 T-3. Chúng trực chiến đến năm 2007. Thành phần chủ yếu của Không quân chiến đấu Nhật là các máy bay tiêm kích F-15J được lắp ráp tại Mỹ hoặc tại Nhật Bản theo giấy phép. Công ty "Mitsubishi" từ năm 1982 đến năm 1999 đã lắp ráp tổng cộng 223 chiếc F-15J.
Về kết cấu và các tính năng, F-15J của Nhật tương đương với F-15C, nhưng có trang bị tác chiến điện tử gọn nhẹ hơn. Hiện nay, còn 153 F-15J và 45 máy bay huấn luyện F-15DJ đang trực chiến.
Những chiếc máy bay huấn luyện phản lực siêu âm T-2 mà Không quân Nhật sở hữu trong những năm 70 có chi phí khai thác đắt đỏ và tính năng của chúng không đáp ứng các tiêu chí mà Không quân Nhật đặt ra. Chính vì vậy mà đầu những năm 80, Hãng " Kawasaki" bắt đầu thiết kế các máy bay huấn luyện mới theo đơn đặt hàng của Lực lượng phòng vệ Nhật.
Do máy bay mới sẽ thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện kỹ năng tác chiến nên đó phải đạt các yêu cầu sau : có tính cơ động cao và tốc độ cận âm, cửa mái buồng lái phi công cao và buồng lái bố trí gần mũi máy bay để tăng khả năng quan sát phía trước và phía dưới cho phi công.
Chiếc máy bay mới đáp ứng các yêu cầu trên có tên là T-4, cất cánh thử nghiệm lần đầu vào tháng 7/1985. Đến tháng 9/1988, chiếc T-4 đầu tiên được bàn giao cho Không quân. Đến tháng 9/2000, Không quân Nhật đặt hàng tổng cộng 212 chiếc T-4, chiếc cuối cùng trong số này được bàn giao tháng 3/2003.
T-4 là máy bay huấn luyện cận âm tương đối điển hình và nếu so sánh về tính năng thì có lẽ T-4 là loại máy bay chuyển tiếp giữa các kiểu máy bay huấn luyện Aero L-39 Albatros và Hawker Siddeley Hawk. T-4 không có vũ khí gắn trên máy bay nhưng có 05 móc treo có thể treo vũ khí để huấn luyện và hỗ trợ trực tiếp cho bộ binh. T-4 có thể mang 03 thùng dầu phụ.
1.8. Từ giữa những năm 80, Không quân Nhật Bản cần loại máy bay tiêm kích mới để thay thế máy bay tiêm kích-ném bom F-1. Ban đầu, Không quân Nhật định chọn F-16C. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu và đàm phán sơ bộ với Công ty Mỹ "General Dynamics", Nhật bản đã quyết định tự thiết kế - chế tạo, tận dụng một số giải pháp kỹ thuật khi thiết kế F-16C và sử dụng một số linh kiện của F-16.
Sau khi trở thành cường quốc kinh tế, Đất nước Mặt trời mọc không cho phép mình đứng ngoài cuộc cạnh tranh với các cường quốc khác trên thế giới trong ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao nhất - công nghiệp hàng không quân sự.
Khi chế tạo các máy bay tiêm kích chung " Nhật-Mỹ", các kỹ sư Nhật thường ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực vật liệu composit, kim loại, công nghệ gia công kim loại, lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến … Ngoài Hãng " Mitsubishi, tham gia vào các dự án hàng không còn có " Fuji", " Kawasaki" và công ty Mỹ " Lockheed Martin".
Tuy bề ngoài, các máy bay Nhật có hình dáng tương đối giống các máy bay cùng lớp của Mỹ, nhưng phải coi đây là các máy bay mới khác hẳn với nguyên mẫu (Mỹ) không chỉ về kết cấu mà còn về vật liệu, các hệ thống trên máy bay, thiết bị vô tuyến điện tử và vũ khí.
Dưới đây là một ví dụ:
phico_F16c
F-16C (Block 40) (Mỹ) và F-2А (Nhật)
Nếu so sánh với máy bay Mỹ, các máy bay Nhật sử dụng nhiều vật liệu composit hơn và vì thế máy bay Nhật có trọng lượng nhỏ hơn. Nhìn chung, kết cấu máy bay Nhật đơn giản hơn. Như trên đã thấy, cánh của F-2 Nhật khác hẳn F-16 Mỹ, nó có diện tích lớn hơn 25% so với cánh của F-16.
Tuy động cơ của F-2 là F-110-GE-129 của General Electric nhưng những trang thiết bị còn lại trên máy bay hoàn toàn được sản xuất tại Nhật (có sử dụng một phần công nghệ Mỹ). Radar mạng pha chủ động là do "Mitsubishi Electric" thiết kế và sản xuất.
Chiếc F-2 nguyên mẫu được lắp ráp tại nhà máy của "Mitsubishi". Chuyến bay đầu tiên được thực hiện ngày 07/10/1995. Chính phủ Nhật ra quyết định cho sản xuất hàng loạt vào tháng 9/1996, lô đầu tiên được bàn giao năm 2000. Từ năm 2000 đến năm 2010 đã có 94 chiếc máy bay tiêm kích kiểu này được xuất xưởng, trong đó có 36 chiếc hai chỗ ngồi F-2B.
Chức năng chủ yếu của F-2 là chiếm ưu thế trên không và thực hiện nhiệm vụ phòng không cho các đảo, sử dụng tên lửa có cánh chống hạm để tiêu diệt các tàu nổi của đối phương.
Vũ khí của F-2 chủ yếu do Mỹ sản xuất, phía trái buồng lái lắp pháo 20 ly M61A1 " Vulcan". Có 13 móc treo - 02 ở mũi cánh (tên lửa có điều khiển lớp " không đối không" cự ly gần), 08 móc dưới cánh và 01 móc dưới thân máy bay. Để tác chiến với các tàu nổi, máy bay có thể mang 02 tên lửa chống hạm ASM-1 đầu tự dẫn chủ động của Hãng Mitsubishi.
Hiện nay, trong biên chế còn hơn 70 chiếc tiêm kích F-2A/B. 18 trong số 94 F-2 có trong biên chế của Không quân Nhật Bản tại căn cứ "Mashusima" đã bị hư hòng hoàn toàn trong trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Một số chiếc khác bị hư hại nặng, hiện đang được bảo quản tại căn cứ không quân Komaki.
Trong các năm 1990, Hãng Fuji bắt đầu thiết kế máy bay huấn luyện T-7 để thay thế T-3. Điểm khác của T-7 so với T-3 là nó được trang bị thiết bị vô tuyến điện tử hiện đại hơn và động cơ Rolls-Royce 250 công suất 450 sức ngựa, máy bay có thể đạt vận tốc 376km/h.
Năm 1998, T-7 đã thắng Pilatus PC-7 của Thụy Sĩ trong cuộc đấu thầu do Không quân Nhật tổ chức. Tuy nhiên, nó đã không được đưa vào sản xuất hàng loạt do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng. Trong cuộc đấu thầu lần thứ hai tháng 8/2000, T-7 lại thắng thầu. Từ 9/2002, Không quân Nhật Bản đã bắt đầu tiếp nhận T-7 (tổng cộng đặt hàng 50 chiếc).
1.9. Đầu thế kỷ XXI, Tập đoàn "Kawasaki" lẳng lặng thiết kế máy bay vận tải quân sự thế hệ mới. Trước đó, các nhà thiết kế và kỹ sư của Tập đoàn đã nghiên cứu hết sức chi tiết kết cấu của tất cả các loại máy bay vận tải quân sự hiện có và sẽ có (đang trong giai đoạn nghiên cứu thiết kế).
Sau khi các tướng lĩnh Nhật từ chối lời đề nghị của "đối tác Mỹ" cung cấp máy bay C-130J của "Lockheed Martin" và C-15 của "Boeing", Nhật Bản chính thức khởi động chương trình tự mình chế tạo máy bay vận tải quân sự.
Lý do công khai được đưa ra giải thích việc từ chối các máy bay vận tải quân sự của Mỹ là các máy bay này không đáp ứng được các tiêu chí chuyên biệt của Không quân Nhật, nhưng dĩ nhiên là không phải thế - Nhật Bản có tham vọng lớn trong công nghiệp hàng không- vũ trụ.
Nhiệm vụ kỹ thuật đặt ra cho các nhà thiết kế là máy bay vận tải quân sự mới cần phải có các tính năng vượt trội các máy bay C-1A và C-130 đang có trong trang bị lúc đó. Trước hết là tăng khối lượng hàng vận chuyển và kích thước khoang chứa hàng.
Máy bay mới (có tên là C-2) này cần phải chuyên chở được tất cả các loại phương tiện kỹ thuật quân sự hiện có và sẽ có của lục quân (C-1A và C-130 không thực hiện được chức năng này).
Có thông tin là với trọng lượng cất cánh 120 tấn, C-2 có thể cất cánh ở các đường băng ngắn (ít hơn 900 m), còn nếu với đường băng tiêu chuẩn (2.300 m) có thể mang được 37,6 tấn hàng (trọng lượng cất cánh 141 tấn). Máy bay vận tải của Nhật có các tính năng tương đương với A400M của Châu Âu.
C-2 được trang bị các hệ thống lập chương trình bay(kể cả ở độ cao cực thấp), thiết bị nhìn đêm, thiết bị bốc và dỡ hàng tự động và hệ thống tiếp dầu trên không.
Khác với các máy bay vận tải quân sự thế hệ trước, C-2 đáp ứng các tiêu chí để thể bay theo các đường bay thương mại. Hiện nay, các nhà thiết kế Nhật đang nghiên cứu phiên bản máy bay vận tải dân sự phát triển từ C-2.
C-2 cất cánh lần đầu ngày 26/01/2010. Đến thời điểm này (01/2015). "Kawasaki" đã bàn giao cho Không quân Nhật 04 chiếc C-2 và chúng đang được thủ nghiệm tại các đơn vị Không quân Nhật. Dự tính sẽ sản xuất 40 chiếc C-2 cho Không quân Nhật Bản.
Hải quân Nhật hiện cũng đang có nhu cầu phải thay thế P-3 "Orion". Tuy nhiên, đề nghị của Mỹ cung cấp cho nước này các máy bay tuần tiễu- chống ngầm P-8 "Poseidon" đã bị chính phủ Nhật nhã nhặn từ chối - lý do : "Poseidon" chủ yếu bay tuần tiễu và săn tàu ngầm ở độ cao trung bình, còn Không quân của Hải quân Nhật Bản cần loại máy bay bay ở độ cao thấp trong một thời gian dài.
1.10. Đấy là lý do được đưa ra, còn trên thực tế thì song song với việc thiết kế máy bay vận tải C-2, Tập đoàn " Kawasaki" đã tiến hành thiết kế máy bay tuần tiễu - chống ngầm trên biển để thay thế P-3.
P-1 được trang bị động cơ hoàn toàn do Nhật thiết kế và sản xuất Ishikawajima-Harima Heavy Industries XF7-10.
Trang thiết bị lắp đặt trên P-1 có khả năng không thua kém trang thiết bị của P-8 " Poseidon" của Mỹ. Máy bay chống ngàm P-1 có khoang chứa các ngư lôi hoặc bom rơi tự do. Trên 08 móc treo dưới cánh có lắp các tên lửa chống tàu. Tải trọng hữu ích tối đa của máy bay lên tới 9 tấn.
Hiện nay đã có một số máy máy tuần tiễu P-1 được trang bị cho Không quân Hải quân. Bộ Quốc phòng Nhật dự định mua 70 máy bay loại này để thay thế cho 80 chiếc P-3C.
Tuy số lượng máy bay tuần tiễu của Nhật có giảm đi nhưng sức mạnh tổng thể của chúng không giảm vì các máy bay mới này có ưu thế rõ rệt cả về khả năng sục sạo và tốc độ trước các máy bay cũ (P-3C). Nói cách khác, trong trường hợp này, chất lượng bù số lượng.
Theo quan điểm của rất nhiều chuyên gia hàng không thế giới, P-1 có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Thứ nhất là về giá cả : trong trường hợp tăng số lượng xuất xưởng loại máy bay này, giá của mỗi P-1 (hiện nay là 208,3 triệu đô la) sẽ có thể còn giảm sâu và như vậy nó có thể là đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với P-8 của Mỹ (giá 220 triệu đô la) - để tham khảo - giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tháng 11/2013 là 390 đến 400 đô la.
Thứ hai : trong khi đó, P-1 của Nhật không hề thua kém P-8 của Mỹ trong khả năng phát hiện các tàu ngầm. Ưu thế của P-8 trước P-1 là thời gian bay tuần tiễu dài hơn (hơn 01 giờ), nhưng đối với các khách hàng tiềm năng (khác với Mỹ ở chỗ không có tham vọng kiểm soát toàn bộ các đại dương) thì P-1 thích hợp hơn nhiều.
Không những thế, P-1 tỏ ra rất hiệu quả khi thực hiện các chuyến bay ở độ cao thấp, và đây là một ưu thế rất quan trọng nữa khi tiến hành các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Cuối năm 2014, đã có thông tin là Hải quân Anh đang quan tâm đến P-1 (sau khi thanh lý các máy bay tuần tiễu " Nimrod", Hải quân Anh hiện không có không quân tuần tiễu- chống ngầm).
1.11. Dự án gần đây nhất và tham vọng nhất của công nghiệp hàng không Nhật bản trong lĩnh vực máy bay chiến đấu là chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-X. Công tác thiết kế được bắt đầu từ năm 2004 sau khi Mỹ từ chối cung cấp cho Không quân Nhật máy bay tiêm kích F-22A.
Về thiết kế khí động lực và hình dáng thì máy bay tiêm kích thế hệ 5 Mitsubishi ATD-X Shinshin của Nhật rất giống với tiêm kích F-22A của Mỹ. Động cơ tuabin phản lực được sử dụng trên máy bay cho phép máy bay có thế đạt tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Theo kế hoạch thì dự án phải kết thúc trước năm 2015, nhưng nhiều khả năng là sẽ phải gia hạn.
Theo tin đồn, ATD-X Shinshin được trang bị hệ thống tự sửa chữa Self-Repairing Flight Control Capability. Hệ thống này kiểm soát toàn bộ kết cấu và các chi tiết của máy bay và nhờ các dữ liệu thu thập được có thể phát hiện và nhận biết bất cứ trục trặc, hỏng hóc nào và cài đặt lại chương trình điều khiển để có thể điều khiển tối ưu máy bay trong điều kiện có những trục trặc như vậy.
mau_phico_5atdx
Nguyên mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 5 ATD-X của Nhật
Ngày 12/7/2014, Viện nghiên cứu và thiết kế (TRDI) của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã cho công bố các bức ảnh chính thức đầu tiên của mẫu máy bay thử nghiệm thế hệ 5 ATD-X. Máy bay này do TRDI và Mitsubishi Heavy Industries cùng thiết kế này đã được lắp ráp tại một nhà máy ở Tobosima.
Hiện nay, trong biên chế của Không quân và Không quân của Hải quân Nhật Bản có gần 700 máy bay các loại. Đại đa số trong số đó là các máy bay hiện đại. Cũng cần phải thấy rằng, tỷ lệ các máy bay có thể sẵn sàng tham chiến còn cáo hơn cả của Không quân Mỹ.
Sở dĩ như vậy vì Nhật có một mạng lưới các nhà máy sửa chữa và bảo dưỡng rất tốt và người Nhật rất quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở bảo quản máy bay để chống lại các tác động bất lợi của thời tiết và khí hậu.
Điểm yếu của Không quân Nhật Bản, theo quan điểm của chuyên gia quân sự Nga X.Linnhik (đăng trên " Bình luận quân sự" Nga, 01/2015) vẫn là "quan điểm thiên về phòng thủ ".
Các máy bay tiêm kích Nhật được sử dụng chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ phòng không và không có khả năng tiến hành các đòn tiến công các mục tiêu trên mặt đất. Có lẽ nhược điểm này sẽ được khắc phục ngay trong năm 2015 này khi lô máy bay tiêm kích F-35A (42 chiếc) được đưa vào trang bị.
Nhưng mặt khác, cũng cần thấy rằng tiềm lực tấn công các mục tiêu mặt đất của Không quân Nhật cũng có cái lý của nó vì nếu xảy ra xung đột vũ trang với quốc gia láng giềng nào đó thì Nhật Bản sẽ được Tập đoàn quân không quân số 5 của Mỹ (Bộ tham mưu đóng tại căn cứ không quân Iokota) với các máy bay hiện đại nhất, trong đó có máy bay thế hệ 5 F-22A hỗ trợ.
Đấy là chưa kể đến không quân hải quân của Hạm đội 7 Mỹ luôn túc trực ở phía tây Thái Bình Dương (Bộ tham mưu của Hạm đội 7 đóng tại căn cứ Iokosuka). Trong khu vực này, có cụm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ với ít nhất là 01 tàu sân bay luôn trong trạng thái sẵn sàng tham chiến.
2. Sức mạnh Hải quân và Công nghiệp đóng tàu Nhật Bản
Trong phần này, xin giới thiệu tiếp một số thông tin về Hải quân Nhật và công nghiệp đóng tàu Nhật.
Thái Bình Dương giữ một vai trò quan trọng mang tầm chiến lược đối với nhiều quốc gia. Trong tương lai gần, đây sẽ là khu vực đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các nước đồng minh của Mỹ.
Dĩ nhiên, là một quốc đảo trên trên Thái Bình Dương nên những diễn biến trên khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế chiến lược và an ninh của Nhật Bản cho nên trong mấy năm trở lại đây nước này đã thực hiện nhiều kế hoạch nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của Lực lượng phòng vệ nói chung.
Vị trí địa lý của Nhật Bản buộc giới lãnh đạo quân sự nước này phải dành sự ưu tiên đặc biệt cho Lực lượng Hải quân.
Các kế hoạch phát triển Hải quân Nhật Bản
Trong những năm tới Nhật Bản sẽ tăng cường sức mạnh cho Hải quân theo 03 hướng sau :
Thứ nhất - đóng các tàu khu trục mang máy bay lên thẳng mới (gọi tắt là tàu sân bay lên thẳng). Thứ hai - tiếp tục đóng các tàu nổi và tàu ngầm theo dự án "Soryu". Thứ ba - trang bị cho Hải quân các tàu khu trục mới với hệ thống chỉ huy- thông tin Aegis.
Cùng với 03 hướng ưu tiên trên, Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch hiện đại hóa Không quân của Hải quân và trang bị các phương tiện kỹ thuật quân sự (khí tài) mới cho Hải quân.
Tất cả các biện pháp trên sẽ làm tăng đáng kể năng lực tác chiến của Hải quân Nhật Bản.
Một số biện pháp hỗ trợ khác để phát triển Hải quân Nhật Bản cũng sẽ được tiến hành : mua một số máy bay chống ngầm và máy bay lên thẳng chống ngầm. Theo thông tin của "Defense News", Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định sẽ hiện đại hóa các máy bay lên thẳng chống ngầm SH-60K trong vài năm tới.
Ngoài ra, công ty Kawasaki cũng sẽ chuyển giao cho Bộ quốc phòng 20 máy bay tuần tiễu P-1 để thay thế cho các máy bay P-3C đã lạc hậu.
Trong tất cả các hướng và các biện phát trên, hướng ưu tiên chủ yếu của Hải quân Nhật vẫn là đóng các tàu nổi và tàu ngầm mới nhằm thiết lập một "lá chắn" trên biển mạnh có đủ khả năng đánh trả mọi cuộc tấn công từ quốc gia khác.
Nhật Bản sẽ cũng tiếp tục hợp tác với Mỹ để xây dựng một hệ thống phòng thủ tích hợp. Trong hệ thống này, Hải quân Nhật Bản thực hiện chức năng phòng ngự, còn vai trò tấn công sẽ do các tàu của Hải quân Mỹ đảm nhiệm.
2.1. Trong 5 năm gần đây, công nghiệp đóng tàu quân sự Nhật bản có những bước tiến vượt bậc và liên tục lập kỷ lục. Tháng 3/2009, Ngành công nghiệp đóng tàu đã bàn giao cho Hải quân Nhật Bản tàu khu trục mang máy bay lên thẳng "Hyuga" của dự án cùng tên.
Hai năm sau, một tàu khác cùng lớp mang tên " Ise" cũng được đưa vào trang bị. Các tàu trên được trang bị tên lửa - pháo phòng không và các hệ thống vũ khí chống ngầm hiện đại.
Các tàu sân bay lên thẳng này có lượng giãn nước 18.000 tấn (thường các tàu mang máy bay lên thẳng chỉ có lượng giãn nước dưới 14.000 tấn) và có thể mang được 11 máy bay lên thẳng.
Nhiệm vụ chủ yếu của các tàu lớp "Hyuga" là chống tàu ngầm. Hiện nay, các tàu khu trục mang máy bay lên thẳng nói trên là các tàu tác chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang có trong trang bị.
khutrucham_izumo_hyuga
Hai tàu khu trục lớp Izumo và lới Hyuga
Tháng 8/2013, Nhật bản đã cho hạ thủy chiếc tàu khu trục đầu tiên lớp "Izumo". Chiếc tàu này có lượng giãn nước 27.000 tấn và sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân mùa xuân năm 2015.
Theo các số liệu có được từ các nguồn công khai, tàu " Izumo" có thể mang được 28 máy bay lên thẳng. Bộ Quốc phòng Nhật cho biết là Hải quân nước này sẽ được bàn giao 02 chiếc tàu lớp này. Sau khi được đưa vào biên chế thì các tàu dự án "Izumo" sẽ là chiếc tàu lớn nhất của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
2.2. Trong các năm tới, công nghiệp đóng tàu Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục đóng các tàu ngầm dự án "Soryu". Hiện nay, đã có 05 tàu ngầm lớp này đang được khai thác, chiếc thứ năm trong số này mới được bàn giao cho Hải quân Nhật Bản mùa xuân năm 2013.
Ngoài 05 chiếc như đã nói ở trên, còn 01 tàu đang được chạy thử nghiệm, 01 tàu mới được hạ thủy cách đây không lâu và một chiếc đang được hoàn thiện. Theo kế hoạch, trong thời gian Hải quân Nhật Bản sẽ có trong trang bị tổng cộng 10 chiếc tàu ngầm dự án "Soryu".
Tháng 6/2014, Nhật Bản và Úc đã thỏa thuận sẽ thực hiện một số dự án cùng đóng tàu ngầm. Các chi tiết của thỏa thuận trên không được công bố nhưng nhiều khả năng đó sẽ là dự án hiện đại hóa các tàu ngầm lớp "Soryu" và đóng một số tàu ngầm lớp này cho Hải quân Úc.
Tháng 09/2014, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhật bản đã cho công bố một số thông tin về các kế hoạch phát triển hạm đội tàu ngầm của mình, trong đó có nội dung khẳng định là Nhật Bản sẽ ứng dụng một loạt công nghệ mới trong công nghiệp đóng tàu ngầm,- như sử dụng bộ ắc quy Lithium- ion và một số công nghệ mới khác.
Rất có thể các bộ ắc quy này sẽ được sử dụng khi hiện đại hóa các tàu dự án "Soryu" hoặc là khi đóng các tàu ngầm mới.
Các tàu ngầm dự án "Soryu" là một trong số ít tàu được trang bị động cơ AIP (Air Independent Propulsion - động cơ đẩy sử dụng không khí riêng).
2.3. Như đã nói ở phần đầu, hướng phát triển thứ ba của Hải quân Nhật Bản là đóng các tàu nổi mới trang bị hệ thống Aegis và các vũ khí tương thích với hệ thống này.
Trong các năm 2007 và 2008, lực lượng tác chiến của Hải quân Nhật được tăng cường thêm 02 tàu khu trục kiểu "Atago" trang bị hệ thống Aegis.
Các tàu có lượng giãn nước hơn 10.000 tấn này mang các tổ hợp phóng tên lửa có điều khiển thẳng đứng Mk41 do Mỹ thiết kế. Phần mũi của các tàu "Atago" và "Asigara" có tổ hợp phóng với 64 ống phóng, ở phần đuôi tàu có tổ hợp phóng với 32 ống.
Có một chi tiết đáng chú ý là các tàu dự án "Atago" chỉ được trang bị các tên lửa phòng không và tên lửa chống ngầm.
Bộ Tư lệnh Hải quân Nhật đã lên kế hoạch đặt hàng thêm 06 chiếc tàu mới lớp "Atago". Chiếc tàu cuối trong lô tàu này dự định sẽ được bàn giao cho Hải quân Nhật trước năm 2020.
Việc tăng gấp 04 lần số lượng tàu khu trục lớp "Atago" sẽ làm tăng đáng kể năng lực phòng không và chống ngầm của Hải quân Nhật Bản.
Không khó để rút ra nhận xét là 02 trong số 03 dự án theo kế hoạch có liên quan trực tiếp đến nhu cầu tăng cường năng lực bảo vệ cho các binh đoàn tàu Nhật Bản chống lại các cuộc tấn công từ trên không hay từ dưới nước.
Do Hiến pháp Nhật hiện hành có một số ràng buộc liên quan đến chức năng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nên các tàu - sân bay lên thẳng kiểu "Izumo" và tàu khu trục kiểu "Atago" có một tổ hợp vũ khí chuyên về phòng thủ. Chúng được trang bị hệ thống vũ khí phòng không và chống ngầm hiện đại nhưng không được trang bị vũ khí tấn công.
Trong các kế hoạch phát triển Hải quân Nhật hiện nay, nước này hiện xác định chỉ chế tạo một loại phương tiện kỹ thuật có thể tấn công các mục tiêu cả ở trên mặt nước và dưới nước. Đó là các tàu ngầm kiểu "Soryu" mang ngư lôi và tên lửa UGM-84 Harpoon.
Sự phân công chức năng phòng ngự và tấn công
Một số chuyên gia cho rằng, việc phân công chức năng phòng ngự và tấn công giữa các tàu nổi và tàu ngầm có thể làm suy yếu năng lực phòng thủ của toàn bộ lực lượng Hải quân Nhật.
Nhưng trên thực tế, việc xây dựng Hải quân theo mô hình trên không chỉ đã tuân thủ tất cả các điều khoản ràng buộc trong Hiến pháp Nhật bản mà còn rất thích hợp với điều kiện địa lý của nước này.
Vấn đề là ở chỗ, đối thủ tiềm năng của Nhật bản -Bắc Triều Tiên và Trung Quốc - cách Nhật Bản không xa và chính vì thế mà để tấn công các tàu của Hải quân Nhật Bản một cách có hiệu quả, hai nước trên chỉ có thể sử dụng không quân và trong một số trường hợp nhất định - bằng các hệ thống vũ khí ven bờ.
Không khó để dự đoán là với vị trí địa lý của mình (ngăn cách với các "đối phương tiềm năng" bằng các Biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Hoa Đông), Nhật Bản sẽ phải trang bị cho Hải quân Nhật Bản nhiều tàu ngầm hiện đại mang vũ khí tấn công. Chính vì thế mà trong tương lai, Nhật bản sẽ tiếp tục chế tạo các tàu ngầm lớp "Soryu", đồng thời thiết kế và chế tạo các tàu ngầm mới có tính năng hiện đại hơn.
Một hướng phát triển rất quan trọng nữa của Hải quân Nhật Bản là đóng các tàu nổi được trang bị các tổ hợp chống ngầm hiện đại. Các tàu khu trục mang máy bay lên thẳng dự án "Izumo" và các tàu dự án "Hyuga" và "Shirane" đang có trong biên chế có các chức năng chủ yếu là giám sát lãnh hải và phát hiện tàu ngầm của đối phương.
Các tàu khu trục chống ngầm mới của Nhật sẽ có hệ thống thủy âm và chống ngầm hiện đại và sẽ được trang bị cả các hệ thống vũ khí phòng không tiên tiến để chống lại các đợt tấn công từ trên không.
Tình hình khu vực Thái Bình Dương đang diễn biến phức tạp. Trung Quốc ráo riết tăng cường sức mạnh PLA, đặc biệt là Hải quân. Mỹ - đối thủ chủ yếu của Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch điều chuyển một lực lượng lớn các tàu sang khu vực này.
Trong bối cảnh mà những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển chưa hề có dấu hiệu sẽ được giải quyết một cách hòa bình thì các quốc gia trong khu vực, trong đó có Nhật Bản phải hết sức quan tâm đến việc phát triển lực lượng vũ trang và Hải quân của nước mình.
Nhưng Nhật Bản khác với một số nước khác ở chỗ là có một nền công nghiệp đóng tàu mạnh (chưa kể tiềm lực kinh tế) có thể tự đảm bảo phần lớn các nhu cầu trang bị kỹ thuật và vũ khí cho Hải quân và nói theo ngôn ngữ bình dân - không dễ gì bị kẻ khác bắt nạt.

Kết luận
Ngoài việc sản xuất theo giấy phép các phương tiện kỹ thuật hàng không của nước ngoài, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hàng không Nhật Bản (nhất là trong những năm gần đây) đã cho thấy rõ là nước này hoàn toàn có khả năng thiết kế và sản xuất các mẫu máy bay theo các tiêu chuẩn thế giới hiện đại nhất.
Nhật Bản không còn tự bằng lòng với những máy bay của Mỹ và phụ thuộc vào ý chí chính trị trong mối quan hệ với Mỹ.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây xu hướng từ bỏ các "nguyên tắc thiên về phòng thủ" trong xây dựng lực lượng vũ trang Nhật Bản đang ngày càng thể hiện rõ qua việc đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang các máy bay do các kỹ sư Nhật tự thiết kế và sản xuất. Có rất nhiều điều đáng học tập từ người Nhật.
Lê Hùng
Nguồn: Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét