Chưa năm nào mà thời sự lại nóng bóng kéo dài từ năm cũ bước sang năm mới như năm nay.
Trước Tết, bắt đầu từ miền Nam, người dân bừng lên ngọn lửa giận dữ khi câu chuyện con ruồi Tân Hiệp Phát bay vo ve tại Tiền Giang khiến cho anh Võ Văn Minh ngồi tù, mất ăn tết vì dám lấy trứng chọi đá, tảng đá Tân Hiệp Phát được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh bóng bằng chuyến thăm nhà máy nước ngọt Number One tại Hà Nam trước khi con ruồi bay lạng quạng vô chai năm tháng sau đó.
Cận Tết người dân miền Trung Đà Nẵng có dịp khóc lóc người hùng Nguyễn Bá Thanh của thành phố sau nhiều tháng bị chất độc phóng xạ hành hạ (nói theo Chân dung quyền lực). Khóc theo đám tang của ông và khóc theo bài thơ của con gái cùng điếu văn của con trai ông cựu Trưởng ban Nội chính Trung ương mà trong đó sự trách cứ lẫn căm hờn không cần che dấu.
Ngày mùng Một năm Ất mùi, trong khi mọi người lo mừng tuổi ông bà cha mẹ thì tại miền Bắc, Bí thư trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh dẫn đầu một phái đoàn gồm đoàn viên cốt cán cùng các em thiếu nhi tiền phong được tuyển chọn đến mừng tuổi một trong những vị vua của chế độ, niềm tự hào vô hạn của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.
Báo Tiền Phong cử phóng viên theo làm phóng sự và tấm hình mà anh nhà báo đưa lên trang nhất có thể nhận giải báo chí của năm 2015. Tấm hình vua Nông ngồi tiếp khách trên chiếc ghế lộng lẫy có chạm trổ đầu rồng và mang dạng vẻ của chiếc ngai vàng không hơn không kém.
Chiếc ngai và bức tượng của tiên đế được mạ vàng trong dinh vua không hiểu sao lại bị cư dân mạng phỉ nhổ một cách không thương tiếc, bất kể ngày đầu năm người Việt kiêng cữ chửi mắng nhau dù đó là kẻ thù của mình.
Ông Mạnh không phải là kẻ thù của nhân dân, nhưng cái ngai vàng ông ngồi mới là kẻ thù của họ.
Còn nhớ, trong giai đoạn đầu kháng chiến khẩu hiệu “đả thực bài phong” được ghi rõ trong lịch sử đảng. “Đả thực bài phong” nghĩa là đánh đuổi thực dân, diệt trừ phong kiến. Thực dân là Pháp thì ai cũng thấy nhưng phong kiến thì người dân vẫn tù mù không biết vua chúa sao lại bị căm thù dữ vậy?
Cách mạng đã có công mở mắt cho người nông dân khắp nơi về tính tàn ác, độc tài của vua chúa các thời đại phong kiến. Từ Tàu tới Việt, hình như trong suốt hàng ngàn năm nước Việt có rất ít minh quân, đa số là hôn quân vô đạo và triều Nguyễn được xem là điển hình của phong kiến cần phải bài trừ.
Phong kiến từ những năm 30 trở về sau được người dân sáng ra. À, phong kiến là bóc lột, là gom góp của dân về làm của riêng cho dòng họ. Vua chúa trở thành một biểu tượng cần tiêu diệt tận trong tâm thức của người dân. Vua chúa là hình ảnh phản cảm, luôn được sân khấu mang lên như một nhân vật phản diện vì lắm thói hư tật xấu.
“Đả thực bài phong” là câu thần chú tỏ ra hiệu nghiệm vô cùng của Đảng cộng sản từ khi thành lập. Dân chúng cảm thấy được an ủi vì bao năm lầm than nay đã có ngọn cờ đỏ hướng dẫn chống lại cái ác của một bọn người có túi tham vô tận.
Tượng trưng cho đỉnh cao quyền lực của vua là chiếc ngai vàng. Vì vậy chiếc ngai tuy là một vật vô tri nhưng cũng họa lây. Ngai vàng dưới mắt nhiều người, được xây dựng trên mồ hôi nước mắt lẫn máu xương của dân chúng nên nó không khác gì con dao đồ tể. Dao vấy máu và người cầm dao không thể hiền nhân. Ngai vàng xây bằng máu xương nên người ngồi trên nó chỉ có thể là quân cướp của giết người.
Trong suốt 85 năm dẫn dắt, đảng đã khéo léo bằng mọi cách dấu biệt cái ngai vàng mà các ông vua tập thể ngự trị. Đương chức, họ tập trung của cải, phe cánh. Về hưu, đóng cửa lập cung điện nguy nga trong nội thất. Vì quá nhiều vua nên họ chia nhau mỗi người một cõi, mỗi người một phong cách không ai giống ai. Cái giống duy nhất là tiền dân được họ vung tay không thương tiếc.
Có người cho rằng không phải ai cũng như ông Mạnh. Ông đương kiêm hoàng đế Nguyễn Phú Trọng đấy, lúc nào cũng một lòng một dạ kêu gọi khan cả tiếng để thực hành nghị quyết xây dựng đảng có thấy ai nói ông ấy tích cóp của cải về hưu đâu?
Nhưng lại có kẻ ác mồm cho rằng các ông vua tập thể mỗi người một vai. Vua Linh đóng vai “những việc cần làm ngay”, Vua Mạnh đóng vai “cây gì, con gì” thì Vua Trọng cũng phải có vai chứ không lẽ im ru cho đời nó cười cho? Vai kịch chống tham ô của ông Trọng đã diễn từ 85 năm nay nhưng khi diễn lại vẫn được dân vỗ tay vì tin rằng lần này sẽ khác lần trước. Dân chúng luôn cả tin và đảng chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội.
Chiếc ngai ông Mạnh ngồi tuy nằm kín bưng trong nhà riêng nhưng gây sóng gió không phải vì nó có giá trị quá to về mặt tiền bạc. Nó bị phản ứng vể mặt lòng tin của người dân.
Vốn mù mờ và nghi ngờ từ lâu tính cách hai mặt của đảng nhưng cho tới ngày mùng một Tết năm Ất Mùi 2015 dân chúng mới thực sự được giải thiêng. Sự thiêng liêng hy sinh vì dân tộc mà đảng đeo lên ngực nay đã lộ ra sau chiếc ngai vàng ấy.
Người nông dân thấy mỗi hạt gạo mình làm ra đã bị đảng cắn đi phân nửa. Công nhân tin rằng đồng lương của họ bị trích ra giao cho đảng giữ một phần. Trí thức vốn không làm ra của cải nhưng cháy lòng vì đã cả tin. Nay ngai vàng lộ ra, trí thức có lẽ là khối người ngột ngạt nhất, họ khó cam lòng thêm nữa nếu tiếp tục cắm cúi lượm từng đồng bạc lẻ được bố thí từ các ông vua cộng sản ăn cướp của dân rồi tự tiện phân phối lại cho xã hội với phần trăm của một học sinh dốt toán.
Chỉ duy nhất một lớp người hí hửng khi phát hiện ra ngay tại thời điểm này phong kiến vẫn còn ngự trị trên phần đất Việt Nam, đó là hậu duệ của đảng, là mầm non đang noi gương đảng từng chút một trên con đường tiến tới ngai vàng mà hôm nay họ chứng kiến.
Tờ Tiền Phong phải công nhận có một Tổng biên tập thông minh và quyền biến.
Ngay khi tấm ảnh vua Nông bị phê phán, như thường lệ, tờ báo được lệnh phải gỡ tấm ảnh xuống, thay vào đó là tấm ảnh của các em thiếu nhi tiền phong với khăn quàng đỏ thắm đứng chụp hình chung với vua trong một căn phòng khác. Trên những khuôn mặt non nớt ấy không khó nhận ra sự hãnh diện nao lòng. Mỗi em đã định hình được con đường phải đi trong tương lai, bằng mọi cách phải theo bác Nông sau khi theo bác Hồ từ trước tới nay.
Ôi, ai bảo nghề báo không lắm công phu?
Và ai bảo ngồi trên ngai là sướng?
Canhco
Vàng và máu – Lenin và Nông
Tú Sụn
22-02-2015
Báo Tiền Phong (cơ quan của Đoàn thanh niên Cộng sản) làm “nhiệm vụ cách mạng” là đưa tin ngày tết lãnh đạo đoàn đến chúc tết lãnh đạo Đảng, đủ loại cũ mới. Có tấm ảnh chụp ở nhà riêng của cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh, đưa lên mạng được vài giờ thì gỡ đi.
Ai ra lệnh và quyết định gỡ đi, tại sao, điều ấy cũng dễ đoán. Cũng may là có “Gù gồ” (Google) nên thiên hạ còn lưu lại và có thể ngắm nguyện tấm ảnh ấy. Thế mới biết câu ca dao tân thời (mà nửa đầu, tác giả là Nguyễn Ái Quốc, viết ở hang Pắc Bó cách đây hơn 70 năm) thật là hay:
Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết thì tra Gù Gồ.
Cái gì không biết thì tra Gù Gồ.
Nhìn tấm ảnh, anh bạn tôi bình luận trên FB đại ý : vẫn biết anh ta đức thì nông, tài thì yếu, ngờ đâu văn hoá của anh ta đến mức như vậy thì cũng botay.com.
Tôi hiểu anh bạn tôi dị ứng với thứ văn hoá vàng khè, vàng choé của đám trọc phú (“đỏ”, “xanh”, hay “đen” thì cũng rứa) vô học. Nhưng tôi tự hỏi, biết đâu ông tổng bí thư họ Nông lại muốn gửi chúng ta một thông điệp văn hoá có gốc gác từ Lenin. Năm ngoái, ở Kiev, khi lật đổ bức tượng Lenin, người ta thay thế nó bằng một cái xí bệt (WC) mạ vàng, lấy từ dinh thự của nhà lãnh đạo độc tài Viktor Ianoukovitch mà nhân dân Ukraina vừa hạ bệ. Báo chí, TV phương tây đưa tin rầm rộ, ra sức phấn khởi, nhưng hình như họ không hiểu ý vị của chuyện này. Số là, khoảng năm 1921, Lenin có viết ở đâu đó rằng, khi nào chủ nghĩa tư bản cáo chung trên toàn thế giới, quy luật “giá trị” của nó không còn ngự trị nữa, thì vàng trở nên vô dụng, sang thế kỷ XXX người ta sẽ dùng nó để làm cầu tiêu công cộng ngoài đường phố.
Lời tiên tri của Lenin chưa trở thành sự thực: quy luật “giá trị” của chủ nghĩa tư bản vẫn đang ngự trị, từ Berlin đến Hà Nội, qua Athenes, Bắc Kinh, nhưng ít nhất cái “xí bệt” mạ vàng của lời tiên tri đã “bước đầu” được thực hiện, ở Kiev, cũng như ở Hà Nội, mà ở Hà Nội, cái xí bệt này lại “đậm đà bản sắc dân tộc” dưới hình thức ngai vàng (xưa kia, trước cách mạng Pháp, sáng sáng vua Louis XVI cũng ngồi cái ngai – xí bệt để quần thần chiêm ngưỡng ngài đại-trung-tiểu tiện).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét