Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Tự sự đầu Xuân: Hòa giải dân tộc


Những ngày đầu Xuân Ất Mùi, lướt qua các trang mạng quen thuộc tôi bắt gặp khá nhiều bài viết đọc rất thú vị. Có mấy bài về hai loại vấn đề tôi đặc biệt quan tâm, xin ghi lại đây suy nghĩ của mình chia sẻ với các tác giả và mạo muội trao đổi cùng ai quan tâm đến thời cuộc.
Phạm vi bài viết nầy tôi đề cập loại vấn đề thứ nhất: Đó là “Hòa giải dân tộc” theo bài viết “Xuân Ất Mùi lạm bàn về hòa giải dân tộc” của Ts Tô Văn Trường đăng trang Kim Dung – Kỳ Duyên. Dưới bài viết, trang nầy giới thiệu bài “Tết Giáp Ngọ – Buồn!!” của Nguyễn Minh Đào có đoạn nội dung cùng chủ đề với bài của ông Trường.
Mở đầu bài viết, sau 4 câu thơ ông Trường viết chuyện mâm ngũ quả ngày tết trên bàn thờ tổ tiên đầy ắp trái cây màu xanh, vàng mươn mướt, hiếm có trái cây màu đỏ nên cần điểm xuyết mấy trái ớt màu đỏ au, roi rói cho rộn ràng, đa sắc; cũng như mâm cơm gia đình không thể thiếu ớt dù cay xé lưỡi. Ông Trường mượn chuyện ẩn dụ để nói chuyện “quốc gia đại sự” rất cần những ý kiến “phản biện” trái chiều về mọi vấn đề, cho dù nó có cay. Ông đề cập tiểu thuyết “Dòng đời” của ông Nguyễn Trung ra đời cách đây 10 năm, cốt truyện nói về hòa giải dân tộc, ông Trường cho biết ông Nguyễn Trung chân thành khuyên ông “đừng mất công sức, thời gian đụng đến đề tài “Hòa giải dân tộc” vì nó vô vọng trong thể chế hiện nay!”. Đúng vậy, ông Trường viết: “… hòa giải là bài toán không dể giải (loại NP-hard). Chừng nào người dân còn chưa được hưởng quyền tự do dân chủ thực sự, chừng nào 61 người ký tên vào bản thư ngỏ còn được liệt vào danh sách đen, chừng nào xã hội nhiều mặt còn không được tử tế như xưa và chừng nào trong nội bộ phe thắng cuộc cũng còn chưa hòa giải được, thì đừng nói chi đến hòa giải với bên thua cuộc”.
Trong bài “Tết Giáp Ngọ – Buồn”, ông Nguyễn Minh Đào có đoạn trải lòng tâm sự: “…Buồn vì đất nước sắp bước vào năm thứ 40 từ ngày hòa bình lập lại, mà lòng người phân ly từ trong các cuộc chiến chưa hòa giải! Thãm trạng nầy đến bao giờ chấm dứt và trách nhiệm thuộc về ai?! Vết thương đau trong lòng người “bên thua cuộc” và với cả người dân không thuộc bên nào chưa liền sẹo, phát sinh vết thương mới trong lòng người “bên thắng cuộc”, trong đó không ít “công thần” của chế độ, hay nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi bất bình trước hiện tình đất nước, kiến nghị với Đảng sửa đổi chủ trương, chánh sách không hợp lòng dân nhưng đâu được lắng nghe!…”.
Hồi kháng chiến chống Mỹ ai cũng biết, đường lối chính trị của Đảng có hai loại “chiến lược” và “sách lược”. Hòa giải dân tộc là loại “sách lược”, nó ra đời và tồn tại trong giai đoạn nhất định cuộc chiến, đến khi xe tăng hút đổ cổng dinh Độc Lập xem như chấm dứt “sứ mạng lịch sử”! Hồi đó, ít ai nghi ngờ sự chân thực của Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng, đến khi những chủ trương, chánh sách thất nhân tâm của Đảng thực thi sau “giải phóng”…; trong đó, ác độc nhất là cầm tù hàng vạn sĩ quan, viên chức cao cấp chế độ cũ nhiều năm dưới mỹ từ “học tập cải tạo”, người ta mới nhận ra hòa giải dân tộc chỉ là trò bịp không hơn không kém!
Đến nay, sau 40 năm “non sông thu về một mối”, hòa giải dân tộc vẫn là bài toán nan giải, theo tôi có nguyên nhân sâu xa từ trong chiến tranh, những người lãnh đạo cấp cao của Đảng ngày nay xem hòa giải dân tộc vẫn chỉ là vấn đề “sách lược”, thực hiện được chăng hay chớ cho những mục tiêu trước mắt! Như Ts Tô Văn Trường dẫn lời vị chuyên gia trí thức Việt kiều danh tiếng nào đó nói: “Tôi cho rằng sẽ không bao giờ có hòa giải. Những người cộng sản nói hòa giải thực chất là kêu gọi qui hàng, trước đây qui hàng thì được bỏ tù không giết. Còn bây giờ qui hàng là họp tác những gì mà họ cho họp tác…”. Tiếp theo, vẫn lời vị chuyên gia Việt kiều nêu sự kiện Tổng thống Mandela ở Nam Phi và trong nội chiến Nam Bắc ở Mỹ, Tổng thống Lincoln không trả thù bên thua trận, mọi chiến binh đều được đối xử ngang nhau với bên thắng trận. Còn “ở Việt Nam thi hành chánh sách trả thù rõ ràng…” – Vị trí thức Việt kiều nầy nói!
Trong bài của Ts Tô Văn Trường, ông nhắc đến lịch sử nước nhà có giai thoại về hòa giải như Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải hiềm khích từ lâu, nhưng trước họa đế quốc Nguyên Mông xăm lược nước ta hai ông bỏ qua mối hận thù riêng, cùng chung lòng chung sức điều binh khiển tướng chống quân xăm lược bảo vệ non sông đất nước. Ông Trường viết:“Sau khi đánh bại quân Nguyên, các quan dâng lên vua Trần Nhân Tông tài liệu về những người từng đầu hàng giặc xin xử lý, nhờ có vua anh minh nhìn xa trông rộng, chủ trương hòa giải, nên không đọc mà ra lệnh đốt hết tài liệu dể yên lòng người”.
Ông Trường viết tiếp:“Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh sử dụng các nhà trí thức và giới tư sản của chế độ thuộc địa, cả vua Bảo Đại, nhờ thế có nguồn lực nhân tài và tài chính mà xây dựng chính quyền và kháng chiến. Rõ ràng mục tiêu của Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Qua hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ dài đăng đẳng với nhiều triệu người Việt Nam hai bên chiến tuyến bỏ mình, mất mát đau thương ngất trời…!! Tôi cứ mãi hối tiếc, giá như sau “thắng lợi hoàn toàn” tháng Tư năm 1975, Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng biết thương yêu sẻ chia đồng bào ruột thịt của mình đã gánh chịu quá nhiều khổ đau trong chiến tranh, gạt qua một bên ý thức hệ cộng sản, không áp dụng chánh sách “cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội” gây thêm khổ đau cho người dân, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc trên hết, trên cơ sở tiếp quản nền kinh tế miền Nam gần như nguyên vẹn, để người dân được tự do làm ăn trong khuôn khổ luật pháp thông thường của một quốc gia, thực hiện chánh sách hòa giải dân tộc do Đảng đề xướng, noi gương các bậc hiền nhân trên thế giới và trong nước ngày xưa xóa bỏ hận thù, không cầm tù sĩ quan, viên chức cao cấp chế độ cũ, mở rộng vòng tay đón nhận họ đoàn kết trong Đại gia đình Việt Nam… Được như vậy, không xãy ra “vấn nạn thuyền nhân”, lòng người không phân ly, đất nước không tụt hậu và không phải để đến hôm nay sau 40 năm vẫn còn bàn chuyện hòa giải dân tộc ngất ngư không lối thoát…!
Ôi! Bức tranh hoa mỹ của đất nước tôi vẽ trên đây, có lẽ để tự xoa dịu nỗi đau buồn, tức tưởi trong lòng tôi từ lâu, bánh xe lịch sử làm sao có thể quay ngược thời gian, biến những ước mơ ảo huyền “giá như” của tôi thành sự thật! Nhưng chẳng lẽ hòa giải dân tộc “vô vọng trong thể chế hiện nay” như lời ông Nguyễn Trung sao?
Ts Tô Văn Trường viết một câu “như đinh đóng cột”:“Ai cũng hiểu rằng nếu không thống nhất được lòng dân, thì dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được”. Con đường đi tới hòa giải dân tộc gặp nhiều cản ngại chủ yếu từ phía thế lực bảo thủ cầm quyền, nhưng tôi hy vọng có thể thực hiện được bằng con đường đấu tranh ôn hòa của những người đảng viên chân chính, của các bậc lảo thành dày công với nước, của đội ngũ nhân sĩ, trí thức yêu nước…; cùng các tầng lớp đồng bào và áp lực quốc tế đòi Đảng phải thay đổi thế chế chính trị, sửa đổi Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần nội dung Hiến pháp năm 1946, thực hiện dân chủ đa nguyên, xóa bỏ các điều luật phi lý trấn áp người bất đồng chính kiến… Đồng thời, Ban lãnh đạo Đảng, cụ thể Bộ Chánh trị phải thực sự cầu thị, ra “Sách Trắng” nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ, chân thành xin lổi đồng bào, đồng chí – nạn nhân của Đảng, cùng với việc đề ra quyết sách đối nội, đối ngoại hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại, khắc phục khuyết điểm, yếu kém làm xoay chuyển cục diện kinh tế – xã hội của đất nước vượt qua khó khăn, khủng hoảng…, mở đường thực hiện hòa giải dân tộc, xây dựng khối đoàn kết đồng bào trong nước và cộng đồng Người Việt nước ngoài thành một khối thống nhất ý chí và hành động chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.
Được như vậy phúc lớn cho dân tộc, uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam sáng ngời trên trường quốc tế, người dân hàm ơn Đảng, lịch sử dân tộc đời đời ghi tạc công ơn của Đảng.
Mồng 4 Tết Ất Mùi
Đặng Kiên Trung
Tác giả gởi cho Viet-studies

22-02-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét