Đôi lời: Bài báo: Bàn về “thị trường sao và vạch” là một trong những bài viết trên báo Người Cao Tuổi bị cho rằng đã vi phạm điều 258, tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức công dân”. Bài viết đã bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng lại bài viết này. Kính mời độc giả.
Lê Quang Tạo
1-4-2014
Tuần qua nhiều báo đăng tin “Công an lên tướng, Quân đội cũng lên tướng”. Là một cựu chiến binh có 42 năm quân ngũ, có đôi điều tâm tư tản mạn (cũng là của nhiều đồng đội) về đề tài “Sao và Vạch”. Đây là một việc rất nhạy cảm, mà ít khi công khai.
Nhiều cán bộ lão thành, lão tướng qua hai cuộc chiến oanh liệt (chống Pháp và chống Mỹ) cứ phàn nàn rằng: Tướng phải ra tướng chứ bây giờ tướng nhiều quá!
Thật vậy: Nhớ lại kháng chiến 9 năm đánh Pháp, khi cuộc chiến sang giai đoạn mở các chiến dịch tấn công, Quân đội được tăng cường mọi mặt thì Bác Hồ, Chủ tịch nước mới phong hàm tướng cho một số chỉ huy chủ chốt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình, các Thiếu tướng chỉ đếm trên đầu ngón tay – đó là năm 1948. Rồi 10 năm sau, khi các tướng cầm quân thắng lợi lẫy lừng Điện Biên Phủ 1954, Quân đội tiến lên chính quy và thiết lập chế độ quân hàm trong toàn quân (từ Binh nhì đến Đại tướng). Bác Hồ phong thêm một đại tướng (đồng chí Nguyễn Chí Thanh), 2 thượng tướng, 4 trung tướng và hơn chục thiếu tướng. Quân đội bước vào giai đoạn ác liệt nhất: Kháng chiến chống Mỹ ở cả 2 miền, các tướng, tá của ta xung trận cùng toàn quân… cho đến hơn 10 năm sau (1974) mới có đợt phong tướng cho một số đồng chí. Rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất… việc phong hàm tướng phải 4 năm mới có một lần. Các cụ vẫn tâm đắc: “Quân hùng, tướng mạnh, bách chiến bách thắng”.
Nhưng rồi những năm sau 2000, việc phong tướng cứ đều đều hằng năm, mỗi lần vài chục tướng, có năm 2 lần phong tướng; trần quân hàm tướng nới rộng, thậm chí giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp cũng mang hàm tướng? Khi mà đất nước hoà bình, ổn định!
Tướng đã nhiều thì tá càng nhiều. Tôi nhớ rất rõ: Những năm 60, 70 (thế kỉ XX) khi chiến tranh chống Mỹ cả hai miền nóng bỏng thì Huyện đội trưởng mới mang hàm Thượng uý (thậm chí Trung uý), Tỉnh đội trưởng là Thiếu tá, Trung tá. Có một số sĩ quan thiếu tá, trung tá là sư đoàn trưởng trong chiến trường đánh đâu thắng đó, ở đâu cũng được nhân dân giúp đỡ. Bây giờ thời bình thì Phó Chỉ huy Quân sự huyện đều Thượng tá, Chỉ huy trưởng: Đại tá. Có Tiểu đoàn trưởng cũng Đại tá(!). Việc xây dựng “biểu biên chế tổ chức lực lượng” hằng năm do Tổng Tham mưu trưởng kí ban hành (Cục Quân lực làm tham mưu), đi kèm là trần quân hàm cho các cấp… Từ đó đẻ ra chuyện “chạy trần quân hàm” rồi “mượn” trần cũng xảy ra không thiếu!
Dư luận âm ỉ chuyện “Tướng chạy” là có thật. Bạn tôi tâm sự rằng: “Lúc ấy mình cũng ráng hết sức để đầu tư lên tướng… nhưng rồi hụt hơi, thua “thầu” nên chấp nhận lỗ nặng, còn tay ấy đủ lực và lên tướng nên chỉ sau 1, 2 năm thu hồi đủ vốn rồi lãi… được cả danh, cả kinh tế! Vốn là bao nhiêu cũng tuỳ vị trí!
Cách đây một tuần, Trung Quốc đã bắt giam Thượng tướng Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương với tội danh: Tướng bán quân hàm. Ông này còn là đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cũng đang bị điều tra và vừa bị bắt một số người ruột thịt… Sự thật ấy đáng để suy ngẫm.
Cách đây hơn 50 năm, sau khi Quân đội xây dựng chế độ quân hàm, thì Công an cũng chính quy hoá. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn mang hàm Thiếu tướng, các Thứ trưởng như Lê Quốc Thân cũng có hàm Thiếu tướng (thời kì làm Bộ trưởng là Trung tướng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị). Bây giờ Lực lượng Công an có hàng trăm tướng, có cả nữ tướng, ngành quản lí trại giam có hàm đến Trung tướng. Cứ mở ti-vi chương trình ANTV là thấy đỏ rực quân hàm tướng. Thực tế ấy có cần không? Càng nhiều Tổng Cục ắt càng nhiều tướng. Bây giờ đất nước yên bình mà Phó trưởng Công an huyện cũng hàm Đại tá… Trưởng Công an các phường ở TP lớn hầu hết là Đại tá, có Giám đốc Công an thành phố hàm Trung tướng. Trong một địa bàn thành phố: Có Giám đốc Công an lại có Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC. Tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC thì to ra, sẽ có thêm nhiều tướng, nhiều tá, nhưng hiệu quả nhiều vụ chữa cháy lớn ở các chợ, cây xăng lại bị kêu là: chậm trễ, thiếu nước, kém hiệu quả… Đầu tư cho người lính, lực lượng trực tiếp mới là xây dựng lực lượng hiệu quả. Tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp yêu cầu nhiệm vụ là chuyện đương nhiên, nhưng từ các Cục, Vụ mà đẩy lên thành các Tổng Cục hàng loạt, quá nhiều… thực chất là thêm ghế tướng mà thôi.
Thế kỉ XX, đi ra đường hễ gặp các chiến sĩ áo vàng, Cảnh sát Giao thông, điều khiển trật tự rất nhã nhặn, quân hàm đều là hạ sĩ, thượng sĩ. Bây giờ trên mọi chặng đường đều nhìn thấy các trung tá, thượng tá cầm gậy chỉ huy giao thông?
Nhắc lại chuyện bán quân hàm, tôi mạnh dạn nói thật: “Thị trường” này bây giờ khá lộ liễu nếu không nói là nhức nhối. Tất nhiên việc rao giá không bao giờ thành văn mà là thoả thuận ngầm, càng không dễ gì giao dịch thành công vì đối tác phải rất kín để an toàn.
Quân hàm theo lương, lương của lực lượng vũ trang hoàn toàn lấy từ ngân sách nhà nước, là thuế của dân công sức, mồ hôi nước mắt người dân lao động. Quân đội và Công an được Đảng, Nhà nước rất ưu tiên xây dựng chính quy, hiện đại, tinh binh, tinh cán đáp ứng mọi tình huống xảy ra nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh, đừng chạy theo sự hào nhoáng, oai vệ mà thực lực, nội dung lại không tương xứng, đạo đức lại sa sút. Tốn kém xói mòn thì uy cũng lung lay. Chân dung người lính, người Công an phải luôn luôn là hình ảnh đẹp, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đương đầu mọi gian khổ… càng không phải là cấp tướng, cấp tá mang xe biển đỏ… đi kinh doanh kiếm lời, người lính làm kinh tế nhưng chỉ trong giới hạn đặc thù, không thể thị trường hoá người lính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét