Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

CHUYỆN TỰ DO NGÔN LUẬN ở QUÊ NHÀ

Việt Nam là môt thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Không như Bắc Hàn, quan chức Việt Nam chu du thế giới, có con cháu ăn học, có bằng cấp cao từ Âu Mỹ. Họ có trình độ và tài ba như thế nên đã được chọn vào những chức vụ quan trọng để nước Việt ngày càng tiến bộ. Lẽ nào những người như thế mà lại vi phạm nhân quyền, một hành động kém văn minh, thói xấu của thời Trung cổ. Để được sáng tỏ ngọn ngành về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, bộ ngoại giao Mỹ phái cô luật sư Kathy Litewey qua VN tìm hiểu.

Cô Litewey đi đâu cũng được các quan chức, luật sư tiếp đón niềm nở. Nam có, nữ có, họ nói chuyện lưu loát, ăn mặt hợp thời trang. Đôi lúc Kathy cảm thấy hơi ganh tị vì đồng lương nhân viên ngoại giao Mỹ của cô khó có thể trang trải cho những áo quần, trang sức đắt tiền như họ. Vào làm việc họ nhấn mạnh với cô rằng tự do ngôn luận là một nhân quyền được hiến pháp Việt Nam bảo vệ rất rõ ràng, dứt khoát, hoàn toàn không ấm ớ gì cả. Như mọi nơi trên thế giới, bọn xấu vẫn "lợi dụng quyền TDNL" để xúc phạm những giá trị tôn nghiêm, chống phá sự ổn định của xã hôi. Vì thế mà chính quyền đã có luật ngăn cấm sự "lợi dụng quyền TDNL” chứ không hề ngăn cản TDNL.

Làm việc với những người văn minh, lịch duyệt như thế, cô Litewey càng lúc càng phục họ. Cô cảm thấy tuy họ hay cười nhưng không có óc khôi hài, không hề nói đùa. Có lẽ đây là những người hết sức tôn trọng môn luật, không cười cợt luật sư và luật pháp như dân Mỹ nhà cô. Họ đưa ra lý luận, lý luận sắc sảo chứ không bông đùa. Kathy Litewey tự hứa sẽ dành thì giờ nghiên cứu hiến pháp và bộ luật hiện hành của Việt Nam. Nhưng đúng là Việt Nam có quyền tự do ngôn luận tương tự như những nước ở châu Âu, cô nghĩ thế.

Ngày cuối, Kathy Litewey muốn được vào thăm một trại giam theo chỉ thị của cấp trên. Kathy nói với cô luật sư Việt đại diện chính quyền một cách thân mật, "Phải theo lịnh của xếp chứ mình thì không có vấn đề gì nữa. Chỉ muốn có thì giờ đi shopping với bạn thôi." Cô đã xem những quan chức Việt mà cô tiếp xúc như đồng nghiệp. Nhiều người từng học luật tại Mỹ như cô.

Họ đến trại giam mà cấp trên của Kathy đã chỉ định đúng lúc mọi tù nhân  đang  đi bộ trong sân tù. Cô Litewey xin được tiếp xúc trực tiếp với họ. Cô mới tốt nghiệp khoá Việt ngữ của Defense Foreign Language Institute ở Monterey, California và nghĩ đây là cơ hội để bản báo cáo của cô thêm đặc sắc. Sau một lúc thảo luận với cai tù và một cú điện thoại xin phép ai đó, cô luật sư Việt nói với Litewey:

- Nhất chị Kathy đấy nhá. Cấp trên đã cho phép chị gặp bất cứ tù nhân nào chị muốn, nhưng chỉ một người thôi vì lý do an ninh cho chị.

Litewey cười:

- Cám ơn. Tôi hiểu. Ở Mỹ chẳng tội phạm nào mà không khăng khăng rằng mình vô tội cả. Việt Nam chắc cũng thế. Nhưng không sao đâu vì tôi muốn nói chuyện với ông này. Ông ta nhìn không có vẻ gì nguy hiểm cả.

Tiếng cười đồng tình của quan chức Việt chợt tắt hẳn khi họ thấy Kathy Litewey chỉ vào một người đàn ông đứng tuổi, chống gậy đang bước đi trong sân một cách khó khăn như bị liệt nửa người.

Hai cô luật sư và người cai tù cùng đi xuống sân. Kathy chào hỏi:

- "Chào ông. Xin ông cho biết tên."

- "Tui là Nguyễn Quang Lập."

- "Tại sao ông bị bắt giam ở đây."

- "Tui biết mô. Cô hỏi họ." Người tù hất hàm về phía cô luật sư Việt và ông cai tù.

- "Thế ông làm nghề gì?"

- "Tui là nhà văn. Tui viết văn, viết kịch chứ có làm được chi nữa mô."

- "Thế thì ông nghĩ ông bị bắt vì Việt Nam thiếu tự do ngôn luận à?"

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cười, lắc đầu:

- " Bậy nà, bậy nà. Nói chi lạ rứa. Việt Nam hoàn toàn có tự do ngôn luận. Ai muốn nói chi thì nói. Tha hồ tự do nói. Chỉ mất tự do sau khi nói thôi." Rồi ông cười khì khì, chống gậy chậm chạp lê bước tiếp.

Kathy Litewey nhìn tấm lưng hơi rung rung như đang cười của người tù tàn tật và nghĩ đến những người "đồng nghiệp" Việt Nam thiếu óc khôi hài của cô. Cô chợt cảm thấy họ rất đáng khinh.

Khi chia tay, cô luật sư Việt hẹn tối sẽ đến đưa Kathy đi ăn và mua sắm. Kathy lắc đầu, bảo muốn dành thì giờ viết báo cáo về tự do ngôn luận ở Việt Nam. Cô Việt gật đầu, cười lịch sự:

- "Vâng, tự do ngôn luận ở đâu cũng rất quan trọng. Je suis Charlie."

Kathy Litewey không cười, trả lời bằng tiếng Việt lơ lớ:

- "Tôi là Nguyễn Quang Lập"


https://www.facebook.com/notes/1019592168054563/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét