“…ta nhận ra lực lượng thẩm phán Việt Nam phục vụ cho ai? Hình như có dấu hiệu phục vụ cho kẻ có tiền. Và họ có thể “đánh đu” con chữ để miễn sao đối tượng họ phục vụ sẽ hạn chế đi bất lợi, đồng thời đẩy sự bất lợi đó về phía kẻ khác…”
Những ngày qua, dư luận trở nên “nóng” về vụ “con ruồi” trong sản phẩm nước giải khát của Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP). Những bài báo “lề phải”, “lề quan”, “chính thống” liên tục đăng tải thông tin về nhiều con ruồi xuất hiện trong nhiều chai nước của THP không những tại một địa phương mà tại nhiều địa phương. Trong các bài báo này, tuy ngoài mặt có vẻ là “công tâm”, “khách quan” phản ánh chân thực sự kiện… “con ruồi”; nhưng sự thật là “lồng ghép” (chữ của Ban Tuyên giáo) những phát biểu có tính định hướng dư luận, mà cụ thể là phát biểu của Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào đối tượng bị cô thế trong “cuộc chiến con ruồi”, đó là các nạn nhân của Tập đoàn THP.
Blogger Cánh Cò khi đọc thấy những phát biểu này, đã nói rằng những phát biểu đó là “đánh tráo khái niệm”. Vâng! Blogger Cánh Cò đã viết rất rõ và rất nhiều, chẳng hạn: “Thứ nhất, ông Hùng dẫn dắt dư luận gây bất lợi cho bị cáo (anh Võ Văn Minh – người viết chú thích). Là một thẩm phán ông không được phép hướng dẫn dư luận khi phiên tòa chưa mở và cơ quan điểu tra chưa chính thức vào cuộc”. Và “Thứ hai ông làm nhẹ tội (nếu có) của Tân Hiệp Phát…”. Hoặc “Mấy ai rành rẽ việc này hơn ông, nhưng cách mà ông diễn đạt với báo chí làm người ta nghĩ rằng ông là một cổ đông của Tân Hiệp Phát”; và rất nhiều những nhận xét khác.
Tuy nhiên, qua những gì tôi biết “về mấy con ruồi trong chai nước” và khi đọc bài Ruồi đã chết nhưng nhặng vẫn vo ve… tôi xin bổ sung thêm một số nhận định của mình.
Trong bài báo Tuổi Trẻ đăng ngày 05/02/2015, bài báo cho biết là anh Minh sau nhiều lần đàm phán để đi đến thỏa thuận nhận tiền bồi thường thì “Ðến thời điểm hẹn giao nhận tiền thì anh Minh bị Công an Tiền Giang bắt. Ðến nay chưa có thông tin khởi tố vụ án”. Còn trong bài báo đăng ngày 07/02/2015 thì “Bà Hà (Nguyễn Thị Thu Hà – người viết chú thích) cho biết sau khi thỏa thuận xong, trưa 16/12/2011 ông Phạm Long Minh hẹn bà đến một quán cà phê để giao 49 triệu đồng, đồng thời thu lại năm chai nước (một chai nước tăng lực Number One, bốn chai sữa đậu nành Soya hiệu Number One) bị lỗi. Khi bà Hà đang đếm tiền thì một tốp thanh niên mặc thường phục tự xưng Công an TP Biên Hòa ập đến còng tay, thu giữ 49 triệu đồng cùng năm chai nước giải khát bị lỗi”. Cả hai bài báo đều có câu chủ đề của đoạn là: “Bị bắt khi đang nhận tiền”.
Đọc qua hai “sự kiện” trên ta thấy gì? Đó là Tập đoàn THP đã “chơi khăm” hai đối tượng một cách cố ý. Tuy ngoài mặt thì THP đàm phán với đối tượng, nhưng sau lung lại mật báo Công an bắt đối tượng mình cần chính quyền “nhúng tay”. Vì sao THP làm được như vậy? Theo Luật sư Ngô Ngọc Trai, thì bởi do luật pháp Việt Nam cho Công an Việt Nam có quyền bắt người mà không cần phải suy xét sâu kỹ là có cần kíp phải bắt không; ông cũng lý giải vì nguyên nhân này mà có bài báo đăng là “Tội phạm tăng nhanh hơn dân số, thiếu hàng ngàn chỗ giam”. Tuy nhiên, nếu theo bài viết Bàn về thể chế của Giáo sư Jonathan London (đăng trên Thông Luận ngày 06/02/2015) khi nói về “thể chế” ở Việt Nam, thì đúng là THP đang hoạt động theo “thể chế” đặc thù của Việt Nam nên bởi vì như vậy mà THP ngang nhiên mật báo Công an bắt những người nhận tiền (thỏa thuận) của THP.
Phân tích thêm nữa, là cũng từ hành động của THP, ta thấy hành động mật báo Công an bắt các đối tượng nhận tiền (của THP) là một hành động liệu có hợp lý chăng? Trong khi, đa số những tình huống thông tin mật báo cho Công an bắt người là đối tượng đó đang bị truy nã, hoặc nếu để đương sự bên ngoài sẽ gây nguy hiểm xã hội; đàng này, hai đối tượng mà Tập đoàn THP mật báo cho Công an bắt chẳng có tiền án hình sự cũng như chẳng làm gì nguy hiểm cho xã hội.
Quay sang phát biểu của ông Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mà Blogger Cánh Cò dẫn lại là "Nếu anh Minh chủ động ngụy tạo chứng cứ để tống tiền thì hình phạt còn phải nghiêm khắc hơn nữa. Nếu thực sự có con ruồi trong chai nước thì đây cũng chỉ là sơ suất, một lỗi nhỏ của quá trình sản xuất, không ai mong muốn vì hàng trăm hàng ngàn chai khác trong lô cùng xuất xưởng đó không có con ruồi nào. Chúng ta chỉ đặt vấn đề và trừng trị công ty khi họ cố tình đóng ruồi vào nước (hàng trăm hàng ngàn chai đều có ruồi) hoặc cố ý cho chất gì đó bị cấm vào sản phẩm nhằm mục đích đầu độc người tiêu dùng…". Ở đây chúng ta thấy, câu trước ông thẩm phán xử phạt “hình phạt còn phải nghiêm khắc hơn nữa” đối với anh Minh; nhưng câu sau ông lại bênh đỡ cho THP khi nói “nếu thực sự… thì cũng chỉ là sơ suất” thì thật chẳng hiểu ông đứng về phía nào? Nhưng chắc chắn ông không đứng trên lập trường pháp lý!
Tiếp đến, ông Phạm Công Hùng phát biểu tiếp: "Việc phòng, chống tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Phía công ty báo công an bắt anh Minh khi bị anh yêu cầu đưa tiền là một hành động đúng. Nó góp phần tạo ra một xã hội lành mạnh, có sức đề kháng cao, không im lặng trước những việc làm trái pháp luật…". Ủa, anh Minh phạm tội rồi hả ông Hùng? Ông lấy kết quả điều tra và kết luận phạm tội từ đâu, cơ quan nào? Cái thứ hai, trước đây anh Minh cũng chưa có tiền án gì về tội phạm hình sự. Tiếp đến, ông Hùng nói “Phía công ty báo công an bắt anh Minh khi bị anh yêu cầu đưa tiền là một hành động đúng” là ông căn cứ vào điều nào, khoản nào của luật nào?
Tiếp theo hãy nghe ông Hùng nói về “thủ đoạn” của anh Minh: "Ở đây anh Minh có hành vi vi phạm thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền. Cụ thể là đã thông báo với phía công ty là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh ta sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết…". Ở đây có cụm từ “thủ đoạn khác” và ông Hùng nêu luôn “thủ đoạn khác” là "Cụ thể là đã thông báo với phía công ty là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh ta sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết…". Vậy theo ông Hùng, “tung tin cho báo chí” là “uy hiếp tinh thần”? Vậy, báo chí đăng tin ông Trần Văn Truyền tham nhũng là “uy hiếp tinh thần” ông Truyền? Hơn nữa, sử dụng báo chí để thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng biết một dòng sản phẩm kém chất lượng, giúp người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của mình là một hành vi “dùng thủ đoạn khác”? Và báo chí, theo ông Hùng, khi biết thông tin từ anh Minh thông báo cho, sẽ “uy hiếp” Tập đoàn THP?
Viết đến đây, chúng ta có thể rút ra bài học gì?
Thứ nhất, Tập đoàn THP đã quá coi thường thời đại của thông tin “điện xẹt” như ngày nay. Ngày nay không những có báo “một lề” đâu, mà Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã “phát kiến” ra có tới hai lề báo lận, đó là “lề phải” và “lề trái”; cho nên THP không thể dùng những báo “lề phải” để hướng dẫn dư luận như ngày xưa đã từng làm. Suy xét tiếp, THP đã không thấy truyền thông (cả “phải” lẫn “trái”) ngày nay (2015) phát triển như thế nào! Nhạc sỹ Tuấn Khanh đã chỉ ra đại khái rằng, con người Sài Gòn chạm lướt vào hiện tại của mình ngay trên màn hình điện thoại di động; vậy mà THP coi thường sự thật này! Thất bại về truyền thông là thất bại to lớn nhất vì không thể đo lường được; hãy lấy hãng bột ngọt Vedan làm ví dụ, cho đến bây giờ Vedan vẫn chưa gượng dậy được!
Thứ hai, qua phát biểu của ông Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, ta nhận ra lực lượng thẩm phán Việt Nam phục vụ cho ai? Hình như có dấu hiệu phục vụ cho kẻ có tiền. Và họ có thể “đánh đu” con chữ để miễn sao đối tượng họ phục vụ sẽ hạn chế đi bất lợi, đồng thời đẩy sự bất lợi đó về phía kẻ khác; chứ chẳng đứng trên quan điểm pháp lý tý nào cả…
Phan Gia Minh11/02/2015
Ghi chú: Tất cả những câu ông Hùng phát biểu đều được dẫn lại trong bài viết của Blogger Cánh Cò mang tên Ruồi đã chết nhưng nhặng vẫn vo ve… đăng trên Thông Luận ngày 09/02/2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét