Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Kim Quốc Hoa là con người như thế nào?

Kim Quốc Hoa từ ‘chiến sĩ hậu’ cần tới Tổng biên tập 6 báo

9-2-2015
H1Tôi biết ông vừa trải qua những ngày tháng căng thẳng khi mà báo Người Cao tuổi “đối đầu” với ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến.
Cuộc chiến của một tờ báo “người già” với nữ doanh nhân đầy thế lực, từng lọt vào tốp người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán, chủ tịch tập đoàn Tân Tạo, tưởng chừng không cân sức.
Trong vòng 9 tháng, với hơn 20 bài báo liên tục đăng tải, báo đã có lúc phải xin lỗi cải chính vì một số chi tiết thiếu chính xác.
Cuối năm 2011 tập đoàn Tân Tạo của bà Yến thuê luật sư chính thức kiện Tổng biên tập Kim Quốc Hoa ra tòa. Sức ép từ nhiều phía, những lời đe dọa “cho bay cái ghế TBT”, nhưng Kim Quốc Hoa vẫn không nản lòng.
Mái tóc ông đã bạc đi nhiều, nhưng giọng vẫn đầy chất thép: “ Làm báo chống tiêu cực, tham nhũng, nếu TBT “nản lòng” coi như “hết phim”.
Khi nhận được thư “nặc danh” cho biết bà Hoàng Yến từng là đảng viên nhưng lại khai nữ doanh nhân ngoài đảng để ứng cử ĐBQH, tôi đã hai lần lặng lẽ vào TPHCM cùng phóng viên trực tiếp đi xác minh thông tin trên.
Lọ mọ nhiều ngày, khi đã xác minh được sự thật, tôi mới có văn bản kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Sự kiện nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi miễn tư cách ĐBQH đã làm nổi sóng cả nghị trường và ồn ào trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong đó công lớn thuộc về báo Người Cao tuổi.
Dạo này, nhiều người đọc báo đã nhận xét: tờ báo của người già lại có vẻ “chịu chơi” chiến đấu chống tiêu cực tham nhũng hơn cả báo của người trẻ.
5 năm phanh phui 1.500 vụ tiêu cực, tham nhũng
Và “lão tướng” Kim Quốc Hoa chỉ huy nhiều trận đánh chống tiêu cực, ban đầu cứ tưởng như đánh nhau với cối xay gió, nhưng rốt cuộc đều giành phần thắng.
Trong 5 năm qua, báo Người Cao tuổi đã phanh phui trên 1.500 vụ việc tham nhũng. Báo phản ánh tiêu cực tham nhũng từ cấp xã phường, đến cấp Trung ương.
Điển hình như loạt bài Công ty Xây dựng Bến tre, “Một vụ án vắt ngang hai thế kỷ”, giúp cho hàng trăm công nhân được minh oan và đòi lại quyền lợi, những kẻ tham nhũng phải trả giá.
Gần đây nhất là loạt bài “Chủ tịch tỉnh Hà Giang coi thường pháp luật” làm chấn động dư luận xã hội.
Tôi thấy nếu để chủ quản của mình vừa lòng thì phải tròn trịa, khuôn lại thôi. Thế là tôi viết đơn xin từ chức. Trước đó chưa có TBT nào từ chức như tôi .
Năm 2008, khi nhận chức Tổng biên tập báo Người Cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mời đến nhà riêng tâm sự: bây giờ khoảng 80% vụ kiện liên quan đến đất đai, nhiều nơi dân bị thu hồi đất trắng trợn, đền bù với giá một mét vuông chỉ bằng một bát phở. 70% dân số nước ta là nông dân, đó là một nỗi đau. Báo Người Cao tuổi phải quán triệt nội dung này.
Từ đó, Kim Quốc Hoa chỉ đạo PV đi sâu đề tài về sai phạm đất đai. Báo Người Cao tuổi đã đăng hơn 1.200 vụ việc liên quan đến đất đai, vạch trần những quyết định thu hồi đất trái pháp luật, đền bù rẻ mạt, cưỡng chế vô lối… 1.200 vụ việc đều đảm bảo thông tin chính xác, khiến cho không ít cán bộ trung, cao cấp bị kỷ luật, một số vụ khởi tố…
Nhưng để có từng ấy bài báo chống tham nhũng tiêu cực, Kim Quốc Hoa đã phải đối diện với hàng chục vụ kiện ra toà, không ít tổ chức cá nhân làm đơn đòi “xử lý” TBT báo Người Cao tuổi, rồi tin nhắn dọa giết, thư nặc danh, điện thoại khủng bố đủ cả.
Đã dấn thân vào cuộc đấu này thì phải chấp nhận bầm dập thương tích, nhưng thật lạ, ở tuổi gần thất thập cần nghỉ ngơi thì lão tướng Kim Quốc Hoa vẫn xung trận vào chốn mũi tên hòn đạn.
Kỷ lục: làm quản lý 6 tờ báo
Trong chuyến bay sang Thái Lan cách đây vài năm, tôi tình cờ ngồi cạnh ông. Trò chuyện mới hay ông tên thật là Nguyễn Quốc Hoa từng tình nguyện đi miền núi xây dựng kinh tế mới, làm công nhân nông trường Quốc doanh Hữu Lũng- Lạng Sơn và phải lòng cô y tá xinh đẹp Đỗ Kim Hoa.
Chuyện tình ngắn ngủi, khi Quốc Hoa vào bộ đội thì cô gái nông trường cưới một người thợ lái máy cày. Nhưng chàng trai có tâm hồn lãng mạn đã làm nhiều thơ tặng cô gái với bút danh Kim Quốc Hoa (ghép tên hai người). Cũng từ đó, Kim Quốc Hoa trở thành họ tên thường dùng…
Tôi ngạc nhiên khi hay người có cái tên Kim Quốc Hoa đã trải qua cuộc đời làm báo đầy thăng trầm và chắc vẫn đang giữ kỷ lục: làm quản lý 6 cơ quan báo chí – ở Việt Nam chắc có một không hai.
Từ một chiến sỹ chống Mỹ trên đường Trường Sơn, Kim Quốc Hoa làm thơ đoạt giải 3 cuộc thi “Bộ đội hậu cần hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”.
Nhờ thế, Quốc Hoa trở thành phóng viên rồi sau đó được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập phụ trách tờ Chiến sỹ Hậu cần.
Năm 1990, tờ báo Tuổi trẻ Thủ Đô đang khủng hoảng, nợ nần chồng chất. Thành đoàn Hà Nội xin ý kiến ông Phạm Thế Duyệt- Bí thư Thành ủy mời trung tá Kim Quốc Hoa về làm TBT nhưng giấu nhẹm, không cho biết tình trạng của báo.
Trung tá Kim Quốc Hoa đã nhanh chóng thích nghi với việc làm báo thị trường, chỉ trong một thời gian ngắn đưa số lượng phát hành từ 1.200 bản/kỳ lên 6.000 bản rồi 2 vạn bản mỗi kỳ.
Tòa soạn trả hết nợ, ăn nên làm ra và còn xin được dự án xây trụ sở mới ở 19 Lý Thường Kiệt. Đúng lúc đó thì ông lại ra đi. Nhà báo Kim Quốc Hoa 
kể tiếp:
“Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm vốn là bạn học phổ thông vừa thôi làm Bí thư Trung ương Đoàn được Bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội đã mời tôi về giúp bộ thành lập tờ báo ngành. Lời đề nghị làm tôi bối rối vì Thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm lúc ấy cũng mời tôi đến nhà riêng ngỏ ý muốn tôi về thành lập báo Ngân hàng. Nể bạn tôi về làm Phó TBT phụ trách báo Lao Động Xã hội, từ không đến có, lượng phát hành đã lên 2-3 vạn.
Lúc đó, Bộ Xây dựng muốn xuất bản tờ báo ngành, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc đã 4 lần gặp tôi để chiêu mộ. Nể quá, tôi nhận lời mời làm giúp Bộ Xây dựng một đề án ra báo. Đề án này được Bộ thông qua và nêu rõ: Ai là tác giả đề án thì mời người đó về làm TBT. Tháng 8 năm 1997, tôi về làm TBT báo Xây dựng, trụ sở ban đầu là ga-ra ô tô cũ”.
Sau khi về hưu, Kim Quốc Hoa lại sáng lập và làm TBT tờ Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài và làm TBT hai năm trước khi Hội người Cao tuổi mời về làm TBT báo Người cao tuổi đang trong thời gian khó.
Nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn, ông “lột xác” tờ báo, tăng trang, tăng kỳ, tăng lượng phát hành.
Từng quản lý 6 cơ quan báo chí, ở tờ nào Kim Quốc Hoa cũng dấn thân chống tiêu cực tham nhũng, như một phẩm chất đã thành “thương hiệu”.
Ngay cả khi biết tiêu cực trong quân đội là “vùng cấm”, Kim Quốc Hoa vẫn viết loạt bài phản ánh về cán bộ tham ô tiêu chuẩn chiến sỹ, những tiêu cực trong quản lý, phân phối nhà ở khu tập thể Nam Đồng, đụng chạm đến 6-7 vị tướng. Chống tiêu cực nên cũng bị “ăn đòn” nhiều trận cho đến giờ ông vẫn nhớ:
“Có bà giám đốc (vợ cán bộ cao cấp) tuyên bố bỏ tù Kim Quốc Hoa, nhưng tôi không bị tù mà bà bị mất chức. Có lần về nhà vợ đưa mảnh giấy kẻ nào viết dọa sẽ ném mìn vào nhà. Ở báo Tuổi trẻ Thủ đô tôi bị hai bà giám đốc khách sạn Thống Nhất và Khăn quàng đỏ kiện cho “lên bờ xuống ruộng”.
Ông Phạm Thế Duyệt- Bí thư Thành ủy Hà Nội khuyên tôi nên thận trọng vì là chỗ “nhạy cảm”.
Ở báo Lao động Xã hội, tôi phản ánh ông Cục trưởng Ngoại giao đoàn có tiêu cực, vợ ông ta đến cửa phòng Bộ trưởng Trần Đình Hoan “ăn vạ”.
Ở báo Xây dựng, tôi đụng đến một quan chức sai phạm, Bộ trưởng gọi lên chỉnh: “Sao không hỏi ý kiến tôi, người ta đang kiện đây này, đừng để ảnh hưởng đến quan hệ của bộ”. Tôi thấy nếu để chủ quản của mình vừa lòng thì phải tròn trịa, khuôn lại thôi. Thế là tôi viết đơn xin từ chức. Trước đó chưa có TBT nào từ chức như tôi”.
“Báo Người Cao tuổi đánh tiêu cực nhiều, nhưng chưa có tờ báo nào lại nhiều bài về các điển hình tiên tiến như báo tôi, TBT Kim Quốc Hoa lấy ngay dẫn chứng: Trong năm 2011 báo có 700 gương người tốt việc tốt (mỗi số báo có 5 gương người tốt), chỉ có 327 bài chống tiêu cực. Đặc biệt là báo của giới cây cao bóng cả, nên tôi không bao giờ cho đăng những tin cướp giết hiếp theo kiểu lá cải”.
Ngồi với ông ở phòng TBT và điện thoại lên tục đổ chuông, kiện tụng, phản ảnh, xin xỏ, đe dọa, mềm dẻo mua chuộc… Đủ mọi hỷ nổ ái ố. Và trên bàn làm việc hàng loạt hồ sơ của những vụ việc tiêu cực đang chờ xử lý.
Cứ nhẹ như không, Kim Quốc Hoa lại xắn tay vào xử lý để ngày mai, báo lại có cả gương người tốt lẫn bài chống tiêu cực.
Người đọc sẽ lại thấy bài viết ký tên Vũ Phong của ông với hàm ý: Sẵn sàng đương đầu trước phong ba bão tố, chấp nhận rủi ro. Không mệt mỏi, lão tưỡng lại xung trận.
Ông Kim Quốc Hoa sinh năm 1945 tại huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Ông từng làm phóng viên tờ “Chiến sĩ hậu cần” năm 1971.
Năm 1990, ông Hoa được bổ nhiệm làm Tổng biên tập báo Tuổi trẻ thủ đô, sau đó làm Tổng biên tập các báo Lao động Xã hội, Xây dựng… Năm 2007, ông làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi.
Sáng 9/2, bà Đỗ Thị Tình, Phó chánh Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông đã công bố quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa do “vi phạm các quy định về thông tin trên báo chí gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bà Tình cũng công bố quyết định thu hồi giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cấp cho báo Người cao tuổi vào ngày 3/12/2010
 Kim Quốc Hoa là con người như thế nào?
VNTB: Sau khi TBT báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa bị cách chức, thu thẻ nhà báo và còn phải đối mặt với nguy cơ lao lý trước Bộ công an, vẫn có một luồng nhỏ dư luận cho rằng "khởi tố báo Người cao tuổi là đúng".

Nhưng hiện tượng được nhận ra quá rõ ở Người cao tuổi là chỉ trong 7 năm, tờ báo tưởng như già nua này đã lôi ra ánh sáng đến 2.500 vụ tiêu cực từ cấp làng xã đến tận trung ương. Trong khi đó, tuyệt đại đa số trong hơn 800 tờ báo nhà nước đã giữ thái độ nín tiếng hoặc tuyệt đối vô cảm. 

Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về tư cách ông Kim Quốc Hoa, VNTB xin đăng lại một bài viết về ông và báo Người cao tuổi trên báo Pháp luật VN vào tháng 4/2014, tức thời điểm mà báo Người cao tuổi đang phanh phui tài sản "nổi" của hàng loạt "cá mập" như Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh - Thanh tra chính phủ.

Nếu Kim Quốc Hoa bị ghép vào "hành vi xâm phạm an ninh quốc gia" và hơn nữa phải vào trại giam, đã đến lúc các nhà nước và tổ chức quốc tế cần quan tâm đặc biệt đến nhà báo dũng cảm với tuổi đời thất thập cổ lai hy này.


Nhà báo Kim Quốc Hoa kể chuyện chống tiêu cực

Lần lượt những loạt bài điều tra công phu được tờ báo này “cho ra lò” đã gây chấn động dư luận như vụ Công ty Xây dựng Bến Tre, thu hồi đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng (3 năm rưỡi, ông Hoa kiên trì điều tra và đấu tranh), vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo...

Nhà báo Kim Quốc Hoa

Tổng biên tập Kim Quốc Hoa tiếp chúng tôi tại trụ sở Báo Người cao tuổi, số 12 Lê Hồng Phong trong bộ quần áo kaki thời cổ trông vừa sang trọng vừa giản dị. Ở tuổi "Thất thập cổ lai hy", tóc ông bạc trắng nhưng tinh thần thép và nhiệt huyết trong ông vẫn khiến người khác phải kinh ngạc.

Sức nặng của Báo Người cao tuổi

19 năm trước, tờ báo Người cao tuổi ra đời chỉ với vài dòng tôn chỉ mục đích là: Tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về người cao tuổi, bảo đảm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đến năm 2001, giấy phép hoạt động báo chí cấp lại cho cũng vẫn vẻn vẹn có ba dòng chữ trên. Nhưng bây giờ thì ngoài việc nêu những gương sáng tiêu biểu, người tốt - việc tốt thì tờ báo này còn có riêng hai trang báo chuyên phanh phui tiêu cực, tham nhũng. 

Qua khoảng thời gian không được gọi là lâu (gần 7 năm), đến nay các bài điều tra sắc sảo trên các trang báo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, đã khiến những kẻ bị vạch mặt tiêu cực phải tâm phục, khẩu phục. Thành tựu này làm không ít người tò mò đặt câu hỏi: “Tại sao Báo Người cao tuổi lại có sức mạnh khủng khiếp đến thế?”.


Lễ ra mắt báo Người cao tuổi.

Ông Kim Quốc Hoa giải thích: “Trước đây, làm gì có chuyện Báo Người cao tuổi được tuyên truyền sâu về xã hội, pháp luật, chống tiêu cực, chống tham nhũng. Nhưng khi nhận đứng đầu tờ báo này, tôi thấy đây là một tờ báo của tổ chức đoàn thể trung ương bao gồm những người đã có cống hiến, đã trải qua các cuộc kháng chiến, các thời kì cách mạng, bao gồm những cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... - họ chính là những người cao tuổi. Đội ngũ ấy rất có tâm huyết với Đất nước. Mặc dù đã nghỉ hưu rồi nhưng họ vẫn còn nguyên trách nhiệm công dân đối với vận mệnh của Tổ quốc. 

Bởi vậy những con người này cần phải được tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, kể cả là làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận Tổ quốc, khuyến học khuyến tài, tham gia xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, tức là những người tốt phải được quyền tham gia vào công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, quan liêu”.

Nghĩ là làm, tháng 4/2007, sau đúng 1 tháng nhậm chức Tổng biên tập, ông Hoa lập ngay đề án “Đổi mới và phát triển Báo Người cao tuổi”. Đề án đã được lãnh đạo Trung ương Hội thông qua tại cuộc họp Thường vụ ở TP.Vũng Tàu. Danh sách họp có 17/18 người thì 17 người nhất trí (100%).

“Trong đề án, tôi đề cập đến rất nhiều nội dung nhưng trọng tâm là thay đổi măng-séc của tờ báo. Măng-séc báo ngày trước là Cơ quan Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, giờ tôi xin đề thêm dòng chữ “Tiếng nói của người cao tuổi cả nước””, ông Hoa chia sẻ.

Theo lời ông, điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi đất nước ta có ngót chục triệu người cao tuổi và họ có quyền phát huy dân chủ, phải có tiếng nói trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông cười hiền: “Chỉ thế thôi, rồi từ chỗ đó mà bổ sung tôn chỉ mục đích của tờ báo là có thêm nội dung chống tham nhũng, chống quan liêu”.

Ý tưởng của ông Hoa đã được tập thể đánh giá rất cao. Ban đầu, ai nghe đến “chống tham nhũng, chống quan liêu” cũng đều khen đề án hay và tỏ ra thích thú, kêu gọi: “Phải chống! Phải chống!”. Nhưng sau đó lại có không ít người bày tỏ nghi ngờ: “Nói thì nói vậy thôi, chứ cao tuổi rồi thì sức đâu mà chống!”.

Về phía ông Hoa, sau khi Báo Người cao tuổi được cấp phép hoạt động báo chí mới (có bao gồm chức năng chống tiêu cực) thì ông tuyệt nhiên không nói gì nữa mà chỉ lẳng lặng hành động. Lần lượt những loạt bài điều tra công phu được tờ báo này “cho ra lò” đã gây chấn động dư luận như vụ Công ty Xây dựng Bến Tre, thu hồi đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng (3 năm rưỡi, ông Hoa kiên trì điều tra và đấu tranh), vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, người phụ nữ từng được xem là rất giàu có và “đức độ” ở Việt Nam nhưng lại bị bãi nhiễm tư cách Đại biểu Quốc hội (cuộc chiến này “ngốn” của ông Hoa 10 tháng trời ròng rã với hơn 30 kì báo xuất bản).

Hay như vụ việc 8 ông hiệu trưởng thuộc 8 trường đại học ở khu vực Hà Nội dính líu đến tiêu cực trong đào tạo cũng bị ông Hoa “chỉ đúng mặt, gọi đúng tên” khiến ông nào ông nấy vã mồ hôi, có người khẩn khoản xin gặp ông Hoa để “thanh minh nhiều vụ”. Sự việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ông theo suốt 15 tháng. Ông chỉ cho tôi xem cả tập thư khủng bố nặc danh dày cộp được gửi đến tận nhà và cơ quan để đe dọa vợ, con trai và con dâu của ông. Ông nói về trò “ném đá giấu tay” này: “Đau lắm! Nhưng không làm tôi nhụt chí được”. Quả nhiên khi vụ này kết thúc, ông vẫn đại thắng như nhiều vụ trước...

Nhìn chiếc ghế xoay có bản tựa rộng, đệm bọc da đen mà ông Kim Quốc Hoa đang ngồi, suy nghĩ về cuộc chiến chống tiêu cực trong thời bình của ông, tôi bỗng dưng liên tưởng rằng đó quả thực là một “chiếc ghế nóng” bởi chỉ cần một sai sót thì ông chắc chắn sẽ “lãnh đủ” đòn thù. Mà đâu chỉ có cái ghế mới “nóng”, trong căn phòng làm việc nhỏ nhắn của ông, dường như vật dụng nào cũng “nóng”: Điện thoại “nóng” vì suốt ngày reo chuông, giấy tờ “nóng” vì cường độ gửi đi - giao đến, bút “nóng” vì kí các văn bản, phong thư “nóng” để chứa số lượng đồ sộ các công văn...

Duy chỉ có tách trà của ông ban đầu nóng, bốc hơi nghi ngút, vậy mà lúc này đã nguội lạnh bởi với ông bây giờ, việc nhâm nhi trà là rất khó khi hai tay ông đang cầm hai cái điện thoại, trả lời đầu dây này xong lại phải tiếp lời đầu dây kia...

Kết thúc hai cuộc điện thoại, ông quay ra cười ròn rã và nói với tôi: “Thắng rồi, thế là lại thắng rồi!”. Nói đoạn, ông uống một hơi cạn tách trà nguội. Như vui vẻ hơn gấp nhiều lần, ông quay lại cuộc trò chuyện với tôi và đưa ra nhiều dẫn chứng, tư liệu minh họa sinh động, cụ thể hơn lúc trước.

“Chống tiêu cực nghiệt ngã, căng thẳng lắm”

Tòa soạn Báo Người cao tuổi chỉ có khoảng 40 người. Yêu cầu mà Tổng Biên tập đặt ra là họ phải có năng lực chuyên môn tốt và phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức rất khắt khe trong khi tác nghiệp. Ông tâm sự: “Mấy năm qua tôi lần lượt phát hiện ra bốn phóng viên có dấu hiệu vi phạm đạo đức, một ở TP.Hồ Chí Minh, một ở Nha Trang và hai người tại Hà Nội. Tôi lập tức cho nghỉ ngay”.

Đối với ông Hoa, để biết phóng viên của mình có trung thực hay không, chỉ cần qua một vài phép thử là ông rõ ngay. Tuyệt đối ông không cho phép phóng viên của mình thiếu đức tính trung thực, ngay thẳng. Đứng ở vị trí Tổng biên tập nhưng ông vừa chỉ đạo, vừa lăn xả đi làm báo, viết báo không biết mệt mỏi. Ông trực tiếp viết hàng loạt bài điều tra, bình luận. “Nhìn thấy Tổng biên tập của mình như vậy, các phóng viên của tôi không có lí do gì mà không nỗ lực, cố gắng”, ông nói.

Nói về tờ báo mà mình đang phụ trách, ông Hoa cho hay từ khi ông về đảm trách, Báo Người cao tuổi đã tăng từ 12 trang lên 16 trang/kì, chưa kể các số cuối tuần, chuyên đề, tăng từ 1 kì/tuần lên 4 kì/tuần. So với trước đây thì tờ báo đã thực sự thay da đổi thịt. Theo thống kê, kể từ khi có thêm chức năng chống tiêu cực, tờ báo này đã vạch trần gần 2.500 vụ tiêu cực, tham nhũng lớn nhỏ từ cấp địa phương đến cấp trung ương mà chưa có vụ nào phạm sai lầm. 

Con số đó phần nào đã thể hiện một bản lĩnh đậm chất người lính trên mặt trận Trường Sơn ngay giữa thời bình. Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Hoa luôn xác định mỗi “cuộc chiến” là một thử thách cam go nên mỗi lần “xung trận”, ông đều lên kế hoạch tác nghiệp cụ thể và hành động rất cẩn trọng.

Bằng khen của nhà báo Kim Quốc Hoa treo kín tường.

Ông kể lại kỉ niệm đáng nhớ của mình liên quan đến việc chống tiêu cực ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội: “Tôi liên tục bị nhắc nhở, bị yêu cầu phải họp riêng với bên liên quan để giải quyết vụ này. Người ta cũng bảo tôi phải cải chính theo yêu cầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bài viết yêu cầu cải chính dài 3950 từ, tôi cho đăng nguyên văn, không thiếu một chữ trên 3 kì báo. Nội dung nói Báo Người cao tuổi bịa đặt, vu khống, Báo Người cao tuổi sai lầm... Sau đó tôi lập tức bày binh bố trận giống như trận chiến Điện Biên Phủ, tạm thời kéo pháo ra, hãy đợi đấy rồi tôi sẽ lại dồn lực, điều quân kéo pháo lên đỉnh núi “giã đại bác”. Sau bài viết họ yêu cầu đăng tải, tôi liên tiếp đăng gần 30 loạt bài về những sai phạm nghiêm trọng của trường này khiến họ không kịp trở tay, không chối cãi vào đâu được...”.

Hay như trong “cuộc chiến” với bà Đặng Thị Hoàng Yến, thời gian đó người ta ca ngợi nhiều về việc bà làm từ thiện, có những dự án làm giàu cho đất nước rồi kết tội ông Hoa và tờ báo của ông đã đưa thông tin sai lệch về bà nghị sĩ này. Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi bà Yến đâm đơn kiện ông Hoa ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình về hai vụ án, một là án kinh tế, một là án hình sự.

Đơn kiện ghi rõ: Kiện ông Kim Quốc Hoa vì những loạt bài của ông mà làm cho sàn giao dịch chứng khoán sụt giảm, trong vòng 1 tháng Tập đoàn của bà Yến mất 3.280 tỉ đồng, yêu cầu Báo Người cao tuổi phải bồi thường; kiện ông Hoa vu khống bà Yến, bôi nhọ danh dự, xúc phạm Đại biểu Quốc hội. Nhắc lại chuyện cũ, ông Hoa bồi hồi: “Nhiều người cùng nghề báo, nhiều đồng nghiệp xì xào to nhỏ với nhau rằng lần này thì ông Hoa chết rồi”. Lúc đó còn đúng hơn một tuần nữa là đến Tết âm lịch của năm Nhâm Thìn (2012).

Vậy ông Hoa đã đối mặt với tình huống này như thế nào? Ông kể: “24 Tết, tôi triệu tập một cuộc họp anh em trong tòa soạn. Sau khi mọi người đã nhận lương, thưởng, thi đua đầy đủ, tôi quyết định thưởng thêm cho mỗi người 1 triệu đồng và tuyên bố tất cả cứ bình tĩnh mà ăn tết vui vẻ. Những ngày sau, tôi vẫn cùng gia đình quây quần bên nhau đón một cái tết đầm ấm như mọi năm”.

Ra tết, ông Hoa xử trí hết sức bình tĩnh và khôn khéo. Ông cử người đại diện ra làm việc với Tòa án nhân dân quận Ba Đình, đề nghị tòa xử vụ án kinh tế trước. Báo Người cao tuổi sẵn sàng hầu tòa và sẵn sàng bồi thường nếu Báo đăng sai, với điều kiện Tập đoàn Tân Tạo của bà Yến hãy nộp án phí theo đúng quy định pháp luật là (từ 1 đến 5%), tức là từ 32 tỉ đến 164 tỉ đồng. Dường như vì không đáp ứng được thủ tục này và cảm thấy kiện như thế là “không ăn” nên đến tháng 3/2012 thì đơn kiện vụ án kinh tế này đã được nguyên đơn rút lại.

Còn vụ án hình sự, ông Hoa biết sẽ khó khăn vất vả hơn nhiều, không cẩn thận thì dễ gặp nguy hiểm. Luật sư của bà Yến đến tòa soạn dọa ông Hoa: “Cho bay cái ghế Tổng Biên tập!”. Tháng 4, ông lặn lội vào miền Nam, trực tiếp cùng một phóng viên nữa lọ mọ đi tìm bằng chứng chứng minh bà Yến đã không trung thực trong khai lí lịch khiến cử tri và tổ chức không hiểu đúng về nhân thân của bà. 

Đến lúc ông hoàn tất công tác xác minh và đem công khai tuyên bố sự việc thì bà Yến bị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội. Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều báo, nhưng riêng báo ông thì không nói gì thêm nữa. Bà Đặng Thị Hoàng Yến đến nay đã bỏ sang Mỹ được gần 2 năm không thấy về nước. Nhìn lại cuộc chiến này, ông Hoa tâm sự: “Đấy, tất cả những điều đó nó có một thách thức nghiệt ngã, luôn luôn căng thẳng lắm!”.

“Chống tiêu cực thì phải bị người ta ghét”
Từng làm lãnh đạo và chủ tài khoản của 6 tờ báo khác nhau, từng vực dậy những tờ báo đang trong thời kì khủng hoảng khó khăn thành những tờ báo có số lượng phát hành lớn, được đông đảo công chúng đón nhận nồng nhiệt, chắc hẳn ông Kim Quốc Hoa phải có những bí quyết riêng? Ông vui vẻ chia sẻ: “Có lẽ đó là cách lựa chọn sự việc có tính quyết đoán, lựa chọn phóng viên tuyệt đối trung thành, tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, không được phép ăn tiền, tham lam, giao nhiệm vụ đúng người đúng việc... Và đã đấu tranh vụ nào thì phải theo đuổi đến cùng, đừng hời hợt, tôi cần những người biết hành động và dũng cảm”.

Lớp phóng viên trẻ của Báo Người cao tuổi hiện đang được ông rèn luyện, đào tạo để trở thành những nhà báo chân chính trong tương lai, nối dài hơn con đường ông đã chọn. Mỗi một ngày, tòa soạn Người cao tuổi nhận được ít thì 7 hồ sơ, nhiều thì 20 hồ sơ, đơn tố cáo, khiếu nại, chưa kể có hôm có cả trăm đơn thư cùng lúc gửi về. 

Ông Hoa và Báo Người cao tuổi tất nhiên không có đủ nhân lực và thời gian để cùng lúc giải quyết tất cả số hồ sơ, đơn thư ấy. Đổi lại, họ luôn bỏ công sức chọn lọc kĩ lưỡng để tìm ra người và việc đáng được ưu tiên làm trước. Và khi đã “lâm trận”, quan điểm của ông là phải chuẩn bị thật tốt để “Trăm trận ra quân, trăm trận phải thắng”. Phải thắng, bởi chiến thắng trong cuộc chiến chống tiêu cực chính là sự trả giá của những kẻ sai phạm, là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe cho nhiều kẻ khác tương tự biết sợ, biết sai mà sửa.

Trong cuộc sống, nếu được lựa chọn, có lẽ ai cũng sẽ muốn được yêu quý hơn là bị thù hằn. Nhưng đối với ông Kim Quốc Hoa, dường như khái niệm yêu - ghét thật khó mà phân biệt rạch ròi. Tôi hỏi không hiểu có bao giờ ông thấy buồn vì điều đó? Ông trả lời: “Cô nói đúng nhưng tôi chấp nhận vì chống tham nhũng, chống tiêu cực mà không có kẻ thù, không có người ghét anh, tức là anh không chống”.

Nói đến đây, ông bỗng trầm ngâm một hồi rồi tâm sự: “Tôi không sợ nguy hiểm, không sợ khó khăn đe dọa nhưng tôi sợ nhất là đồng nghiệp đã không phối hợp với tôi cùng chống tiêu cực mà còn đi gặp đương sự, gặp ông hiệu trưởng, gặp bà chủ tịch này, cô giám đốc nọ, Tổng Giám đốc kia... để xui họ làm đơn kiện tôi, hoặc là nhận quà của họ để viết bài ngược lại... Buồn lắm!”.

Một ngày hoạt động của ông Hoa kéo dài không dưới 15 tiếng, có những hôm lên đến 16 tiếng đồng hồ. Ông kể về thời gian biểu của mình: Sáng 3h dậy, cũng có hôm sớm hơn, làm việc từ 3h đến 5h15, sau đó đi tập thể dục đến 6h15 thì về nhà rửa mặt, ăn sáng. 7h kém 15 lên xe. Đến cơ quan là đúng 7h. Từ lúc đó trở đi, ông lại làm việc đến 7-8h tối mới về nhà xem thời sự, ăn uống, nghỉ ngơi cùng gia đình. Đúng 10h tối, ông đi ngủ. Ngày nào cũng đều đặn và đúng lịch trình như vậy.

Buổi trưa thường là lúc ông không bận vì không có điện thoại gọi đến và không phải tiếp khách. Tận dụng khoảng thời gian này, ông lại bật đèn ngồi bên bàn làm việc để duyệt bài và soạn thảo công văn. Cả tuần, bất kể là thứ bảy, chủ nhật hay là ngày bình thường, ngày nào ông cũng ngồi làm việc đều đặn trên “chiếc ghế nóng” và những “đơn thư nóng” đang đợi ông xử lí.

Cuối buổi trò chuyện, tôi bày tỏ lo ngại rằng liệu một mai khi sức khỏe của ông yếu đi, ai có thể thay ông làm tốt được công việc này nữa? Ông đăm chiêu nghĩ ngợi rồi lại cười nói: “Tôi tin là trong chúng ta có rất nhiều người giỏi, họ sẽ làm được và thậm chí họ sẽ còn làm tốt hơn tôi. Còn với tôi, khi còn có thể thì tôi sẽ vẫn cố gắng tiếp tục làm hết sức mình”.

(Theo Thu Hương - Anh Thư - PLO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét