Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Làm sao cải tiến giáo dục?

giaoduc_vietnam02
Tương lai kinh tế một quốc gia tùy thuộc vào nền giáo dục hiện tại. Một cuộc nghiên cứu của Ðại Học Oxford, Anh quốc, cho biết “47% các công việc hiện đang làm bây giờ sẽ biến mất trong tương lai, vì sẽ được làm bằng máy tự động.” Bộ Lao Ðộng chính phủ liên bang cũng cho dân Mỹ biết rằng “65% học sinh đang ở bậc tiểu học bây giờ, khi lớn lên sẽ làm những 'công việc mới' hiện nay chưa có ai làm cả.”
Thế giới đang thay đổi rất nhanh. Nhiều công ty lớn nhất thế giới bây giờ, trước đây 10 năm, 20 năm chưa ra đời. Không những thế, trước đây 10 năm chưa ai nghĩ ra được những công việc mà các công ty như Apple, FaceBook, Google hay Ali Baba đang làm, chưa ai tưởng tượng được những sản phẩm, dịch vụ mà họ đang “bán” cho người tiêu thụ. Tạp chí Fortune thường lập danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới. Trước đây, một công ty lọt vào bảng vàng này sẽ giữ được chỗ trong đó trung bình 75 năm; bây giờ thì khoảng 15 năm là rớt ra ngoài, bị “bọn trẻ” thay thế. Trong số 500 công ty được ghi nhận năm 1955, giờ chỉ còn hơn 50 sống sót, số còn lại đã biến mất hoặc tụt xuống, ra ngoài bảng vàng. Những công ty sống sót đều dựa vào khả năng thích ứng, sáng tạo không bao giờ ngưng.
Các nước Anh, Mỹ đã tiến bộ khá nhiều, mà người ta còn lo lắng phải chuẩn bị cho học sinh bây giờ thích ứng được với đời sống kinh tế trong tương lai. Nước Việt Nam mình còn đi chậm hơn nhiều, nếu trong tương lai dân mình tiến được bằng người ta thì có lẽ số “công việc mới” sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn 65%.
Muốn tiến bộ thì phải phải tiên liệu và cải tổ nền giáo dục, đón trước tương lai. Thử tưởng tượng, nếu 20 năm nữa mà người Việt Nam vẫn cứ làm những công việc như bây giờ mình đang làm, từ anh nông dân tự kéo cày đến cảnh vá lốp xe đạp bên đường, thì nước mình còn lệt bệt sau chân thiên hạ đến thế nào?
Cho nên, phải cải thiện giáo dục. Ðó là mối lo của cả nước.
Nền giáo dục nước ta cần rất nhiều cố gắng tập thể của tư nhân, chứ không thể chỉ trông cậy vào guồng máy chính quyền. Ở trong nước có nhiều nỗ lực tư giúp cho việc học và dạy dỗ tốt hơn. Nhóm Cánh Buồm là một thí dụ. Nhóm do Giáo Sư Phạm Toàn sáng lập, trưởng nhóm là nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Hải. Vào trang chủ của nhóm Cánh Buồm chúng ta thấy rất nhiều cống hiến cụ thể mong giúp cho việc dậy trẻ hiệu quả hơn, có ích lợi hơn. Họ viết: “Nhóm Cánh Buồm tự giao nhiệm vụ... in sách mỗi năm. Sách in ra phần lớn dùng làm quà cho các nhà nghiên cứu hoặc các vị muốn dùng để dạy con em hoặc muốn nâng cao chất lượng công việc nhà giáo tiểu học.” Một công việc đã làm là “làm một cái mẫu tổ chức việc học từ bậc tiểu học những môn học khó nhất, đó là: Tiếng Việt, Văn, Lối Sống,” và đã “cho ra mắt sách Lịch sử bậc tiểu học.” Nhóm Cánh Buồm được nhiều vị có uy tín hỗ trợ, trong đó có các giáo sư Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân, các nhà văn Chu Hảo và Nguyên Ngọc, và rất nhiều vị khác.”
Những cố gắng tư nhân, hoàn toàn vô vị lợi như trên rất đáng kính trọng và đáng hỗ trợ. Giống như Hội Truyền Bá Quốc Ngữ trước năm 1945, hay Hội Khoa Học Kỹ Thuật ở miền Nam trước năm 1975. Ðó là những bằng chứng cho thấy người Việt Nam đã có truyền thống, lúc nào cũng sẵn sàng xây dựng một “xã hội công dân.” Xã hội công dân là môi trường những người thiện chí có thể làm bổn phận công dân và thi hành quyền công dân của mình, tập họp với nhau cùng giải quyết những vấn đề chung, trên căn bản tự do, tự nguyện.
Nhưng nhìn vào những cố gắng như của Nhóm Cánh Buồm, chúng ta thấy ngay một điều là xã hội công dân của mình còn rất nghèo, không đủ sức vực dậy nền giáo dục. Ở nước nào cũng vậy, chính quyền đóng vai trò quan trọng nhất, nếu không thì các quốc gia đã không thành lập những “bộ giáo dục.” Chính quyền thường đóng vai chính, vì đó là nơi có ngân sách lớn nhất, lại là nơi có quyền hành quyết định mà tư nhân không được phép.
Như trong câu hỏi “Phải cải thiện cái gì trong nền giáo dục?” Chính quyền được quyền việc sử dụng công quỹ do dân đóng góp; họ nắm quyền chọn ưu tiên nên chi tiêu vào các việc nào. Nên nuôi thêm nhiều công an hay nên tăng lương cho giáo chức? Làm thêm khu giải trí, sòng bài, hay xây thêm trường học? Giáo dục là một cuộc đầu tư tạo ra những “tài sản vô hình” (intangible assets), khác với các tài sản hữu hình như cầu, đường, máy móc, hệ thống điện, nước. Các quốc gia bây giờ có thể nhìn vào tấm gương của các công ty đã thành công. Với 500 công ty lớn nhất do Standard & Poor chọn, trước đây nửa thế kỷ họ đầu tư 80% vào các tài sản hữu hình, 20% vào các phát minh, sáng chế. Hiện nay, tỷ số đã đổi ngược; họ đổ tiền 80% vào các “tài sản vô hình,” chỉ còn 20% vào các thứ có thể nhìn thấy, đo đếm được.
Hiển nhiên, muốn kinh tế Việt Nam tiến bộ, chúng ta cũng phải đầu tư vào giáo dục nhiều hơn là bỏ tiền xây những “công trình” để nuôi một guồng máy tham nhũng. Vậy nền giáo dục nước ta cần “Cải thiện cái gì?”
Phải huấn luyện các thanh thiếu niên có khả năng giúp nước cạnh tranh cùng các nước trong vùng, trong 20, 30 năm tới. Giới trẻ cần học những kỹ năng căn bản để nước mình có thể bước vào thế kỷ 21. Các công ty quốc tế sẵn sàng đầu tư huấn luyện kỹ năng mới cho công nhân để họ sử dụng, chỉ cần thiết lập các trường chuyên môn đứng đắn là có thể thu hút vốn đầu tư của họ. Nhưng ngoài các kỹ năng, giới trẻ cần được đào tạo được tinh thần cầu tiến.
Các nước tiên tiến ở Châu Âu, Châu Mỹ đã vươn lên được trong mấy thế kỷ qua nhờ nuôi dưỡng được tinh thần tìm tòi, sáng tạo. Hiện nay các nước này mỗi năm dùng 250 tỷ Mỹ kim chỉ dành cho công việc nghiên cứu (R&D). Nếu muốn cạnh tranh với các nước chung quanh, thanh niên Việt Nam cần phải rèn luyện được tinh thần tìm tòi, sáng tạo, vượt ra ngoài khuôn khổ những thói quen suy nghĩ cũ. Các nước Á Ðông như Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, Singapore, Malaysia cũng tiến bộ nhờ đầu tư vào “hạ tầng cơ sở mềm,” (soft infrastructure), nhắm xây dựng nền “kinh tế tri thức” của thế kỷ 21.
Nền giáo dục của họ cố tạo cho thanh niên một “phong hóa sáng tạo” (culture of creativity). Sinh viên, học sinh phải tập suy nghĩ theo tinh thần khoa học, học tập cách truyền đạt các hiểu biết, ý kiến của mình một cách hữu hiệu. Khi những tập quán trong phong hóa sáng tạo đã thấm vào đầu óc giới trẻ, họ lớn lên với tinh thần cầu tiến, nuôi khát vọng thể hiện những ý kiến mới của mình, luôn luôn muốn mình cao hơn, xa hơn.
Từ đầu, bài này đưa kinh tế ra làm chỉ tiêu, chuẩn mực để thúc đẩy cải thiện giáo dục. Nhưng đến kết luận thì chúng ta thấy vấn đề lớn nằm trong phạm vi tinh thần, trong văn hóa. Các nước Á Ðông phát triển kinh tế trong thời 1970-80 là nhờ họ đã phát động một cuộc phục hưng văn hóa. Nền giáo dục của họ đề cao các đạo lý truyền thống, đặt Tín Nghĩa lên hàng đầu. Trường học của họ thể hiện một triết lý dân chủ, tôn trọng khả năng của mỗi cá nhân, tạo cơ hội cho các khả năng đó được thể hiện tối đa. Triết lý này không thể chỉ phát huy trong riêng ngành giáo dục, phải được biểu hiện trong đời sống, phải thấm nhuần trong tinh thần của toàn thể xã hội. Muốn cải thiện giáo dục, cả xã hội phải tạo một “tinh thần thời đại mới,” như chữ Zeitgeist trong tiếng Ðức; hay một “Hồn tính mới” như chữ Ethos trong tiếng anh (gốc Hy Lạp, ἔθος). Khi giới trẻ hăng hái cầu học, tin tưởng rằng những người có khả năng và cố gắng nhất sẽ tiến thân nhanh nhất, nước ta sẽ có một Ethos mới, một Zeitgeist mới.
Khi nghĩ tới điều đó, sẽ nhận ra thiếu sót lớn nhất ở nước ta hiện nay. Tinh thần thanh niên uể oải, thờ ơ, không tin tưởng vào tương lai. Những người hăng hái nhất, năng nổ nhất, dễ bị thất vọng vì đụng tới đâu cũng gặp chướng ngại. Cứ nhìn vào tấm gương các bạn trẻ như Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha và các blogger đang bị tù. Một chính quyền cực kỳ bảo thủ, không dám tự thay đổi, không muốn thay đổi xã hội, từ kinh tế đến chính trị, thì không thể khuyến khích tinh thần cầu tiến trong giới thanh niên.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét